Kiến trúc, điêu khắc như đôi bạn đồng hành trong lịch sử mỹ thuật. Mối kiểu kiến trúc mới ra đời thường kéo theo một nền điêu khắc mới, tương ứng phù hợp với nó cùng nảy sinh.
Kiến trúc đình trang nghiêm lộng lẫy, kiêu xa, là nơi tồn tại của hàng loạt những hổ phù, rồng chầu mặt nguyệt, long, ly, quy, phượng múa vuốt, giương râu dữ dội. Điêu khắc, kiến trúc chùa chiền huyền bí, thâm nghiêm chối từ sự mô tả hiện thực. Để đáp ứng nhu cầu thờ cúng, người ta chú ý đến việc tạc tượng nhiều hơn là làm phù điêu. Hàng trăm pho tượng bày ở nhiều chùa khác nhau trông như đều được tạc từ một khuôn. Tất cả các Thíc Ca, Phật bà… đều có thần thái, kiểu dáng tương tự nhau. Vai trò của phù điêu trang trí trong chùa bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nó chỉ còn giữ vai trò trang trí thuần túy để lấp chỗ trống cho kiến trúc. Khảo sát nhiều ngôi chùa, chúng tôi đều thấy tính chất thứ phụ trên đây của phù điêu chùa chiền. Chúng không có chỗ đứng nơi chính thất, mà hoàn toàn mờ nhạt trước la liệt tượng đứng ngồi cao thấp. Tất cả các giải phù điêu không được phép bộc lộ, mô tả hiện thực. Hình thức diễn tả nhất nhất được quy về dạng hình học, có tính chất khái quát, ước lệ. Tính chất nghiêm ngặt, riêng biệt trên đây của điêu khắc nhà chùa là do chức năng của công trình kiến trúc chi phối.
Từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX, trên khắp đồng bằng trung du Bắc Bộ và từ Nghệ Tĩnh trở ra, bùng nổ rầm rộ phong trào làm đình.
Kiến trúc đình làng ra đời, do tính chất vị trí, chức năng là một công trình công cộng. Với mục đích phục vụ đời sống nơi trần tục thường ngày của con người, nó đã tạo điều kiện cho mảng điêu khắc mang hơi thở, gương mặt mới ra đời. Trong đình làng, tượng chân dung gần như vắng mặt (có chăng chỉ là một hai pho được đặt kín trong hậu cung thờ Thành hoàng). Người vào đình, không mấy ai nghĩ tới việc xem tượng. Trong khi đó, người ta say mải ngắm nghía, trầm trồ, tâm đắc trước các dải phù điêu. Phù điêu rải khắp chung quanh nhà, mọc chi chít như chùm sung, chùm vải, trên các xà ngang, kèo dọc, câu đầu…. Sự phát triển thắng thế của phù điêu đình làng không phải chỉ đơn giản là sự giải quyết trang trí, để làm giảm nhẹ cảm giác nặng nề của các cấu kiện kiến trúc. Chúng tôi nghĩ, điều chủ yếu trước tiên là do tính năng sử dụng của ngôi nhà quy định. Chức năng thờ cúng chỉ là yếu tố nhỏ trong đình. Đình là nơi tụ hpọ đông người, đủ các tầng lớp, lứa tuổi với mục đích sinh hoạt là chính. Với chức năng và không gian như vậy, không đòi hỏi và cho phép bày đặt ngổn ngang những tượng. Xuất phát từ yếu tố trên, để giải phóng mặt đất, nhường chỗ cho sinh hoạt của con người, người ta đẩy điêu khắc lên cao. Để đạt được giải pháp ấy, phù điêu là hình thức thích hợp với kiến trúc đình làng phát triển.
Sự phát triển của điêu khắc – kiến trúc đình làng là do nhu cầu phát triển hoàn thiện của đời sống văn hóa làng xã Việt Nam. Hình thái kiến trúc đình làng, đời sống của ngôi đình là miếng đất làm nẩy sinh nền điêu khắc đình làng, với một kiến trúc riêng biệt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
