Năm 1975, với thắng lợi hoàn toàn và triệt để của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Tuy đã đạt được một số thành tựu và tiến bộ đáng kể nhưng cách mạng cũng gặp không ít khó khăn và yếu kém. Cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đỏi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải đổi mới.
1. Qua mười năm đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, Đảng và nhân dân ta đã giành được những thành tựu quan trong trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc: Tiếp quản và ổn định vùng giải phóng, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế trên cả hai miền, chuyển từ một nền kinh tế chủ yếu được xây dựng, hoạt động phục vụ chiến tranh sang hòa bình xây dựng. Những mất cân đối trong nền kinh tế: thu – chi, xuất – nhập, sản xuất – tiêu dùng,… được thu hẹp hơn. Cơ sở vật chất kĩ thuật của CNXH được xây dựng, bắt đầu phát huy tác dụng đối với nền kinh tế. An ninh chính trị được đảm bảo, độc lập và chủ quyền quốc gia được giữ vững. Đặt trong hoàn cảnh một đất nước từ nghèo nàn, lạc hậu đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đây là những thành tựu quan trọng, thể hiện cố gắng rất lớn của toàn Đảng toàn dân ta.
Tuy nhiên, từ cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đặc biệt là từ sau cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Nam (1978) và sự bùng phát đồng thời của chiến tranh biên giới Tây – Nam, tình hình đất nước khó khăn gay gắt. Sản xuất chậm phát triển, không theo kịp với mức tăng dân số quá nhanh. Sự cắt giảm viện trợ đột ngột từ bên ngoài trong khi nền kinh tế trong nước không đủ nội lực khiến đất nước thiếu nghiêm trọng nguyên, nhiên vật liệu, hàng tiêu dùng. Những mất cân đối trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt lại gay gắt thêm. Lạm phát lên tới mức phi mã, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, những hiện tượng tiêu cực lan tràn, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước suy giảm.
Trên thực tế, từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ kỷ XX, đất nước ta đã lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội, thậm chí có cả những dấu hiệu khủng hoảng về chính trị . Nhìn nhận dấu hiệu chính trị trong cuộc khủng hoảng này mới có thể lý giải đầy đủ công cuộc đổi mới và tính sâu sắc, toàn diện của nó, vì: Thứ nhất, Theo quy luật chung, không thể tách rời mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị. V.I. Lênin từng nhiều lần nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ giữa hai yếu tố này. Chính trị là biểu hiện tập chung của kinh tế và kinh tế là biểu hiện tập chung của chính trị, không thể có chính trị lành mạnh nến nền kinh tế ồm yếu và ngươc lại. Thứ hai, sự phát triển lành mạnh, đúng hướng hay không của nền kinh tế - xã hội tùy thuộc trước hết vào chủ chương, đường lối phát triển. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) cũng đã chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng CNXH của Đảng “là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”[1]. Đó là những khuyết điểm trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Thứ ba, nếu không có những yếu tố khủng hoảng thuộc về chính trị, công cuộc đổi mới sẽ chỉ dừng ở đổi mới kinh tế - xã hội, sẽ không có quá trình kết hợp chặt chẽ và ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị trong quá trình tiếp theo. Thứ tư, có đánh giá đúng mức thời điểm nguy hiểm đã qua, mới có thể hình dung đúng đắn rằng: nếu không có dự trữ năng lực rồi rào và không có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, Đảng và nhân dân ta không thể phát động và thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước vượt lên khủng hoảng.
Những yếu kém, tiêu cực trong đời sống đất nước là do tác động tổng hợp của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguồn gốc sâu xa của căn bệnh khủng hoảng chính từ những khuyết điểm trong của mô hình CNXH (gồm cả mô hình mục tiêu và mô hình bước đi, cách thức thực hiện mục tiêu) mà chúng ta đang áp dụng. Đó là CNXH thời chiến từng cần thiết và thích hợp trong hoàn cảnh miền Bắc có chiến tranh, nhưng khi đất nước đã chuyển sang bước ngoặt mới: hòa bình - điều kiện cho việc áp dụng mô hình này đã không còn, việc kéo dài và phổ biến mô hình (trong những năm 1975 – 1986 từ miền Bắc và phổ biến cả ở miền Nam) đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế xã hội.
