CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Tư sản dân quyền
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ I_icon_minitimeTue Oct 12, 2010 11:59 am

phangxehana
lịch sử

Thành viên cấp 1

phangxehana

Thành viên cấp 1

Họ & tên Họ & tên : Nguyẽn Thị Én
Ngày tham gia Ngày tham gia : 11/10/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 32
Đến từ Đến từ : Nam Định
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : lịch sử
Điểm thành tích Điểm thành tích : 68
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ

 
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT.
I. Tổ chức bộ máy Nhà nước.
1. Chính quyền trung ương.
a. Nhà Ngô
Về triều đình Nhà Ngô, Đại Việt sử kí toàn thư chỉ viết: “ Mùa xuân vua bắt đầu xưng vương, lập Dương Thi làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”. Trong Lịch triều hiến chương loại chí (Quan chức chí), Phan Huy Chú viết: “ Tiền Ngô Vương dựng nước cũng đặt quan chức nhưng đời cách xa, sách vở thiếu sót, không thể biết được”
b. Triều đình Nhà Đinh
Đại Việt sử kí toàn thư ghi: Năm 968, “ Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đo mới, đắp thành, đào hào, xây dựng cung điện, đặt triều nghi”. Năm 971, “ bắt đầu quy định cấp bậc văn võ tăng đạo, cho Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sỹ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Châu Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng Chân uy nghi”. Năm 975, “ mùa xuân, quy định áo mũ của các quan văn võ”.
Lịch triều hiến chương loại chí ghi: Đinh Tiên Hoàng, năm Thái Bình thứ hai (971) bắt đầu định giai phẩm các quan văn võ, có các chức Đô hộ phủ sỹ sư, Tướng quân, Nha hiệu, như Lưu Cơ làm Đô hội phủ sỹ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Giang Cự Vong làm Nha hiệu. Lại định giai phẩm các tăng và các đạo sĩ, có các danh hiệu đại sư, tăng lục, đạo sĩ, sùng chân uy nghi, như tăng thống Ngô Chân Lưu thì cho hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm tăng lục, đạo sĩ Đặng Huyền Quang thì cho chức sùng chân uy nghi”. Theo chú giải của sử sách cổ, chức năng của từng chức quan như sau:
+ Định quốc công: Viên quan đầu triều, tương đương như tể tướng sau này
+ Đô hộ phủ sỹ sư: Trông coi việc hình án (xét xử) ở phủ đô hộ, tức là trong cả nước (Nhà Đinh dùng địa danh đô hộ phủ thời thuộc Đường)
+ Thập đạo tướng quân: Tướng chỉ huy mười đạo quân (quân đội cả nước, tức tổng tư lệnh quân đội)
+ Nha hiệu: Cũng là một chức quan to ở trong triều nhưng không rõ phụ trách công việc gì.
+ Tăng thống: Chức quan phong cho vị sư được triều đình coi là người đứng đầu phật giáo trong cả nước.
+ Tăng lục: Cũng là một chức quan trông coi phật giáo nhưng dưới chức Tăng thống và cũng do cao tăng đảm nhận.
Ngoài ra lác đác trong sổ sách còn thấy nói đến một số chức quan khác như: Chi hậu nội nhân (trông coi việc ở trong cung, tuần phòng nội phủ), Đô úy (võ quan nhưng không rõ có chức năng gì),….
=> Tuy tổ chức bộ máy ở triều đình nhà Đinh chỉ được phản ánh sơ lược, nhưng qua đó cũng cho thấy có hai ngạch quan văn và võ, đã có sự phân công rõ ràng ở các lĩnh vực chính trị, quân sự, luật pháp, tôn giáo…được hoàn thiện, phát triển hơn triều Ngô.
Sơ đồ chính quyền trung ương triều Đinh

