CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ I_icon_minitimeSun Oct 17, 2010 8:08 pm

phangxehana
lịch sử

Thành viên cấp 1

phangxehana

Thành viên cấp 1

Họ & tên Họ & tên : Nguyẽn Thị Én
Ngày tham gia Ngày tham gia : 11/10/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 32
Đến từ Đến từ : Nam Định
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : lịch sử
Điểm thành tích Điểm thành tích : 68
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ

 
1. Khái niệm.
a. Khái niệm dân chủ: Dân chủ bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “ Demoskratos”, trong đó Demos là nhân dân, Kratos là chính quyền hay quyền lực. Như vậy, theo nguyên nghĩa của nó, dân chủ có nghĩa là quyền lực của nhân dân, nó nói lên rằng, nhân dân là chủ thể của quyền lực…Từ nghĩa nguyên gốc dân chủ là quyền lực của nhân dân. Dân chủ trở thành khái niệm bao quát một nội dung rộng lớn. Người ta thường tiếp cận khái niệm dân chủ ở những khía cạnh sau:
Một là, dân chủ là một khái niệm mang ý nghĩa chính trị, chỉ một quan hệ chính trị, tuy đã có mầm mống trong xã hội nguyên thủy, nhưng nó xuất hiện đầy đủ như một chế độ chính trị trong xã hội có giai cấp.
Ở phương diện này, tính chất của dân chủ tùy thuộc vào chỗ quyền lực chính trị thuộc vào giai cấp nào. Thực chất đó là sự tập chung quyền lực chính trị vào tay giai cấp cầm quyền. Chính vì vậy người ta gọi dân chủ chủ nô, dân chủ tư sản, dân chủ vô sản ( dân chủ xã hội chủ nghĩa ).
Hai là, dân chủ được hiểu là một chế độ nhà nước. V.I. Lênin từng nói: chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, trong đó nổi bật mối quan hệ giữa nhà nước với dân, quan hệ giữa những người dân được điều tiết bởi một hệ thống pháp luật, đó là một thể chế nhà nước.
Ba là, dân chủ là sự phản ánh trạng thái, mức độ giải phóng con người trong tiến trình phát triển của xã hội. Dân chủ là một phạm trù vĩnh viễn, là giá trị văn hóa trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Nó thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân, được quy định trong luật pháp nhà nước cũng như được thể hiện thực chất mối quan hệ giữa người và người được duy trì theo quan niệm và nguyên tắc bình đẳng. Ở đây dân chủ là một giá trị nhân văn, đánh dấu mức độ của việc giải phóng con người trên tiến trình phát triển của xã hội.
Bốn là, dân chủ là sự biểu thị thành quả của cuộc đấu tranh giữa một bên là những người lao động và một bên là giai cấp bóc lột. Vì vậy dân chủ dân, do chính họ giành được trong cuộc đấu tranh. Ở đây, dân chủ là một tương quan xã hội, so sánh giữa các lực lượng, các khuynh hướng xã hội.
Năm là, dân chủ còn được hiểu với tính cách là nguyên tắc, phương thức hoạt động của một tổ chức chính trị xã hội. Thí dụ, nguyên tắc dân chủ tập trung trong sinh hoạt đảng, quản lý nhà nước và liên quan đến bình đẳng xã hội.
Tùy thuộc vào bối cảnh mà người ta nhấn mạnh khía cạnh này hay khía cạnh khác của dân chủ.
b. Khái niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ: Là quan điểm tư tưởng và chính trị rất đa dạng và nhiều màu sắc về việc cải tạo chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội bằng con đường cải cách dân chủ, đối lập với tư tưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội khoa học và thực tiễn hoạt động của các đảng cộng sản và công nhân. Chủ nghĩa xã hội dân chủ là hệ tư tưởng của các phái dân chủ xã hội (hữu khuynh và tả khuynh), của những nhà theo đạo Thiên Chúa tả khuynh, của các khuynh hướng chủ nghĩa xã hội xiônit, chủ nghĩa xã hội kiểu Mĩ Latinh, chủ nghĩa xã hội kiểu Châu Phi v.v.
