BÁO CÁO TÓM TẮT
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sau các cuộc Phát kiến địa lí (cuối thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI) giao lưu thương mại trên thế giới đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt là giữa các nước Phương Tây với các nước Phương Đông. Trong đó, phải kể đến quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII.
Vương triều Ayuthaya trong vòng hơn 400 năm tồn tại (1350 – 1767) đã thành công trong việc xây dựng cơ cấu nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa đưa Ayuthaya trở thành một quốc gia phong kiến hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, nhà nước phong kiến Ayuthaya đã thực hiện một đường lối đối ngoại rất linh hoạt và khôn khéo. Trong mối quan hệ với các nước Phương Tây, Ayuthaya đã thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện, đặt quan hệ với cường quốc này để giữ thế đối phó với cường quốc kia; đồng thời còn tranh thủ các mối quan hệ để phát triển kinh tế đất nước. Chính sách ngoại giao này đã được chính phủ Thái Lan thời cận – hiện đại vận dụng triệt để. Do vậy, vào cuối thời kỳ phong kiến Thái Lan là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á thoát khỏi sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Phương Tây.
Vì thế, nghiên cứu về lịch sử Vương quốc Ayuthaya và mối quan hệ của Vương quốc này với các nước Phương Tây, đặc biệt là quan hệ giữa Vương quốc Ayuthaya với Công ty Đông Ấn Anh thế kỷ XVII có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thời kỳ cận đại diễn ra dưới nhiều góc độ. Tuy nhiên, mối quan hệ này lại ít được đề cập và trình bày hệ thống. Cho nên, nghiên cứu quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII nhằm góp phần khôi phục bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ này là cần thiết. Đồng thời, một phần làm sáng tỏ hơn tình hình kinh tế, chính sách đối ngoại của Vương quốc Ayuthaya trong giai đoạn nói trên.
Thông qua việc tìm hiểu mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII có thể rút ra những kinh nghiệm cho mối quan hệ của Việt Nam với các Công ty, các nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay.
Với lý do trên, tác giả chọn đề tài “Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII” làm Báo cáo khoa học.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Lịch sử Vương quốc Ayuthaya từ lâu không chỉ là đối tượng nghiên cứu của các nhà sử học Thái Lan mà còn thu hút sự quan tâm, chú ý của giới sử học các nước, kể cả các nhà sử học Việt Nam. Trong đó, quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII là một vấn đề có ý nghĩa khoa học sâu sắc. Vì vậy, vấn đề này lôi cuốn được các học giả quan tâm, đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau.
Năm 1973, cuốn “Lịch sử Thái Lan” (tóm lược) của E.O.Becdin được xuất bản ở Mátxcơva. Trong cuốn sách này, tác giả đề cập đến mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII trên phương diện thương mại và chính trị - ngoại giao.
Cuốn “Lịch sử Đông Nam Á” của D.G.E.Hall, xuất bản ở Luân Đôn năm 1956. Trong cuốn sách này, tác giả đã đề cập đến quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trên phương diện thương mại và chính trị - ngoại giao. Tuy nhiên, do bố cục của cuốn sách và mục đích nghiên cứu nên mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII chưa được tác giả trình bày thành một vấn đề riêng có hệ thống.
Ở Việt Nam, đã có nhiều tác giả quan tâm đến lịch sử Vương quốc Ayuthaya với các công trình như:
“Lịch sử Vương quốc Thái Lan” của Lê Văn Quang (Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh,
1995).
“Lịch sử Thái Lan” của Phạm Nguyên Long, Nguyễn Tương Lai (đồng chủ biên), nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1998.
“Vương quốc Thái Lan – lịch sử và hiện tại” của Vũ Dương Ninh (Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, 1990).
“Lịch sử Thái Lan từ thế kỷ XIII đến những năm của thập niên 80 của Huỳnh Văn Tòng (Khoa Đông Nam Á, Học viện đào tạo và mở rộng TP Hồ Chí Minh, 1993).
Cuốn “Lịch sử Đông Nam Á” của Lương Ninh (chủ biên), nhà xuất bản Giáo dục, 2005.
Trong các công trình trên, các tác giả đã đề cập đến quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayutthaya đan xen với mối quan hệ của Ayutthaya với các nước khác và tác động của nó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng tất cả những bài viết, những công trình nghiên cứu này mới chỉ nêu lên một cách khái quát mà chưa trình bày thành một vấn đề riêng có hệ thống. Tuy vậy, những công trình, bài nghiên cứu đó sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho tác giả khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII.
3. Mục đích nghiên cứu của đề tài
Nghiên cứu đề tài này, Báo cáo khoa học nhằm những mục đích sau đây:
- Phân tích những tiền đề cho mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII.
- Đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trên phương diện chính trị - ngoại giao và thương mại trong thế kỷ XVII nhằm khôi phục và làm sáng tỏ mối quan hệ này trong lịch sử.
- Thông qua việc tái hiện những nét cơ bản nhất của mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya, Báo cáo đi vào phân tích tác động của mối quan hệ này đối với Ayutthaya trên một số phương diện: kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội.
4. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này, tác giả dựa trên phương pháp luận sử học Mác xít, kết hợp việc sử dụng hai phương pháp chủ yếu là phương pháp Lịch sử và phương pháp Lôgic.
Bên cạnh đó, Báo cáo còn sử dụng phương pháp sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu, đồng thời so sánh, phân tích và xử lý tư liệu để trình bày một cách có hệ thống mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII.
5. Đóng góp của đề tài
Trên cơ sở kế thừa thành quả của những người đi trước và thông qua việc trình bày một cách tương đối có hệ thống mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII, Báo cáo cố gắng đóng góp một phần nhỏ bé vào việc cung cấp cái nhìn toàn diện về quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Ayuthaya trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao và thương mại trong thế kỷ XVII; đồng thời, phân tích tác động của mối quan hệ này đối với Ayuthaya trên một số phương diện: kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội.
6. Cấu trúc Báo cáo khoa học
Ngoài phần mở đầu và kết luận, Báo cáo gồm hai chương:
Chương 1: Những tiền đề của quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya.
Chương 2: Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII và tác động của mối quan hệ này đối với Ayuthaya.
NỘI DUNG
Chương 1
NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH VỚI VƯƠNG QUỐC AYUTHAYA
1. Sự thành lập Công ty Đông Ấn Anh và quá trình mở rộng buôn bán với Phương Đông của Công ty này (từ năm 1600 đến năm 1612)
1.1. Sự thành lập Công ty Đông Ấn Anh
Công ty Đông Ấn Anh (English East India Company, viết tắt là EIC) được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 1600. Đây là một tổ chức thống nhất chặt chẽ, rộng lớn của các Hiệp hội, Thương đoàn Anh. EIC là một tổ chức phi Chính phủ được Hoàng gia Anh ban đặc quyền. Đó là độc quyền buôn bán trong khu vực giữa Mũi Hảo Vọng và Eo Magellan trong thời gian 15 năm. Đồng thời, Công ty là đại diện toàn quyền của Hoàng gia Anh tại những nơi mà họ đến. Sự ra đời của EIC là kết quả của quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Anh trong thời kỳ bản lề của chế độ tư bản chủ nghĩa. Đồng thời, sự ra đời của EIC là sự kế thừa và hoàn thiện tất yếu của các thiết chế thương mại trước đó, nhằm thực hiện “sứ mệnh” buôn bán (sau này là chinh phục thuộc địa) với Phương Đông, trong đó có Vương quốc Ayuthaya.
1.2. Quá trình mở rộng buôn bán với Phương Đông của Công ty Đông Ấn Anh (từ năm 1600 đến năm 1612)
Ngay sau khi thành lập, Công ty Đông Ấn Anh đã bắt tay vào việc tổ chức các chuyến đi về Phương Đông. Hướng đi đầu tiên mà họ nhắm đến là Ấn Độ và Đông Nam Á.
Từ năm 1600 đến năm 1612, Công ty Đông Ấn Anh đã không ngừng mở rộng phạm vi buôn bán của mình ở Phương Đông, trong quá trình đó họ đã đặt chân đến Vương quốc Ayuthaya vào năm 1611. Điều này đã đặt cơ sở cho việc thiết lập quan hệ chính thức giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya vào năm 1612.
2. Vị trí của Vương quốc Ayuthaya trong quan hệ thương mại hướng Đông của Công ty Đông Ấn Anh
Vương quốc Ayuthaya (1350 - 1767) nằm ở trung tâm Đông Nam Á lục địa, là một trong những quốc gia lớn trong khu vực. Ayuthaya vừa có vị trí địa lí quan trọng (là trung tâm kinh tế thương mại hàng hải) vừa có sự ảnh hưởng rộng lớn với các nước trong khu vực, do đó Ayuthaya sẽ là nơi “đồn trú” để từ đây EIC đến các nước khác trong khu vực. Mặt khác, Ayutthaya đóng vai trò là một trong những “đại lý” ở Đông Nam Á mà Công ty Đông Ấn Anh phải dừng chân khi đến đây.
Nhìn chung, Ayuthaya là thị trường có vị trí chiến lược trong quan hệ thương mại hướng Đông của Công ty Đông Ấn Anh.
Chương 2
QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH VỚI VƯƠNG QUỐC AYUTHAYA THẾ KỶ XVII VÀ TÁC ĐỘNG CỦA MỐI QUAN HỆ NÀY ĐỐI VỚI AYUTHAYA
1. Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII
1.1. Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya giai đoạn 1611 - 1623
1.1.1. Sự xâm nhập của Công ty Đông Ấn Anh vào Vương quốc Ayuthaya và bước đầu phát triển mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Ayuthaya
Công ty Đông Ấn Anh được thành lập ngày 31 tháng 12 năm 1600. Trong quá trình mở rộng buôn bán ở Phương Đông, nhận thấy vị trí quan trọng của Ayuthaya, EIC đã xúc tiến việc thiết lập quan hệ thương mại với đất nước này. Năm 1611, tàu Globe của EIC do thuyền trưởng Peter Floris và Lucas Antheunis chỉ huy đã đến Patani – một tiểu quốc Mã Lai đặt dưới quyền minh chủ của Ayuthaya vào năm 1601. Tại đây, người Anh được đối xử bình đẳng như những người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan đến trước đó và họ được phép lập đại lý thương mại tại Patani. Từ việc mở đầu dường như rất thuận lợi, ngày 15 tháng 8 năm 1612, tàu Globe đã đến kinh đô Ayuthaya. Đại sứ đầu tiên của Anh là Adam Denton đã yết kiến triều đình Ayuthaya, dâng lên Vua Ekathotsarot thư của Hoàng đế nước Anh James I. Mặc dù có sự chống đối của người Hà Lan, Ekathotsarot đã cho phép Công ty Đông Ấn Anh được phép tự do buôn bán và thiết lập một cơ quan thương mại tại kinh đô Ayuthaya [1; 188]. Hoạt động thượng mại của Anh tại Ayuthaya – dưới vai trò điều hành của Công ty Đông Ấn Anh phát triển nhanh chóng song cũng sa sút một cách nhanh chóng. Một trong những nguyên nhân của sự sa sút này là sự cạnh tranh không nhân nhượng của Công ty Đông Ấn Hà Lan với
1.1.2. Cuộc cạnh tranh của Công ty Đông Ấn Hà Lan với Công ty Đông Ấn Anh ở Ayuthaya và sự ngừng trệ quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Ayuthaya từ năm 1623 đến năm 1661
Trong quá trình mở rộng buôn bán với Phương Đông, Công ty Đông Ấn Anh cũng như Công ty Đông Ấn Hà Lan luôn cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Để làm được điều đó, họ tập trung vào việc thiết lập độc quyền, dùng mọi biện pháp để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tại Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Anh đã phải đối mặt với sự cạnh tranh của “những người đồng minh tự nhiên” của mình ở Châu Âu – Công ty Đông Ấn Hà Lan (viết tắt là V.O.C).
Năm 1623, Công ty Đông Ấn Anh buộc phải đóng cửa các cơ quan thương mại tại Ayuthaya và tạm dừng quan hệ với Ayuthaya trong vòng gần bốn thập niên sau đó (từ năm 1623 đến năm 1661) [1; 188].
1.2. Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya giai đoạn 1661 - 1688
1.2.1. Thời kỳ khôi phục quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya (1661 - 1675)
Sau 38 năm ngừng trệ, vào năm 1661 quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya đã được thiết lập trở lại. Chính quyền Ayuthaya, đứng đầu là Vua Narai đã dành cho người Anh những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển thương mại tại đất nước mình với hy vọng sự trở lại của EIC sẽ phá vỡ thế độc quyền thương mại của Hà Lan.
Tuy nhiên, hoạt động của EIC trong thời gian này vẫn không hiệu quả, giá trị trao đổi hàng hóa không cao. Mặc dù vậy, sự tái lập quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya và những hoạt động thương mại của Công ty từ năm 1661 đến năm 1675 tại Ayuthaya là cơ sở để trong những năm tiếp theo mối quan hệ này phát triển đến đỉnh cao.
1.2.2. Sự phát triển đến đỉnh cao của quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya (1675 - 1685)
Vào những năm 70 của thế kỷ XVII, quan hệ của Ayuthaya với Hà Lan ngày càng xấu đi, có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh. Do đó, Ayuthaya đã có sự điều chỉnh chính sách đối với các nước tư bản Phương Tây. Chính quyền Ayuthaya đã xóa bỏ chính sách “cân bằng”, “trung lập” và dành cho những nước tư bản đến sau nhiều ưu đãi. Chính vì vậy, từ năm 1675, khi Công ty Đông Ấn Anh hoạt động trở lại đã tiếp tục nhận được sự ưu ái đặc biệt của chính quyền Ayuthaya.
Đầu tiên, ngày 13 tháng 2 năm 1675, Ayuthaya đã cho phép hàng hóa của Anh được miễn thuế quan khi qua các cảng của Ayuthaya. Sau đó không lâu, tháng 11- 1675, EIC đã nhận được ở chính quyền Ayuthaya một quyền ưu tiên hết sức quan trọng nữa – độc quyền mua da tại một loạt địa phương ở bán đảo Mã Lai. Để đổi lại những ưu đãi đó, Vua Narai yêu cầu Anh gửi cho nhà Vua những kĩ sư, pháo thủ, thợ đúc và các chuyên gia khác để giúp Ayuthaya công tác tổ chức phòng thủ chống lại Hà Lan [19; 11]. Với sự kiện này, quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya đã phát triển thêm một bước mới. Đó không chỉ là mối quan hệ về kinh tế mà còn là quan hệ về chính trị, quân sự xuất phát từ quyền lợi của hai phía. Năm 1678, Công ty Đông Ấn Anh đã cử Richard Burnaby làm giám đốc cơ quan thương mại tại Ayuthaya. Richard Burnaby âm mưu đưa đại diện của EIC tham gia vào bộ máy nhà nước Ayuthaya, mục đích lũng đoạn nền chính trị Ayuthaya theo hướng có lợi cho Công ty. Sau nhiều cố gắng, một nhân viên của EIC là Constantin Phaulkon đã được tham gia vào bộ máy nhà nước Ayuthaya. Năm 1679, Phaulkon được tham gia vào cơ quan Praklang (Bộ tài chính), từ đó đã đi lên theo “chiếc thang chức vụ” và đã khéo léo chiếm được sự tin cẩn của Vua Narai. Đến năm 1683, Phaulkon thực tế đã chiếm địa vị như một vị quan đầu triều, trở thành người kiểm soát chính sách đối ngoại của triều đình Ayuthaya. Sau khi củng cố vị trí của mình, Phaulkon đã bổ nhiệm người của EIC là Samuel White giữ chức chỉ huy trưởng cảng Mergui và chỉ định Richar Burnaby làm thống đốc tỉnh Mergui [19; 12]. Dần dần, người Anh đã chiếm ưu thế và thay thế người Ayuthaya trong bộ máy hành chính ở Mergui. Đây là một bước tiến lớn trong suốt quá trình xâm nhập vào Ayuthaya của EIC, đồng thời thể hiện sự phát triển đến đỉnh cao của quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII. Trên cơ sở đó, EIC ngày càng lấn lướt, gây sức ép với chính quyền Ayuthaya với những yêu cầu vô lý. Với ý thức tự chủ, chính quyền Ayuthaya đã từ chối mọi yêu sách của người Anh. Vì thế, trong những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XVII, Anh bắt đầu tiến hành các hoạt động quân sự gây sức ép với chính quyền Ayuthaya để nhằm giành được những điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh, nâng cao giá trị thương mại tại Ayuthaya.
1.2.3. Xung đột quân sự và sự đóng cửa các thương điếm của Công ty Đông Ấn Anh (1686 - 1688)
Sau khi bị từ chối những yêu sách do đại diện của EIC đưa ra, Anh đã âm mưu chuẩn bị một cuộc chiến tranh công khai với Ayuthaya, trọng tâm là đánh chiếm Mergui. Vào đầu năm 1687, Anh bắt đầu các hoạt động khiêu khích quân sự với Ayuthaya bằng cách săn đuổi, cướp bóc hàng hóa trên các thương thuyền Ayuthaya và của các nước khác khi qua vùng biển Ayuthaya - Andaman. Tháng 6 - 1687, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Weltden, hai tàu chiến của Anh đã thả neo ở cảng Mergui trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trên thực tế, Công ty Đông Ấn Anh đã coi Mergui hoàn toàn thuộc quyền cai quản của mình và thiết lập chế độ khủng bố trong thành phố, giết chết rất nhiều dân thường vô tội. Song sự khủng bố của người Anh không mang lại cho họ kết quả như mong muốn. Đêm 15 tháng 6 năm 1687, nhân dân Mergui đã nổi đậy chống lại người Anh. Do sự chủ quan, quá tin vào ưu thế quân sự của mình nên quân Anh đã bị thất bại [19; 16]. Sau thất bại nặng nề ở Mergui năm 1687, EIC không dám công khai tấn công quân sự vào ven biển Ayuthaya. Về phía chính quyền Ayuthaya cũng không muốn gây cuộc xung đột quân sự làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Do đó, vào đầu năm 1688, Ayuthaya đã đề nghị đàm phán hòa bình với Anh. Sau đó, “Cách mạng 1688” nổ ra đã làm thay đổi căn bản cách nhìn nhận về người Châu Âu của người Thái. Chính sách “đóng cửa” của Ayuthaya đã khiến cho quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya dừng lại. Người Anh nhận thấy không còn hy vọng ở thị trường Ayuthaya nên đã chuyển sự chú ý sang cảng Syriam (thuộc Myanma).
2. Tác động của mối quan hệ Công ty Đông Ấn Anh - Ayuthaya đối với Ayuthaya
2.1. Những tác động đối với kinh tế, xã hội và văn hóa Ayuthaya trong thế kỷ XVII
Việc thiết lập quan hệ với Công ty Đông Ấn Anh trong thế kỷ XVII đã có những tác động góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Vương quốc Ayuthaya, tạo nên những chuyển biến ban đầu về xã hội. Mặt khác, sự có mặt của thương nhân Anh cùng thương nhân các nước Phương Tây khác với các hoạt động thương mại đa dạng đã góp phần truyền bá văn hóa Phương Tây vào Ayuthaya.
2.2. Những tác động đối với chính sách đối ngoại của nhà nước Ayuthaya trong thế kỷ XVII
Thông qua mối quan hệ với Công ty Đông Ấn Anh trong thế kỷ XVII đã góp phần vào quá trình hình thành, xác lập đường lối ngoại giao đặc trưng, bản chất của người Thái. Đó là chính sách “ngoại giao kiềm chế”, “lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước để dùng nước này kiềm chế nước kia”.
KẾT LUẬN
Thế kỷ XVII, Ayuthaya trở thành địa điểm thu hút gần như đông nhất các cường quốc thương mại từ Châu Âu đến. Bằng các phương thức tiếp cận khác nhau, song các quốc gia Châu Âu đều có mưu đồ chiếm lĩnh thị trường Ayuthaya, với mục đích đạt được lợi nhuận cao nhất từ việc buôn bán các sản phẩm có giá trị thương mại cao của Ayuthaya.
Công ty Đông Ấn Anh tiếp cận thị trường Ayuthaya trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với các cường quốc thương mại Châu Âu đến trước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và cuối cùng là Pháp. Năm 1612, quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya chính thức được thiết lập. Mặc dù nhận được rất nhiều ưu đãi từ phía chính quyền Ayuthaya song hoạt động thương mại của EIC tại Ayuthaya diễn ra hầu như không hiệu quả. Để đạt được mục đích thương mại với lợi nhuận cao tại thị trường Ayuthaya, Anh đã tiến hành các hoạt động quân sự để gây sức ép với chính quyền Ayuthaya. Song, các hoạt động quân sự của Anh tại Ayuthaya đã gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía nhân dân và chính quyền Ayuthaya. Công ty Đông Ấn Anh đã mất đi sự ủng hộ từ phía nhà nước Ayuthaya và cuối cùng phải rút lui khỏi thị trường đầy tiềm năng này sau gần một thế kỷ thiết lập quan hệ thương mại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt
[1] E.O. Becdin, 1973. Lịch sử Thái Lan, Nxb Khoa học Mátxcơva (bản dịch của Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Thị Thư, Hoài Anh), Thư viện Đại Học Sư phạm Hà Nội.
[2] Ngô Văn Doanh, 1991. Tìm hiểu văn hóa Thái Lan, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
[3] Phạm Đức Dương, 1980. Nghiên cứu lịch sử văn hóa Thái Lan, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội.
[4] D.G.E. Hall, 1997. Lịch sử Đông Nam Á, Bản dịch của Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5] Lâm Quang Huyên, 1992. Kinh tế Vương quốc Thái Lan, Nxb TP Hồ Chí Minh.
[6] Quế Lai, 1999. Thái Lan – truyền thống và hiện đại, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[7] Phan Ngọc Liên (chủ biên), Đào Tuấn Thành, Nguyễn Thị Huyền Sâm, Mai Phú Phương, 2008. Lịch sử thế giới cận đại, tập I, Nxb Đại Học Sư phạm Hà Nội.
[8] Phan Ngọc Liên (chủ biên), 1997. Lược sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[9] Phạm Nguyên Long, Nguyễn Tương Lai (đồng chủ biên), 1998. Lịch sử Thái Lan, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[10] Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, 2005. Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[11] Vũ Dương Ninh, 1990. Vương quốc Thái Lan lịch sử và hiện tại, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[12] F. Ia. Polianxki, 1978. Lịch sử kinh tế các nước, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[13] F. Ia. Polianxki, 1978. Lịch sử kinh tế các nước, quyển 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[14] Lê Văn Quang, 1995. Lịch sử Vương quốc Thái Lan, Nxb TP Hồ Chí Minh.
[15] Vũ Công Quý, Quế Lai, Dương Xuân Cương, 1994. Tìm hiểu lịch sử - văn hóa Thái Lan, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[16] Lê Thanh Thủy, 2004. Chính sách đối ngoại của Thái Lan trước sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, Luận văn thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[17] Huỳnh Văn Tòng, 1993. Lịch sử Thái Lan (thế kỷ XIII đến những thập niên 80), Khoa Đông Nam Á, Học viện đào tạo và mở rộng TP Hồ Chí Minh.
[18] Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, 1998. 25 năm nghiên cứu các nước Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội.
[19] Viện nghiên cứu Đông Nam Á, 1985. Cuộc tấn công ồ ạt của các cường quốc Châu Âu vào Xiêm thế kỷ XVII, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội.
[20] Nguyễn Khắc Viện, 1988. Thái Lan một số nét chính về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và lịch sử, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội.
Tài liệu tiếng Anh
[21] Drich Ganier, 2004. Ayuthaya – Venice of the East, Bangkok: River Books Co.
[22] John Keay, 1991. The honourable company: A history of the English East India company, New York - Toronto: Macmilan publ, Maxwell Macmillan Canada.
[23] Rong Sya Mananda, 1962. A History of Thailand, Bangkok: Chulalongkorn University.
[24] E.D. War Miller, 1992. The Cambridge economic history of Europe, London.
[25] Bridsall S. Viault, 1992. English history, New York.
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Mục đích nghiên cứu của đề tài 3
4. Phương pháp nghiên cứu 3
5. Đóng góp của đề tài 3
6. Cấu trúc Báo cáo khoa học 3
NỘI DUNG 4
Chương 1 4
NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH VỚI VƯƠNG QUỐC AYUTHAYA 4
1. Sự thành lập Công ty Đông Ấn Anh và quá trình mở rộng buôn bán với Phương Đông của Công ty này (từ năm 1600 đến năm 1612) 4
1.1. Sự thành lập Công ty Đông Ấn Anh 4
1.2. Quá trình mở rộng buôn bán với Phương Đông của Công ty Đông Ấn Anh (từ năm 1600 đến năm 1612) 4
2. Vị trí của Vương quốc Ayuthaya trong quan hệ thương mại hướng Đông của Công ty Đông Ấn Anh 4
Chương 2 5
QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH VỚI VƯƠNG QUỐC AYUTHAYA THẾ KỶ XVII VÀ TÁC ĐỘNG CỦA MỐI QUAN HỆ NÀY ĐỐI VỚI AYUTHAYA 5
1. Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII 5
1.1. Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya giai đoạn 1611 - 1623 5
1.1.1. Sự xâm nhập của Công ty Đông Ấn Anh vào Vương quốc Ayuthaya và bước đầu phát triển mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Ayuthaya 5
1.2. Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya giai đoạn 1661 - 1688 6
1.2.1. Thời kỳ khôi phục quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya (1661 - 1675) 6
1.2.2. Sự phát triển đến đỉnh cao của quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Anh với Vương quốc Ayuthaya (1675 - 1685) 6
1.2.3. Xung đột quân sự và sự đóng cửa các thương điếm của Công ty Đông Ấn Anh (1686 - 1688) 7
2. Tác động của mối quan hệ Công ty Đông Ấn Anh - Ayuthaya đối với Ayuthaya 8
2.1. Những tác động đối với kinh tế, xã hội và văn hóa Ayuthaya trong thế kỷ XVII 8
2.2. Những tác động đối với chính sách đối ngoại của nhà nước Ayuthaya trong thế kỷ XVII 8
KẾT LUẬN 8
TÀI LIỆU THAM KHẢO 9