Khái niệm “Phương thức sản xuất châu Á” lần đầu tiên được Mác đưa ra trong những năm 50 của thế kỷ trước do kết quả của việc nghiên cứu sâu sắc lịch sử và kinh tế của nhiều nước phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ. Mác đã đi đến kết luận rằng: tính chất độc đáo của các hiện tượng kinh tế, xã hội ở các nước này đã được giải thích bằng việc duy trì một phương thức sản xuất cổ đại nào đó mà bản thân nó không chỉ tồn tại ở châu Á, mà còn có tính chất phổ biến toàn thế giới.
Trong lời tựa cuốn “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị” (1859), Mác viết “Về đại thể có thể coi phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của các hình thái kinh tế - xã hội”[ ]. Sau khi đưa ra khái niệm phương thức sản xuất châu Á, Mác đã phát triển thêm lý luận về vấn đề này, nhất là ở tập I bộ “Tư bản” (xuất bản năm 1867) nhằm nêu thêm những nét đặc thù của công xã châu Á trong phương thức sản xuất châu Á. Với phương thức châu Á, Mác – Enghen đã chỉ ra hơn mười đặc điểm khác biệt, nhưng chưa chỗ nào khái quát được thành những đặc trưng cơ bản. Vì vậy, sau này các nhà nghiên cứu qua các tác phẩm của Mác – Enghen đều tự mình khái quát ra những đặc trưng cơ bản của nó.
Trên cơ sở nghiên cứu các nguồn tài liệu của Mác – Anghen, các quan điểm khác nhau về phương thức sản xuất châu Á, tác giả mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình về những đặc trưng cơ bản của “phương thức sản xuất châu Á”, về mối quan hệ giữa xã hội cổ đại phương Đông với phương thức sản xuất châu Á.
1. Những đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất châu Á
Trên cơ sở nghiên cứu, tác giả cũng tán thành quan điểm phương thức sản xuất châu Á là một trong những phương thức sản xuất đã tồn tại trong lịch sử nhân loại. Theo tác giả, phương thức sản xuất châu Á có những đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, trong phương thức sản xuất châu Á, chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất là đặc trưng cơ bản nhất.
Đặc trưng này bao hàm các yếu tố:
Trước hết, người sử hữu tối cao hay sở hữu duy nhất về ruộng đất là nhà vua. “Nhà vua là kẻ sở hữu duy nhất tất cả mọi đất đai của quốc gia”[ ] và “Ngay các chế độ Daminđari và Raiatvari” dù có sấu xa đến thế nào đi chăng nữa, cũng là hai hình thức tư hữu về ruộng đất, nghĩa là cái mà xã hội châu Á đang rất khát khao”[ ].
Ta có thể thấy, ở Trung Quốc thời cổ đại có các chế độ ruộng đất như “công điền”, “quan điền”, “vương điền”. Thời nhà Chu, vẫn tồn tại chế độ sử hữu ruộng đất công. Đến cuối thế kỷ V sau công nguyên, xuất hiện hình thức sở hữu mới – chế độ “quân điền”. Điều này cho thấy, ruộng đất công vẫn là chủ yếu. Trong lịch sử Trung Quốc, chế độ “công điền” tồn tại lâu bền, đến tận thời kỳ nhà Thanh.
Ở Ấn Độ, dưới vương triều Hồi giáo Đêli (1206 - 1526) có bốn loại sở hữu ruộng đất khác nhau, trong đó có hình thức sở hữu Halixơ là sở hữu nhà nước. Dưới vương triều Môgôn (1526 - 1707), thời kỳ vua Acơba (1556 - 1605), nhà nước cho đo đạc lại ruộng đất để định ra mức thu thuế đúng và hợp lí. Ruộng đất công là một trong những nguồn thu nhập chủ yếu của vương triều.
Như thế, ta có thể thất chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất là đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất châu Á.