Xét về thực chất, chủ nghĩa xã hội dân chủ là hệ tư tưởng của các đảng xã hội dân chủ phái hữu trong đó có nhiều đảng đang nắm chính quyền trong các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, hoặc đang tích cực tìm cách nắm quyền, hoặc đang cùng nắm chính quyền với các đảng khác. Song quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ đang được các trào lưu chính trị và tư tưởng khác nhau trong thời đại ngày nay ráo riết sử dụng với tư cách là con đường duy nhất có thể lựa chọn để tránh cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội hiện thực. Trên thực tế, hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ không hẳn là đối lập với hệ tư tưởng của chủ nghĩa tư bản mà chủ yếu là đối lập triệt để với hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa khoa học, còn chính quyền của những người xã hội dân chủ cánh hữu thì đối lập với chính quyền của nhâ dân lao động trong xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực.
Cần nhấn mạnh rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ đã nhiều lần tự thích nghi với những điều kiện đang thay đổi, và mỗi lần thích nghi thì nó lại càng trở thành ít xã hội chủ nghĩa hơn. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến cơn bột phát mới của “ hoạt động lý luận tích cực” xung quanh khái niệm thích nghi, vì các đảng cải lương xã hội trong các nước phương tây và ban lãnh đạo Quốc tế xã hội trong những năm qua đã đứng trước sự đòi hỏi phải hoàn thiện các khẩu hiệu có tính cương lĩnh của mình, những khẩu hiệu theo lối giải thích cổ truyền không có tác động đối với quần chúng như trước kia nữa.
2. Lịch sử phát triển và các quan điểm, luận thuyết của chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Lịch sử chủ nghĩa xã hội dân chủ bắt nguồn trong sự xuất hiện của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xét lại. Những nguyên nhân làm cho chủ nghĩa cơ hội xuất hiện trong các đội ngũ phong trào công nhân và chủ nghĩa xét lại hình thành như một trào lưu tư tưởng đã được vạch rõ trong nhiều tác phẩm của những người macxít trong các nước, đặc biệt là trong các tác phẩm của V.I.Lênin như: “ Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xét lại”, “Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-Xky”, “Bệnh ấu trĩ “tả” khuynh trong phong trào cộng sản”… Việc xây dựng quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ đã được bắt đầu trong phong trào xã hội dân chủ Đức và gắn liền trước hết với tên tuổi của Lat-Xan, Bec-Xtanh, Cau-Xky. Chính những nhà hoạt động này của phong trào xã hội dân chủ Đức đã nối tiếp nhau trong lịch sử phát triển những luận điểm mà sau này người ta dùng làm cơ sở để xây dựng quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Trong sự tiến hóa của các tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ, xuất hiện hai khuynh hướng:
• Khuynh hướng 1: Khuynh hướng “ tự do”: Những người xã hội dân chủ theo phái tự do, về mặt hình thức không phủ nhận chủ nghĩa Mác. Song trên thực tế họ xuyên tạc chủ nghĩa Mác, chủ yếu chỉ chú ý đến phần di sản lý luận của Mác và Ăngghen mà trong đó trình bày những vấn đề gắn liền với vai trò của cá nhân, bảo đảm các quyền tự do cá nhân và tách ra một cách giả tạo những vấn đề này khỏi lập trường quan điểm chung của chủ nghĩa Mác đối với các vấn đề cải tạo xã hội tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy họ đặc biệt quan tâm đến những tác phẩm đầu tay của Mác.
• Khuynh hướng 2: Khuynh hướng mácxít. Ở đây muốn nói đến những người xã hội dân chủ thừa nhận một loạt luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, kể cả sự cần thiết phải tiến hành những cuộc cải tạo có tính cách mạng trong xã hội, nhưng lại phủ nhận chuyên chính vô sản và phê phán các hình thức xây dựng xã hội mới ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Bản thân những người xã hội dân chủ cũng thừa nhận sự thật là trong toàn bộ lịch sử tư tưởng của trào lưu xã hội dân chủ có ảnh hưởng của một bên là chủ nghĩa Mác, và bên kia là chủ nghĩa tự do tư sản. Quả thật, họ nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa xã hội dân chủ đã có cách giải thích của mình đối với chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa tự do. Đối với học thuyết macxít, chủ nghĩa xã hội dân chủ lựa chọn lấy phương pháp luận và cách đặt vấn đề về sự cần thiết phải tích cực giải quyết các vấn đề xã hôih. Còn chủ nghĩa tự do thì được chủ nghĩa xã hội dân chủ gắn với sự thiết thực bảo đảm những giá trị cơ bản của xã hội loài người là tự do, bình đẳng và đoàn kết.
