Những vấn đề về tư duy phương Đông
Jean-François Dortier
Người ta thường đồng nhất tư duy phương Đông với tinh thần truyền thống từ tổ tiên để lại, tập trung ở minh triết, nhận thức về ngã và không kham được tư duy duy lý tiêu biểu cho phương Tây. Thật ra là thế nào?
Ngày 5-10-1989, ở New Port Beach (Hoa Kỳ), một cuộc gặp gỡ được tổ chức giữa Đức Dalai Lama và các nhà nghiên cứu phương Tây (các nhà triết học, tâm lý học, thần kinh học) chung quanh đề tài các khoa học tinh thần (1). Cuộc họp chưa bắt đầu thì người ta biết tin Giải Nobel Hòa bình được trao tặng cho ngài Dalai Lama. Vẻ nhã nhặn, nụ cười luôn luôn trên môi và rõ ràng là tách khỏi mọi vẻ sôi nổi bên ngoài, Dalai Lama không muốn hoãn lại cuộc gặp đã dự định. Hôm đó, các cuộc tranh luận hướng tới bản chất của ý thức, ký ức, cái ngã và phương pháp khoa học. Vượt ra khỏi nội dung của nó, cuộc gặp này thật thú vị. Nó trình bày hai thế giới quan, hai truyền thống tư duy, hai vũ trụ tinh thần.
Một bên, khoa học phương Tây được các nhà khoa học và triết học trình bày. Phần lớn đều là những người duy vật. Họ bàn tới tinh thần con người bằng những cấu trúc và những chức năng não; bên kia, Dalai Lama trình bày tinh thần phương Đông nói về cái Ngã, về những trạng thái ý thức khác nhau, về kinh nghiệm của các cuộc đời trước kia. Một bên, lý trí, khoa học, thực nghiệm, những bằng chứng khoa học; bên kia, minh triết, suy tưởng, trải nghiệm về các trạng thái ý thức...
Đó là cái cách mà người phương Tây thích tự trình bày về tư duy phương Đông. Một cách nhìn được tổ chức chung quanh một vài ý tưởng chủ đạo. Có lẽ phương Đông đã phát triển các minh triết (như Phật giáo hay ấn Độ giáo) hơn là các triết thuyết hay các khoa học. Nếu tin vào Friedrich Hegel, Edmund Husserl, Martin Heidegger, thì tư duy lý tính đã ra đời ở Hy Lạp và phát triển ở châu Âu vào thế kỷ Khai sáng mà không phát triển ở phương Đông. Tư duy phương Đông đã bỏ lại các hệ thống triết học, các triết học, để đi vào các kỹ thuật tinh thần dựa vào cuộc sống bên trong.
Từ sự trình bày này về phương Đông đã làm nảy sinh một thái độ pha trộn sự hạ cố và sự quyến rũ.
Hạ cố vì phương Đông bị coi là chưa đạt tới tuổi lý trí. Quyến rũ đối với những kỹ thuật tinh thần và những từ thần diệu - thiền (2), yoga (3), Đạo, nirvana (4),.v.v... cũng như những hứa hẹn về hài hòa, thanh thản và cân bằng nội tâm.
Phải đợi đến nửa sau thế kỷ XX, các nhà sử học về các khoa học và triết học mới đề xướng một cách nhìn mới về các trật tự sự vật này. Không những châu á giàu có về một khối triết học - hùng vĩ và rất tinh tế - được ghép với những minh triết truyền thống, mà các nhà khoa học và kỹ thuật ở đó cũng có một vị trí quan trọng. Nhưng trước tiên, ta hãy trở về với những gốc rễ của tư duy phương Đông ấy.
Các tinh thần lớn của phương Đông là những gì?
Đối với người phương Tây, ngay từ thời Cổ, từ “phương Đông” chỉ tất cả những gì nằm ở phía đông. Về mặt địa lý, nó bao trùm cả Viễn Đông, Trung Đông và Trung á. Vào thế kỷ XIX, “Đông phương học” chỉ một phong trào vừa văn học vừa hội họa, đặc biệt hướng tới kỷ nguyên Hồi giáo.
Trong lĩnh vực lịch sử của những ý tưởng và khoa học nhân văn, thì “Đông phương học” lại đi theo một hướng hoàn toàn khác: nó chỉ sự nghiên cứu ngôn ngữ và các văn hóa châu á. Chính trên cơ sở này, bộ môn khoa học đông phương và những thể chế gắn liền với nó đã được xây dựng. Cuối cùng, chỉ mới gần đây thôi, thuật ngữ “tư duy phương Đông” mới xuất hiện để chủ yếu chỉ những tinh thần ra đời ở châu á: ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, Thần đạo và nhiều nhánh của chúng. ấn Độ là cái nôi của hai hệ thống triết học - tôn giáo lớn: ấn Độ giáo và Phật giáo. Trên thực tế, ấn Độ giáo tương ứng với một khối lượng văn bản và tín ngưỡng rộng lớn, trải dài ba nghìn năm và trải rộng ra cả một tiểu lục địa. Từ “hindou” do người Hồi giáo đặt ra và được người phương Tây lấy lại ở thế kỷ XIX để chỉ đạo Veda, đạo Brahman, đạo Tantra, đạo Jaina (5). Phật giáo là tinh thần lớn thứ hai xuất hiện ở ấn Độ vào thế kỷ V trước C.N. Khác với ấn Độ giáo vẫn còn bị giam hãm vào quê hương nó, Phật giáo được truyền bá khắp châu á. Nó mang rất nhiều hình thức: Phật giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa, Phật giáo Mật tông, Tây Tạng (đạo Lama), thiền Nhật Bản,.v.v...
Trung Quốc, một lưu vực văn minh khác, cũng là cái nôi của hai tinh thần triết học - tôn giáo lớn: Khổng giáo và Đạo giáo. Cả hai đều nảy sinh vào khoảng thế kỷ V trước C.N và bắt nguồn từ những thuyết giáo của hai bậc thầy tư tưởng: Khổng tử và Lão tử (sự tồn tại của Lão tử có lẽ là truyền thuyết).
Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo (sau khi du nhập vào Trung Quốc) trong nhiều thế kỷ sau đó tạo thành “ba con đường” của tinh thần Trung Quốc. Ngoài ra có những tinh thần khác cũng ra đời ở phương Đông: Thần đạo và đạo Jaina. Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo mỗi đạo còn chia nhỏ thành nhiều trào lưu đã được phát triển trong tiến trình lịch sử. Trên những gốc thần bí - tôn giáo ấy, các hệ thống triết học tinh vi (do những bình giải về các văn bản thiêng liêng tạo ra) đã được ghép vào.
Chính tập hợp nhiều thành tố của những học thuyết trộn lẫn minh triết, tín ngưỡng tôn giáo, huyền thoại và triết học ấy nói chung được người ta gọi là tư tưởng phương Đông