I. Từ sự đổi mới đề tài đến các hình thức chạm khắc.
1. Sự đổi mới của đề tài.
Trước điêu khắc đình làng, nền điêu khắc trang trí nước ta dường như được chia làm hai mảng rõ rệt: Điêu khắc trang trí cung đình và tôn giáo. Nghệ thuật tạo hình giành cho người dân cày cuốc hầu như không có. Điêu khắc đình làng ra đời đã làm bật lên một tiếng nói mới. Tiếng nói của tâm tư, tình cảm người lao động: về những suy nghĩ, nguyện ước của cuộc đời thường, bằng âm điệu tươi mát, mộc mạc, như cỏ Hoa nói lời của đất. Hình ảnh long ly, quy, phượng, món ăn, thị hiếu của tầng lớp trên tuy chưa bị mất hẳn, song đã trở nên mờ nhạt, để nhường chỗ cho những đề tài gần gũi với cuộc sống thường ngày của người lao động. Những gì mà giai cấp thống trị cho là “nôm na mách qué”, dung tục, nay ồ ạt tràn vào trong trang trí – điêu khắc đình làng. Khảo sát nhiều ngôi đình nổi tiếng ở nhiều địa phương khác nhau, chúng tôi thấy: chạm khắc đình làng chủ yếu miêu tả những cảnh sinh hoạt bình thường, gần gũi với con người và cuộc sống thường ngày. Đặc biệt là những cảnh vui vẻ, trẻ, khỏe, diễn ra ngay dưới mái đình trong những ngày đình đám:
“Đánh cờ” ở đình làng Liên Hiệp – Hà Tây
“Uống rượu” ở đình Ngọc Canh – Vĩnh Phú
“Đánh vật” ở đình Hoàng Xá – Hà Sơn Bình
“Bơi thuyền” ở đình Cam Đà – Hà Tây
“Đàn hát” ở đình Hoàng Xá – Hà Tây, hoặc những cảnh lao động thường ngày của người nông phu, người thợ rừng:
“Đi săn” ở đình Ngọc Canh – Vĩnh Phú
“Bắn hổ” ở đình Thổ Tang – Vĩnh Phú
“Đi cày” ở đình Liên Hiệp – Hà Tây.
Có những đề tài mang tính trào lộng, mỉa mai, mà âm hưởng của nó chảy từ nguồn dân gian truyền thống như tục ngữ, ca dao, dân ca, sân khấu:
“Đánh đuổi quân ăn cướp” ở đình Thổ Hà – Hà Bắc
“Múa trên lưng rồng” ở đình Thổ Hà – Hà Bắc
Về sự đổi mới của đề tài trong điêu khắc – trang trí đình làng nói riêng, trong nghệ thuật nói chung, nhiều ý kiến cho rằng: là một sự tất nhiên giản đơn. Song, nhìn trở lại lịch sử mỹ thuật, trên cơ sở lịch sử xã hội và tâm lý sáng tạo nghệ thuật, chúng tôi thấy: tất cả không đơn giản. Sự chuyển đổi này là một đột phá lớn, trong vòng vây của giáo lý phong kiến, sự chèn nén – tuy vô hình, nhưng hết sức nặng nề của tôn giáo. Người thường dân, lần đầu tiên giám công nhiên đưa ra giữa thanh thiên bạch nhật tiếng nói, nguyện ước, khát vọng của mình. Họ giám cưỡi trên lưng rồng mà múa, giám đánh đuổi quan quân nhà nước. Họ là người chỉ chích thần thánh, bài bác nhà cầm quyền, ngay dưới mái đình của mình. Đúng như câu tục ngữ nói: “Phép vua cũng phải thua lệ làng”
Tính chất hồn nhiên, vui vẻ, hóm hỉnh trong đề tài của điêu khắc đình làng, cùng chung một âm hưởng tinh thần với thơ văn, hò vè, sân khấu dân gian. Nó đã góp phần cho nghệ thuật dân gian hoàn chỉnh. Có được sự chuyển đổi lớn lao trên đây là do sự xuất hiện của không gian kiến trúc đình làng với đời sống của ngôi đình.
2. Tính chất tả kể trong phù điêu đình làng.
Phù điêu đình làng không chỉ khác biệt với phù điêu trang trí trong các kiểu thức kiến trúc khác ở phương diện đề tài phản ánh. Sự khác biệt của nó còn được biểu hiện rõ nét trong tính chất biểu hiện. Phù điêu đình làng song song biểu hiện rõ hai tính chất: mô tả và trang trí. Lối tả kể câu chuyện, sự việc là hình thức đồng nhất trong phương pháp diễn tả ở các dải phù điêu đình làng. Đây là một trong những tính chất riêng biệt mà chúng ta có thể nhanh chóng nhận biết, khi đối chiếu với các dòng điêu khắc khác. Bởi đồng thời và trước đó điêu khắc trang trí không phát huy hoặc chối từ tính năng này trong khi biểu hiện một nội dung nào đó. Điêu khắc đình làng hết sức lưu ý tới phương pháp tả kể. Song những cảnh trong bức chạm với cảnh ở ngoài đời, chúng ta thấy rất gần nhau:
“Những nhà điêu khắc ấy không chạm chổ theo mẫu mà theo cuộc sống, những cảnh tượng diễn đi diễn lại chung quanh họ, ngày này qua ngày khác, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, in sâu vào tâm khảm nghệ sĩ những nét không thể xóa, vì thế, cuộc sống đi thẳng một cách hầu như tự nhiên vào tác phẩm nghệ thuật, giải phóng nghệ sĩ khỏi những quan nệm phong kiến thống trị”.