Sai lầm của ta trước tiên trong sự nôn nóng tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, ở việc đề ra phương châm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách duy ý trí: nhanh, mạnh, vững chắc… Vì vậy, khi thực hiện đã không tuân thủ tính trình tự lịch sử, dẫn đến “vi phạm quy luật khách quan”.
Trong cải tạo, ta nông nóng muốn cải tạo nhanh, đồng nhất cải tạo với xóa bỏ, cũng với mong muốn xóa bỏ nhanh, dứt điểm các thành phần kinh tế tư nhân và cá thể, bất kể nó còn hay không còn tác dụng thúc đẩy sản xuất, nên khi thực hiện đã đẫn đến sai phạm “nguyên tắc tự nguyện”.
Trong công nghiệp hóa, chúng ta cũng nôn nóng muốn đẩy mạnh quá mực việc xây dựng công nghiệp nặng, “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”, muốn hiện đại hóa nền kinh tế vốn nhỏ bé, lạc hậu, phân tán của ta nhanh chóng trở thành nền kinh tế công – nông nghiệp hiện đại, nên đã đầu tư nhiều vốn, kỹ thuật, lao động, xây dựng theo quy mô lớn nhiều cơ sở công nghiệp nặng trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn to lớn, chưa có sẵn những tiền đề cần thiết.
Trong xây dựng kinh tế, chúng ta chủ trương phát triển nền kinh tế hiện vật, chủ yếu bằng hai thành phần quốc doanh và hợp tác xã, nhằm đáp ứng việc thực hiện theo nguyên tắc phân phối theo hiện vật, có thành kiến với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, và do đó “có thành kiến không đúng, trên thực tế chưa thực sự thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hóa đang tồn tại khách quan”[2]. Bên cạnh đó, nền kinh tế hiện vật lại đặt dưới sự quản lí kiểu hành chính, tập chung, quan liêu bao cấp của Nhà nước.
Sai lầm của chúng ta còn thể hiện ở việc đặt ra trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước với nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quá lớn, quá cao so với khả năng của đất nước, và ở việc mong muốn thực hiện nhanh chóng nhiều mục tiêu của CNXH trong điều kiện nước ta đang ở những chặng đường đầu tiên.
Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những dai lầm đó trước tiên là những sai lầm trong chính sách kinh tế, là “bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lí kinh tế - xã hội…”[3]. Đó là khuynh hướng biểu hiện của tư tưởng vừa “tả khuynh” vừa “hữu khuynh”.
Từ sau Đại hội Đảng IV (1976) đến Đại hội Đảng V (1982), dù có những bổ xung và điều chỉnh, nhưng quan niệm về CNXH và cách thức xây dựng nó về cơ bản vẫn là sự kéo dài mô hình đã áp dụng trong những năm 1954 – 1975 ở miền Bắc. Hơn nữa, việc phổ biến mô hình này ra cả nước tỏ ra không thích hợp vì điều kiện kinh tế - xã hội Miền Nam không giống những điều kiện lịch sử của miền Bắc sau năm 1954. Ít nhất nền kinh tế hàng hóa và thói quen sản xuất hàng hóa cùng những quan hệ quốc tế của kinh tế miền Nam đã khá phát triển, khó chấp nhận việc quay trở lại nền kinh tế hiện vật, đóng kín đã áp dụng ở miền Bắc. Chính điều này giải thích vì sao cuộc cải tạo quan hệ sản xuất ở miền nam đã không đạt kết quả như ở miền Bắc những năm 1958 – 1960.
Những sai lầm đó đã gây nên và làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, không phát huy đầy dủ tính chủ động, sáng tạo của quần chúng, không tạo ra được động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển năng động của kinh tế - xã hội.
Để khắc phục sai lầm khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng XHCN tiến lên, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải đổi mới.