Vua


Hệ thống quan văn võ Hệ thống Tăng quan – Đạo quan

Đứng đầu triều…………+ Định quốc công + Tăng thống…………..Đứng đầu tăng lữ Phật giáo
Thống lĩnh quân đội…+ Thập đạo tướng quân + Sùng chân uy nghi…Đứng đầu đạo sĩ Đạo giáo
Quản lý hình án……….+ Đô hộ phủ sỹ sư + Đại sư………………….Tăng
Võ quan………………..+ Đô úy + Tăng lục………………..Tăng
Coi việc trong cung…. + Chi hậu nội nhân + Đạo sĩ…………………..Đạo
Võ quan………………..+ Nha hiệu
c. Triều đình Tiền Lê
Đại Việt sử kí toàn thư cho biết năm 985, Đinh Tiên Hoàng lấy Từ Mục làm tổng quản trị quân dân sự, ban cho tước hầu, Phạm Cự Lượng làm thái úy”. Ngoài ra còn có một số chức quan khác. Năm 1006, vua Lê Long Đĩnh “ đổi lại quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo theo đúng như nhà Tống”
Lịch triều hiến chương loại chí cũng viết: “ Lê Đại Hành, năm đầu, đặt quan có các chức Thái sư, Thái úy, Tổng quản, Đô chỉ huy sứ, như Hồng Kính người Trung Quốc làm Thái sư, Phạm Cự Lượng làm Thái úy, Từ Mục làm Đại tổng quản trị quân dân, Đinh Thừa Chính làm Nha nội đô chỉ huy sứ”. Đến năm thứ 13 (1006), Khai Minh Vương (Long Đĩnh) cướp ngôi, “ sửa đổi quan chế văn võ, tăng đạo đều theo như nhà Tống cả”
Chức năng của từng chức quan cụ thể như sau:
+ Đại tổng quản trị quân dân sự: Tổng quản là tên chức quan nhà Đường, chuyên trách về quân sự. Lê Đại Hành phỏng theo nhà Đường, đặt chức quan này và cho kiêm giữ cả dân sự. Đại tổng quản trị quân dân sự là viên quan đầu triều, tương đương với tể tướng sau này.
+ Thái sư: Tên chức quan đã có từ lâu ở Trung Quốc. Thái sư là quan văn, thuộc loại quan đại thần trong triều, có chức năng cố vấn cao cấp cho vua.
+ Thái úy: Cũng là tên chức quan có ở Trung Quốc. Thái úy là quan võ, dưới chức Tổng quản.
+ Nha nội đô chỉ huy sứ: Cũng là võ quan nhưng không rõ chức năng cụ thể.
=> Như vậy, so với triều Đinh, triều Tiền Lê có thêm nhiều chức quan mới và mô phỏng rõ nét hơn quan chế nhà Tống.
Sơ đồ chính quyền trung ương thời Tiền Lê