Đây là nét tâm lý sâu sắc của người sáng tạo nghệ thuật và người thưởng thức nghệ thuật. Họ vốn là người ít chữ nhưng sống qua nhiều thực tế cuộc đời. Khi truyền đạt lại cái mình yêu thích cho người khác, họ thích sự trung thực và dễ hiểu. Tính chất này cũng giống như người ta thường kể cho nhau nghe những câu chuyện dân gian, thần thoại, người ta không chỉ chú ý tới cốt chuyện, với tính khái lược mà còn muốn truyền đạt tới cả chi tiết, muốn độ sâu bộc lộ, thái độ tâm lý của từng nhân vật trong từng hoàn cảnh cụ thể, như mắt họ đã nhìn thấy, tai họ đã từng nghe, đời họ đã từng sống. Ví dụ trong bức chạm khắc cảnh “chuốc rượu” – đình làng Hoàng Xá – Hà Sơn Bình: Bức chạm tả cảnh hai người đang chuốc rượu, một người đã say lả, một người đang chếnh choáng, kẻ tỉnh hơn đang cố ép bạn mình uống tiếp, người kia không từ chối – thái độ cho thấy: anh ta quyết vui với bạn đến cùng (qua dáng vẻ gắng gượng, chúng ta hiểu được điều này). Toàn cảnh, và từng nét chi tiết, cho thấy người thợ chạm, cố đi sâu vào việc bộc lộ, diễn tả. Đững trước bức chạm người xem chỉ việc cảm nhận thị giác, và đi đến thái độ không cần suy đoán nhờ lượng thông tin, tín hiệu đã trình bày đầy đủ và đã được giải mã. Hay như cảnh “Trai gái vui đùa” – Đình làng Hưu Lộc (Hà Nam Ninh), không chỉ có tinh thần nội dung không gian trên toàn cảnh được tái hiện; ở đây, từng chi tiết, hành động được diễn tả tỉ mỉ. Xu hướng mô tả trong tác phẩm cho thấy, người thợ chạm muốn nói tới cái tận cùng. Tính chất diễn giải này chỉ có điêu khắc đình làng khai thác và đi sâu.
3. Các hình thức tạo khối trong điêu khắc đình làng.
Hầu hết chất liệu đưa vào sáng tác nghệ thuật trong điêu khắc đình làng là gỗ. Cùng một lúc, các khối gỗ to nặng nhiều hình thù, phải bảo đảm hai chức năng: làm cấu kiện kiến trúc và vật liệu điêu khắc, trang trí (trong đó kiến trúc là chính). Do tính chất trên đây người làm điêu khắc phải chịu sự chi phối của kiến trúc rất lớn về nhiều mặt. Tùy thuộc vào hình thể, vị trí của các kết cấu trong không gian đã định, mà xử lý vật liệu, tạo tác phẩm. Có khi là cả một cây gỗ lớn, tròn lẳn mới bóc vỏ, còn nguyên mắt như xà ngang đình Liên Hiệp (Quốc Oai – Hà Sơn Bình), khi là miếng gỗ vuông thành làm kèo cầu, khi là mặt phẳng của chắn gió mỏng manh. Có lẽ từ sự rích rắc của khuôn thước, hình thù cấu kiện trên đây đã nảy sinh hình thức tạo khối, gia cố chất liệu của đình làng.
a) Chạm thủng: Hình thức này không phải tới điêu khắc đình làng mới có. Trước đó nó đã được sử dụng trong nghệ thuật điêu khắc nước ta. Chạm thủng trong điêu khắc, trang trí đình làng, thường được sử dụng trên các phiến gỗ làm chắn gió, chạy chung quanh nhà. Bởi nó thuận lợi trong việc sử lý do bề dày của khối gỗ mỏng: đục thủng dễ dàng. Về giá trị thực dụng, nó đáp ứng nhu cầu thông thoáng ánh sáng và không khí. Chạm thủng không có khả năng biểu đạt khối, tiếng nói điêu khắc của nó hết sức yếu kém, song nó có khả năng diễn hình hết sức phong phú. Những hình thù Hoa lá, sông nước có tính chất mềm mại, thường được sử dụng bằng hình thức này. Hiệu quả của nó chỉ dừng ở mức thông tin, tín hiệu, cho người xem nhận biết dưới hình thức gợi, tính chất diễn tả hết sức hạn chế. Song sử dụng sự đục thủng, qua các khoảng trống làm cho người ta có cảm giác không gian được mở dài xa tít đằng sau. Hình thức chạm thủng, trong điêu khắc trang trí kiến trúc mang một giá trị thực dụng rất lớn, đặc biệt trong không gian của kiến trúc đình làng, một công trình kiến trúc mở ngỏ. Và khi chạm thủng, được kết hợp với nhiều hình thức tạo khối khéo, nó góp phần đẩy hiệu quả thẩm mỹ của điêu khắc đình làng tới mức hoàn thiện.
