|
Tiêu đề: Ấn Độ | |
| | | | | | ẤN ĐỘ
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc lên cao mạnh mẽ ở Ấn Độ. Ngày 19 – 2 – 1946, 2 vạn thuỷ binh trên 20 chiến hạm ở cảng Bombay đã khởi nghĩa, hạ cờ Anh, tổ chức biểu tình tuần hành với các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Anh!”, “Cách mạng muôn năm!”. Khi quân đội Anh đến đàn áp, các binh sĩ hải quân đã chiến đấu chống lại rất anh dũng. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của thuỷ quân, 20 vạn công nhân, sinh viên, học sinh và đông đảo nhân dân Bombay đã bãi công, bãi khoá, bãi thị. Cuộc tổng bãi công sau đó đã biến thành khởi nghĩa vũ trang của nhân dân, kéo dài trong ba ngày liền (từ 21 đến 23 – 2) mới bị dập tắt. Ở nhiều thành phố khác, đông đảo công nhân đã bãi công hưởng ứng cuộc khởi nghĩa ở Bombay như Cancutta, Carasi, Mađơrat. Ở nông thôn, phong trào “Tephaga” (tiếng Ấn Độ có nghĩa là1/3, tức phong trào nông dân đấu tranh đòi chỉ nộp 1/3 thu hoạch cho địa chủ) đã nổ ra ở nhiều địa phương, có nơi nông dân nổi dậy cướp tài sản của cải của địa chủ. Đầu năm 1947, cao trào bãi công của công nhân đã nổ ra ở nhiều thành phố lớn, như cuộc bãi công của hơn 40 vạn công nhân thành phố Cancuttta tháng 2 – 1947… Quy mô rộng lớn của phong trào cách mạng buộc đế quốc Anh không thể tiếp tục thống trị Ấn Độ theo hình thức thực dân kiểu cũ được nữa, do đó đã thương lượng với hai đảng Quốc đại và Liên đoàn Hồi giáo chia Ấn Độ thành hai quốc gia dựa trên cơ sở tôn giáo: Ấn Độ của những người theo Ấn Độ giáo và Pakixtan của những người theo Hồi giáo; hai nước Ấn Độ và Pakixtan hưởng quy chế tự trị và được thành lập chính phủ dân tộc riêng của mình. Trên cơ sở thoả thuận theo kế hoạch này (thường gọi là “Kế hoạch Maobattơn”), ngày 15 – 8 – 1947, Ấn Độ đã tách ra thành hai quốc gia, Ấn Độ và Pakixtan (ngày 26 – 3 – 1971, nhân dân miền Đông Pakixtan đã nổi dậy đấu tranh vũ trang đòi tách khỏi Pakixtan và thành lập nước Cộng hòa Bănglađet). Không thoả mãn với quy chế tự trị, Đảng Quốc đại đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ đấu tranh đòi thực dân Anh phải trao trả độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ. Trước sức ép đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, thực dân Anh buộc phải công nhận nền độc lập hoàn toàn của Ấn Độ. Ngày 26 – 1 – 1950, Ấn Độ tuyên bố độc lập và nước Cộng hòa Ấn Độ chính thức thành lập. Sau khi giành được độc lập, Ấn Độ đã thực hiện những kế hoạch to lớn nhằm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và củng cố nền độc lập của đất nước. Qua cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, từ một nước phải nhập khẩu lương thực, ngày nay Ấn Độ đã tự túc được lương thực cho dân số 900 triệu người. Về công nghiệp, Ấn Độ hiện nay được xếp hàng thứ 10 trong sản xuất công nghiệp toàn thế giới. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và khoa học, kỹ thuật đã đạt được những bước tiến bộ nhanh chóng: năm 1974, thử thành công bom nguyên tử (nhưng Ấn Độ không chủ trương chế tạo vũ khí nguyên tử); năm 1975, phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái đất bằng tên lửa của mình… Về đối ngoại, Ấn Độ trước sau luôn luôn theo đuổi chính sách hoà bình, trung lập tích cực, luôn luôn ủng hộ đấu tranh của các diện tích bị áp bức chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Với những thành tựu xây dựng đất nước và với đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị, Ấn Độ đang giữ một vai trò quan trọng trên trường quốc tế. | | | | |
|
|