Song trên thực tế, việc vay mượn từ chủ nghĩa Mác phương pháp luận sau khi vứt bỏ học thuyết macxít về chủ nghĩa xã hội trên tư cách là giai đoạn đầu của hình thái cộng sản chủ nghĩa, làm cho các quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ mang tính chất hình thức hoàn toàn. Bởi vì trong chủ nghĩa Mác, phương pháp luận không tồn tại như một nhân tố nào đó ở bên ngoài, độc lập, bổ sung cho lý thuyết, cho hệ thống các quan điểm về các quy luật phát triển của xã hội, và về công cuộc cách mạng cải tạo thực tế xã hội. Hệ thống lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác là những nhân tố gắn bó với nhau một cách hữu cơ trong học thuyết của nó. Trong chủ nghĩa Mác, chính hệ thống những quan điểm, lý luận, phản ánh các quy luật phát triển của xã hội, đồng thời cũng là phương pháp luận chung để nhận thức và cấu tạo thực tại xã hội. Vì vậy không thể sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác mà lại vất bỏ những nhân tố này hay nhân tố khác trong lý luận của Người về sự phát triển của xã hội. Trên thực tế vất bỏ những luận điểm lý luận của chủ nghĩa Mác có nghĩa là vất bỏ phương pháp luận macxít, vì vậy những người xã hội dân chủ dẫn ra rằng họ sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác trong khi bác bỏ học thuyết của chủ nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội dân chủ, về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về chuyên chính vô sản… chỉ là một thủ thuật mị dân, một cách nói suông mà mục đích là làm ra vẻ trung thành với chủ nghĩa Mác “ chân chính” reo rắc trong lòng giai cấp công nhân ảo tưởng rằng quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ mang tính chất macxít.
Sau chiến tranh thê giới thứ hai, trào lưu xã hội dân chủ đã hoàn toàn đoạn tuyệt với những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học và tăng cường gắn bó với những tư tưởng của chủ nghĩa chống cộng sản. Những năm 50, 60 của thế kỷ XX, quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ đã được trình bày như cương lĩnh tư tưởng cơ bản của trào lưu xã hội dân chủ quốc tế nhằm chĩa mũi nhọn chống chủ nghĩa xã hội hiện thực. Điều này được thể hiện đầy đủ nhất trong “ tuyên ngôn Phran- Phuốc” của Quốc tế xã hội. Theo nhà sử học xã hội dân chủ Iu. Bra- un- tan, đó là văn kiện đầu tiên của trào lưu xã hội dân chủ mà đã hoàn toàn từ bỏ tư tưởng tất yếu lịch sử đi lên chủ nghĩa hội. Trong “ tuyên ngôn Phran- Phuốc” chủ nghĩa Mác bị xếp ngang hàng với các trào lưu chính trị tư tưởng khác mà những người xã hội dân chủ có thể sử dụng để đạt tới một “ xã hội công bằng” Định nghĩa chủ nghĩa xã hội dân chủ trình bày trong tuyên ngôn không giải đáp được vấn đề là làm cách nào để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản với tư cách là một hình thái xã hội. Văn kiện này nêu mục đích của chủ nghĩa xã hội dân chủ là mở rộng tự do của cá nhân trên cơ sở sung túc về kinh tế và xã hội và không ngừng nâng cao phúc lợi. Công thức này mang tính chất mơ hồ, mập mờ. Trên thực tế, chúng không hề đụng chạm đến những nền tảng của chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó chúng lại kịch liệt công kích, buộc tội các nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên không có dân chủ và “ độc quyền nhà nước với chế độ kế hoạch hóa độc tài” nắm quyền thống trị. Với “ tuyên ngôn Phran- phuốc” khuynh hướng chống cộng sản của chủ nghĩa xã hội dân chủ đạt tới mức hoàn hảo. Trên thực tế nó đã xếp chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản cùng một duộc.
Như đã nói trên quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ được nhiều loại kẻ thù tư tưởng và chính trị của chủ nghĩa xã hội khoa học chọn lọc dùng để vũ trang cho mình. Song trước hết nó là hệ tư tưởng chính thức của những người xã hội dân chủ và những người cải lương hiện đại khác. Có thể nói rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ là đồng nghĩa với học thuyết chính trị xã hội của lực lượng xã hội dân chủ cánh hữu hiện đại, đã được chính thức khẳng định trong các văn kiện có tính cương lĩnh của các lực lượng này. Chính quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ đang thực hiện chức năng phục vụ về mặt lý luận và thực tiễn cho phong trào xã hội dân chủ. Chính những lãnh tụ của trào lưu xã hội dân chủ đã đóng góp phần cống hiến cơ bản vào việc xây dựng hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ để, theo ý họ, thay thế cho chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác- Ăngghen- Lênin.