b) Chạm bong: Hình thức chạm này được sử dụng với một tỷ lệ cao trong các hình thức xử lý khối của điêu khắc đình làng và có một hiệu quả tạo khối hơn hẳn hình thức chạm thủng mà chúng tôi vừa trình bày. Chạm bong có khả năng diễn tả những chi tiết thiên về hình nét, biểu hiện sự mềm mỏng, duyên dáng. Khi cần diễn tả các chi tiết râu rồng, cánh phượng, hoa lá, ….người nghệ nhân đình làng thường xử lý khối bằng hình thức này. Ví dụ trong cảnh “Trai gái đùa vui” – đình Hưng Lộc, Hà Nam Ninh, hay “Thiếu nữ múa” (cũng ở Hưng Lộc) các chi tiết: tay người, hoa lá, cánh phượng đều được chạm bong. Trong khi đó, thân người, cây, rồng được xử lý theo lối chạm lộng. Chạm bong đã làm mềm lại các khối hình chạm lộng ở đây rất nhiều, và tạo cho tác phẩm một khả năng tạo nhịp điệu rất lớn. Trong quá trình tạo khối chạm bong, người thợ chạm với lưỡi chàng, đục, nẩy, tách từ thân chất liệu những phần thừa, tạo nên những “khe, rãnh” (luồn, lách hoặc có thể gia cố từ bên ngoài) rồi gắn vào tổng thể bằng chất sơn ta. Phần gắn với thân liền của cấu kiện rất ít (và thường được giấu kín); chúng ta có cảm giác như chúng nhô mọc ra từ khối gỗ, mà chồng tầng, xếp lớp lên nhau. Không ít những người khi đứng trước tầng tầng, lớp lớp chạm bong mà không phải trầm trồ: “Người ta làm thế nào mà luồn lách tràng đục vào trong cái “rừng” chi tiết ấy để moi khoét, để tạo nên cái mỏng manh, mềm mại, nuột nà đến thế?” Đó là cả một bí quyết của sự tài khéo, song đồng thời cũng là thế mạnh, sở trường của hình thức chạm bong. Ánh sáng tự nhiên khi chui luồn qua các khe rạch đan chéo, ngóc ngách bị gấp, lật trở nên mờ tỏ ở nhiều sắc độ mà tạo nên một không gian màu nhiệm, trước thị giác người xem. Trong tổng thể điêu khắc đình làng, có thể nói chạm bong là đôi cánh của điêu khắc đình làng, khi nó hòa nhập với không gian mở ngỏ của chạm thủng và sự thô khỏe của chạm nông, chạm lộng.
c) Chạm nông: Chạm nông là hình thức phổ biến trong phù điêu trang trí đình làng, nhất là ở giai đoạn thế kỷ thứ XVI. Khả năng biểu hiện khối của chạm nông thua kém chạm lộng rất nhiều. Tính chất đều đặn của mảng, nét cũng như độ sâu có tính chất gây nên sự va đập của ánh sáng mạnh mẽ, sự hiện hình dứt khoát của mảng nền. Song có thể nói khả năng biểu cảm và tạo không gian cho tác phẩm thua kém chạm lộng rất xa (Trong điêu khắc đình làng, chạm nông và chạm lộng cùng đảm nhiệm vai trò biểu hiện khối. Chúng tôi xin đi sâu phân tích ở phần chạm lộng).
d) Chạm lộng: Hình thức này thường được các nghệ nhân vận dụng khi tạo các hình khối chính, đóng vai trò “cái đinh” trong tổng thể điêu khắc đình làng. Ví dụ: cảnh “Trai gái đùa vui” - ở phần thân thể chính (đầu và mình) của nhân vật, thân cây được xử lý theo lối chạm lộng. Các chi tiết: tay, chân, hoa lá được xử lý theo lối chạm bong. Chạm lộng thiên hẳn về biểu hiện khối. Sự tách bạch, sức biểu hiện của khối ở đây “tròn vành rõ chữ” hơn cả. Đứng trước tổng thể điêu khắc, bao giờ chạm lộng, chạm nông cũng hiệu quả, trong thị giác ta mạnh nhất, vì chạm lộng có tiếng nói gần với tượng hơn. Những khối hình tạo tác do hiệu quả của khối trong chạm bong, gần như tách khỏi cấu kiện kiến trúc. Độ nổi khối này là do hiệu quả của quá trình chạm đục, moi khoét, phạt….vào thân gỗ với độ nông sâu khác nhau. Người xem tưởng như mảng điêu khắc đã mất hẳn phần nền phía sau để tồn tại tự thân. Sức xâm phá của không gian vào thân vật liệu tạo nên những khoảng trống, tôn nổi phần khối gập ghềnh va đập mà bật lên tiếng nói nghệ thuật. Ánh sáng soi rọi, ngưng đọng trong các hốc sâu nông mà tạo nên sinh khí nuôi sống những hình tượng nghệ thuật. Cũng chỉ ở chạm lộng, dấu vết bút pháp đình làng, tính cách của từng phường thợ được bộc lộ rõ nét nhất. Cái dứt khoát, khoáng đạt, mạch lạc cũng như cái chất thô nguyên của chất liệu, hiện nguyên cho phong cách dân gian được xác định một cách nhanh nhậy và cụ thể. Nhìn chung, trong điêu khắc đình làng, chạm lộng đóng một vai trò trung tâm, chủ đạo.
