QUAN NIỆM VỀ HIỆU QUẢ BÀI HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNGCông cuộc đổi mới đất nước hiện nay đòi hỏi giáo dục phổ thông phải đào tạo những con người phát triển toàn diện, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mỗi môn học ở nhà trường phổ thông với đặc trưng của mình đều phải góp phần đào tạo thế hệ trẻ, trong đó có Lịch sử.
Những kiến thức lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc từ cổ đến kim đều có tác động không chỉ đến trí tuệ mà cả trái tim học sinh. Các con người thực, việc thực trong quá khứ sẽ gợi dậy trong học sinh những tư tưởng tình cảm đúng đắn, mà những tư tưởng tình cảm này là hành trang tối cần thiết cho thế hệ trẻ trong điều kiện mở cửa, hội nhập với thế giới. Song, muốn phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của bộ môn Lịch sử trong việc giáo dục học sinh, cần nâng cao hiệu quả dạy học. Trong đó, mục đích của dạy học là nâng cao hiệu quả bài học. Phương pháp tốt sẽ nâng cao hiệu quả bài học. Vậy thế nào là hiệu quả bài học lịch sử ở trường phổ thông?
Trước khi tìm hiểu về hiệu quả bài học lịch sử ở trường phổ thông, ta cần hiểu rõ về bài học lịch sử ở trường phổ thông. Bài học lịch sử ở trường phổ thông (hay còn gọi là giờ học, tiết học, giờ lên lớp) là một khâu trong quá trình dạy học. Nhiệm vụ của nó là thực hiện một phần chương trình, sách giáo khoa, góp phần từng bước hoàn thành mục tiêu môn học, cấp học và khóa trình. Đó là hình thức cơ bản của việc tổ chức quá trình thống nhất giữa giảng dạy và học tập: giáo viên tiến hành các công việc truyền đạt kiến thức, giáo dục, phát triển học sinh; tổ chức, hướng dẫn học sinh tích cực hoạt động nhận thức để lĩnh hội kiến thức, bồi dưỡng tư tưởng đạo đức, rèn luyện kĩ năng… Vì thế, tiến hành bài học là điều tất yếu và bắt buộc trong việc dạy học ở trường phổ thông.
Là một khâu của quá trình dạy học nên bài học - chủ yếu là loại bài cung cấp kiến thức mới, giải quyết tất cả các yếu tố của quá trình dạy học. Mọi yếu tố của quá trình dạy học được thể hiện, phản ánh thông qua bài học, từ mục tiêu, nội dung, phương tiện, phương pháp, hình thức hoạt động… Nói cách khác, mỗi bài học đều giải quyết, đề cập đến tất cả các yếu tố của quá trình dạy học. Như thế, một bài học hiệu quả là bài học đề cập và giải quyết được tất cả các yếu tố của quá trình dạy học như trên đã trình bày.
Để xác định hiệu quả của một bài học lịch sử ở trường phổ thông là một điều không hề đơn giản. Vấn đề này được những nhà nghiên cứu và giáo viên thảo luận sôi nổi, có một số điều nhất trí, nhưng không phải là không có những ý kiến khác biệt. Hiện nay vẫn tồn tại quan niệm phiến diện, xem xét hiệu quả bài học chỉ thể hiện ở mức độ hình thành các kiến thức khoa học của học sinh trong giờ học, học sinh là người đánh giá hiệu quả của giờ học. Người khác thì cho rằng, hiệu quả của một bài học phụ thuộc vào đánh giá của các chuyên gia giáo dục. Có quan điểm lại đánh giá ở trình độ của người thầy cả về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức trong quá trình dạy học.
Hiệu quả nói chung, hiệu quả bài học lịch sử nói riêng là một khái niệm rất phức tạp, không dễ gì có thể thống nhất trong tất cả mọi người. Có thể hiệu quả với người dạy này, lớp học này mà không hiệu quả với lớp học khác, người dạy học khác. Nói như thế không có nghĩa là không có tiêu chí chung đánh giá hiệu quả một giờ học.
Hiệu quả bài học lịch sử bao giờ cũng gắn với một thời kỳ, một giai đoạn, gắn liền với đối tượng sư phạm được đảm bảo. Một giờ học nói chung, giờ học lịch sử nói riêng bỏ ra ít công sức nhất, ít tốn thời gian nhất, nhưng lại đem lại hiệu quả cao nhất. Đó chính là hiệu quả của bài học. Như thế, hiệu quả của một bài học lịch sử cũng gắn với đối tượng lớp học, trường học cụ thể, gắn với công sức, thời gian của thầy và học sinh. Sự tiến bộ của mỗi học sinh sau một giờ học là thước đo căn bản đánh giá hiệu quả của một bài học lịch sử.
