Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ thì năm 1950 chính là năm bản lề đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của cuộc kháng chiến trên tất cả các mặt. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giành được những thắng lợi to lớn về chính trị, ngoại giao, quân sự; sức mạnh, uy tín của nước Việt Nam đã được tăng cường rõ rệt. Vậy đâu là cơ sở để năm 1950 được đánh giá là “mốc” tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhìn lại năm 1950 trong lịch sử dân tộc.
I. Năm 1950 có rất nhiều các nhân tố quốc tế tác động mạnh mẽ đến nước ta
Đầu tiên là việc các nước xã hội chủ nghĩa công nhận Việt Nam. Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thành công, hệ thống xã hội chủ nghĩa, phát triển từ Châu Âu sang Châu Á và thành một hệ thống thế giới. Ngày 18/01/1950, Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa và ngày 30/1/1950, Chính phủ Liên Xô đã chính thức công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện hợp pháp của nhân dân Việt Nam. Một tháng sau đó, nước Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên và hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Rumani, Ba Lan, Bungari, Anbani, Hunggari) cũng lần lượt công nhận Chính phủ ta.
Cách mạng Lào và Campuchia có những bước phát triển mới, thành lập được Mặt trận và Chính phủ. Đó là cơ sở để đến năm 1951, trong Đại hội Đảng II, Đảng Cộng sản Đông Dương tách ra và thành lập ở mỗi nước một Đảng riêng. Ở Việt Nam lấy tên là Đảng Lao Động Việt Nam.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên khiến Mỹ không rảnh tay can thiệp trực tiếp vào Việt Nam mà chỉ chi tiền và vũ khí cho Pháp.
Phong trào của nhân dân Pháp, nhân dân thuộc địa Pháp và các lực lượng tiến bộ trên thế giới phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng lên cao. Tại Pháp, năm 1950, phong trào phản đối chiến tranh lên cao. Đảng Cộng sản Pháp tổ chức ngày chống chiến tranh Việt Nam (25/01/1950) với đủ mọi tầng lớp nhân dân Pháp tham gia, từ Đảng viên Cộng sản, nhân sĩ, trí thức, nhân dân lao động,… Tháng 1/1950, 600 phụ nữ từ các tỉnh đại diện cho mẹ, vợ có con, chồng chết trận ở Đông Dương kéo về Pari đòi đưa xác thân nhân về nước, những tấm gương đấu tranh như Hăngry Mactanh, Raymông Điêng,… Những cuộc đấu tranh này đã làm thức tỉnh lương tri của nhân dân Pháp tiến bộ.
Bên cạnh đó, còn có các cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa của Pháp, như nhân dân Tuynydi, Angiêri,… đã từ chối không bốc vác vũ khí xuống tàu đưa sang Việt Nam, kêu gọi thanh niên nước họ không tham gia vào quân đội viễn chinh Pháp,… để thể hiện sự đồng tình cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Với sự công nhận của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, cùng với phong trào phản đối chiến tranh của Pháp, ủng hộ cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam đã thể hiện sự thắng lợi to lớn về mặt chính trị, ngoại giao của nước ta. Nó góp phần nâng cao uy tín và địa vị của Nhà nước ta trên trường quốc tế, phá tung vòng vây của Pháp đã thiết lập tưởng như “không một con kiến chui lọt”. Như vậy, từ năm 1950, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã không còn đơn độc.
II. Tình hình trong nước
1. Về phía địch
a. Mỹ
Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Cuộc chiến tranh Đông Dương ngày càng có tính chất giống như chiến tranh Triều Tiên, nó trở thành một cuộc đấu tranh mang tính chất đụng đầu lịch sử giữa hai phe: xã hội chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa.
Lo ngại trước thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949, Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ, cấp có thẩm quyền cao nhất của Bộ quốc phòng Mỹ, trong đó có Tổng thống tham gia, đã quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương. Như vậy, từ năm 1950 Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ đã xác định rằng: vì lợi ích an ninh của mình, điều quan trọng đối với Hoa Kỳ là phải tiến hành tất cả các biện pháp có thể để ngăn chặn “một thắng lợi của cộng sản” ở Đông Dương.