II. Bố cục trong điêu khắc đình làng.
Bố cục của điêu khắc đình làng thể hiện rất rõ vai trò trang trí kiến trúc. Nó gắn liền và chịu sự chi phối của kiến trúc khá chặt chẽ, cả nội dung lẫn hình thức.
Về phương diện nội dung, kiến trúc đình làng luôn lấy gian giữa làm trọng tâm để giàn cảnh đề tài. Ở phần tế lễ, hậu cung bao giừo cũng thể hiện những hình ảnh có tính chất trang nghiêm, sùng kính. Những hình ảnh diễn tả sự sôi nổi, cuồng nhiệt, đam mê của cuộc sống thực được đưa về hai gian cánh: như cưỡi rồng, đàn hát, rượu chè, trai gái đùa nghịch hóm hỉnh… Sự xếp đặt mang tính quy ước và tương xứng giữa cảnh trong điêu khắc và đời thực. Bởi chỗ vui chơi thoải mái của con người trong đình là từ hai gian bên tỏa ra đến hiên đình, sân đình, hồ đình; phần chính giữa là nơi cầu, thờ, cúng lễ.
Tính chất sử dụng đã xếp đặt vị trí cho chỗ đứng của nội dung điêu khắc.
Ở góc độ hình thức, trong cái cảnh chíu chít, sai đầy rải khắp của các chi tiết, hình khối điêu khắc trên các cấu kiện kiến trúc, tinh thần của kiến trúc vẫn không bị lấn át và mất đi giá trị tự thân của nó. Dù rằng vật liệu xây dựng và chất liệu điêu khắc là một, người ta mượn ngay dáng cong của khối bẩy để tạo khối con thuyền, đục thủng chắn gió để tạo hình hoa lá… Song giá trị công năng của cấu kiện không hề bị tổn hại. Trái lại, nó còn được giảm nhẹ cảm giác nặng nề, thô, lấp đi những mối nổi, khe hở, hợp lý hóa những phần thừa tất nhiên trong kiến trúc, biến nó thành một tác phẩm mỹ thuật. Tính chất vừa độ không thái quá về số lượng và tỷ lệ cũng như vị trí sắp đặt nội dung phản ảnh đã tạo nên một sự hài hòa của hợp thể tạo hình – kiến trúc – điêu khắc. Có những ý kiến cho rằng: có thể coi đình làng là một công trình điêu khắc – có lẽ do quá đề cao mặt điêu khắc với một thiện cảm nào đó mà vô tình tác giả đã làm hại nó. Theo chúng tôi điêu khắc đình làng đã dùng đúng độ, xếp đúng chỗ, biểu hiện tài năng trang trí phục vụ cho kiến trúc. Người nghệ sĩ xưa đã biết đi từ một không gian môi trường có sẵn, mà vận dụng tạo lập công trình điêu khắc phù hợp và làm đẹp hơn lên môi trường ấy, không làm mất đi giá trị tinh thần cốt yếu của nó. Khi tiếp cận với đình làng, chúng ta vẫn có thể đi tìm giá trị của kiến trúc và điêu khắc – khi cần thiết – trong cái tổng thể của hợp thể kiến trúc – điêu khắc. Nó khác với Ăngco (Cămpuchia) là trước những công trình này, cảm giác về kiến trúc đã bị lu mờ; hay một số công trình tranh tường Mêhicô, đã đè bẹp giá trị kiến trúc trước sự tràn lan, tuôn chảy, đồ sộ, bề thế của hội họa phủ lên nó.
Tuân thủ theo không gian kiến trúc là một đặc điểm của kiến trúc đình làng. Nhưng trong nghệ thuật, bố cục tự thân của các tá phẩm cũng có nhiều lý thú. Trong hàng loạt cảnh nối liền nhau, mỗi tác phẩm là một hình ảnh số phận khác nhau của cuộc đời. Chúng được tạo lập trong các ô hình vuông, tròn, chữ nhật… Khi chúng hiện lên trước mắt ta, không hề gây lên sự rối loạn, tràn lan, gai gợn trong thị giác bởi các đường biên giới. Sự tách bạch này do mỗi tác phẩm có một trung tâm định hình, thu kéo thị giác, hướng dấn con mắt về mặt hình học. Có tác phẩm được bố cục theo xu hướng hình tròn hướng tâm khép kín. Các tác phẩm theo xu hướng hình tròn ly tâm lan tỏa. Ví dụ, trong tác phẩm “Đánh vật”, từ trung tâm của nó có hướng phát triển của khối đầu mình, chân tay có xu thế đi ra. Trong khi đó, tác phẩm “Mèo ngoạm cá” thì đường hướng lại biểu hiện xu hướng đi vào. Tính chất định hướng này của khối trong bố cục, cùng với sự rạch ròi của nội dung trong mỗi tác phẩm là sự xác minh cho chúng ta một trọng tâm đã khoanh vùng trong đường biên của một hình tam giác, hình vuông hay hình chữ nhật,… Những đường chia ô biên giới này, dù là hình gì cũng đều có xu hướng quy tụ của hình tròn. Chúng được ghép liền nhau, tạo thành một hệ thống đường tròn tiếp tuyến. Một hệ thống các đường tròn, nội hoặc ngoại tiếp các hình và ô hình nối liền nhau tạo nên những hình sin, để giải quyết yếu tố nhịp điệu (vô hình) đã liên kết chúng thành một giả thống nhất. Đánh giá chung hiệu quả của hình thức bố cục này, Nguyễn Quân đã đưa ra nhận định:…Nhờ bố cục theo hình tròn, các vòng tròn và cung tròn đồng tâm hoặc nối tiếp kết hợp với loại xoáy ốc, tận dụng khả năng diễn tả ly tâm, hướng tâm, xoay và nhịp điệu chìm nổi của hình tròn, nên chạm khắc cổ rất sinh động, rất tung tẩy nhưng cần nằm gọn yên ổn… Không khí phá phách mà rất duyên dáng, thùy mị, kín đáo trong các bố cục bất di, bất dịch.
