Không thể "mắc miu" kẻ địch!25.05.2009Báo Tuổi Trẻ sáng nay đưa tin, tờ The Age và một loạt báo chí Úc đi theo “vết xe đổ” của báo chí Nhật khi nói rằng một công ty con của Ngân hàng Trung ương nước này (ARB) đang liên quan đến vụ chi hàng triệu USD hoa hồng một cách bất bình thường cho những “cò” trung gian để giành được các hợp đồng in tiền polymer tại một số nước ở châu Á ( trong đó có VN) và châu Phi.
Theo báo này, thông thường số tiền hoa hồng trong ngành in tiền polymer chỉ ở mức 2-6%, nhưng riêng tại công ty con nói trên (có tên riêng là Securency), tiền hoa hồng chi ở mức cao đáng ngạc nhiên là 10-20%. Được biết giới chức có liên quan đã yêu cầu Securency phải trả lời về việc sử dụng các đại lý trung gian của mình và cách thức trả tiền cho họ.
Thật là bức xúc vì trong bài điều tra của mình, The Age cho biết Securency chi hoa hồng nhiều khoản khổng lồ để có được hợp đồng in tiền ở Uganda, Nam Phi, Ấn Độ, VN... Theo đó, Securency đã chi hàng triệu USD cho Công ty CFTD, Banktech (công ty con của CFTD) ở VN. The Age cũng nhấn mạnh rằng Banktech được điều hành bởi con trai của thống đốc ngân hàng VN lúc ấy (ông Lê Đức Thúy).
Báo Tuổi Trẻ có lẽ đã “mắc miu” báo chí phương Tây khi nhắc lại rằng vào năm 2007, Thanh tra Chính phủ VN đã có kết luận rằng việc ông Lê Đức Minh, con trai ông Lê Đức Thúy, thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó, có thời gian làm cho Banktech “tuy không trái quy định của pháp luật nhưng đã gây nghi ngờ về sự khách quan, minh bạch”. Được biết, phía Securency không thừa nhận hay bác bỏ các cáo buộc mà The Age nêu ra và cảnh sát Úc có lẽ sẽ bắt đầu cuộc điều tra theo các tin tức mà The Age đăng tải.
Nhân vụ này blogger Oshin lên tiếng so sánh vụ lùm xùm của ông cựu Thống đốc NHNN của ta với vụ lùm xùm liên quan đến cựu Tổng thống Hàn Quốc khiến ông này xấu hổ mà tự sát. Hic, bác Oshin chắc cũng “mắc miu” kẻ xấu, rơi vô “diễn biến hòa bình” rùi. Theo BL chúng ta cần cảnh giác vì các ní do sau đây:
Sáng nay, bên lề hành lang QH, nhiều nhà báo “nhẹ dạ, cả tin” lăm lăm máy ghi âm tìm đại biểu QH để nghe họ bày tỏ ý kiến, giống như họ đã lên tiếng vụ PCI dạo nào. Thật tuyệt vời là bác chánh thanh tra Trần Văn Truyền đã tuyên bố, vụ in tiền liên quan đến con trai Ủy viên TƯ Đảng Lê Đức Thúy đã được chuyển sang cơ quan điều tra đã lâu (ít ra cũng 2 năm), nhưng đến sáng nay, Thanh tra Chính phủ chưa nhận được hồi âm từ cơ quan điều tra! Haha, dĩ nhiên là chúng ta phải học tập theo kinh nghiệm của các nước G7, rằng công an không tìm ra chứng cứ thì phải áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” cho bác Thúy. Âu cũng là cách bảo vệ cán bộ trước “diễn biến hòa bình” của kẻ địch.
Thật thế, ba năm trước vào chiều 16-6-2006, trả lời câu hỏi của bà Nguyễn Thị Việt Nhân, đại biểu Kiên Giang, rằng “công in tiền polyme chi phí khá cao. Con ông là Lê Đức Minh làm phó giám đốc công ty đối tác. Nên xin Thống đốc cảm phiền cho biết đây có phải là dạng công ty gia đình hay không?”, bác Thúy đã kiên trung không chịu khuất phục.
Cụ thể, bác Lê Đức Thuý nói rõ việc đàm phán, ký kết mua sắm, giao, nhận giấy in tiền, mực in tiền, máy móc in tiền được thực hiện trực tiếp với các hãng cung cấp. Ví dụ mua giấy của hãng Secôdensi thì đàm phán trực tiếp với Secôdensi. Với mực thì mực Sippa của Thuỵ Sĩ cũng tương tự. Về máy như máy in opset và máy phủ thì mua và đàm phán trực tiếp với hãng G & B không qua một công ty trung gian và môi giới nào. Bác nhấn mạnh “không thể nói là mua bán thông qua công ty trung gian, đơn vị trung gian, báo cáo vẫn như vậy. Vì vậy, thông tin nói về con trai tôi là người môi giới là không đúng”.
Thậm chí bác Thúy còn cho biết, “mặc dù chưa có yêu cầu của cơ quan chức năng làm rõ điều này, nhưng tôi có yêu cầu: Thứ nhất, Ban điều hành đề án in tiền (phụ trách đề án này có một Phó thống đốc trực tiếp và nhà máy in tiền), xác nhận xem thử là con tôi có dính dáng gì đến hoạt động in đúc tiền không?”. Theo bác cho biết, họ đã “xác nhận và cam đoan chịu trách nhiệm về xác nhận đó rằng, con tôi trong quá trình hoạt động của Ban đề án cũng như nhà máy, chưa hề có một hoạt động môi giới, tiếp xúc và trung gian nào liên quan đến hoạt động mua sắm vật tư in đúc tiền”.
Câu chốt, bác Thúy khẳng khái báo cáo công khai với Quốc hội như vậy và “xin chịu trách nhiệm về tính trung thực của ý kiến của tôi trước Quốc hội”.
Vậy thì chúng ta còn chờ gì nữa mà không phản bác lại các quan điểm thù địch của báo chí phương Tây? Các nhà báo VN hãy dũng cảm xông lên, vì Đức (hình như) chả cấp ODA cho VN đâu mà đòi cắt để gây sức ép, keke….