3h30' ngày 14/5/1991, người hộ lý được phân công chăm sóc Giang Thanh vào phòng ngủ, không thấy Giang Thanh đâu, vội vàng đi vào toalét để tìm thì phát hiện Giang Thanh đã treo cổ tự sát.
Trong hơn 10 năm nổ ra cuộc Cách mạng văn hóa (CMVH) ở Trung Quốc (1966 - 1976), Giang Thanh nổi lên như một lãnh tụ có quyền uy hầu như tuyệt đối. Suốt thời gian đó, cả đất nước Trung Hoa như bị vỡ tung bởi sự gào thét của "Hồng đô nữ hoàng" họ Giang. Biết bao người, kể từ vị Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đến những trí thức lừng danh và cả những người dân thường vô tội đã phải ôm hận chết thảm do bị "bè lũ bốn tên" do Giang Thanh cầm đầu, bức hại.
Nhưng, lịch sử bao giờ cũng rất công bằng, "đa hành bất nghĩa tất tự tế" (làm nhiều điều bất nghĩa tất chết), cuối cùng thì Giang Thanh cũng phải gánh chịu một kết cục cực kỳ bi thảm: tự kết liễu đời mình bằng sợi dây thòng lọng!
Sinh năm 1914 tại Thượng Hải, Giang Thanh sớm đi vào con đường làm nghề ca hát và diễn viên. Sau khi ly hôn với người chồng đầu tiên là Đường Nạp, tháng 8/1937 Giang Thanh lần mò tới Diên An, thủ đô của cách mạng Trung Quốc (TQ) lúc bấy giờ. Tại đây, Giang đã tìm cách gây ấn tượng với Mao Trạch Đông, người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản (ĐCS) TQ khi đó.
Tới tháng 11/1938 thì 2 người đã chính thức tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, ngay từ lúc bấy giờ, BCH TƯ ĐCS TQ đã có một nghị quyết đặc biệt, đó là nghiêm cấm Giang Thanh suốt đời không được tham gia bất kỳ một hoạt động chính trị nào cũng như không được phép giữ bất kỳ một cương vị nào trong Đảng cũng như Nhà nước do ĐCS lãnh đạo.
Có lẽ chính nghị quyết này đã làm Giang Thanh như phát điên. Tuy phải nuốt hận, nhưng Giang Thanh luôn nung nấu ý nghĩ “sẽ có lúc cho tất cả những kẻ đã dám ra nghị quyết này biết tay”.
Và cái thời điểm để Giang Thanh ra tay đã đến. Tại Hội nghị Bộ Chính trị BCH TƯ ĐCS TQ họp ngày 30/5/1966, Giang Thanh được bổ nhiệm làm người phụ trách Tiểu tổ CMVH TƯ vào đúng thời điểm CMVH đã trở nên hết sức dữ dội sau gần nửa năm nổ ra (từ cuối năm 1965).
Vì vậy, tuy chức danh của Giang Thanh tưởng như là nhỏ nhưng quyền hành thực tế thì cao ngất trời, bởi cái “tiểu tổ CMVH TƯ” này có quyền truy bức và xét xử bất kỳ ai, chỉ trừ Mao Chủ tịch! Sẵn tích tụ mối thâm thù riêng, cộng với cái ngông cuồng của một kẻ “tiểu nhân đắc ý”, Giang Thanh đã câu kết với Lâm Bưu, rồi sau đó lại phản Lâm để lập ra “bè lũ 4 tên” gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên tác oai tác quái suốt 10 năm trời.
Không dừng lại ở đó, vào cuối năm 1975 và những tháng đầu năm 1976, Giang Thanh cùng phe nhóm đã ngầm thực hiện “cuộc đảo chính cung đình” hòng chiếm toàn bộ quyền trong Đảng cũng như trong bộ máy nhà nước. Nhưng âm mưu nguy hiểm này của Giang Thanh đã bị đập tan.
Dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, vào tối 6/10/1976 lần lượt 3 tên Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên đã bị điều tới Nhân Hòa Đường (phòng họp trong Trung Nam Hải) và từng tên một đã phải tra tay vào còng. Rồi cũng ngay buổi tối đó, Giang Thanh cũng bị xích tay khi đang ở phòng làm việc tại lầu số 11 trong Điếu Ngư Đài.
Sau một thời gian bị biệt giam để lập án, vào hồi 15 giờ ngày 20/11/1980, tại số 1 đường Chính Nghĩa (Bắc Kinh), Tòa án Tối cao nước CHND Trung Hoa đã mở phiên tòa đặc biệt, công khai xét xử tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu - Giang Thanh. Cáo trạng được đưa ra tại tòa cho biết: Giang Thanh đã phạm nhiều trọng tội: là kẻ cầm đầu tập đoàn phản cách mạng đã gây ra cảnh đảo điên trên toàn TQ trong suốt 10 năm trời, làm rối loạn các cơ quan Đảng và Nhà nước, âm mưu đảo chính phản cách mạng, trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của hàng triệu người.
Giang Thanh phải chịu hình phạt tử hình, nhưng cho hoãn thi hành án sau 2 năm kể từ ngày tuyên án. Tới ngày 25/1/1983 là ngày thi hành án, tòa ân giảm cho Giang Thanh xuống tù chung thân. Đến ngày 4/5/1984, vì bị bệnh nặng, lại do tuổi cao, sức yếu nên Giang Thanh được tại ngoại và cư trú ở Tửu Tiên kiều (Bắc Kinh) để chữa bệnh.
Vào ngày 15/3/1991, Giang Thanh bị sốt cao và được đưa tới bệnh viện của Bộ Công an để chạy chữa. Khi nhập viện, cũng giống như các bệnh nhân khác, lúc phải điền họ tên vào bệnh án, ở cột họ tên, Giang Thanh đã khai tên mình là Lý Nhuận Thanh. Nhuận vốn là tên của Mao Trạch Đông khi còn nhỏ, còn Lý chính là họ của Giang Thanh! Theo các nhân viên bệnh viện thì có lẽ Giang muốn nhắc nhở mọi người biết mình là ai.
Cho mãi tới ngày 18/3, Giang Thanh vẫn sốt cao, nằm li bì không ăn uống gì, sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đề nghị Giang Thanh phải mổ amidan, nhưng Giang đã cự tuyệt. Tuy vậy, Giang Thanh vẫn được chuyển tới phòng điều trị đặc biệt. Đây là căn phòng khép kín gồm phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh. Các trang bị trong phòng tốt và đầy đủ.
Sức khỏe của Giang Thanh ngày một tệ hại thì hình như Giang Thanh càng cố công viết hồi ký. Cứ vào buổi sáng mỗi ngày, sau khi đọc vài đoạn trong Mao tuyển là Giang lại ngồi vào bàn để viết. Có những khi đang viết, cao hứng lên bà ta quay ra tranh luận với các nhân viên bệnh viện, thí dụ: “Các người có biết chiến sĩ trung thành với Mao Chủ tịch là như thế nào không?”, hoặc: “Hãy cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho tư tưởng Mao Trạch Đông”. Cũng có khi Giang Thanh còn hung hăng đặt ra những vấn đề như: “Phải đánh đổ chủ nghĩa xét lại, xây dựng một thế giới mới”,v.v...
Đến ngày 10/5/1991, Giang Thanh đột nhiên xé tan cuốn hồi ký đang viết trước mặt mọi người, rồi khăng khăng đòi về Tửu Tiên kiều. Hành động này của Giang Thanh khiến mọi người xung quanh không thể hiểu nổi, và tất nhiên yêu cầu của Giang Thanh không được chấp thuận.
Đến ngày 12/5, sau khi nhận được tin Giang Thanh có những biểu hiện khác thường, Lý Nạp (con gái của Giang Thanh và Mao Trạch Đông) cùng chồng đã vào thăm bà ta tại bệnh viện, nhưng Giang Thanh không tiếp.