Phù trợ cho tính chất nhịp điệu đường sin của các tổ hợp hình tròn là các chi tiết dải hình được tạo bằng hiệu quả của chạm bong, phá đi cái riêng biệt tách rời các cảnh liền giải và tổng thể điêu khắc.
Một biến đổi mới là các tổng thể điêu khắc đình làng không còn nằm rải trơ trên các mặt phẳng như các công trình trước nó. Khẳ năng chồng tầng, xếp lớp do hiệu quả tạo khối của các hình thức tạo khối, mở cửa cho không gian chui vào khối vật liệu, do tính chất chồng lớp của các cấu kiện kiến trúc được chạm khắc – tạo nên sự bề thế, đông dầy cho điêu khắc đình làng.
Trong từng giai đoạn phát triển của điêu khắc đình làng, thủ pháp, phong cách bố cục trong từng thời kỳ cũng để lại những ấn tượng, dấu ấn riêng biệt.
Ở thế kỷ thứ XVI, lúc kiến trúc, điêu khắc đình làng mới ra đời, các hình thức tạo khối còn nghèo nàn ít linh động. Khảo sát một số ngôi đình tiêu biểu, so với tư liệu viện bảo tàng, đặc biệt tài liệu tuyển chọn của ông Trần Văn Cẩn, trong “Việt Nam điêu khắc dân gian” nhà xuất bản Ngoại văn ấn hành 1975, chúng tôi thấy, bố cục của điêu khắc đình làng thế kỷ XVI còn chịu ảnh hưởng của hình thức bố cục đời Lý – Trần, đặc biệt là điêu khắc cung đình khá rõ nét. Hình thức bố cục chủ yếu tuân theo luật đăng đối, nằm gọn trong các ô cảnh hình vuông, hoặc chữ nhật. Hình thức bố cục này cùng với sức biểu hiện của khối còn yếu kém đã làm cho khả năng biểu cảm của nghệ thuật đình làng thua kém thế kỷ XVII và XVIII rất nhiều.
Chuyển qua thế kỷ XVII, thời kỳ này mật độ kiến trúc đậm đặc hơn ở các làng quê Việt Nam. Hình thức tạo khối trong điêu khắc cũng phong phú hoàn thiện hơn. Nó đã tạo điều kiện cho bố cục thời kỳ này phát triển thêm một bước. Nhiều hình thức bố cục được sử dụng như đăng đối, đăng đối giả, hình thức bố cục tự do được áp dụng phổ biến và rộng rãi. Hiệu quả của việc tạo bố cục liên hoàn giữa các cảnh và trong tổng thể cũng đạt được giá trị cao hơn.
Tính chất mở rộng các hình thức bố cục, đặc biệt là bố cục tự do này, một phần do vai trò biểu hiện khối phát triển, một phần khác, theo ý kiến của một nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng: Tư tưởng tự do của cuộc sống ngoài đời thế kỷ này phát triển cao hơn, nên nó cũng tràn vào nghệ thuật đình làng mạnh mẽ hơn – Ví dụ như cảnh sinh hoạt xã hội ở đình Ngọc Canh, Vĩnh Phú, “Ngày hội” – đình Thổ Tang, VĨnh Phú, “Quan quân cướp bóc” ở đình Thổ Hà, Hà Bắc. Lối bố cục trên thể hiện rõ tính chất tự do, phóng khoáng, hiệu quả diễn tả có sức sống cao hơn (Nó có nhiều nét giống với bố cục tranh Đông Hồ, ví dụ “Đám cưới chuột”).
