Khu vực Trung ĐôngBản đồ với các nước được coi là thuộc Trung Đông
Khu vực Trung Đông (hay còn gọi là khu vực Tây Á) bao gồm phần lớn các nước Arập (1), giữ một vị trí chiến lược cực kì quan trọng: có nguồn dầu mỏ hết sức phong phú (chiếm hơn 2/3 trữ lượng dầu toàn thế giới), lại nằm ở cửa ngõ của châu Á, châu Âu, châu Phi và với kênh đào Xuyê là đầu mối giao thông vận tải quan trọng nhất của toàn thế giới.
(1): Các nước không phải Arập: Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ixraen
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với sự sụp đổ của đế quốc Ôttôman, Anh và Pháp đã thay thế thống trị các nước vùng Trung Đông. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nước Mĩ với tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh của mình, đã tìm mọi cách xâm nhập, bành trướng và hất cẳng các thế lực Anh, Pháp ra khỏi khu vực chiến lược quan trọng này. Mâu thuẫn và tranh chấp giữa các thế lực Mĩ, Anh, Pháp, đặc biệt là những âm mưu của Mĩ, nhằm khống chế, thống trị khu vực này là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên cục diện luôn luôn không ổn định ở Trung Đông (chiến tranh, đảo chính, xung đột tôn giáo và sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ và biên giới…).
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc đã nổ ra mạnh mẽ ở khu vực Trung Đông. Năm 1946, dưới áp lực đấu tranh của nhân dân, Pháp đã buộc phải công nhận nền độc lập của Xiri, Libăng và rút quân đội khỏi hai nước này. Cuộc cách mạng của nhân dân Irắc ngày 14 – 7 – 1958 xoá bỏ chế độ quân chủ tồn tại lâu đời, lật đổ chính quyền độc tài thân đế quốc Nuri Xait và phá vỡ khối quân sự xâm lược Bátđa do các thế lực Anh, Mĩ lập ra ở Trung Đông. Cuộc cách mạng Iran ngày 11 – 2 – 1979 thủ tiêu chế độ quân chủ chuyên chế Palêvi và lật đổ nền thống trị thực dân kiểu mới của Mĩ ở Iran. Đó là những thắng lợi hết sức to lớn và có ảnh hưởng sâu rộng của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc khu vực Trung Đông.
Ở Palextin, việc Mĩ giúp đỡ cho bọn phục quốc Do Thái (hay còn gọi là bọn xiônit) lập ra Nhà nước Ixraen năm 1948, rồi sau đó chúng đã liên tiếp gây ra những cuộc chiến tranh quy mô lớn xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Palextin của người Arập, cao nguyên Gôlan của Xiri và miền Nam Libăng là nguồn gốc gây nên cuộc xung đột kéo dài và làm cho tình hình Trung Đông luôn luôn căng thẳng, không ổn định.
Suốt từ năm 1948 đến nay, nhân dân Arập Palextin đã kiên cường, bất khuất đứng dậy tiến hành cuộc kháng chiến chống Ixraen xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Tổ chức giải phóng Palextin (PLO), được sự giúp đỡ tích cực của các nước Arập anh em và các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới, phong trào kháng chiến Palextin, bằng những cuộc nổi dậy của nhân dân trong vùng lãnh thổ bị Ixraen chiếm đóng và những trận chiến đấu của các đơn vị vũ trang cách mạng chống lại bọn xâm lược Ixraen, đã ngày càng phát triển sâu rộng và ngày càng chiếm được địa vị cao trên trường quốc tế. Sau 40 năm đấu tranh kiên cường, tháng 11 – 1988, Nhà nước Palextin đã được thành lập do Yatxe Araphát, Chủ tịch PLO, làm Tổng thống. Một năm sau khi ra đời, đã có khoảng 100 quốc gia công nhận Nhà nước Palextin và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 43 đã quyết định kể từ ngày 15 – 12 – 1989, Nhà nước Palextin sẽ thay thế PLO là đại diện của nhân dân Palextin tại Liên Hợp Quốc.
Như thế sau hơn 40 năm, khu vực Trung Đông đã có nhiều biến đổi to lớn: Hầu hết các nước Trung Đông đều đã giành lại được độc lập dân tộc (trừ Palextin), nhờ dầu lửa mà nhiều nước trở nên trù phú về kinh tế, nhưng tình hình Trung Đông vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp, thể hiện rõ nhất là cuộc chiến tranh vùng vịnh Pecxich, đã tàn phá nặng nề và gây ra những hậu quả nghiêm trọng (1990 – 1991) và cuộc xung đột Palextin – Ixraen hiện nay.