Đánh giá hiệu quả của bài học lịch sử ở trường phổ thông, trong nhiều năm qua, người ta thường gắn với mục tiêu của giờ học, chương trình dạy học lịch sử. Điều đó đúng, nhưng có phần lạc hậu so với thời đại ngày nay – thời đại của công nghệ thông tin, thời đại chạy đua quyết liệt về khoa học và công nghệ, về giáo dục giữa các quốc gia. Điều này yêu cầu giáo dục phải đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trên quan điểm dạy chữ để dạy người, chúng ta nhất trí rằng, hiệu quả của bài học được xác định không chỉ bằng việc hình thành các kiến thức, mà còn là kết quả của việc giáo dục và phát triển tư duy, kỹ năng, kỹ xảo, tính tích cực học tập của học sinh trong học tập và cuộc sống. Nói một cách cụ thể, hiệu quả bài học thể hiện ở các mặt sau đây:
Trước hết, bài học phải giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản của bài, tức là làm cho các em ghi nhớ những sự kiện lịch sử chủ yếu, biết đánh giá các sự kiện, rút ra bài học, nêu quy luật (nếu có) và hình thành khái niệm lịch sử, xác định phương pháp học tập, kiểm tra. Kiến thức cơ bản ấy giúp các em trả lời câu hỏi như thế nào? và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống ra sao?
Thứ hai, bài học lịch sử hiệu quả phải đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. Đây là vấn đề quan trọng, nhưng rất khó khăn, phức tạp. Việc giáo dục phải phù hợp với nội dung bài học, trình độ, yêu cầu học sinh, nó không phải cung cấp cho các em kiến thức có sẵn, những khẩu hiệu sáo rỗng mà không có tác dụng gì với việc giáo dục. Kết quả giáo dục thể hiện ở thái độ, xúc cảm của học sinh đối với các sự kiện, nhân vật, những phản ứng tự nhiên,… của các em đối với hiện tượng và nhân vật lịch sử. Mặt khác, kết quả giáo dục còn thể hiện ở kỹ năng của học sinh trong việc đánh giá đúng sự kiện, vai trò của nhân vật lịch sử, kỹ năng sử dụng những kiến thức lí luận đã học để phân tích các hiện tượng xã hội của quá khứ và hiện tại. Những biểu hiện này là cơ sở để giáo dục cho học sinh tư tưởng chính trị, đạo đức trong quá trình học tập.
Thứ ba, hiệu quả bài học còn thể hiện ở việc phát triển toàn diện học sinh như: năng lực nhận thức (tri giác, tưởng tượng, trí nhớ, tư duy…), các thành phần nhân cách (xúc cảm lịch sử, hứng thú học tập, ý trí,…), năng lực thực hành và các kỹ năng, kỹ xảo,… Ngoài ra, giáo viên cũng không quên hình thành cho học sinh lòng mong muốn và khả năng tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động xã hội và lao động sản xuất.
Ba mặt cung cấp kiến thức, giáo dục tư tưởng, đạo đức và phát triển năng lực tư duy và hành động trong bài học lịch sử có mối quan hệ chặt chẽ, có tác động biện chứng với nhau. Nhiệm vụ giáo dục và phát triển của bài học chỉ có thể thực hiện trên cơ sỏ hình thành kiến thức. Mặt khác, việc hoàn thành nhiệm vụ giáo dục và phát triển trong giờ học sẽ làm cho việc nắm kiến thức của học sinh vững chắc, sâu sắc hơn.
Ví dụ, khi dạy học bài “Cách mạng tư sản Pháp 1789” trong chương trình lớp 10 trung học phổ thông (THPT), học sinh phải nắm được các sự kiện về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng Pháp cuối thế kỷ XVIII thể hiện nguyên nhân dẫn đến cách mạng bùng nổ; những sự kiện về vai trò lãnh đạo cách mạng, vai trò quần chúng nhân dân để cuối cùng hiểu được đây là một cuộc cách mạng dân chủ tư sản điển hình, biết đánh giá đúng vai trò của giai cấp tư sản và quần chúng nhân dân cách mạng. Qua đó, giáo dục cho học sinh thái độ kính phục vào các nhân vật lịch sử tiến bộ, mà tiêu biểu là Rôbexpie, tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Đồng thời, thông qua bài học, rèn luyện cho học sinh khả năng tri giác tài liệu, tranh ảnh, bản đồ, sơ đồ; phân tích, so sánh, đánh giá các sự kiện, hiện tượng… và các phẩm chất nhận thức tự giác, tích cực, độc lập.