Bên cạnh đó, trong việc sở hữu ruộng đất công, công xã là “kẻ” chiếm dụng đất đai theo kiểu cha truyền con nối. “Kẻ” sử dụng đất đai là các thành viên trong công xã và phải thực hiện nghĩa vụ “nộp cống”[ ] cho chủ sở hữu ruộng đất. Đề cập tới điểm này, Mác viết: “Nếu kẻ đối lập với những người sản xuất trực tiếp không phải là những kẻ sở hữu ruộng đất tư nhân, mà là nhà nước, như ở châu Á, với tư cách là một kẻ sở hữu ruộng đất và đồng thời là vua chúa, thì địa tô và thuế khóa là một, hay nói đúng hơn, trong trường hợp đó, không có thứ thuế nào khác biệt với hình thái địa tô này”[ ].
Ngoài ra, mâu thuẫn nội tại của chế độ sở hữu này nảy sinh từ khi hình thức tư hữu về ruộng đất xuất hiện, tạo nên “tính chất nhị nguyên của công xã” và dẫn đến sự giải thể của phương thức sản xuất châu Á.
Thứ hai, nhà nước chuyên chế phương Đông là một đặc trưng nổi bật của phương thức sản xuất châu Á.
Trên cơ sở quyền sở hữu tối cao về ruộng đất, các nhà nước ở phương Đông thực hiện quyền chuyên chế. Nhà nước được xác lập trên mối quan hệ giai cấp cầm quyền thu cống nạp và giai cấp bị trị nộp cống phẩm. Nhà nước thực hiện ba chức năng, ngoài bóc lột nhân dân lao động trong nước bằng hình thức tô kết hợp với thuế và đi cướp bóc nhân dân các nước khác, còn có chức năng tích cực là chăm lo xây dựng các công trình mĩ quan và công cộng, mà tiêu biểu là trị thủy và thủy lợi.
Ở phương Đông, “nơi mà nền văn minh còn ở trình độ quá thấp và quy mô đất đai khá rộng… lại đòi hỏi bức thiết phải có sự can thiệp của chính quyền nhà nước tập trung. Do đó mới nảy ra cái chức năng kinh tế mà tất cả các chính phủ châu Á đều bắt buộc phải thực hiện, cụ thể là chức năng tổ chức các công trình công cộng”[ ].
Trong thư gửi cho Enghen, Mác viết: “Những điều kiện khí hậu và đặc điểm của đất đai, nhất là trên những khoảng đất rộng lớn vùng thảo nguyên kéo dài từ Xahara qua Arập, Ba Tư, Ấn Độ và Tatari, đến tận những nơi cao nhất của vùng cao nguyên châu Á đã làm cho hệ thống tưới nước nhân tạo bằng sông đào và công trình thủy lợi trở thành cơ sở của nông nghiệp phương Đông”[ ].
Ở đây, Mác nhấn mạnh những đặc điểm địa lí đã tạo cho nền nông nghiệp phương Đông một yêu cầu bức thiết về trị thủy và thủy lợi, vạch rõ tính chất, chức năng, quyền lực, tác dụng của Nhà nước phương Đông đối với nông nghiệp nói riêng và sự hưng vong của xã hội phương Đông nói chung.
Thứ ba, là sự tồn tại của chế độ công xã nông thôn với những đặc trưng riêng biệt.
Bên cạnh hình thức sở hữu công về ruộng đất, công xã nông thôn ở phương Đông với nền kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc khép kín, kinh tế hàng hóa chậm ra đời và kém phát triển. Trong phương thức sản xuất châu Á thời cổ, phương thức sản xuất thời cổ đại, việc biến sản phẩm thành hàng hóa, sự tồn tại của con người với tư cách là những người sản xuất hàng hóa, chỉ đóng vai trò thứ yếu. Tuy nhiên, vai trò này ngày càng trở nên quan trọng hơn khi các công xã ngày càng đi vào giai đoạn suy tàn.
