Chiến dịch “Đường hầm Béc-lin” bị phá sản như thế nào?
|
Điểm mở đầu của đường hầm Béc-lin. |
Chiến dịch “Đường hầm Béc-lin” là một trong những chiến dịch tình báo lớn nhất do các cơ quan mật vụ của Anh và Mỹ tiến hành trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Mục đích chính của nó là thâm nhập vào hệ thống giao thông liên lạc của Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức dưới sự trợ giúp của hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất. Tuy nhiên, nó đã bị thất bại ngay từ khi còn trong “trứng nước” dưới bàn tay “chuột chũi” của KGB.
Chiến dịch “Đường hầm Béc-lin”
Vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, các cơ quan mật vụ của Liên Xô ở Áo và Đức bắt đầu chuyển sang sử dụng hình thức liên lạc thông qua các kênh vô tuyến điện bằng hai đường dẫn. Đường dẫn thứ nhất bằng đường không thông qua các cột điện đài, đường thứ hai bằng hệ thống cáp ngầm dưới đất. Trong khi đó, các cơ quan mật vụ của Anh và Mỹ lại rất chú trọng đến hệ thống cáp ngầm đã được Áo, Đức sử dụng trước chiến tranh và tiếp tục được các đơn vị quân đội của Liên Xô sử dụng.
Các cơ quan mật vụ của Anh và Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch sau khi các tổ điệp báo hoạt động ở Đông Béc-lin cung cấp các thông tin về hệ thống bố trí cáp ngầm của Liên Xô và cách thức sử dụng. Tháng 8-1953, Giám đốc CIA là Ai-len Đa-lét đã nhận được kế hoạch xây dựng hệ thống đường hầm ngầm dưới đất. Theo kế hoạch, một nửa đường hầm ngầm này sẽ nằm dưới lãnh thổ thuộc sự kiểm soát của Liên Xô ở Béc-lin, và ở điểm cuối cùng của 1/2 đường hầm ngầm này - nơi đường cáp ngầm của Liên Xô chạy qua - sẽ được lắp đặt các thiết bị nghe trộm. Chiến dịch này được suy tính một cách kỹ lưỡng và chủ yếu do các cơ quan mật vụ của Mỹ thực hiện. Tính tuyệt mật, những khoản tiền khổng lồ đầu tư xây dựng và những công nghệ mới nhất do người Anh cung cấp được coi là những yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự thành công của chiến dịch.
Vào một ngày tháng 12-1953, một cuộc họp bí mật của các đại diện CIA và các đại diện cơ quan mật vụ Anh (SIS) đã được tổ chức ở Luân Đôn. Cuộc họp đã thông qua quyết định xây dựng một hệ thống đường hầm để tiếp cận hệ thống đường dây liên lạc của quân đội Xô-viết và của Cộng hòa Dân chủ Đức. Tham gia cuộc họp còn có Gioóc Blếch-Phó phòng “Y” (phòng chuyên về áp dụng kỹ thuật nghe trộm tại các căn cứ của Liên Xô của SIS). CIA và SIS đã không thể ngờ rằng, chính sự có mặt của “chuyên gia tình báo” này lại là nguyên nhân gây đổ vỡ chiến dịch tuyệt mật của mình. Chính Gioóc Blếch sau đó đã chuyển biên bản của cuộc họp cho S.Kon-đra-sép, tổ trưởng tổ điệp báo của KGB tại Luân Đôn. Sau đó, Kon-đra-sép đã tìm nhiều cách để chuyển cho Trung tâm tài liệu hết sức có giá trị này, đồng thời cung cấp cho Trung tâm các thông tin về các chiến dịch nghe trộm khác có thể được Mỹ và Anh áp dụng.
Cũng vào thời điểm này, do không hề có nghi ngờ Liên Xô đã biết được những ý định và chiến dịch của mình, CIA và SIS đã tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành công việc xây dựng hệ thống đường hầm ngầm. Mỹ đã thành lập một đội điều hành trạm nghe trộm tại khu vực An-tli-nhích ở Béc-lin. Đây là đoạn đường ngầm có chiều dài khoảng 500m, được trang bị các công nghệ tiên tiến nhất để thực hiện nhiệm vụ khuếch đại tín hiệu, nghe trộm và thực hiện các nhiệm vụ tình báo kỹ thuật khác. Hệ thống các trang bị kỹ thuật này được khéo léo gắn với các đường cáp điện thoại của Liên Xô và Đông Đức. Trong đường hầm này, Mỹ còn bố trí các dây cáp nối liền các hệ thống giao thông liên lạc quân sự của Liên Xô với Trung tâm xử lý dữ liệu của Mỹ. Đường hầm của Anh và Mỹ cũng được nối liền với một cái giếng (nơi có các đường dây điện thoại và điện đài của Đại sứ quán Liên Xô, của Bộ tư lệnh tối cao tại Béc-lin cũng như các đường dây liên lạc cấp chính phủ của CHDC Đức). Hệ thống này của Anh và Mỹ đã có “hiệu quả” khi mỗi ngày thu được hàng chục cuộc điện đàm và các bức điện của Liên Xô. Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin không có nhiều giá trị và có cả những tin giả do Liên Xô đưa ra.
Liên Xô “ra tay”
Mùa xuân năm 1956, giới lãnh đạo KGB, sau một thời gian suy tính, đã đi đến kết luận rằng, sự tiếp tục tồn tại của hệ thống này có thể gây nên những hiểm họa đối với an ninh quốc gia Liên Xô. Đồng thời trong thời gian đó, Blếch đã chuyển sang hoạt động ở tổ điệp báo Anh ở Béc-lin và không còn có liên quan gì đến hệ thống đường ngầm nữa. Chính vì vậy KGB đã lên kế hoạch chấm dứt hoạt động của đường hầm này.
Đêm 22-4-1956, các chuyên gia về liên lạc của Liên Xô đã “bất ngờ” phát hiện ra đường hầm của Anh và Đức trong khi “sửa chữa tạm thời” đường dây cáp điện thoại để bảo đảm liên lạc giữa Đông Béc-lin và Mát-xcơ-va. Khi đó, Liên Xô đã không vội vàng phá hủy đường hầm mà đã tổ chức một cuộc họp báo, mời các nhà báo của các tờ báo nổi tiếng tham gia. Tại cuộc họp báo này, Liên Xô đã lên án mạnh mẽ Mỹ đã xâm lược một cách trắng trợn vào lãnh thổ Đông Đức. Sau đó các nhà báo đã được mời đi “tham quan” đường hầm mới được phát hiện này.
Khi tất cả các bằng chứng đã trở nên rõ ràng, các đại diện cấp cao của CIA đã phải công khai lên tiếng xin lỗi Liên Xô và cho dừng tất cả các hoạt động trong đường hầm này. Khi đó, cả Oa-sinh-tơn và Luân Đôn đều không thể biết được rằng, chiến dịch của họ đã bại lộ ngay từ khi vừa mới hoàn thành xong bản thiết kế “công trình xây dựng nổi tiếng” này.
ĐỨC HÀ
(Theo báo Nga)