Hôn lễ là một nghi thức quan trọng trong đời sống con người. Nó đánh dấu sự trưởng thành và mở ra cuộc sống mới. Ở hầu hết các nền văn hóa, nghi thức kết hợp người đàn ông và người đàn bà trong hôn lễ rất được coi trọng. Thông qua nghi lễ hôn nhân của mỗi dân tộc, chúng ta có thể giải mã được những giá trị của nền văn hóa đó.
“Hợp cẩn giao bôi” là một nghi thức được tiến hành trong lễ cưới của người Trung Hoa. Cẩn hay còn gọi là bao cẩn (包卺)là một lọai cốc rượu được làm từ quả hồ lô. Khi tiến hành hôn lễ, người ta sẽ chọn một quả hồ lô thích hợp, tách ra làm đôi. Cô dâu, chú rể mỗi người cầm một nửa quả hồ lô rót đầy rượu sau đó hai người cùng uống cạn chén rượu. Sau khi uống xong, người ta lại ghép hai cái gáo lại với nhau như dạng quả hồ lô ban đầu vì thế có tên gọi là hợp cẩn.
Dưới đây, chúng ta sẽ xét nghi lễ này theo hệ tọa độ: không gian, chủ thể, và thời gian.
1. Không gian
Quả hồ lô là một loại quả thực vật họ bầu bí. Những nghiên cứu khảo cổ cho thấy hồ lô đã được trồng ở Đông Nam Á cổ từ hơn 7000 năm trước. Từ đó chúng ta có thể suy ra đây là một nghi thức ra đời ở vùng phía Nam Trung Hoa và là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp phương Nam. Cùng với những giá trị văn hóa phương Nam khác, nghi thức này được những tộc người phương Bắc tiếp nhận và dần dần phát triển ra khắp lãnh thổ Trung Hoa
2. Chủ thể
Hồ lô là lòai thực vật được gieo trồng ở Đông Nam Á cổ. Chủ nhân của chúng là các tộc người Bách Việt, Miêu Man, Bách Bộc. Có giả thuyết cho rằng nghi thức “hợp cẩn ” bắt nguồn từ một câu chuyện thần thọai cổ đại về nạn đại hồng thủy tiêu diệt lòai người. Chỉ có hai anh em nhà nọ trốn trong quả hồ lô mới thóat nạn diệt vong. Sau này họ sinh con đẻ cái, tạo ra lòai người và trở thành thủy tổ của lòai người. Vì vậy, quả hồ lô có một mối quan hệ đặc biệt với lòai người và được chọn làm chén uống rượu trong ngày cưới.
Quả hồ lô có hai hình dạng: lọai thân phình to, cuống dài và loại có hai phần thân (trên, dưới) phình ra, giữa có eo nhỏ. Do hình dạng đặc trưng hai loại hồ lô giống như hình ảnh của người phụ nữ có mang nên quả lô hô mang trên mình yếu tố sinh sôi, phồn thực. Dùng hồ lô để uống rượu trong ngày cưới là một cách cầu mong được con cháu đầy đàn.
Ngòai ra, ta còn thấy triết lí âm dương được phản ảnh qua nghi thức này. Nửa qua hồ lô làm chén cho chú rể uống rượu tượng trưng cho dương. Nửa còn lại dành cho cô dâu uống tượng trưng cho âm. Việc ghép hai nửa quả hồ lô thành một tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa nam và nữ, giữa âm và dương. Từ đó ta thấy nghi thức “hợp cẩn ” được hình thành trên những giá trị vật chất và tinh thần của văn hóa gốc nông nghiệp. Vì vậy chúng ta có cơ sở tin rằng chủ thể của nó phải là những tộc người sống ở phía Nam Trung Quốc.
3. Thời gian
Tục “hợp cẩn giao bôi” khá phổ biến dưới thời nhà Chu và được triều đình công nhận chính thức. Mỗi thời đại khác nhau có hình thức “hợp cẩn giao bôi” khác nhau. Đời Đường, khi uống rượu hợp cẩn, bao giờ cũng có hai bé trai làm cẩn đồng, mỗi bé cầm một cái chén (cũng làm từ quả hồ lô rót đầy rượu: sau đó một bé sẽ mời chú rể, một bé sẽ mời cô dầu uống rượu. Người ta cho rằng, việc chọn hai bé trai làm cẩn đồng vừa có nghĩa cầu tự vừa có nghĩa trong trắng, trinh nguyên.
Tuy nhiên đến đời Tống, người Trung Hoa không còn sử dụng lọai chén rượu làm từ quả hồ lô để uống rượu nữa, thay vào đó là một cái chén rượu bình thường. Điều đặc biệt là hai chén rượu này được nối với nhau bằng một sợi tơ nhiều màu sắc. Khi hai người uống được nửa chén rượu thì sẽ đổi chén cho nhau. Vì vậy nó được gọi là “giao bôi” và tục này vẫn được duy trì cho đến thời cận đại. Việc chọn chén rượu thay cho quả hồ lô đã làm mất đi tính chất nông nghiệp phương Nam của nghi thức này.
Tóm lại, “hợp cẩn giao bôi” là một nghi thức thể hiện sự kết hợp người nam và người nữ trong văn hóa Trung Hoa. Ban đầu nghi thức này là hợp cẩn, cặp vợ chồng mới cưới uống rượu trong hai nửa quả hồ lô và ghép chúng lại với nhau. Dựa trên những phân tích về đặc điểm văn hóa, chúng ta có cơ sở tin rằng đây là một nghi lễ ra đời ở vùng phía nam Trung Hoa. Về sau nó được biến đối thành tục “giao bôi” tức là cô dâu, chú rể uống hai chén rượu và đổi ly cho nhau. Việc chuyển từ hai nửa trái hồ lô thành hai ly rượu được buộc vào nhau có thể được xem là một hiện tượng tiếp biến văn hóa. Đây là sự “du mục hóa” một nghi lễ mang tính chất nông nghiệp phương Nam