C.Mác đã viết, “Chúng ta không được quên rằng những công xã nông thôn thơ mộng ấy, dầu cho chúng có vẻ vô hại như thế nào đi chăng nữa, bao giờ cũng vẫn là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế cổ đại phương Đông, rằng những công xã ấy đã hạn chế lý trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất, làm cho nó trở thành một công cụ ngoan ngoãn của mê tín, trói buộc nó bằng những xiềng xích nô lệ của các quy tắc cổ truyền, làm cho nó mất hết mọi sự vĩ đại, mọi tính chủ động lịch sử”[ ].
Đồng thời, “Trong những phương thức sản xuất châu Á thời cổ, phương thức sản xuất cổ đại… thì việc biến sản phẩm thành hàng hóa, và đó, sự tồn tại của con người với tư cách là những người sản xuất hàng hóa, chỉ đóng một vai trò thứ yếu thôi. Tuy nhiên, vai trò này ngày càng trở nên quan trọng hơn khi các công xã đi vào giai đoạn suy tàn”[ ].
Bên cạnh đó, trong công xã nông thôn ở phương Đông, kinh tế thủ công nghiệp không tách khỏi nông nghiệp. Đô thị chỉ như những cái bướu của cơ cấu kinh tế.
Nói về thể thống nhất không phân biệt giữa thành thị và nông thôn, C.Mác viết: “Lịch sử cổ đại cổ điển – đó là lịch sử của các thành phố, nhưng là những thành phố dựa trên sở hữu ruộng đất và nông nghiệp. Lịch sử châu Á – đó là một thể thống nhất không phân biệt giữa thành thị và nông thôn. Ở đây, những thành phố thật sự có thể được xem một cách giản đơn là dinh lũy của vua chúa, là một cục bướu mọc trên chế độ kinh tế theo đúng nghĩa của nó”[ ]
Ngoài ra, trong các công xã nông thôn ở phương Đông, tồn tại tình trạng thấp kém, hạn chế của tư duy phản ánh trong tôn giáo cổ đại và sự thần thánh hóa tự nhiên… hạn chế lí trí con người và hạ thấp nhân phẩm trước cả thiên nhiên và xã hội.
C.Mác viết: “Các cơ cấu sản xuất xã hội thời cổ đại ấy vô cùng đơn giản và dễ hiểu hơn xã hội tư sản, nhưng chúng lại dựa trên sự chưa trưởng thành của con người cá thể, còn chưa tách khỏi cuống nhau của những mối quan hệ thị tộc tư nhiên với các người khác, hoặc là dựa vào những quan hệ thống trị và nô lệ trực tiếp… Về mặt tư tưởng, tính chất hạn chế đó đã phản ánh vào trong những tôn giáo cổ đại, thần thánh hóa thiên nhiên, và vào trong tín ngưỡng của nhân dân”[ ].
Nhìn chung, sự tồn tại của công xã nông thôn, với những đặc trưng riêng biệt của nó là một trong những thành tố của phương thức sản xuất châu Á.
Thứ tư, là tính trì trệ, bảo thủ và tồn tại dai dẳng của những xã hội châu Á.
Trong đặc trưng này, đã có những yếu tố biểu hiện ở cả các đặc trưng trên. Đó là sự duy trì lâu dài nền kinh tế tự nhiên, chế độ công hữu ruộng đất và tính nhị nguyên của công xã. Kèm theo đó là sự tàng trữ lâu dài của các tàn dư cổ đại, sự duy trì và củng cố các quan hệ thị tộc, thân tộc. Bên cạnh đó là sự thống trị của truyền thống tập quán, sự hạn chế tư duy, lí trí, sự chậm ra đời và phát triển của kinh tế hàng hóa cũng như các đô thị.
Bàn về tính trì trệ và tồn tại dai dẳng của phương thức sản xuất châu Á, Mác viết: “Các cơ cấu sản xuất đơn giản của các cộng đồng tự cung tự cấp ấy – những cộng đồng không ngừng được tái sản xuất ra dưới cùng một hình thức ấy và nếu ngẫu nhiên bị phá hủy thì cũng lại xuất hiện trên địa điểm cũ với một tên cũ. Các cơ cấu ấy, cho chúng ta cái chìa khóa để hiểu được sự bí ẩn của tính chất bất di bất dịch của những xã hội châu Á”[ ].