2. Thời gian này, trên thế giới cũng đang diễn ra nhiều thay đổi to lớn, sâu sắc. Sau một thời gian dài phát triển, đạt được những thành tựu vĩ đại trong lịch sử nhân loại, đế cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, các nước XHCN đều lần lượt lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng. Đây là cuộc khủng hoảng “có tính chất mô hình”, CNXH mà các nước đang xây dựng, thực chất là CNXH thời chiến, chủ yếu bắt nguồn từ kinh nghiệm của Liên Xô, từng thích hợp với những điều kiện đặc biệt của nước Nga Xô Viết, nhưng lại được coi là mô hình duy nhất, phổ biến cho tất cả các dân tộc khi lựa chọn con đường phát triển theo CNXH. Ở các nước XHCN đều lần lượt diễn ra quá trình cải tổ, cải cách, đổi mới… dù tên gọi khác nhau, nhưng đều giống nhau ở thực chất sửa chữa mô hình. Từ góc độ mô hình nhìn lại, cuộc khủng hoảng mô hình chỉ bùng phát đồng loạt vào những năm cuối thế kỷ trước, nhưng trước đó, cuộc khủng hoảng ở Hunggari năm 1956, ở Tiệp khắc năm 1968, ở Ba Lan năm 1980 và ngay ở nước Nga Xô Viết những năm 90,… một mặt là do âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch vốn không bao giờ từ bỏ ý định tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản; mặt khác, đó là những dấu hiệu của việc áp dụng cứng nhắc, duy nhất một mô hình. Trong lịch sử không có từ “nếu”, nhưng có thể giả thiết về một cách nhìn nhận, điều chỉnh từ mô hình, có lẽ các nước XHCN đã tránh được sự đổ vỡ đau đớn về sau.
Dù kết quả điều chỉnh về sau có khác nhau, trào lưu cải tổ, đổi mới, cải cách,… đã phản ánh một nhu cầu khách quan, giúp tháo dỡ một rào chắn to lớn về nhận thức và tạo không khí thuận lợi cho việc phát triển công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Ở các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) cũng đang diễn ra những thay đổi to lớn do tác động không thể cưỡng lại và phản ứng dây chuyền của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ: xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa đời sống quốc tế, sự hợp tác – phân công giữa các nước, các nền kinh tế, hình thành thị trường quốc tế và khu vực; sự thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới theo hướng mở, sự thay bậc đổi ngôi giữa các ngành kinh tế, không phải lúc nào và ở đâu công nghiệp nặng cũng là ưu tiên hàng đầu, sự ra đời và chiếm lĩnh vị thế của các ngành mới: điện tử, tin học, vật liệu mới, công nghệ sinh học, du hành vũ trụ; xu thế rút ngắn con đường phát triển với sự nổi lên của những nước công nghiệp mới ở Châu Á. Thế giới đang đổi thay. Cuộc cách mạng khoa hoc kỹ thuật và công nghệ, cùng xu thế toàn cầu hóa đặt Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước XHCN đứng trước những thời cơ và thách thức vô cùng to lớn. Nếu không đổi mới, cải cách mở cửa đề hòa nhịp với xu thế chung của thời đại thì sẽ bị tụt hậu so với các nước TBCN.
Các nước xã hội chủ nghĩa đã từng gây những ảnh hưởng tích cực, đa chiều đến sự đổi thay, điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản (CNTB) thì giờ đây, những đổi thay ở các nước TBCN dưới tác động của cách mạng khoa học – công nghệ đang tác động ngày càng rõ rệt đến các nước XHCN, giống như một sự đối sánh, yêu cầu các nước XHCN dần điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại. Đồng thời, các biến đổi thực tế trên thế giới sẽ nêu ra những những luận đề không hoàn toàn quen thuộc như lý luận Mácxít đã khái quát và đến lượt nó, lý luận XHCN cũng sẽ phải có những bước phát triển đủ sức bao hàm và giải thích những hiện tượng, thực tiễn rất mới vừa mới nảy sinh.
3. Trên đất nước ta từ giữa năm 1979 trở đi đã diễn ra một quá trình đổi mới cục bộ về kinh tế, trước hết là về cơ chế quản lí, theo hướng xóa bỏ dần cơ chế quản lí hành chính, tập chung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế hoạch toán, kinh doanh XHCN. Cuộc đổi mới cục bộ đã thu được những kết quả và kinh nghiệm đầu tiên, tạo ra những tiền đề, điều kiện để đi tới đổi mới toàn diện, đồng bộ.