Nếu như không có Mỹ, Pháp đã thua ta, từ năm 1950 Pháp đã bị hết hơi, chiến tranh trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Pháp. Các kế hoạch của Pháp chỉ có thể thực hiện được khi có sự “hà hơi thổi ngạt” của Mỹ với công thức “máu Pháp, đôla Mỹ”.
Sự can thiệp của Mỹ đã khiến cuộc chiến tranh của ta chống Pháp thêm gian khổ hơn, phức tạp hơn. Tháng 5/1950, Mỹ viện trợ cho Pháp ở Đông Dương 10 triệu USD (tương đương 5,2 tỷ Frăng Pháp). Tháng 9/1950, phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) được thành lập ở Việt Nam. Thực chất từ đây MAAG nắm quyền điều khiển cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam, Pháp gần như chỉ còn đóng vai trò “đánh thuê” [2; 124-125].
b. Pháp
Đến thời điểm năm 1950, thực dân Pháp ngày càng hao hụt về quân số do phải phân tán lực lượng để đối phó với cuộc chiến tranh du kích của ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Trong tình thế khó khăn và bị động, Pháp đã đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch Rơve, đưa nhiều vũ khí mới vào Việt Nam, tăng cường hệ thống phòng ngự trên đường số 4, khóa chặt đường biên giới Việt – Trung.
Sau thất bại ở Biên giới thu đông năm 1950, Pháp lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, tiến lui đều không được. Kế hoạch Rơve thất bại, Mỹ đang phải bạn bịu với cuộc chiến tranh Triều Tiên nên Pháp buộc phải ở lại giữ Đông Dương cho Mỹ.
Chính phủ Pháp đã thay Rơve bằng Đờ Lát, đây chính là lần thứ 5 Pháp phải thay Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương. Thay Đờ Lát, một viên tướng lão luyện được coi là “cứu tinh của nước Pháp”, Chính phủ Pháp muốn Đờ Lát: dựng lại tinh thần binh sĩ Pháp, được phép mất Bắc Kỳ, chỉ cần giữ Hải Phòng, nhưng phải giữ Nam Kỳ, Lào, Campuchia. Ngày 22/10/1950, Thủ tướng Pháp là Lêven đề nghị trao cho Đông Dương chủ quyền, độc lập, chấm dứt sự bảo hộ của Pháp.
Tuy nhiên, Đờ Lát đã cậy quyền thế của mình làm trái ý đồ của Chính phủ Pháp, dồn nỗ lực chiến tranh vào miền Bắc, chủ yếu là Đồng bằng Bắc Bộ. Để đạt được ý đồ của mình cần có sự viện trợ của Mỹ, một kế hoạch gồm 4 điểm chủ yếu: Thứ nhất, gấp rút tập chung quân Âu - Phi để xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh, phát triển ngụy quân với quy mô lớn (để ngụy quân giữ vùng tạm chiếm cho chúng). Thứ hai, xây dựng “quân đội quốc gia” của chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Thứ ba, lập tuyến công sự phòng thủ bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm đối phó với chủ lực của ta và ngăn chặn ta đưa nhân lực, vật lực ra vùng tự do. Thứ tư, tiến hành chiến tranh tổng lực, bình định vùng tạm chiếm và vùng du kích; đồng thời phá hoại hậu phương kháng chiến và chuẩn bị tấn công ra vùng tự do [2; 125-126].
Tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch Đờ Lát là tập chung nỗ lực của đội quân viễn chinh Pháp và chiến trường Bắc Bộ, làm cho Bắc Bộ trở thành “cái then cửa” của vùng Đông Nam Á chống lại phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực này. Thủ đoạn của Pháp là: dùng chủ lực càn quét nhiều lần để triệt phá kinh tế, thực hiện chính sách “đốt sạch, giết sạch, phá sạch”; dồn dân để khống chế; hạ giá đồng bạc Đông Dương, kích động bọn thổ phỉ,…ra sức phá hoại làm rối loạn hâu phương của ta.