(Giống nhà Đinh) + Đại tổng quản
+ Thái sư
+ Thái úy
+ Nha nội đô chỉ huy sứ
* Trong triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, đồng thời với việc đặt quan chức, các vị vua bắt đầu việc phong tước, mà trước hết là cho một số người trong hoàng tộc (phổ biến là tước vương). Đinh Tiên Hoàng phong cho các con: Đinh Liễn làm Nam Việt Vương, Đinh Toàn là Vệ Vương. 12 người con của Lê Đại Hành đều được phong tước vương, như Long Thâu được phong là Kinh thiên đại vương, Long Việt là Nam Phong vương, Long Đĩnh là Khai minh vương….
* Ngoài hai yếu tố quan đặt chức, phong tước, yếu tố thứ ba của một triều đình đế vương là trật tự lễ nghi, cũng bước đầu được định hình. Theo những sử sách đã dẫn ở trên, các vị vua ngay khi mới lên ngôi, từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, đều chế định triều nghi, phẩm phục, tuy rằng sử sách không nghi cụ thể những lễ nghi đó.
=>> Triều đình Ngô, Đinh, Tiền Lê, tuy thiết chế còn đơn sơ và có mặt mô phỏng quan chế của phương Bắc, nhưng sử thần Ngô Sĩ Liên đã nói: “ có thể thấy quy mô của bậc đế vương”.
2. Chính quyền địa phương
a. Triều Ngô
Sử sách không ghi chép gì về việc phân chia đơn vị hành chính. Có lẽ do Ngô Quyền ở ngôi quá ngắn (6 năm), và ngay khi ông mất thì hình thành loạn 12 sứ quân, nên nhà Ngô chưa thể và chưa định đơn vị hành chính trong nước, mà vẫn phải để nguyên các đơn vị hành chính có từ thời Khúc Hạo: Lộ - phủ - châu – giáp – xã
b. Triều Đinh
Theo Việt sử thông giám cương mục: năm 974, Đinh Tiên Hoàng “ chia trong nước thành 10 đạo”. Các tư liệu khác không thấy nghi tới việc này. Không có tư liệu nào cho biết tên các đạo và tổ chức chính quyền ở cấp này, dưới cấp đạo là những cấp gì?
Nói về cấp đạo, Đại Việt sử kí toàn thư tuy không nói gì về cấp đạo ở thời Đinh, nhưng lại có chép việc nhà Tiền Lê đổi 10 đạo làm lộ, phủ, châu vào năm 1002. Như vậy là đã gián tiếp thừa nhận hiện tượng triều Đinh chia nước làm 10 đạo. Tuy nhiên sử sách về thời kì này không hề ghi một đạo nào, trong khi đó cấp châu vẫn được nhắc tới. Như vào cuối thời Đinh, vụ chống đối của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp được chép gắn liền với châu Ái, hoặc việc viên quan ở châu Lạng tâu về triều đình âm mưu xâm lược của nhà Tống. Thậm chí sang thời Tiền Lê sử sách sau này vẫn ghi hiện tượng Tiến Lộc đi thu thuế ở hai châu: châu Hoan và châu Ái năm 989, hiện tượng Ngô Nam Vương Long Đĩnh thụ phong đất châu phong…
Có thể giải thích hiện tượng trên như sau:
+ Hoặc là nhà Đinh đã dựa trên các châu cũ (có sự thêm, bớt, xé, nhập) để đổi thành cấp đạo. Đơn vị đạo tồn tại có 28 năm, từ 974 đến 1002 đã bị xóa bỏ nên các sử gia sau này chép việc vẫn quen dùng đơn vị châu theo nếp cũ. Có 10 đạo mới có hiện tượng đổi đạo thành châu. Hơn nữa gắn liền với 10 đạo hành chính còn có 10 đạo quân với chức Thập đạo tướng quân của Lê Hoàn (thời Đinh)
+ Hoặc là, vùng gần kinh thành thì được chia thành cấp đạo, còn những vùng xa xôi mà triều Đinh chưa trực tiếp với tới được thì vẫn phải để đơn vị châu như trước đây
Về tổ chức chính quyền ở cấp đạo sử sách cũng không nói tới. Có thể nhà Đinh mô phỏng theo mô hình nhà Đường (đứng đầu mỗi đạo là Tiết độ sứ). Hoặc có thể nhà Đinh cắt cử quan lại về cai trị cấp đạo hay có thể dựa vào thế lực của hào trưởng địa phương. Theo tư liệu bi kí và thần phả, Đinh Tiên Hoàng có phong chức tước Trấn quốc bộc xạ cho Lê Lương ở châu Ái, Trấn Đông Tiết độ sứ cho Bùi Quang Dũng ở Thái Bình…
Dưới cấp đạo là cấp cơ sở. Các cấp phủ châu bị xóa bỏ. Về cấp cơ sở và tổ chức quản lý của cấp này không được sử sách chép đến. Nhưng có lẽ vẫn như thời Khúc – Ngô là cấp giáp (đứng đầu là quản giáp, phó tri giáp) và dưới cấp giáp là cấp xã (đứng đầu là chánh lệnh trưởng và tá lệnh trưởng)
c. Tiền Lê
Lê Đại Hành “đổi 10 đạo làm lộ, phủ, châu”. Sử sách không ghi gì về tổ chức chính quyền ở cấp lộ, phủ, châu, có thể cũng như cấp đạo thời Đinh, triều đình hoặc vẫn để cho các hào trưởng địa phương quản lý và phong chức tước cho họ, hoặc cử người từ triều đình về trực trị. Có lẽ cấp cơ sở vẫn là cấp giáp (có địa phương gọi là hương) và cấp xã như thời Ngô – Đinh. Sử sách không ghi tới cấp hành chính cơ sở nhưng vẫn thấy có các địa danh như Trà Hương, hương Phù Đái, Hương Diên Uẩn, xã Đường Lâm, xã Phù Lan…
=>>Nhìn chung các triều đại đều rất quan tâm tới cấp hành chính cơ sở, vì các công xã nông thôn là cơ sở kinh tế - xã hội của Nhà nước. Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê, mặc dù đã thực sự tồn tại bộ máy quản lý nhà nước các cấp, nhưng có thể khẳng định được rằng chính quyền trung ương chưa với tay quản lý được tất cả các vùng của đất nước. Các vùng Thượng du, các vùng hẻo lánh, một số vùng đồng bằng xa xôi nằm ngoài phạm vi kiểm soát của triều đình và vẫn do các thủ lĩnh địa phương quản lý theo truyền thống tự quản của tổ chức công xã nông thôn xa xưa.