Nếu như thế kỷ XVI, bố cục điêu khắc còn phảng phất hơi thở của bố cục cung đình, thế kỷ XVII, tự nhiên phóng khoáng có hơi thở của cuộc đời, thì thế kỷ XVIII đã biểu hiện tính chất tổng hòa của phong cách hai giai đoạn trên. Bố cục thời kỳ này vừa có tính bao bọc, trên mái thường mọc thêm một ngọn tháp chẳng ăn nhập vào đâu. Không gian kiến trúc bị phá vỡ. Đồng thới với nó điêu khắc cũng biến đổi. Hình thức tạo khối bắt đầu đi vào “kiểu sức” cầu kỳ, trai chuốt. Hình thức bố cục thời kỳ này trở nên rối rắm, lạm dụng. Nhìn vào những cảnh, giải cảnh không còn biết đâu là chính, phụ. Không gian bị rối loạn bởi bố cục và sự bôi quét sơn lên chi tiết. Có thể nói: nghệ thuật đình làng đã bắt đầu suy thoái theo thời cuộc chung, dưới triều đại nhà Nguyễn. Đặc biệt với điêu khắc đình làng, khi không gian kiến trúc bị phá vỡ, đời sống ngôi đình có nhiều thay đổi.
III. Tính chất tạo không gian của khối và không gian điêu khắc đình làng.
Hình thức tạo khối, hình trong điêu khắc đình làng có nhiều dạng.. Hình vẻ của khối phong phú và nhiều tính biểu hiện. Điều này đã tạo điều kiện cho việc xây dựng tác phẩm đạt hiệu quả cao. Ảnh hưởng trực tiếp của nó không chỉ trong việc tạo bố cục, mà còn có giá trị tạo không gian rất lớn của điêu khắc – trang trí đình làng.
Trước điêu khắc trang trí đình làng, phù điêu trang trí kiến trúc của ta hình như chỉ quanh quẩn trong hình thức chạm nông. Khả năng biểu hiện khối hình, đường nét có nhiều hạn chế. Cho dù người ta đa vận dụng nhiều hình thức tạo không gian để huy động hết khả năng tưởng tượng của người xem, như thủ pháp ước lệ, song khả năng thể hiện không gian vẫn hết sức hạn chế, khi tả con rồng chầu mặt nguyệt, con cá vượt vũ môn, bên dưới là sóng nước, cây rêu, phần trên là mây bay để gợi tả một không gian vũ trụ cao, rộng. Song hiệu quả của khối ở đây ít biến đổi về độ nông của không gian thực và của vật liệu nên con rồng, con cá vẫn cứ dán mình, nằm bẹp trên mặt phẳng của không gian hai chiều. Ánh sáng có mạnh nhưng đều đều, giàn trải nên không gian của tác phẩm trở nên trơ cứng, kém sức sống.
Điêu khắc đình làng, nhờ sự phát triển của các hình thức tạo khối, làm cho khả năng biểu hiện của nó giàu có, nhiều vẻ. Nó đã góp phần tạo nên một hiệu quả không gian sống động hơn, gây được những ảo giác mang tính rung động trong tình cảm chúng ta. Ví dụ trong bức chạm “Múa trên lưng rồng” ở đình Liên Hiệp, hà Sơn Bình, cùng hình thức tạo không gian gia đình, người ta chạm hình một cô gái ngồi trên lưng con rồng, đang bay mà múa giữa lưng trời với những dải mây vờn.
Nhờ hiệu quả cúa các hình thức tạo khối kết hợp với tính xâm thực của không gian vào khối, hiệu quả của sự kênh bong, tách mảng, hình ra ngoài khối vật liệu nên khi ánh sáng chiếu vào, vướng mắc, ngưng đọng, bị bẻ gẫy, ở các độ nông sâu, luồn lách mà trở nên đa sắc độ. Một không gian được thể hiện làm cho chúng ta có cảm giác như cô gái đang bay giữa lưng trời mà múa. Nó đẩy trí tưởng tượng của chúng ta trước đề tài mang tính chất thần thoại, hàm ý trào lộng này, đến một sự khoái thú vô cùng. Cũng có nghĩa là tác phẩm đạt đến hiệu quả mà người nghệ sĩ mong muốn.
Hay như trong tác phẩm “Điều voi”, cả một không gian đầy bão tố được tái hiện, nhờ hiệu quả của khối.
Bên cạnh hiệu quả không gian, do khối và bố cục tạo nên trong điêu khắc đình làng, khi tìm hiểu vấn đề này, còn có khoái thú, do sự ứng xử không gian kiến trúc của người nghệ sĩ tạo nên. Sự xếp đặt từng cảnh ở đâu, việc lợi dụng một vì kèo chếch, một đầu bảy để gợi sự liên tưởng của người xem, như cảnh “Đi săn” trên xà chéo đình Ngọc Canh – Vĩnh Phú, lối dàn hình theo bố cục tự do, trên dưới và diễn tả một đoàn người chạy từ dưới lên trên, đang đuổi theo một con thú, ở đầu chót cao của vì kèo. Hiệu quả của khối cùng với trí tưởng tượng của người tạo, đứng trước nó người nông dân, người thợ rừng, trong cảm thức của đời thực, nhiều khi tưởng như mình đang chứng kiến một cuộc leo đồi, đuổi thú. Hay trên đầu bảy cong tựa dáng thuyền, người thợ chạm Cam Đà – Hà Tây đã lợi dụng nó để mô tả cảnh bơi thuyền. Trong nghệ thuật có nhiều hình thức để đánh thức tình cảm nghệ thuật, tái hiện cảnh vật. Sự gợi tình trong trí tưởng tượng của người xem cũng là một hình thức màu nhiệm và lý thú.