Như vậy, kẻ thù đã đẩy chiến tranh lên cao và khốc liệt hơn. Có thể thấy cái bắt tay của Pháp và Mỹ là cái bắt tay của hai con thú hám mồi, một sự kết hợp chứa đầy mâu thuẫn. Mỹ, đằng sau những kế hoạch viện trợ là ý đồ muốn hất cẳng Pháp, chiếm lấy Đông Dương; còn Pháp “như tên cướp sắp chết đuối được một tên cướp khác khỏe hơn cứu nhưng không mang lên bờ” (Lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, 1960). Tuy quyền lợi không thống nhất nhưng chúng lại thống nhất trong hành động với nhau, điều này đã khiến cuộc chiến tranh kéo dài hơn và thất bại của chúng càng nặng nề hơn.
2. Về phía ta
Năm 1950, cách mạng Việt Nam có sự trưởng thành về mọi mặt.
a. Xây dựng hậu phương vững mạnh
Đảng ta chủ trương củng cố chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến địa phương, tăng cường lực lượng vũ trang, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.
Hậu phương có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố đảm bảo và có tính chất quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến. Nhận thức được tầm quan trọng của hậu phương, Đảng ta sớm đề ra đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt.
* Về chính trị:
Đầu năm 1949, Chính phủ quyết định tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp. Bộ máy hành chính trung ương không ngừng được kiện toàn, củng cố. Tháng 2/1950, Hội nghị Kháng chiến Hành chính được tổ chức, với đại biểu của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Bản quy chế công chức nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được áp dụng. Tháng 6/1949, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt quyết định tiến tới thống nhất thành một tổ chức là Mặt trận Liên – Việt để tránh sự chồng chéo, không thống nhất hoạt động của hai tổ chức, trong đó Liên Việt là hình thức tổ chức còn Việt Minh là nòng cốt. Tháng 2/1050, Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đoàn Thanh niên Cứu quốc được tổ chức tại Đại Từ (Thái Nguyên) đã đánh dấu bước trưởng thành của phong trào Thanh niên Cứu quốc.
Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng (2/1 – 3/2/1950) có vai trò quan trọng về mặt lý luận cũng như xác định kẻ thù là không chỉ có thực dân Pháp mà còn có can thiệp Mỹ; đồng thời, đề ra khẩu hiệu và nhiệm vụ cho giai đoạn mới của cuộc kháng chiến. Công tác xây dựng Đảng cũng được chú trọng phát triển, củng cố theo phương châm “phát triển đi đôi với củng cố”. Năm 1950, cả nước có 43 vạn Đảng viên, với số Chi bộ Đảng tăng lên nhanh chóng.
Bên cạnh đó, phong trào đấu tranh chính trị phản đối chiến tranh đế quốc cũng phát triển mạnh mẽ. Ngày 9/1/1950, khoảng 3000 học sinh, sinh viên Sài Gòn biểu tình đòi thả tự do cho 12 học sinh bị bắt trong cuộc bãi khóa năm 1949, kéo theo toàn thành phố Sài Gòn bãi công, bãi thị. Ngày 19/03/1950, dưới sự phát động của Khu ủy Sài Gòn – Chợ lớn, hơn 300.000 đồng bào ta đã xuống đường biểu tình, đấu tranh trực tiếp với đế quốc Mỹ, buộc tàu Mỹ phải rút chạy [2; 103]. Điều này thể hiện sức mạnh của quân chúng nhân dân cũng như tinh thần ủng hộ kháng chiến, sãn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
* Về kinh tế:
Trước yêu cầu, đòi hỏi của cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới là phải tập chung sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, ngày 12/02/1950, Chính phủ ban hành Sắc lệnh tổng động viên nhân lực, tài lực, vật lực nhằm thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để đánh thắng”.
Chính phủ còn gia Sắc lệnh giảm tô 25% (7/1949); hoãn nợ, xóa nợ (5/1950); chia lại ruộng đất công và tạm cấp ruộng đất vắng chủ, ruộng lấy từ tay đế quốc, phản động (7/1950). Những việc làm này đã bước đầu làm thay đổi quan hệ sản xuất ở nông thôn vùng hậu phương. Các tổ chức thực hiện và quản lý được thành lập như: Ban kinh tế Chính phủ, Hội đồng giảm tô, giảm tức, Ban giảm tô, giảm tức xã cũng được thành lập.