Sơ đồ tổ chức đơn vị hành chính thế kỷ X (có so sánh với thời thuộc Đường)

Có thể mô phỏng tổ chức bộ máy Nhà nước thế kỷ X qua sơ đồ sau

+ Quản giáp + Thái úy
Tăng thống Sùng chân uy nghi
+ Đô hộ phủ sĩ sư + Thập đạo tướng quân Tăng lục Đạo sĩ
+ Học sĩ
+ Tả hữu điện tiền chỉ huy sứ Quốc sư












II. PHÁP LUẬT
Pháp luật Ngô – Đinh – Tiền Lê chỉ được phản ánh quá ít ỏi trong Đại Việt sử kí toàn thư. Năm 939, Ngô Quyền “ chế đinh triều nghi phẩm phục”. Năm 950, Ngô Xương Văn bảo hai viên chỉ huy sứ Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạch rằng: “Đức của tiên vương ta (tức Ngô Quyền) thấm khắp lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo”. Năm 968 Đinh Tiên Hoàng “ muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: “Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn”. Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm, vua “ đặt triều nghi”. Năm 1002, vua Lê Đại Hành “ định luật lệnh”. Năm 1009 vua Lê Long Đỉnh “ xuống chiếu cho dấy quân và dân” ở Châu Ái để đào kênh, đắp đường. Lê Long Đỉnh tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người nước Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: “Nó không quen chịu chết”. Vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao duới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết, vua thân đến xem lấy làm vui. Có lần vua đi đến sông Ninh, sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết lợn trước, rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Có lần dóc mía ở trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thương chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong, lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên. Vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cuời để cho loạn lời tâu việc của các quan chấp chính. Lại lấy con thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn”.
Ngoài ra, theo Tống Sử, thời Tiền Lê, quan lại “tả, hữu có lỗi nhỏ cũng giết đi, hoặc đánh từ 100 roi đên 200 roi. Bọn quan giúp việc, ai hơi có việc gì làm phật ý cũng đánh từ 30 dến 50 roi, truất xuống làm tên gác cổng, khi hối hận lại gọi về cho làm quân cũ
Tuy với nguồn sử liệu quá ít ỏi, rời rạc và phiến diện như trên, nhưng qua đó có thể hình dung ra một vài nét về pháp luật của các vương triều Ngô – Đình – Tiền Lê.
1. Pháp luật thế kỷ X là nền pháp luật sơ khai của nhà nước tự chủ, còn đơn giản, sơ sài và phiến diện. Pháp luật lúc này chưa thể phát triển được, vì các vương triều phải tập trung cho việc bình định chống cát cứ và chống ngoại xâm là chính, chưa có điều kiện bỏ nhiều công sức cho viếc xây dựng pháp luật.
2. Thời kỳ này chưa có luật pháp thành văn. Trong sử sách đôi chỗ cũng thấy nói hiện tượng vua “chế định triều nghi phẩm phục”,… Pháp luật thành văn có những văn bản gì, thì không thấy nói trong sử sách.
Trong quá trình điều hành và quản lý Nhà nước, đã dần hình thành những tập quán chính trị. Từ thời Đinh trở đi, các hoàng đế thường phong tước vương cho những người con trai của mình va trong số đó, một số hoàng tử được cắt cử đi trấn giữ, cai quản một số vùng quan trọng của đất nước. Trong thời kỳ này mỗi vua thường lập nhiều hoàng hậu, Đinh Tiên Hoàng có 5 hậu, Lê Đại Hành cũng có 5 hậu, Lê Ngoại Triều lập 4 hậu, tập quán này còn kéo dài tới thời Lý. Các vua Ngô – Đinh – Tiền Lê thường mời những cao tăng làm chính trị, bổ chức quan và dao công việc cho họ. Họ là những tăng quan “nghiệp dư”, lúc làm việc cho nước thì vào triều đình, khi xong việc thì lui về chùa.