Hiệu quả nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại thể hiện ở việc học sinh phải hiểu rõ: mặc dù diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, mức độ triệt để khác nhau, nhưng các cuộc cách mạng này đều là cách mạng tư sản. Điển hình nhất là Cách mạng tư sản Pháp 1789. Sự thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản đã dẫn tới việc xác lập một chế độ mới tiến bộ hơn – chế độ tư bản chủ nghĩa ở phần lớn các nước châu Âu và châu Mỹ – tạo điều kiện cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Giai cấp tư sản đã chiến thắng giai cấp phong kiến sau một quá trình đấu tranh lâu dài phức tạp… Từ đó, các em nắm vững khái niệm “cách mạng tư sản”, “chủ nghĩa tư bản”…, hiểu được nội dung cơ bản của quy luật về tương quan giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, quy luật có áp bức, có đấu tranh, bài học về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử.
Bên cạnh đó, hiệu quả dạy học lịch sử này còn thể hiện ở việc bồi dưỡng cho học sinh thái độ đồng tình, ủng hộ cái mới, cái tiến bộ, lòng kính phục những nhân vật lịch sử tiến bộ, căm ghét các nhân vật phản diện. Trên cơ sở hiểu bản chất các cuộc cách mạng tư sản, học sinh nhận thức rằng, cách mạng tư sản chỉ thay đổi chế độ bóc lột đối với người lao động, xây dựng niềm tin vào cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Việc dạy học về các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại bồi dưỡng cho học sinh các năng lực nhận thức: tri giác, nhớ, tưởng tượng, tư duy, đặc biệt là rèn luyện những thao tác tư duy; năng lực đánh giá; các phẩm chất nhận thức (tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo…); các kỹ năng, kỹ xảo…
Bên cạnh đó, xuất phát từ thực trang việc học tập lịch sử hiện nay – đa phần các em coi Lịch sử là môn phụ, học chống đối, không thích học Lịch sử, sợ sử, chán sử… chúng ta cần phải có nhận thức mới về bộ môn, về bài học lịch sử. Mỗi một bài học phải đem đến cho học sinh niềm say mê học tập, có mong muốn, nhu cầu học tập, phải đem đến cho học sinh niềm say mê trong học tập. Nói cách khác, nền giáo dục lịch sử không đặt nặng trọng tâm vào kiến thức, mà phải đặt trọng tâm vào khơi dậy đam mê của học sinh, kích thích tò mò, hứng thú, sáng tạo để các em có thể tự tìm kiếm những gì không chỉ trong phạm vi kiến thức ở nhà trường, mà cả kiến thức ngoài xã hội, để các em thấy rằng, mỗi ngày đến trường, mỗi một bài học lịch sử đều có ích.
Hơn nữa, một nền giáo dục, một bài học lịch sử như vậy không đặt nặng trọng tâm vào việc giúp học sinh tiếp nhận kiến thức của bài học mà giúp người học nhận ra những năng lực, trí tuệ của mình.
*
* *
Trước thực trạng học tập lịch sử hiện nay, một giờ học lịch sử mà khơi dậy được đam mê, khởi dậy hứng thú để các em chủ động lĩnh hội kiến thức, giúp các em nhận ra những năng lực, trí tuệ của mình, qua đó giáo dục tư tưởng, tình cảm cho các em – đó chính là một bài học hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO[1]. Nguyễn Thị Côi, (2006), Các con đường, biện pháp nâng cao dạy học Lịch sử ở trường phổ thông, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[2]. Đanilop M.A và Xcatkin M.N, (1980), Lí luận dạy học ở trưởng phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3]. Phan Ngọc Liên, Trần Văn Trị, (1976), Phương pháp dạy - học Lịch sử, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4]. Phan Ngọc Liên (Cb), Trịnh Đình Tùng, Nguyễn Thị Côi (2008), Phương pháp dạy học Lịch sử, Tập I, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[5]. Phan Ngọc Liên (Cb), Trịnh Đình Tùng, Nguyễn Thị Côi (2008), Phương pháp dạy học Lịch sử, Tập II, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[6]. Phan Ngọc Liên (Tổng Cb) (2006), Sách giáo khoa Lịch sử 10, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.