Đảng và nhà nước cũng chú trọng phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng. Năm 1950, có 150 nhà máy, công xưởng và hàng trăm công trường hoặc tổ vũ khí với 25.000 công nhân sản xuất vũ khí, đạn dượt phục vụ chiến tranh. Các nhà máy công nghiệp phục vụ dân sinh như đường, giấy, chè, xà phòng,… được xây dựng và phát triển.
* Về văn hóa – giáo dục
Phong trào bình dân học vụ tiếp tục phát triển. Tháng 6/1950, cả nước có 10 triệu người thoát nạn mù chữ. Tháng 7/1950, Chính phủ đề ra chủ trương cải cách giáo dục phổ thông, thay hệ thống giáo dục cũ bằng hệ thống giáo dục 9 năm, đặt nền móng cho nền giáo dục dân tộc, dân chủ Việt Nam. Số giáo viên và học sinh tăng lên nhanh chóng. Năm 1945 có 290.161 học sinh và 3629 giáo viên thì năm 1950 tăng lên 439.130 học sinh và 11.162 giáo viên. Một số trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp được xây dựng như Đại học Y – Dược (1947), Trung học sư phạm (1950),…[2; 110-111].
* Về y tế
Công tác y tế được coi trọng, mạng lưới y tế được xây dựng và củng cố gồm trạm cứu thương, trạm xá, phòng phát thuốc, bệnh xá, bệnh viện,… Các cuộc vận động thực hiện nếp sống hợp vệ sinh được đẩy mạnh với phong trào “ba sạch”, “bốn diệt”,… Nha y tế thôn quê được thành lập. Năm 1950, cả nước có 6.443 cơ sở y tế, 1.670 cơ sở hộ sinh xã với 4.092 cán bộ y tế.
Như vậy, hậu phương của ta được xây dựng ngày càng vững mạnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của hậu phương mà còn chi viện đắc lực cho tiền tuyến và “đã giải quyết một cách chắc chắn những nhu cầu cho chiến tranh”. Sự vững mạnh của hậu phương chính là cơ sở quan trọng cho những thắng lợi trên mặt trận quân sự và đánh bại âm mưu về cuộc chiến tranh tổng lực của kẻ thù, bảo vệ hậu phương kháng chiến.
b. Về ngoại giao
Từ cuối năm 1949, cùng với sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến, uy tín của nhà nước ta được nâng cao. Tình hình quốc tế cũng có những chuyễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho ta. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ ta chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao để tranh thủ rộng rãi dự luận đồng tình, ủng hộ của lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Trước năm 1950, chúng ta đã đặt quan hệ ngoại giao với Thái Lan, Miến Điện (nay là Mianma) và cử nhiều đoàn cán bộ ngoại giao sang các nước để truyên truyền cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc hội đàm với MaO Trạch Đông và các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tiếp đó, Người sang Liên Xô hội đàm với Xtalin cùng các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô về những vấn đề liên quan cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ thêm sự đoàn kết và viện trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để cuộc kháng chiến đi lên.
Ngày 14/01/1950, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”. [3; 7-8]. Ngày 15/01/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 18/01/1950, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ngày 30/01/1950, Chính phủ Liên Xô đã công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong vòng một tháng sau đó, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng lần lượt công nhận Chính phủ ta [2; 113].
Việc các nước xã hội chủ nghĩa công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi to lớn về chính trị, ngoại giao của ta. Thắng lợi đó góp phần nâng cao uy tín và địa vị của Nhà nước ta trên trường chính trị quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và viện trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến đi lên.
c. Về quân sự
* Xây dựng lực lượng vũ trang:
Năm 1950, lực lượng vũ trang của ta lớn mạnh vượt bậc. Lực lượng vũ trang đã hình thành ba thứ quân hoàn chỉnh, trong đó: bộ đội chủ lực đã nhận được viện trợ vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc, đã có sự đồng nhất; bộ đội địa phương và dân quân du kích cũng phát triển mạnh do được trang bị lại vũ khí cũ của bộ đội chủ lực.