Ngày 13/5, trên đầu trang nhất tờ Nhân dân nhật báo, người ta thấy Giang Thanh viết lên đó dòng chữ khá bay bướm: “Đây là một ngày đáng ghi nhớ của lịch sử” (như trên đã viết, ngày 13/5/1966 là ngày Giang Thanh chính thức thoát khỏi sự nghiêm cấm của BCH TƯ Đảng, bắt đầu bước vào chính trường với chức danh người lãnh đạo Tiểu tổ CMVH TƯ, quả đúng là ngày mà Giang không bao giờ quên).
3h30' ngày 14/5/1991, người hộ lý được phân công chăm sóc Giang Thanh vào phòng ngủ, không thấy Giang Thanh đâu, vội vàng đi vào toalét để tìm thì phát hiện Giang Thanh đã treo cổ tự sát. Các bác sĩ và nhân viên vội chạy vào gỡ Giang Thanh xuống và khẩn trương tiến hành cấp cứu, nhưng tất cả đã quá muộn. Giang Thanh, người đàn bà một thời khét tiếng trên chính trường, nỗi kinh hoàng của hàng vạn người dân TQ, người từng được phong “Hồng đô nữ hoàng” đã kết thúc cuộc đời mình bằng một sợi dây treo cổ.
Sau đó, người ta đã tiến hành lấy lời khai của những nhân viên y tế được phân công chăm sóc, điều trị cho Giang Thanh, cộng với biên bản pháp y xác định nguyên nhân và thời gian rồi dựng lại những phút cuối cùng của cuộc đời Giang Thanh.
Theo biên bản được xác lập cho biết: khi thấy người hộ lý ra khỏi phòng, vào quãng gần 3h sáng, Giang Thanh đã trở dậy đi vào toalét. Tại đây, Giang Thanh đã dùng mấy chiếc khăn tay kết thành một sợi dây. Sau đó quay lại phòng ngủ, ôm chăn gối vào chất chúng xuống dưới chân và buộc một đầu dây vào cái giá sắt treo bình nước xối toalét, đầu còn lại sợi dây buộc vào cổ rồi đạp đổ đống chăn gối phía dưới, tự kết liễu cuộc đời mình.
Sau khi biết tin Giang Thanh chết, ngay chiều hôm đó, Lý Nạp đã tới bệnh viện và ký tên vào giấy chứng tử. Cho tới bây giờ, người ta vẫn không biết được rằng do ý của Lý Nạp hay do sự gợi ý của các cán bộ Văn phòng TƯ mà Lý Nạp đã đồng ý không tổ chức lễ viếng và nghi thức mai táng. Ba ngày sau đó, tức là ngày 18/5/1991, thi thể Giang Thanh đã được hỏa táng mà không hề có mặt của bất kỳ người thân thích nào. Lý Nạp chỉ yêu cầu được bảo quản hộp tro của mẹ mình.
Cái chết và sau đó là việc hỏa táng xác Giang Thanh đã được giữ bí mật tuyệt đối. Vì thế người TQ cũng như người nước ngoài không biết sự kiện này. Cho mãi tới tận đầu tháng 6/1991 trên tờ tuần báo Thời đại xuất bản tại Bắc Kinh mới đăng một tin ngắn, nội dung như sau: “Ngày 1/6/1991, một người không rõ danh tính, cho biết: Giang Thanh đã tự sát bằng cách treo cổ”. Bản tin còn nói thêm: bệnh ung thư yết hầu là nguyên nhân khiến Giang Thanh tự sát.
Sau đó mấy ngày, vào 23 giờ ngày 4/6/1991, Tân Hoa xã đã thông báo trên Đài Phát thanh TƯ và trên Nhân dân nhật báo xác nhận nguồn tin trên của tuần báo Thời đại. Có điều đặc biệt là trong thông báo này không hề nhắc đến tiểu sử của Giang Thanh cũng như các chức vụ mà Giang Thanh đã từng nắm giữ