Song cho dù các nhà lý luận của chủ nghĩa cải lương xã hội có đưa ra bao nhiêu tác phẩm chăng nữa nói về chủ nghĩa xã hội dân chủ thì đến nay quan niệm này vẫn còn là một mớ hỗn tạp lý luận. Bản thân các môn đồ của chủ nghĩa xã hội dân chủ đã khẳng định, nét đặc thù của quan niệm này là tình trạng đa nguyên vô giới hạn của các quan điểm. Trong tuyên ngôn cương lĩnh của quốc tế xã hội “ mục đích và nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội dân chủ” thông qua tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế xã hội ( họp ở Phran- Phuốc- Ne- Men- nơ, năm 1951 ), có đoạn viết “ chủ nghĩa xã hội là một phong trào quốc tế, không đòi hỏi sự thuần nhất nghiêm ngặt của các quan điểm. Bất kể cơ sở niềm tin của những người xã hội là phương pháp macxít hay một phương pháp nào khác để phân tích xã hội, bất kể những người xã hội được khích lệ bởi những nguyên lý tôn giáo hay những nguyên lý nhân đạo chủ nghĩa, mọi người xã hội cố sức đạt một mục đích duy nhất: Tiến tới xã hội công bằng, một đời sống tốt hơn, tự do và hòa bình trên toàn thế giới”. Một thái độ chung chung “ đa nguyên” như vậy đối với việc giải quyết những vấn đề lý luận của phong trào xã hội dân chủ dẫn tới tình trạng là hầu như ở mỗi đảng xã hội dân chủ đều có một quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ riêng của mình tương đối khác đôi chút với quan niệm của các đảng khác. Hơn nữa, ngay trong nội bộ mỗi đảng cũng có những cách hiểu khác nhau về những vấn đề có tính nguyên tắc trong công cuộc cấu tạo xã hội, và tình trạng này được phản ánh thành những cách biện giải khác nhau về chủ nghĩa xã hội dân chủ. Điều đó có nghĩa rằng trên thực tế không có một lý luận chặt chẽ, hoàn chỉnh và có cơ sở khoa học sâu rộng để tiêu biểu cho chủ nghĩa xã hội dân chủ trên tư cách là một mô hình xã hội dân chủ và xã hội đặc thù để cải tạo kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa – tinh thần của thế giới theo những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội để cải biến chủ nghĩa tư bản phản nhân văn thành một chế độ xã hội nhân đạo.
Như vậy là ngay từ buổi đầu hình thành quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ những nhà lý luận của nó đã đưa ra một phương hướng tư tưởng rõ rệt, đã nêu rõ “ thuyết đa nguyên” của nó để chống lại lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Nội dung của quan niệm này được đặc trưng bởi hai khuynh hướng cơ bản. Một là, cốt lõi của nó bao gồm một cách hữu cơ: từ bỏ quan điểm macxít coi chủ nghĩa xã hội là một nấc thang của hình thái kinh tế xã hội mới, được xây dựng trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất, thay thế quan điểm macxít về chủ nghĩa xã hội bằng một định nghĩa đa nguyên và trừu tượng. Chủ nghĩa xã hội là sự thể hiện những tư tưởng chính trị và đạo đức thực sự tư sản về tự do, công bằn, bác ái…, đấu tranh chống chủ nghĩa xã hội khoa học thể hiện thực tế của nó ở Liên Xô và các nước khác. Hai là, quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ có nét đặc trưng bởi tuyên bố con đường tiến hóa cải biến xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội xã hội chủ nghĩa trong sự tuân thủ những nguyên tắc của nền dân chủ nghị viện – đảng phái tư sản là đường lối hiện thực và duy nhất chấp nhận được đối với các lực lượng xã hội dân chủ.
Quan niệm chủ nghĩa xã hội dân chủ trong thời kỳ hình thành đã theo đuổi mục đích kép. Một mặt nó có sứ mạng làm cho quan điểm chính trị- tư tưởng xã hội dân chủ có sức hấp dẫn đối với các tầng lớp rộng rãi trong nhân dân mà ở đây các đảng phái và trào lưu chính trị tư sản ( bảo thủ, dân chủ- thiên chúa giáo, tự do ), cũng ra sức gây ảnh hưởng; mặt khác đem quan điểm của mình về chủ nghĩa xã hội và các phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội đối lập với chủ nghĩa Mác – Lênin với các quá trình thực hiện đang diễn ra trong các nước xã hội chủ nghĩa, với các cương lĩnh cách mạng quá độ lên chủ nghĩa xã hội do các đảng cộng sản trong các nước tư bản chủ nghĩa đưa ra.
