Khối thị trường chung châu Âu hay còn gọi là khối Cộng đồng kinh tế châu Âu (tiếng Anh viết tắt là EEC) ra đời trên cơ sở hiệp ước kí kết ngày 25 – 3 – 1957 tại Rôma giữa 6 nước tư bản châu Âu: Cộng hoà liên bang Đức, Pháp, Italia, Bỉ, Hà Lan, Lucxembua. Sau đó, có thêm 6 nước tham gia EEC là Anh, Đan Mạch, Ailen (1973), Hi Lạp (1981), Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (1986), đưa tổng số hội viên lên 12 nước.
Sau hơn 40 năm ra đời, EEC trong thực tế đã tạo ra một cộng đồng kinh tế và một thị trường chung, với vốn khoa học – kỹ thuật hùng hậu và sức lao động của một dân số đông hơn 340 triệu người. Điều này cho phép EEC nói chung và các thành viên EEC nói riêng, khả năng phát triển nhanh chóng nền kinh tế, ứng dụng những thành tựu khoa học – kỹ thuật hiện đại vào sản xuất công – nông nghiệp, và thực hiện có hiệu lực cuộc cạnh tranh về kinh tế, tài chính, thương mại với các nước ngoài khối, đặc biệt đối với Mĩ và Nhật Bản. Mặt khác, EEC đã tìm mọi cách tiến tới thống nhất với nhau về chính sách đối nội, đối ngoại, đặc biệt trong mục tiêu chống chủ nghĩa xã hội và phong trào công nhân ở châu Âu. Tháng 12 – 1991, hội nghị thượng đỉnh EEC đã kí kết hiệp ước về Liên minh châu Âu ở Maaxtrich (Hà Lan) (1) nhằm thành lập một liên minh kinh tế tiền tệ thống nhất toàn châu Âu, có một ngân hàng chung, sử dụng một đồng tiền chung (đồng EDU) (2) và cùng thực hiện một chính sách đối ngoại và an ninh chung
(1) Từ 1 – 11 – 1993, EEC được gọi là Liên minh châu Âu (viết tắt tiếng Anh là EU). Đến nay, số thành viên của EU là 15 nước – thêm Áo, Phần Lan và Thuỵ Điển.
(2) Nay gọi là đồng Euro