Giải thích về sự tồn tại dai dẳng của “hình thức châu Á”, C.Mác viết: “Hình thức châu Á sẽ tồn tại vững bền nhất và lâu nhất. Sở dĩ như vậy là do những tiền đề của hình thức ấy. Cá nhân không trở thành độc lập đối với công xã được, quy mô sản xuất chỉ nhằm đảm bảo sự tồn tại của bản thân, nông nghiệp và nghề thủ công hòa làm một”[ ].
Tóm lại, phương thức sản xuất châu Á có bốn đặc trưng cơ bản: Thứ nhất, trong phương thức sản xuất châu Á, chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất là đặc trưng cơ bản nhất; Thứ hai, nhà nước chuyên chế phương Đông là một đặc trưng nổi bật của phương thức sản xuất châu Á; Thứ ba, là sự tồn tại của chế độ công xã nông thôn với những đặc trưng riêng biệt; Thứ tư, là tính trì trệ, bảo thủ và tồn tại dai dẳng của những xã hội châu Á.
Những đặc trưng trên đây chỉ mang tính chất tương tối. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử riêng của mỗi nước, mỗi khu vực ở phương Đông mà các đặc trưng này biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Nhưng có thể khẳng định “Về đại thể, có thể coi phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế xã hội”[ ].
2. Xã hội cổ đại phương Đông có thuộc phạm trù của phương thức sản xuất châu Á không? Vì sao?
“Có thể hiểu thời kỳ cổ đại là một thời kỳ lịch sử đứng sau xã hội nguyên thủy và đứng trước xã hội phong kiến, bao gồm hai hình thái: hình thái xã hội có giai cấp đầu tiên hay xã hội cổ đại phương Đông và xã hội chiếm nô hay xã hội cổ đại Địa Trung Hải” [ ]. Như thế có nghĩa là xã hội cổ đại phương Đông không phải là xã hội chiếm hữu nô lệ, mà được coi là xã hội có giai cấp đầu tiên. Xã hội cổ đại phương Đông có những đặc điểm riêng, khác với xã hội Hi Lạp và Rôma cổ đại. Để trả lời câu hỏi xã hội cổ đại phương Đông có thuộc phạm trù của phương thức sản xuất châu Á không? chúng ta cùng tìm hiểu những đặc điểm của xã hội này.
Xã hội có giai cấp và nhà nước đã xuất hiện đầu tiên ở phương Đông, trên lưu vực các dòng sông lớn ở châu Phi và châu Á như sông Nin ở Ai Cập, sông Ơ-Phơ-rát và Ti-gơ-rơ ở Lưỡng Hà, sông Ấn, sông Hằng ở Ấn Độ, sông Hoàng Hà ở Trung Quốc. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhờ những tiến bộ mới về kĩ thuật và thủy lợi, cư dân trên lưu vực các dòng sông lớn đã có thể thu hoạch mỗi năm hai vụ lúa. Nông nghiệp tới nước là ngành kinh tế quan trọng, chủ yếu, là cơ sở kinh tế của các quốc gia phương Đông. Sự phát triển của kinh tế nông nghiệp dựa trên công tác thủy lợi chính là nền tảng dẫn đến sự hình thành những đặc điểm riêng về chính trị, xã hội và văn hóa ở các quốc gia này. Cơ sở kinh tế của xã hội là nông nghiệp tưới nước. Vì vậy, tư liệu sản xuất quan trọng nhất là ruộng đất. Do nhiều yếu tố chi phối, ở các quốc gia cổ đại phương Đông, ruộng đất hầu hết là ruộng đất công của công xã, được chia thành từng khoảnh, sau đó hàng năm hoặc vài năm chia lại một lần, đem chia cho các thành viên để cày cấy và nộp thuế cho công xã. Mặc dù mức độ khác nhau, nhưng những hình thức ruộng công đã tồn tại và bảo tồn lâu dài ở tất cả các vương quốc. Đó là ruộng “Nôm” của Ai Cập, ruộng “Tỉnh” ở Trung Quốc, ruộng Halixơ ở Ấn Độ hay ruộng “Lạc” ở Việt Nam thời xưa.