Ngày nay chủ nghĩa hội dân chủ là mớ hỗn tạp tư tưởng rất khác nhau. Nó được xây dựng nên bởi những đại diện của nhiều trào lưu chính trị khác nhau. Trước hết nó thể hiện là quan điểm của các nhà lý luận xã hội dân chủ, hoặc là lý luận cổ truyền của chủ nghĩa xã hội dân chủ của những người dân chủ cánh hữu, hoặc là quan điểm chủ nghĩa xã hội dân chủ đã biến dạng đôi chút của các trào lưu khác trong đảng xã hội dân chủ, trào lưu nhấn mạnh của cái gọi là các cuộc cải cách làm thay đổi chế độ. Chúng ta bắt gặp chủ nghĩa xã hội dân chủ dưới hình thức là các mô hình xã hội chủ nghĩa của Ga- rô- đi, Phi- se, Sích và những người tương tự như họ đã đoạn tuyệt với các đảng cộng sản và đem các quan điểm xét lại của chúng đối lập với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực. Chủ nghĩa xã hội dân chủ còn tồn tại dưới hình thức bợ đỡ đối với chủ nghĩa xã hội từ phía tầng lớp tư sản tự do, cánh tả mà biểu hiện là những mưu toan của các trào lưu tư sản tự do tìm con đường xã hội chủ nghĩa riêng biệt để giải quyết các vấn đề đang được đặt ra cho xã hội. Chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng còn bắt rễ trong các quan điểm cải lương của những người cơ đốc giáo cánh tả đang gay gắt phê phán những tệ đoan của xã hội tư sản hiện đại. Quan điểm này còn xuất hiện như chủ nghĩa xã hội của lớp thanh niên đang hoạt động trong khuôn khổ phong trào “ cánh tả mới” và đang ra sức thay thế trình độ lý luận yếu và lập trường giai cấp không rõ ràng bằng phương pháp cảm xúc thuần túy để giải quyết các vấn đề. Người ta còn ra sức dùng quan điểm chủ nghĩa xã hội dân chủ dưới ngọn cờ của cái gọi là chủ nghĩa xã hội Xi- ô- nít – “ chủ nghĩa Kíp- bu”, dưới ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc biệt châu Phi và dưới nhiều ngọn cờ khác nữa.
Song dù mang chiêu bài nào thì chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng là vũ khí của các nhà tư sản và xét lại. Nó là hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa về mặt ngôn ngữ, nhưng cải lương và xét lại về thực chất, nhằm gạt giai cấp công nhân và các đảng cộng sản ra khỏi địa vị lãnh đạo tiến trình lịch sử, là hệ tư tưởng nhằm hòa tan chủ nghĩa xã hội chân chính trong những chuyện rỗng tuếch của phái tư sản tự do về những công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội dân chủ là con đường cải lương và tư sản nhằm thay đổi con đường duy nhất và đúng đắn có thể thực hiện về mặt lịch sử là chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Trong sự hỗn tạp và mang những sắc thái khác nhau, những quan điểm lý luận và chương trình thực tiễn kêu gọi đi tới chủ nghĩa xã hội dân chủ đều có một nét chung là phủ định chủ nghĩa xã hội khoa học, phủ định những tư tưởng cơ bản của nó về sự cần thiết cải tạo cách mạng triệt để xã hội tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ quyền tư hữu tư liệu sản xuất và toàn bộ hệ thống quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa; về vai trò của giai cấp công nhân trong việc xóa bỏ chế độ người bóc lột người. Trong khi ra sức xuyên tạc những thắng lợi của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong các nước thuộc cộng đồng xã hội chủ nghĩa, các nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ nhấn mạnh rằng các Đảng cộng sản không chú ý tới việc phát triển các chế định dân chủ trong đời sống xã hội, còn những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ lại đấu tranh nhằm phát triển dân chủ vô hạn. Thực ra những quan điểm của họ về dân chủ hóa vô hạn đời sống xã hội, về cái gọi là “ dân chủ vô bờ” là những cấu trúc lý luận trừu tượng dựa trên một sự hiểu biết không đúng đắn, siêu giai cấp về dân chủ và không tính đến sự phụ thuộc khách quan của các hình thức phát triển dân chủ vào các hoàn cảnh cụ thể và mức độ phát triển của các khía cạnh này hay các khía cạnh khác trong đời sống xã hội. Bất kể tên gọi của nó, công thức cơ bản của chủ nghĩa xã hội dân chủ xét về thực chất không phải là “ chủ nghĩa xã hội cộng với dân chủ” mà là “ dân chủ trừ bớt chủ nghĩa xã hội”, “ dân chủ vị dân chủ”. Một nền dân chủ trừu tượng, tự thân, đứng ngoài các hình thức cụ thể của đời sống xã hội- đó là cái mà những người tán thưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ bênh vực. Xét về thực chất, trong quan điểm chủ nghĩa xã hội dân chủ, dân chủ bị tuyệt đối hóa và bị tách rời với chủ nghĩa xã hội và xã hội.
