Kho báu của Từ Hy
Sinh tiền, Từ Hy Thái hậu rất yêu thích các loại đồ vàng ngọc, trân châu, mã não, đá quý... Sau khi chết, đồ bồi táng trong quan tài của bà là cả một kho vàng bạc châu báu. Kho báu của Từ Hy trở thành mục tiêu săn lùng của những tên đào mộ cướp kho báu khét tiếng, trong đó có Tôn Điện Anh, một quân đoàn trưởng của Quốc dân đảng.
Thái hậu Từ Hy 1835 - 1908
Đông Lăng là nghĩa trang hoàng gia của hai triều Minh, Thanh nằm trong thành phố Tuân Hóa tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Kể từ năm 1663, an táng hoàng đế Thuận Trị đến năm 1935 an táng hoàng quý phi cuối cùng của vua Đồng Trị, qua 272 năm, Đông Lăng là nơi an nghỉ thiên thu của 5 vị hoàng đế, 15 hoàng hậu, 136 phi tần... Từ Hy thái hậu cũng nằm tại đây bên cạnh những tiền bối lừng danh như hoàng đế Khang Hy, Càn Long, Hiếu Trang hoàng hậu...
Ngày 18-10-1908, sau 13 năm xây dựng với hao phí lên tới hàng triệu vạn lượng bạc, công trình lăng tẩm của Từ Hy thái hậu ở Đông Lăng đã hoàn tất. Điều độc đáo là đúng 4 ngày sau đó, Từ Hy qua đời, thọ 74 tuổi. Thái giám Lý Liên Anh-người được Từ Hy tin cẩn nhất-là một trong những người lo an táng Từ Hy.
Từ lăng tam tuyệt
Lăng mộ Từ Hy được xây dựng rất công phu, có tên là “Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt”.
Theo “Thanh sử” ghi chép, chỉ riêng số vàng lá dùng đắp trong 3 đại điện của Từ lăng đã là 4.592 lượng vàng. Tổng cộng có 2.400 con rồng vàng và 64 chiếc cột chạm trổ hình rồng, dơi đều thếp vàng thật. Đó là kim tuyệt.
Những rường cột trong ba đại điện đều làm bằng loại mộc thượng phẩm: gỗ lê hoa vàng. Loại gỗ này nay đã gần như tuyệt tích, rất rắn chắc, vân gỗ dày mà đẹp, về giá cả, có thể nói là “tấc gỗ, tấc vàng”. Riêng quan tài của Từ Hy được chế từ thứ gỗ quý hơn nữa: Nam mộc tơ vàng. Đó là mộc tuyệt.
Tất cả đá dùng trong lăng mộ Từ Hy đều là loại Hán bạch ngọc thượng phẩm, được điêu khắc cực kỳ tinh xảo. Phù điêu trên Hán bạch ngọc trong điện Long Ân đều theo đồ hình “Long truy phụng”- phụng hoàng bay trước, rồng đuổi theo sau. 76 trụ trong điện đều chạm hình “Nhất phụng áp song long”-hai phụng đè một rồng, thể hiện quyền uy vô thượng của vị thái hậu này, phá vỡ quy tắc “rồng trên phụng dưới” bao đời. Cho nên mới gọi là thạch tuyệt.
Kho báu trong quan tài
Trong bộ sách Ái Nguyệt Hiên bút ký do Lý Liên Anh và người cháu cùng viết có ghi chép rõ ràng chủng loại, số lượng, vị trí và giá trị của các đồ tùy táng trong lăng mộ Từ Hy.
Theo đó, trong quan tài Từ Hy, phía dưới lót bằng gấm quý đan sợi tơ vàng dày 7 tấc, có đính 2.604 hạt trân châu, 85 viên đá quý, 203 miếng bạch ngọc. Phủ trên thi hài Từ Hy là tấm chăn thêu bộ kinh Đà La Ni bằng tơ vàng với 25.000 chữ, trên chăn đính 820 viên trân châu. Về sau bọn trộm mộ gỡ hết số trân châu còn tấm chăn vô giá kia thì vứt xuống bùn, đến năm 1979 khi chỉnh lý địa cung mới phát hiện ra.