Theo những quan niệm chung, CNXH chính là một xã hội có thể tạo ra một kiểu tổ chức, quản lý dựa trên chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu có thể phân phối sản phẩm đến hàng chục triệu người, là xã hội không có áp bức, bóc lột, không có phân tầng xã hội thành kẻ giàu có và người bị áp bức. Càng xây dựng, hoàn thiện sớm cơ chế quản lí, tập chung, bao cấp, càng sớm có CNXH. Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, cơ chế quản lý kinh tế này đã phát huy tác dụng, cần thiết và tích cực. Nhưng việc thiếu vắng quan hệ sản xuất hàng hóa – tiền tệ, việc phân phối bình quân, không chú ý đến nhân tố con người, sự tập chung toàn bộ sở hữu và quá trình sản xuất, phân phối vào tay nhà nước đã không tạo ra môi trường và không khí dân chủ trong kinh tế và trong xã hội. Khi đất nước chuyển sang thời bình, những mâu thuẫn này càng bộc lộ rõ nét, nó tác động cộng hưởng với các nhân tố bất lợi khác, đẩy đất nước lâm vào khủng hoảng.
Tìm hướng thoát khỏi khó khăn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, từ Hội nghị trung ương VI (8 - 1979), Đảng ta đã có những điều chỉnh cần thiết trong quản lý kinh tế và trong cải tạo XHCN. Trong nông nghiệp, từ thực tiễn sáng tạo của quần chúng được tổng kết và nghiên cứu, một cơ chế quản lý mới – khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động được thừa nhận. Ngày 13 – 1 – 1981, Ban bí thư Trung ương ra Chỉ thị 100 về cải tiến công tác khoán và mở rộng khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (3 - 1982) quyết định: “Cần tập chung sức mạnh phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng”[4]. Quyết định 25/CP của Hội đồng chính phủ xác định quyền tự chủ xí nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện “ba phần kế hoạch”, áp dụng cơ chế “khoán, thưởng” trong sản xuất, kinh doanh đã tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất. Thành phố Hồ Chí Minh, Long An là những địa phương kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ổn định nhờ sử dụng các thành phần kinh tế hoặc xóa bỏ bao cấp qua giá. Bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế được đẩy mạnh với việc cải cách giá (1981) và tổng điều chỉnh giá – lương – tiền (1985).
Những giải pháp kinh tế mới đó dù chưa đi đến xóa bỏ cơ chế quản lý tập chung, quan liêu, nhưng đã tạo ra những hiệu quả sản xuất rõ rệt: năng xuất tăng, thu nhập quốc dân tăng hàng năm 6,4% trong những năm 1981 – 1985 (so với 0,4% trong những năm 1976 - 1980), đời sống nhân dân được cải thiện, lưu thông phân phối được cải thiện hơn. Tuy nhiên, những hiện tượng tiêu cực mới lại nảy sinh: sự lộn xộn trong hoạt động kinh tế mà nhà nước chưa kiểm soát được, sự phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo, sự xuất hiện tình trạng người bóc lột người. Những giải pháp kinh tế mới dù tự giác hay không, thực chất là chấp nhận sự xuất hiện, tồn tại của quan hệ hàng hóa – tiền tệ và những yếu tố của kinh tế thị trường mà một thời chúng ta coi là thuần túy TBCN. Nên hiểu như thế nào về luận điểm của Lênin: bắt con ngựa của CNTB phải cần mẫn kéo cày trên những luống đất của CNXH, sau khi chúng ta đã có CNXH? Cùng một hiện tượng kinh tế, cùng một cán bộ, nhưng cách nhìn nhận và sử lý rất khác nhau. Nếu đứng ở cơ chế quản lý cũ, những hiện tượng kinh tế vừa nảy sinh đã vi phạm chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp quyền xã hội. Nhưng nếu ở vị trí của tư duy mới, đó lại là những hiện tượng mới, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, đã có sự lệch pha và mâu thuẫn giữa các hiện tượng