Mặt khác, do nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, người ta buộc phải liên kết với nhau để khai phá đất đai và làm thủy lợi. Khi xã hội nguyên thủy tan ra, người ta lại gắn bó với nhau trong các công xã nông thôn. Một số công xã gần gũi nhau hợp thành tiểu quốc. Người đứng đầu tiểu quốc được gọi là Vua và được tôn vinh lên từ một trong số những người đứng đầu công xã. Như thế, Vua là sự hiện thân cho sự tập hợp hay thống nhất lãnh thổ và tập chung quyền lực. Chế độ nhà nước của xã hội có giai cấp đầu tiên, trong đó vua là người đứng đầu quan lại và tăng lữ, có quyền tối cao, tuyệt đối, gọi là chế độ chuyên chế cổ đại hay chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.
Trên cơ sở đó, ta có thể thấy những đặc điểm của xã hội cổ đại phương Đông:
Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp dựa trên công tác thủy lợi là nền tảng kinh tế của xã hội.
Thứ hai, sự tồn tại phổ biến và lâu dài hình thức sở hữu công cộng về ruộng đất.
Thứ ba, sự bảo tồn dai dẳng của công xã nông thôn – một hình thức tổ chức xã hội mà trong đó duy trì nền kinh tế tự nhiên và nhiều tàn dư của xã hội nguyên thủy.
Thứ tư, thể chế nhà nước theo chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.
Thứ năm, do cơ cấu xã hội tạo nên hai thành phần dân cư chủ yếu là quý tộc và nông dân công xã, nên quan hệ bóc lột ở đây là quan hệ giữa quý tộc với nông dân công xã và hình thức bóc lột bằng tô thuế.
Như thế, xã hội cổ đại phương Đông tồn tại và phát triển không phải trên sự bóc lột sức lao động của nô lệ mà là dựa trên sự bóc lột nông dân công xã bằng tô thuế. Có thể nói, xã hội cổ đại phương Đông không phải là xã hội chiếm hưu nô lệ.
Vậy, xã hội cổ đại phương Đông thuộc mô hình kinh tế xã hội nào? Đối chiếu với những đặc điểm của phương thức sản xuất châu Á, ta thấy xã hội cổ đại phương Đông hoàn toàn phù hợp với mô hình xã hội mà Mác gọi là “phương thức sản xuất châu Á”. Nói cách khác, phương thức sản xuất châu Á hay xã hội cổ đại phương Đông là một hình thái kinh tế xã hội riêng biệt, đứng sau xã hội nguyên thủy và đứng trước xã hội phong kiến, tồn tại song song với hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ ở ven bờ Địa Trung Hải.
Như vậy, trên cơ sở đối chiếu những đặc trưng của xã hội cổ đại phương Đông với phương thức sản xuất châu Á, ta có thể khẳng định: xã hội cổ đại phương Đông có thuộc phạm trù của phương thức sản xuất châu Á. Bởi lẽ, trong xã hội cổ đại phương Đông và phương thức sản xuất châu Á đều có những điểm thống nhất: Thứ nhất, chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất; Thứ hai, đều tồn tại nhà nước chuyên chế phương Đông; Thứ ba, là sự tồn tại của chế độ công xã nông thôn với những đặc trưng riêng biệt; Thứ tư, là tính trì trệ, bảo thủ và tồn tại dai dẳng của những yếu tố xã hội cũ.
Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu về những đặc trưng của phương thức sản xuất châu Á, tìm hiểu những đặc trưng của xã hội cổ đại phương Đông, ta có thể khẳng định: phương thức sản xuất châu Á là một trong những phương thức sản xuất đã tồn tại trong lịch sử nhân loại. Trong đó, phương thức sản xuất châu Á có bao hàm xã hội cổ đại phương Đông.