|
Tiêu đề: Bán đảo Triều Tiên | |
| | | | | | Bán đảo Triều Tiên
Tại hội nghị ngoại trưởng 5 cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc họp tại Matxcơva tháng 12 – 1945, việc giải quyết vấn đề Triều Tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã được 5 cường quốc thoả thuận theo những quy định sau đây:
- Xây dựng một nước Triều Tiên độc lập;
- Thành lập một chính phủ dân chủ Triều Tiên để đảm nhiệm việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và văn hoá chung cho cả nước Triều Tiên;
- Ủy ban hỗn hợp gồm đại biểu của hai bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô và Mĩ đóng ở Triều Tiên sẽ giúp việc thành lập một chính phủ lâm thời Triều Tiên. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, theo sự thoả thuận chung, thay mặt đồng minh, quân đội Liên Xô đóng quân ở Bắc vĩ tuyến 38o, còn phía Nam là quân đội Mĩ (Triều Tiên tạm thời chia làm hai miền quân quản). Ở miền Bắc Triều Tiên, Liên Xô đã nghiêm chỉnh thi hành những quy định của Hiệp nghị Matxcơva về vấn đề Triều Tiên, như để nhân dân Triều Tiên tự do định đoạt vận mệnh của mình, giúp đỡ xây dựng chính quyền nhân dân, tiến hành các cải cách dân chủ (cải cách ruộng đất, ban hành các quyền tự do dân chủ…). Ngược lại, ở miền Nam Triều Tiên, Mĩ không tuân thủ những điều đã kí kết tại Hội nghị Matxcơva tháng 12 – 1945, lập nên một chính quyền thân Mĩ do Lí Thừa Văn cầm đầu và tìm cách chia cắt đất nước Triều Tiên. Tháng 5 – 1948, cuộc tuyển cử bầu quốc hội đã được tiến hành ở miền Nam Triều Tiên, thành lập một nước riêng và gọi là Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc). Trước tình hình này, tháng 8 – 1948, ở Bắc Triều Tiên đã tiến hành bầu cử quốc hội. Ngày 9 – 9 – 1948, Quốc hội Triều Tiên họp, thông qua hiến pháp, bầu ra chính phủ và tuyên bố thành lập nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, nhân dân Bắc Triều Tiên tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua nhiều kế hoạch dài hạn, nhân dân Triều Tiên đã thu được nhiều thành tựu lớn: hoàn thành điện khí hoá trong cả nước; nền công nghiệp dân tộc đã đáp ứng được nhu cầu cả nước về xe ô tô du lịch và xe vận tải, đầu máy và toa xe lửa, máy kéo và các nông cụ khác; thủ đô Bình Nhưỡng đã xây dựng được hệ thống xe điện ngầm và nhiều toà nhà cao ba, bốn chục tầng; nền văn hoá, giáo dục cũng có những bước tiến đáng kể. Ở Hàn Quốc, trong vòng 30 năm, nền kinh tế và khoa học – kỹ thuật đã đạt được những bước phát triển nhanh chóng. Từ một nền nông nghiệp chậm phát triển, hiện nay Hàn Quốc đã trở thành một nước nông nghiệp mới. Hàn Quốc đang đứng hàng đầu thế giới trong các ngành sản xuất bán dẫn, hàng điện tử, đóng tàu, sắt thép…(Tư liệu do Đại sứ quán Hàn Quốc cung cấp – năm 2003) | | | | |
|
|