kinh tế mới vừa nảy sinh với tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Biện chứng của các cải cách kinh tế đã thúc đẩy đất nước trước sự lựa chọn: Hoặc trở lại cơ chế cũ và kèm theo đó là những quan niệm cũ, kinh tế - xã hội sẽ càng lún sâu vào khủng hoảng. Nhưng nếu chấp nhận những hiện tượng kinh tế mới, sẽ phải điều chỉnh nhận thức để chấp nhận những hiện tượng và luận đề chưa từng đặt ra trong lý luận Mácxít về CNXH: Quan niệm về “chặng đường đầu tiên” của thời kỳ quá độ lên CNXH mà Đại hội V đưa ra (1982) không chỉ có ý nghĩa kìm bớt tư tưởng chủ quan, nóng vội mà về mặt lý luận còn là một cố gắng của Đảng nhằm đưa ra một công thức dung hợp đủ để chứa đựng các hiện thực kinh tế - xã hội vừa nảy sinh, không mâu thuẫn và phủ nhận rộng tãi như một quy chuẩn về CNXH. Tuy nhiên, cơ chế quản lý kinh tế cũ đã bộc lộ toàn diện sự bất lực, đủ để cộng đồng đông đảo đỡ luyến tiếc khi chia tay với nó. Cơ chế mới dù mới nảy sinh và chưa hoàn chỉnh, nhưng đã tồn tại, chứng minh được tính hợp lý của mình, được sự thừa nhận, ủng hộ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội. Đảng ta ngày càng nhận thức rõ sự cần thiết của việc thay thế cơ chế quản lý kinh tế và những sáng kiến, những kết quả của phong trào quần chúng trong vận dụng cơ chế mới là những minh chứng và chỗ dựa vững chắc cho những quyết sách của Đảng. Thất bại của cuộc tổng điều chỉnh giá – lương – tiền (1985) không chỉ do các bước thực hiện mà còn chứng minh một điều: không thể tiến một bước nào trên con đường đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nếu vẫn giữ nguyên cơ cấu kinh tế, môi trường kinh tế và cả những quan niệm cũ về hàng loạt vấn đề trên con đường xây dựng CNXH. “Kết luận đối với một số vấn đề thuộc về quan điểm kinh tế” của Bộ chính trị (8- 1986) về bố trí cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, cải tạo XHCN, về cơ chế quản lý kinh tế đã nhìn nhận, xử lý các vấn đề này trên cơ sở của tư duy mới, ở góc độ quan điểm – lý luận, không phải chỉ ở mức độ các giải pháp mà nó phản ánh bước tiến vượt bậc trong tư duy của Đảng. Dù đến Đại hội VI (1986) Đảng mới phát động cuộc đổi mới toàn diện, nhưng với kết luận này, cuộc đổi mới đã thực sự đã bắt đầu từ tháng 8 – 1986.
Những diễn biến trên đây của tình hình trong nước và thế giới đã dẫn đến cuộc đổi mới toàn diện ở Đại hội VI (1986). Đổi mới là vấn đề sống còn của CNXH ở nước ta, đồng thời là vấn đề phù hợp với xu thế chung của thời đại. Những yếu tố của hoàn cảnh quốc tế là quan trọng, không có nó, không có đổi mới. Nhưng những diễn biến của tình hình trong nước là nguyên nhân cơ bản, sâu xa nhất buộc chúng ta phải “Đổi mới”. Từ sự nắm bắt kịp thời những diễn biến của tình hình thế giới, cảm nhận chính xác hoàn cảnh đất nước, với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng và nhân dân ta đã chủ động tiến hành công cuộc đổi mới. Đảng và nhân dân đã kết hợp làm một như đã từng thống nhất nhận thức, ý chí, thống nhất hành động trong chiến tranh, đã phát huy nguồn nội lực dồi dào của dân tộc, kết hợp với sức mạnh của ngoại lực, của thời đại để phát động và tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI (12 - 1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam là mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đất nước sang thời kỳ đổi mới.
CHÚ THÍCH
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 26.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 27.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 231.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 62 - 63.