Các đại đoàn lần lượt ra đời. Đầu tiên là Đại đoàn Quân tiên phong 308, tiếp sau là các Đại đoàn 304, 312, 316, 320. Đây chính là những quả đấm vũ trang mạnh mẽ của ta [2; 101].
* Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950
Sau thất bại của kế hoạch tấn công lên Việt Bắc (1947), Pháp đã cử Rơve làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp ở Đông Dương và thực hiện kế hoạch Rơve, hình thành thế gọng kìm bao vây, cô lập Việt Bắc với hàng loạt cứ điểm được xây dựng trên đường số 4, khóa chặt biên giới Việt – Trung. Cách mạng Trung Quốc thành công, sự ủng hộ của của hệ thống xã hội chủ nghĩa với cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã đặt ra yêu cầu phải khai thông biên giới để tiếp nhận sự ủng hộ đó.
Cho đến năm 1950, lực lượng vũ trang của ta đã phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của các đại đoàn với trình độ tác chiến ngày càng trưởng thành; cùng với đó, hậu phương kháng chiến được xây dựng vững mạnh. Những điều này cho phép ta chủ động một chiến dịch đánh địch.
Ban đầu chúng ta đánh địch và Tây Bắc, nơi mà lực lượng của địch tương đối mỏng, nhưng sau đó ta “lật cánh” đánh địch ở mặt Đông Bắc, vì địa hình ở Đông Bắc thuận lợi hơn, dễ trao đổi, lưu thông với Trung Quốc hơn.
Địa điểm đánh mở đầu chiến dịch được lựa chọn rất kĩ càng và chúng ta đã quyết định bỏ kế hoạch tấn công Cao Bằng mà chuyển sang đánh cứ điểm Đông Khê – nơi mà lực lượng của địch tương đối yếu so với các nơi khác. Mặt khác, cứ điểm Đông Khê có ý nghĩa quân sự quan trọng, chiếm được Đông Khê thì Cao Bằng sẽ bị cô lập và hệ thống cứ điểm trên đường số 4 sẽ bị tan vỡ.
Bộ chỉ huy chiến dịch, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng, quyết định tập chung một lực lượng mạnh tham gia chiến dịch. Với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, cán bộ và nhân dân các dân tộc Việt Bắc đem hết sức mình phục vụ tiền tuyến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “chống gậy lên non xem trận địa”, trực tiếp kiểm tra kế hoạch tác chiến, công tác chuẩn bị và động viên cán bộ, chiến sĩ và dân công tham gia chiến dịch.
Ngày 16/09/1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê, mở màn chiến dịch. Sau hai ngày đêm chiến đấu anh dũng quyết liệt, quân ta đã tiêu diệt được cứ điểm Đông Khê. Mất Đông Khê, Thất Khê bị uy hiếp trực tiếp, Cao Bằng bị cô lập. Thế trận phòng thủ đường số 4 của địch bị rung chuyển. Thất bại ở Đông Khê đã gây phản ứng dây chuyền trong giới cầm quyền Pháp, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương phải ra lệnh rút quân khỏi Cao Bằng theo đường số 4. Pháp buộc phải dồn hết sức làm một cuộc hành quân “kép”: một mặt cho quân từ Thất Khê lên đón cánh quân từ Cao Bằng rút về, một mặt vét quân tổ chức một cuộc tân công đánh chiếm thị xã Thái Nguyên, hy vọng thu hút chủ lực của ta ởMặt trận Biên giới, đỡ đòn cho đồng bọn và trấn an dự luận về việc thất thủ ở Đông Khê.
Tuy nhiên, với phương trâm “đánh điểm diệt viện” quân ta kiên nhẫn chờ đợi đánh quân tiếp viện của địch. Ngày 30/09, quân Pháp tiến lên Đông Khê và quân ở Cao Bằng cũng bắt đầu rút về. Ta chủ trương tập chung lực lượng tiêu diệt từng cánh quân một, không cho chúng gặp nhau. Trải qua 8 ngày đêm chiến đấu ác liệt, bằng chiến thuật “vận động chiến”, quân ta đã tiêu diệt cả hai đạo quân của Pháp. Kế hoạch rút quân của Pháp bị phá sản hoàn toàn.
Sau thất bại này, từ ngày 10 – 23/10, địch lần lượt rút chạy khỏi các vị trí: Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Đình, Đình Lập, An Châu.
Phối hợp với Mặt trận Biên giới, trên các chiến trường khác như Mặt trận Tây Bắc, Thái Nguyên, chiến trường Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên,… quân ta tích cực đẩy mạnh các hoạt động tiến công địch.
Chiến dịch Biên giới thắng lợi, ta đã thu được những kết quả to lớn: Quân ta tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên địch, gồm 8 tiểu đoàn Âu – Phi và 2 tiểu đoàn ngụy; thu trên 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh; giải phóng một dải biên giới dài 750 km với 350.000 dân; khai thông biên giới Việt – Trung. Căn cứ Việt Bắc được mở rộng và nối liền với hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đánh dấu sự chuyển biến trong cục diện chiến tranh ở Việt Nam. Chúng ta đã bước đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính ở Bắc Bộ. Đồng thời, mở ra bước ngoặt trong chiến tranh chống Pháp: đưa chiến tranh du kích phát triển thành chiến tranh chính quy đầu tiên. Chiến thắng này đã giáng một đòn mạnh, làm lung lay ý trí xâm lược của thực dân Pháp.
III. Kết luận
Trước những nhân tố quan trọng của tình hình thế giới tác động đến Việt Nam cũng như những diễn biến của tình hình trong nước đã tạo ra những bước ngoặt của cuộc chiến tranh năm 1950, khiến năm 1950 trở thành một mốc lịch sử quan trọng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1950, những thắng lợi trên mặt trân ngoại giao, với sự công nhận của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, cùng sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới,trong đó có cả nhân dân tiến bộ Pháp đã làm cho thế bay vây, cô lập chúng ta của Pháp bị phá vỡ. Từ đây cuộc kháng chiến của nhân dân ta không còn đơn độc mà có sự giúp đỡ của bạn bè năm châu.
Năm 1950 cũng là năm đánh dấu sự can thiệp đầu tiên của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ đây cuộc chiến tranh của nhân dân ta có thêm một kẻ thù mới, hùng mạnh hơn, làm cho cuộc kháng chiến của ta kéo dài hơn, khốc liệt hơn.
Năm 1950 đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng kháng chiến, lần đầu tiên chúng ta chủ động tổ chức một chiến dịch dài ngày và giành được thắng lợi. Thắng lợi của chiến dịch biên giới thu đông năm 1950 đã khẳng định sự lớn mạnh của quân đội kháng chiến, từ đây ta giành thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ), đẩy quân Pháp vào thế phòng ngự bị động và ngày càng “sa lầy” trong cuộc chiến tranh “hao người, tốn của” ở Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy mốc lịch sử 1950 tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, thể hiện khái quát ở 3 điểm:
- Năm 1950 – sự thay đổi mạnh mẽ vị thế giữa ta và địch.
- Năm 1950 – bước tạo đà thúc đẩy kháng chiến mạnh hơn.
- Năm 1950 – tâm lý sợ hãi bao trùm quân Pháp.
Chính những thắng lợi và sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế năm 1950 đã là bối cảnh của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp vào tháng 2/1951 đã xác định kẻ thù, hoàn thiện đường lối kháng chiến; đồng thời đề ra nhiệm vụ của cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới. Nó là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Trần Bá Đệ, Lịch sử Việt Nam : Từ 1858 đến nay, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
[2]. Trần Bá Đệ (Cb), Nguyễn Xuân Minh, Lịch sử Việt Nam, tập VI, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2008.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập. Tập VI, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1995.
[4]. Hoàng Văn Thái, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
[5]. Hồ Sỹ Khoách, Hà Minh Hồng, Võ Văn Sen, Lịch sử Việt Nam 1945 -1975, Nxb. Mũi Cà mau, Cà Mau, 1998.
[6]. Trương Hữu Quýnh (Cb), Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, Đại cương lịch sử Việt Nam : Toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.