Hiện nay, chủ nghĩa dân chủ vẫn giữ tính hai mặt. Chủ nghĩa chống cộng sản vẫn là nền tảng chính yếu của tất cả các cấu trúc lý luận và tư tưởng được tiến hành dưới ngọn cờ chủ nghĩa xã hội dân chủ.
3. Mục đích, đặc điểm của chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Mục đích của chủ nghĩa xã hội dân chủ: Hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ nhằm làm cho giai cấp công nhân sao lãng cuộc đấu tranh để cải tạo triệt để xã hội tư bản chủ nghĩa, sao lãng cuộc đấu tranh đang được tiến hành dưới ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, bằng cách buộc giai cấp công nhân tiến hành ( dưới ngọn cờ dân chủ trừu tượng ) một cuộc đấu tranh để từng bước cải tạo chủ nghĩa tư bản, làm cho nó biến đổi mà hoàn toàn không đụng chạm tới những nền tảng cơ bản của chế độ tư bản chủ nghĩa. Hệ tư tưởng này nhằm chia rẽ đội ngũ phong trào công nhân quốc tế bằng cách đem cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội đối lập với cuộc đấu tranh để dân chủ hóa đời sống xã hội, bằng cách thực sự làm cho dân chủ tách rời chủ nghĩa xã hội. Bằng những con đường xác định những mục đích có lợi cho mình, chủ nghĩa xã hội dân chủ cố gắng đưa phong trào công nhân ra khỏi con đường xã hội chủ nghĩa chân chính, hướng nó không đi vào việc xóa bỏ, mà duy trì và tăng cường cái đang tồn tại tức chủ nghĩa tư bản.
Từ những văn kiện chính thức của Quốc tế xã hội, và của các đảng chủ yếu trong Quốc tế này ( Công đảng Anh, Đảng xã hội dân chủ Đức, Đảng xã hội Áo…) cũng như từ những tuyên bố của các nhà lãnh đạo những đảng này, có thể rút ra những đặc điểm sau đây của chủ nghĩa xã hội dân chủ trên tư cách là một cương lĩnh lý luận – tư tưởng: thừa nhận những nguyên tắc của “ đạo đức nhân loại”; “ đoàn kết tất cả các nhóm xã hội và các cá nhân”, “ bình đẳng các điều kiện xã hội”; “ hòa hợp các lợi ích của xã hội, của các nhóm và của các cá nhân”; “ tính tương trợ và hữu ái anh em”; “ dân chủ phổ cập đứng ngoài các giai cấp”; “ kết hợp quyền tư hữu và sự điều tiết của nhà nước”.
Đấu tranh giai cấp bị tuyên bố là một khái niệm lỗi thời. Theo quan điểm của chủ nghĩa xã hội dân chủ, thì bản thân đối tượng của cuộc đấu tranh này, người sở hữu xí nghiệp, đã và đang biến mất. Người chủ vô danh của các cổ phần đã chiếm chỗ của người sở hữu đó, và trong sản xuất người công nhân chỉ phải tiếp xúc với các “ nhà quản lý” những người không quan tâm bóc lột công nhân.
Nói theo ngôn ngữ chính trị thì chủ nghĩa xã hội dân chủ là xuất phát điểm để những người xã hội dân chủ cánh tả từ bỏ cách mạng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ cuộc đấu tranh nhằm thủ tiêu chế độ tư bản độc quyền nhà nước và quyền lực chính trị của các độc quyền.
Chữ ký của phangxehana




 

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: TRI THỨC PHỔ THÔNG :: Lịch sử-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | Khoa học | Lịch sử | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất