Đô thị hoá là xu thế tất yếu của mọi quốc gia trên con đường phát triển. Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, ở những mức độ khác nhau và với những sắc thái khác nhau, làn sóng đô thị hoá tiếp tục lan rộng như là một quá trình kinh tế, xã hội toàn thế giới.
Trong hai thập niêm trở lại đây, quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra khá nhanh. Đô thị hóa đã, đang và sẽ mang lại các mặt tích cực như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội rõ rệt, đồng thời nó cũng nảy sinh những mặt tiêu cực như thu hẹp đất đai canh tác nông nghiệp, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường,… Vậy đô thị hóa ở Việt Nam trong lịch sử diễn ra như thế nào? Từ kinh nghiệm của lịch sử đô thị hóa Việt Nam chúng ta có thể rút ra những bài học gì cho công cuộc đô thị hóa ở nước ta hiện nay? Để giải đáp câu hỏi này, ta cùng tìm hiểu đô thị hóa Việt Nam xưa và nay.
1. Đô thị hóa ở Việt Nam trong lịch sử
Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam tuy diễn ra khá sớm, ngay từ thời trung đại với sự hình thành một số đô thị phong kiến, song do nhiều nguyên nhân, quá trình đó diễn ra chậm chạp, mức độ phát triển dân cư thành thị thấp.
Sản xuất tiểu nông – lúa nước đã tạo nên nền văn minh nông nghiệp sớm trong lịch sử dân tộc – văn minh sông Hồng. Nền kinh tế nông nghiệp chi phối suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc, đã hình thành quan niệm “dĩ nông vi bản” của nhân dân, một chính sách “trọng nông” bất di bất dịch của mọi triều đại phong kiến.
Nền tiểu nông phân tán dân cư với ý thức tự cấp tự túc rất cao là trở ngại lớn nhất trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế hàng hóa. Sự phát triển công - thương nghiệp, dịch vụ với mật độ dân số cao không dễ dàng gì ra đời và phồn thịnh trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội và chính sách cai trị của các triều đại phong kiến. Các thị trường nhỏ nhoi và phân tán trong nông thôn hình thành đủ các loại chợ nhưng không có khả năng liên kết để có được một thị trường dân tộc thống nhất, các làng xã thủ công và ngành nghề thủ công nơi nào cũng có nhưng không tập chung ở một đầu mối dân cư mang tính hàng hóa cao. Đô thị chỉ phát triển khi có tác động của thương nghiệp dưới sự chi phối của ngoại thương mà Nhà nước có nhu cầu cho việc tiêu dùng hoặc cần thiết cho việc điều hành bộ máy cai trị. Do đó, đô thị hóa ở nước ta thời kỳ phong kiến diễn ra chậm chạp.
Đô thị hóa diễn ra không đồng đều ở các vùng và trên cả nước. Hầu hết các đô thị cổ Việt Nam đều do nhà nước sinh ra, xuất phát từ nhu cầu chính trị, hành chính của nhà nước quân chủ chuyên chế, như đô thị Cổ Loa, Luy Lâu, Đại La, Phú Xuân,... Đây là loại hình đô chính (đô thị chính trị). Nơi đây có mật độ dân số cao, có các ngành nghề phi nông nghiệp hoặc bán nông nghiệp. Những đô thị này có tầm vóc rất lớn về vị trí và quy mô nhưng sự phát triển của nó không ồ ạt, không toàn diện.
Ở các đầu mối giao thông, nhất là ở các cảng sông, cảng biển có điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn bán, nhằm đáp ứng cho thị trường trong nước là bước khởi động của đô thị hóa. Mô hình đô thị ở điểm xuất phát của nó là phố cảng. Loại đô thị này dễ tiếp sức và tạo nên sự phát triển mạnh mẽ khi có sự giao lưu, tiếp thu những thành tựu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật với bên ngoài.
Dù loại đô thị nào, trong lịch sử hình thành và phát triển, vai trò của nhà nước gần như chi phối tuyệt đối. Điều này thể hiện rõ qua đô thị Huế. Đô thị Huế dưới triều Nguyễn, Nhà nước quy hoạch và đầu tư gần như toàn diện từ kinh thành, cung điện đến phố chợ. Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) “sai Thự Thống chế Vũ Lâm Lê Văn Thảo đốc binh sĩ dựng nhà lợp ngói (chợ Gia Hội) gồm 90 gian, đình 2 tầng… lại từ cầu Gia Hội đến chỗ ngang trấn Bình Đài, dựng một dãy phố gồm 399 gian, dài hai dặm linh…” [2]. Sau khi xây cất xong phố xá, có lẽ Nhà nước giao cho dân ở, kinh doanh và đóng tiền xây dựng để đảm bảo quy hoạch và kiến thiết chung cho đô thị [1]. Đây là hiện tượng rất đặc biệt, thể hiện vai trò rất tích cực của Nhà nước – thương nghiệp – phố chợ dưới các triều đại phong kiến ở nước ta. Nhưng triều Nguyễn cũng kiềm tỏa Huế, đạt được trong phạm vị tối ưu của hoạt động nôi thương mà thôi.
Nhìn chung, hầu hết các đô thị cổ Việt Nam đều là nơi tập chung dân cư với mật độ cao và tỉ lệ các ngành kinh tế phi nông nghiệp chiếm vị trí chủ đạo. Dù là đô thị chính trị, phố cảng thì thời nào cũng vậy, vai trò của nhà nước đều ở vị trí quyết định đối với đô thị, vì chính Nhà nước “là bà đỡ” cho các đô thị ra đời và phát triển và cũng nhân tố làm thui chột đô thị khi xét thấy sự phát triển đô thị không phù hợp ý muốn chủ quan của nhà nước.
Bên cạnh đó, trong quá trình đô thị hóa, các đô thị cổ Việt Nam có quan hệ chặt chẽ và thường xuyên với nông thôn. Vì đô thị Việt Nam gốc là nông thôn nên dấu vết nông thôn trong đô thị cổ Việt Nam hiển diện ở rất nhiều nơi. Các làng nghề ở nông thôn có sự chi phối đô thị về văn hóa. Hầu hết các sinh hoạt văn hóa ở đô thị đều xuất phát và có quan hệ chặt chẽ với làng quê, mà tiêu biểu là lễ hội. Đô thị cổ Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ bị nông thôn hóa, nhất là khi vai trò chính trị của nó bị suy yếu, bị mất đi.
Trong thời kỳ phong kiến, có sự miệt thị đến cố chấp giữa “nghề gốc” (nông nghiệp) với “nghề ngọn” (buôn bán) nên đã tạo nến sự đố kỵ giữa thương nhân và nông dân. Nhà nước cũng không có chủ trương phố hóa các chợ làng, chợ phiên, chợ huyện,… nên đô thị chỉ là những ốc đảo nằm trong biển cả làng mạc bao la, không có động lực và khả năng để đô thị hóa đất nước.
Bước vào thời hiện đại, khi vai trò của công nghiệp đã được khẳng định, nền mậu dịch phát triển mạnh mẽ hơn. Quá trình đô thị hóa cũng diễn ra cấp thiết để đáp ứng xu thế hàng hóa, nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
2. Tình hình đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay
Đô thị hoá là xu thế tất yếu của mọi quốc gia trên con đường phát triển. Thập kỷ cuối thế kỷ XX quá trình đô thị hoá ở Việt Nam diễn ra khá mạnh. Đó là sự hình thành trên diện rộng, tốc độ nhanh các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Đến cuối năm 2007, cả nước có trên 700 điểm cư dân đô thị, tăng hơn 40% so với năm 1995 [3]. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kết cấu hạ tầng ở nông thôn - xưa nay vốn yếu kém, đã có sự cải thiện đáng kể.
Đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã trực tiếp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị nông, lâm, thuỷ sản trong tổng thu nhập quốc dân trong nước (GDP) và tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong GDP. Tuy nhiên, do những khó khăn của bản thân nền kinh tế đất nước đang trong quá trình chuyển đổi và những hạn chế chủ quan trong quản lý, điều hành, đô thị hoá ở Việt Nam còn nhiều mặt bất cập.
Trong nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đô thị hoá, có thể nhấn mạnh một số điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, sự nóng bỏng vấn đề qui hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nông nghiệp. Bình quân hàng năm, tính từ 2001 đến 2007, gần 10 vạn ha đất nông nghiệp được thu hồi đã phục vụ xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ, đường giao thông, khu dân cư [3]. Sự dễ dãi và cả sự yếu kém trong qui hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đã cùng với tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt đã đưa tới tình trạng sử dụng đất tuỳ tiện, lãng phí.
Thứ hai, sự chậm chạp, ít hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam còn chậm. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nông thôn còn chiếm hơn 40%; trong cơ cấu kinh tế chung của cả nước vẫn còn tới 20% [3]; nhiều vùng chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, sự phân tán, chia cắt trong qui hoạch, tổ chức không gian đô thị. Công tác qui hoạch, tổ chức thực hiện qui hoạch ở Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế. Sự phân bố các khu đô thị còn phân tán, không đồng đều giữa các vùng miền.
Thứ tư, hệ lụy về văn hoá, xã hội, môi trường. Theo nhiều con đường, một số sản phẩm, loại hình được gọi là văn hoá, một số quan niệm, lối sống,… không phù hợp, thậm chí trái ngược, đối lập với thuần phong mỹ tục, đã lan về thôn quê, thâm nhập và làm tha hoá một bộ phận cư dân nông thôn, đặc biệt là giới trẻ; làm vẩn đục môi trường văn hoá, xã hội; Từ một phương diện khác, nạn đốt phá rừng, khai thác khoáng sản tuỳ tiện cùng với sự yếu kém trong xử lí nước thải, rác thải, bụi, khói, tiếng ồn,... đang làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá vỡ hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
3. Đô thị hóa Việt Nam từ lịch sử đến hiện đại
Đô thị Việt Nam thời phong kiến không nhiều, quy mô nhỏ, phát triển không đều, chủ yếu là các trung tâm chính trị và phố cảng. Ngày nay, đô thị hóa là xu thế khách quan của lịch sử, là tiền đồ văn minh của đất nước. Từ kinh nghiệm của lịch sử đô thị hóa Việt Nam, cần lưu ý một số vấn đề trong công cuộc đô thị hóa hiện nay.
Chiến lược đô thị hóa của Việt Nam hiện nay phải hướng tới mục tiêu bền vững giữa tự nhiên, con người và xã hội. Phát triển đô thị cho nhân dân theo các tiêu chí công bằng xã hội và bình đẳng.
Thứ nhất, đẩy mạnh đô thị hoá, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong từng vùng và trên phạm vi cả nước. Đô thị hóa phải hướng vào phục vụ thiết thực công cuộc phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của nông dân.
Nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển đô thị, từng bước hình thành mạng lưới đô thị phù hợp trên phạm vi cả nước theo quan điểm đồng bộ, hệ thống. Vừa xây dựng thành phố lớn “ngoại cỡ” làm trọng tâm để tiến hành cuộc cách mạng đô thị trên toàn quốc, vừa xây dựng thành phố hạt nhân của miền để tiến hành đô thị hóa khu vực. Vì vậy, tùy theo quy mô của diện tích và dân số, tính chất nghề nghiệp, vị trí chính trị, văn hóa, du lịch sẽ phân làm nhiều cấp thành phố khác nhau. Mỗi thành phố còn xác định các ưu thế về ngoại giao, để được giao quyền chủ động đối ngoại, tăng cường tối đa ảnh hưởng quốc tế hóa đối với thành phố trên cơ sở xây dựng bản lĩnh văn hóa, một chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn.
Thứ hai, đầu tư chỉnh trang, nâng cấp một cách hợp lý một số đô thị lớn trung tâm, hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh ở các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan toả; mặt khác, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phát triển hệ thống đô thị vừa và nhỏ, các thị trấn, theo qui hoạch, làm cơ sở để từng bước điều chỉnh hợp lý cơ cấu kinh tế, dân cư, lao động, khắc phục sự cách biệt về trình độ phát triển giữa các vùng miền.
Thứ ba, cần xây dựng quan điểm đúng đắn về đô thị hóa nông thôn, xem nông thôn là đối tượng của cách mạng đô thị, xem đô thị là mục tiêu hướng tới của nông thôn; lấy giao thông, điện, nước, công nghiệp và hàng hóa làm phương tiện để đô thị hóa. Rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, xóa bỏ tư tưởng miệt thị kinh – quê, kinh – thượng.
Kết hợp hài hòa, giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển đô thị với quy hoạch phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, phân bố dân cư, bảo vệ môi trường. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại gắn với nhu cầu thị trường và phù hợp với lợi thế từng vùng; quy hoạch sử dụng tiết kiệm có hiệu quả đất nông nghiệp, nhất là đất canh tác; duy trì diện tích đất lúa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.
Gắn kết quy hoạch sản xuất nông nghiệp với quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ và nâng cao thu nhập của nông dân, tạo điều kiện để người nông dân chuyển nghề nhưng vẫn gắn bó với quê hương, hạn chế dòng chuyển cư tự phát đổ về các thành phố lớn.
Khớp nối kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, dịch vụ, các khu đô thị mới với kết cấu hạ tầng nông thôn theo một quy hoạch phát triển toàn diện, tổng thể; triển khai mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới; hình thành các khu dân cư đô thị hoá với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trước hết là thuỷ lợi, đường giao thông, điện, nước sạch, trường học, cơ sở y tế, bưu điện, nhà văn hoá - thể thao, chợ…
Thứ tư, chú trọng quy hoạch môi trường; hình thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải, phế thải; hạn chế tiến tới khắc phục tình trạng ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí; bảo vệ, nuôi dưỡng hệ sinh thái và gìn giữ tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên; tăng cường sức đề kháng và khả năng phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của môi trường đối với sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng sử dụng các nhiên liệu sạch trong sinh hoạt thay cho các loại nhiên liệu gây ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt.
Thứ năm, trong công cuộc đô thị hóa cần chú ý gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc, mở rộng giao lưu, học hỏi với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ sáu, nhà nước có sự can thiệp đúng mức đối với từng khu vực, từng tỉnh trên cơ sở thống nhất một chính sách chung trên cả nước trong công cuộc đô thị hóa. Có những chính sách phù hợp để phát huy lợi thế riêng của từng khu vực. Mặt khác, tiến hành đô thị hóa gắn liền với phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và cộng đồng làng xã. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn đang trong quá trình đô thị hoá. Củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội của chính quyền cơ sở, đồng thời nâng cao năng lực giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng, hợp pháp của nông dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân, thật sự là trung tâm đoàn kết cộng đồng làng xã.
Từ lịch sử đô thị hóa Việt Nam, ta thấy được những bài học kinh nghiệm cho công cuộc đô thị hóa hiện nay. Thực hiện những định hướng nêu trên chính là con đường nâng cao chất lượng đô thị hoá, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện và mục tiêu phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Chú thích
[1]. Nguyễn Thừa Hỷ, Đỗ Bang, Nguyễn Văn Đăng, Đô thị Việt Nam thời Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 2000, tr. 177.
[2]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam nhất thống chí, Thuận Hóa, Huế, 1992, Tập II, tr. 181 – 182.
[3].
http://www.tuyengiao.vn[4].
http://ashui.com