Khi nhập liệm, Từ Hy đội mũ phụng quán, trên mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, theo giá đương thời là hơn 10 triệu lượng bạc trắng. Trong miệng Từ Hy ngậm một viên minh châu, tương truyền có thể phát sáng trong đêm xa ngoài 100 bước; trên cổ đeo 3 xâu chuỗi, trong đó 2 chuỗi bằng trân châu, 1 chuỗi bằng hồng bảo thạch; mình mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng; tay cầm một nhánh hoa sen bằng ngọc. Ngoài ra, bên người còn đặt các đồ bồi táng như tượng Phật bằng vàng, ngọc; các đồ bằng san hô, đá quý các loại. Nghe nói sau khi bỏ đồ bồi táng xong, thấy quan tài vẫn còn chỗ hở, các quan phụng táng lại đổ thêm vào 4 hộp trân châu và 2.200 miếng hồng thạch, lam thạch, lục thạch. Riêng số châu báu “điền vào chỗ trống” này đã đáng giá 2, 23 triệu lượng bạc trắng.
Kẻ cướp mộ Từ Hy
Tin đồn về kho báu trong lăng Từ Hy đã kích thích tham vọng của biết bao người. Năm 1928, quân đoàn trưởng quân đoàn 12 của Quốc dân đảng là Tôn Điện Anh đóng quân ở huyện Kế, tỉnh Hà Bắc (nay trực thuộc thành phố Thiên Tân), cách Đông Lăng không xa. Đầu tháng 7-1928, sau khi bố trí canh phòng cẩn mật, Tôn Điện Anh lấy danh nghĩa là diễn tập quân sự, dùng pháo binh mở đường khai quật lăng mộ Từ Hy Thái hậu và Càn Long hoàng đế.
Tôn Điện Anh (1887 - 1947) kẻ đã đào phá lăng mộ nhà Thanh năm 1928
Quân lính dùng dao nạy quan tài Từ Hy ra. Theo Thế Tải Đường tạp ức của một sĩ quan tham gia vụ phá mộ này thì “lúc ấy, nắp quan tài mở ra, ánh sáng chói lòa, binh sĩ mỗi người cầm một chiếc đèn pin lao tới đều đứng sững kinh ngạc. Nhìn vào quan tài, Tây Thái hậu diên mạo như còn sống, thấy rõ ở ngón tay mọc lông trắng dài cả tấc... Châu báu đầy trong quan tài, cấp bậc lớn thì lấy thứ lớn, quân lính thì lấy thứ nhỏ. Trưởng quan chỉ huy hạ lệnh lột long bào, lấy sạch châu báu trên đó...”.
Riêng tại Dụ Lăng – lăng mộ của Càn Long, do địa cung tối tăm, tích nước hàng trăm năm, sâu đến 5-6 m, binh sĩ trộm mộ không biết, tranh nhau nhảy vào bị chết rất nhiều nên Tôn Điện Anh đành bỏ cuộc sau khi trộm được ít đồ tùy táng bên ngoài.
Tin về Tôn Điện Anh trộm báu vật ở Đông Lăng mau chóng lan ra toàn Trung Quốc, các đoàn thể xã hội liên tiếp gửi điện đến chính phủ Quốc dân đảng yêu cầu nghiêm trị kẻ chủ mưu trộm lăng. Tướng Diêm Tích Sơn rạ lệnh cho chủ tịch tỉnh Hà Bắc là Thương Chấn tra xét thật nghiêm vụ này. Tưởng Giới Thạch cũng ban mệnh lệnh “những kẻ liên quan phải truy bắt tới cùng, ra sức điều tra, không được buông lỏng”. Thuộc hạ của Tôn Điện Anh là sư đoàn trưởng Đàm Ôn Giang đóng quân ở Bắc Bình bị bắt...
Tôn Điện Anh thấy thế nguy nên tìm đủ cách để chạy tội. Nhờ sự giúp đỡ của cấp trên là Từ Nguyên Tuyền tạo mối quan hệ để thông “cửa ải” đệ nhất phu nhân Tống Mỹ Linh, Tôn Điện Anh lập tức đưa đến dâng tặng rất nhiều báu vật, trong đó có chiếc mũ phụng quán gắn viên trân châu cực lớn của Từ Hy thái hậu.
Thời hai đảng hợp nhất chống Nhật, Tống Mỹ Linh sang thăm Mỹ lấy viên trân châu này gắn trên... giày khiến tổng thống Mỹ và các quan chức Nhà Trắng kinh ngạc. Đồng thời, Tôn Điện Anh tặng cho Tưởng Giới Thạch thanh Cửu Long bảo kiếm của Càn Long hoàng đế và rất nhiều đồ giải trí, thư họa quý báu. Tôn Điện Anh còn tặng Tống Tử Văn gối ngọc phỉ thúy hình quả dưa, tặng cho Khổng Tường Hy viên bảo thạch trên hài của Từ Hy Thái hậu... Kết quả là Tôn Điện Anh bình an vô sự.