Tập quán chính trị chủ yếu xác lập và điều chỉnh một số lĩnh vực trọng yếu xác lập và điều chỉnh một số lĩnh vực trọng yếu, cấp bách như quan chế, quân sự. Ngoài luật pháp của triều đình, luật tục vẫn giữ vai trò quan trọng và rộng khắp trong việc điều chỉnh nhiều quan hệ xã hội. Đó là những lệ của các làng xã cổ truyền. Những lệ này có hiệu lực không gian rộng khắp là các làng xã và chủ yếu điều chỉnh các quan hệ trong các lĩnh vực ruộng đất, hôn nhân và gia đình,… Người dân làng xã bấy giờ chủ yếu sống theo lệ, chứ ít khi bị luật pháp của triều đình chi phối.
3. Về tính chất của pháp luật thế kỷ X, căn cứ vào một số hiện tượng ghi trong sử sách, nhiều người xưa nay cho rằng, luật pháp Ngô-Đinh-Tiền Lê mang tính rất hà khắc và tàn bạo. Thực ra không phải hoàn toàn như vậy. Trong thời cổ trung đại ở các nước không thiếu những biện pháp hình sự dã man tàn bạo. Nhưng phải xem xet nó trong những hoàn cảnh cụ thể, những đối tượng cụ thể thì mới đánh giá được đúng. Nước Đại Cồ Việt vừa mới dựng lên, kỷ cương chưa đầy đủ, trật tự xã hội chưa ổn định, các thế lực cát cứ thường xuyên chống đối quyết liệt vương quyền, nên Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành phải dùng đến những biện pháp khắc nghiệt, ghê gớm để thị uy,trừng trị những kẻ cát cứ ly khai, chống đối, chứ không phải áp dụng với toàn dân. Những biện pháp ấy chưa thể xem là pháp luật cơ bản của nhà nước, lại càng kkhông thể coi đó là linh hồn của pháp luật bấy giờ. Những hành vi xử sự tàn ác của Lê Long Đĩnh có lẽ chỉ là lối sống hiếu sát, tư cách bất nhân tự phát, tùy tiện của một hôn quân vô đạo, chứ khó có thể coi là pháp luật thành văn.
Hơn nữa, nhìn nhận về luật pháp thế kỷ X phải nhìn nhận một cách tổng thể. Trong pháp luạt nói chung, bộ phận lệ làng vẫn chiếm tỉ trọng lớn cả về số lượng, đối tượng điều chỉnh hiệu lực và hiệu quả, vẫn bảo lưu những truyền thống dân chủ có từ xa xưa. Trước nhu cầu chống ngoại xâm, chống thiên tai, nhất là nhu cầu bình định các thế lực cát cứ, nên các vương triều Ngô-Đinh-Tiền Lê không thể không tranh thủ sự ủng hộ của các làng xã, không thể không kế thừa quốc sách của họ Khúc trước đó là “Chính sự cốt chuộng khoan dung dản dị, nhân dân được yên vui”. Hay nói cách khác, do điều kiện khách quan, mối quan hệ giữa nhà nước với công xã bấy giờ là một thứ quan hệ lưỡng hợp, nhà nước vừa có mặt đối lập với công xã, thể hiện ở sự bóc lột các thành viên công xã qua công xã và coi công xã như một đơn vị bóc lột vừa phải có mặt đại diện cho công xã, thể hiện những lợi ích chung của công xã và nhà nước, về mặt này nhà nước như: “người cha của số đông công xã” ( nói theo cách gọi của C.Mác)
Bởi vậy, pháp luật của nhà nước đối với các thế lực cát cứ.chống đối thì phải khắc nghiệt, đối với dân chúng phải “khoan dung giản dị, nhân dân được yên vui”.
Nhìn chung lại, trên cơ sở những tư liệu lịch sử quá ít ỏi hiện có, chúng ta chỉ có thể khắc họa bức tranh toàn cảnh về nhà nước và pháp luật thế kỷ X với những nét chấm phá sau đây.
- Đó là Nhà nước được sinh ra khi đất nước vừa thoát khỏi ách Bắc thuộc và bước vào thời kì độc lập, sinh ra trong một xã hội đầy biến động của nạn ngoại xâm, nạn cát cứ.
- Đó là nhà nước của nền pháp luật tự chủ, với chức năng hàng đầu của Nhà nước là chống ngoại xâm, bình định các thế lực cát cứ và xác lập kết cấu nhà nước trung ương tập quyền.
- Tổ chức bộ máy nhà nước còn đơn giản, pháp luật còn đơn sơ chưa chịu ảnh hưởng chủa Nho giáo. Nhà nước và pháp luật vừa thể hiện cao độ tính bạo lực, vừa thể hiện sự khoan thư sức dân và dựa trên nền tảng cơ sở là các công xã nông thôn đang phát triển, chưa có dấu hiệu suy thoái, giải thể
- Nhà nước và pháp luật thế kỷ X đã đặt nền tảng ban đầu cho Nhà nước và pháp luật Đại Việt sau này.
Chữ ký của phangxehana




 

TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: TRI THỨC PHỔ THÔNG :: Lịch sử-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất