Vũ đạo là một bộ phận hợp thành quan trọng trong một loại hình nghệ thuật mà ở thời kỳ Trung Hoa cổ đại gọi là "nhạc", vốn là một hình thái nghệ thuật tổng hơp. Thông qua nghệ thuật vũ đạo có thể nhận thấy những đặc trưng cơ bản của văn hoá dân tộc Trung Hoa.
+ Không gian văn hoá: nghệ thuật vũ đạo phát triển rộng rãi trên toàn lãnh thổ Trung Hoa, bao gồm cả miền Nam và miền Bắc, phía Đông và phía Tây. Trải qua mấy nghìn năm, hiện nay vũ đạo vẫn là một loại hình nghệ thuật phổ biến trên toàn đất nước Trung Quốc.
+ Chủ thể văn hoá: chủ thể sáng tạo nghệ thuật vũ đạo là dân tộc Trung Hoa, xuất phát từ những nghi lễ tôn giáo thể hiện nguyện vọng hoà hợp với thế giới tự nhiên. Trong quá trình phát triển, người Trung Hoa còn tiếp thu những điệu múa của các dân tộc ở phía Bắc, phía Tây đất nước, làm phong phú nghệ thuật vũ đạo dân tộc. Đến thời kỳ hiện đại, Trung Hoa còn tiếp thu cả những yếu tố của vũ đạo phương Tây.
+ Thời gian văn hoá: nghệ thuật vũ đạo xuất hiện từ xa xưa. Sách "Lã thị xuân thu" có nói về âm nhạc, nhạc khí, qua đó thể hiện sự thật là vũ nhạc nguyên thuỷ có hình thức mô phỏng tự nhiên, liên quan đến việc tế lễ.
Vũ đạo nguyên thuỷ phát triển trong thời gian dài, trải qua nhiều biến đổi, để lại nhiều loại nhạc khí thời đại đồ đá mới: sáo, khánh đá, trống...
Thời kỳ Tây Chu đã có hệ thống nhã nhạc, đây là thời kỳ thành thục của vũ đạo Trung Hoa. Vũ đạo chia làm nhiều loại hình như: vũ đạo nhã nhạc, vũ đạo kỹ nhạc, vũ đạo tôn giáo... Các loại hình này được duy trì, tiếp thu những yếu tố ngoại nhập và phát triển xuyên suốt qua thời kỳ phong kiến Trung Hoa.
Khi có sự giao lưu văn hoá với phương Tây, vũ đạo Trung Hoa lại tiếp thu những yếu tố mơi, chẳng hạn như nghệ thuật múa balê, tạo nên tính tổng hợp của vũ đạo Trung Hoa hiện đại