Nghệ thuật tạo không gian trong điêu khắc đình làng nhiều vẻ, dựa vào khả năng diễn tả của khối để tả thực, tận dụng tính tạo hình ảnh của kiến trúc để gợi tả, liên tưởng và thủ pháp ước lệ truyền thống của nghệ thuật Việt Nam và Đông Phương cũng được vận dụng một cách tài tình, khéo léo. Trên xà ngang đình Tây Đằng, trong một ô vuông có diễn tả cảnh “Đâm báo” không cần nhiều lời, người ta chỉ tả cảnh một người cầm ngọn lao đâm vào mông một con báo, con thú bị thương ngoái đầu nhìn lại hằn học, đau đớn; phía trên người ta chạm hai cành lá xõa xuống. Không cần diễn tả nhiều người xem tự tìm và hiểu lấy một cách lôgich, đấy là cảnh xảy ra ở đâu? Đồi núi, rừng cây, hay hoang mạc? Điều kỳ thú và thống nhất là khi trên mặt xà ngang, xà chéo, câu đầu, chắn gió, điêu khắc “nói” rất ngắn gọn, thì ở đời sống sự việc diễn ra ở phía dưới nhiều khi cũng rất thống nhất với phong cách “nói ít hiểu nhiều” này. Một ví dụ, người xưa diễn tuồng, hát chèo ở dưới sân đình, chỉ cần một manh chiếu, một chiếc hòm đựng tư trang đặt giữa, đã là một triều đình, một xã hội, qua lối diễn tả của phường chèo. Hòm là ngai vàng, nền chiếu là chỗ quân thần bá quan đến nghị đình, bên mép chiếu là một anh lính đứng, thế là bên ngoài khán giả xúm quanh, trở thành một xã hội, mỗi người xem trở thành thần dân của ông vua trong tích chèo, tuồng ấy.
Dù xử lý dưới hình thức nào, tả thực hay ước lệ, tính chất của không gian điêu khắc luôn luôn gắn liền với kiến trúc đình làng. Vai trò của khối, vị trí sắp đặt bố cục từng cảnh đóng một vai trò quan trọng trong việc biểu hiện nội dung của từng cảnh cũng như toàn thể công trình. Nó đã tạo nên được không khí phóng khoáng, thoải mái, mát mẻ khi con người đặt chân vào kiến trúc, tiếp cận với điêu khắc.
Sự ra đời, phát triển ổn định của cơ cấu làng xã nông thôn Việt Nam trước những đòi hỏi bức thiết về sinh hoạt hành chính, tinh thần của nó đã tới sự ra đời của hình thái kiến trúc đình làng. Không gian “đời sống” kiến trúc đình làng là nền tảng nảy sinh nền điêu khắc đình làng.
Điêu khắc đình làng với những đổi mới trên phương diện đề tài đã đem đến cho nền tạo hình cổ Việt Nam một sức sống tươi mát, khỏe khoắn và thô mộc như tinh thần của cuộc sống thôn làng Việt Nam. Nó là tấm lòng của người dân cày cuốc, hồn nhiên, bộc trực, hóm hỉnh mà sâu sắc, chua cay. Để biểu hiện được tinh thần ấy, người nghệ nhân xưa đã sáng tạo kết hợp nhiều hình thức thủ pháp nghệ thuật như chúng tôi đã phân tích, trình bày. Họ đã làm giàu thêm tiếng nói của nghệ thuật tạo hình, đem đến cho nghệ thuật tạo hình của nước ta một gương mặt mới. Không có n hững tìm tòi sáng tạo đó, chắc chắn nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam không thể đạt tới những đỉnh cao.
Bên cạnh yếu tố vận dụng, sáng tạo, ngôn ngữ tái tạo không gian cho điêu khắc đình làng, nói lên tiếng nói tự thân, ở đây còn là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật kiến trúc. Chúng ta không thể tách rời hiệu quả thẩm mỹ giữa hai loại hình nghệ thuật này. Nó là một chỉnh thể khăng khít và hữu cơ. Sẽ không có nghệ thuật điêu khắc đình làng nếu thiếu đi bộ khung xương kiến trúc và ngược lại, nếu nghệ thuật điêu khắc đình làng, không dừng lại ở “độ đủ” như nó có, ngưpời xưa chỉ cần thái quá đi một chút, giá trị nghệ thuật đình làng sẽ bị phá vỡ.
Nghệ thuật đình làng thành công và đi sâu vào đời sống tinh thần người dân Việt nam nhiều thế hệ bởi nó đáp ứng được nhu cầu sử dụng và thị hiếu thẩm mỹ của người Việt xưa. Nó đã đạt tới hiệu quả mang tính lý tưởng, là giải quyết ổn thỏa vai trò:Nhân sinh – Kiến trúc – Con người.