CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC I_icon_minitimeThu Oct 14, 2010 10:47 pm

phangxehana
lịch sử

Thành viên cấp 1

phangxehana

Thành viên cấp 1

Họ & tên Họ & tên : Nguyẽn Thị Én
Ngày tham gia Ngày tham gia : 11/10/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 32
Đến từ Đến từ : Nam Định
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : lịch sử
Điểm thành tích Điểm thành tích : 68
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

 
1. Khái niệm.
Chủ nghĩa xã hội khoa học là một bộ phận tư tưởng- lý luận nằm trong lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa và văn minh nhân loại, là kết quả của sự kế thừa và phát triển các kho tàng tư tưởng văn minh nhân loại trên nhiều lĩnh vực ( văn học, lịch sử, triết học, kinh tế học, chính trị học, xã hội học, dân tộc học, tôn giáo; các khoa học tự nhiên…).
Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác – Lênin ( Triết học Mác – Lênin, kinh tế - chính trị học Mác – Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học ). Với tư cách là hệ thống lý luận chính trị - xã hội của chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học là khoa học phản ánh và nghiên cứu cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân, là cơ sở định ra đường lối chính sách trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là những quy luật chính trị - xã hội khách quan trong quá trình đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, là những quy luật cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2. Tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Chủ nghĩa Mác nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng ra đời trên những tiền đề và điều kiện sau:
 Những tiền đề kinh tế- xã hội quyết định cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học là sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự trưởng thành của giai cấp công nhân.
• Vào những năm 40 của thế kỉ XIX, nền đại công nghiệp ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa đã phát triển mạnh, chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ rõ bản chất và những mâu thuẫn vốn có của nó. Đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã được xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn đó ngày càng trở nên không điều hòa và được biểu hiện ra ngoài xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản ngày càng gay gắt.
• Trong thời kì này, giai cấp vô sản đã trưởng thành và bước lên vũ đài với tư cách là một lực lượng chính trị độc lập trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Tiêu biểu là những cuộc khởi nghĩa của công nhân Liông ở Pháp năm 1831- 1834, công nhân dệt Xilêdi ở Đức năm 1844 và đặc biệt là phong trào Hiến chương ở Anh ( 1838- 1848 ) là phong trào cách mạng to lớn đầu tiên, thật sự có tính chất quần chúng và có hình thức chính trị. Những phong trào đó đã cung cấp những bài học cho sự khái quát lý luận, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng một hệ thống lý luận khoa học, cách mạng để soi đường cho sự phát triển của phong trào.
 Tiền đề tư tưởng- lý luận: Ba trào lưu tư tưởng xuất hiện vào thế kỉ XIX như triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng- phê phán Pháp là những tiền đề lý luận cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác. Mác và Ăngghen đã tiếp thu một cách có phê phán các lý luận này, khắc phục những hạn chế của chúng và chứng minh bằng khoa học các tiên đoán thiên tài của các vị tiền bối.
 Tiền đề khoa học: những phát kiến về khoa học tự nhiên, đặc biệt là học thuyết về tế bào, định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, thuyết tiến hóa của Đácuyn đã cung cấp những cơ sở khoa học để khẳng định thêm những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Ngoài những tiền đề khách quan, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời còn do công lao cống hiến của Mác và Ăngghen. Với quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư của Mác, chủ nghĩa xã hội đã từ không tưởng trở thành khoa học.
Những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học đã được Mác và Ăngghen trình bày trong “ Tuyên ngôn của Đảng cộng sản ”- văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân.
3. Vai trò của C. Mác và Ph. Ăngghen trong việc phát triển chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học.
C. Mác ( 1818- 1883 ) và Ph. Ăngghen ( 1820- 1895 ) là hai nhà triết học vĩ đại của nhân loại, là lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân quốc tế, đã cống hiến toàn bộ cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Hai ông đã xây dựng học thuyết khoa học, cách mạng cho giai cấp công nhân – học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học.
Trong quá trình xây dựng học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, ở C. Mác và Ph. Ăngghen đã có sự chuyển biến mạnh về lập trường, quan điểm: từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật; từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường xã hội chủ nghĩa ( hai ông vốn là học trò của Hêghen và xuất thân từ tầng lớp trên ).
Với sự uyên bác về trí tuệ, lòng nhiệt tình và trung thành với công nhân, hai ông đã gặp nhau ở Pari vào năm 1841 và bắt đầu có những hoạt động chung cả về lý luận và thực tiễn. Hai ông nhận thức đúng được quy luật phát triển của xã hội loài người, nhất là quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản; đồng thời hai ông đã phát hiện ra một lực lượng xã hội có thể chuyển xã hội sang một giai đoạn mới. Vì vậy, hai ông đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử loài người, trong quá trình ấy, C. Mác và Ph. Ăngghen đã có những phát hiện lớn, đóng góp đặc biệt quan trọng cho quá trình phát triển của xã hội loài người nói chung, quá trình giải phóng quần chúng nhân dân lao động khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công. Đó là:
 Học thuyết duy vật lịch sử:
C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng: “ tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”, do đó, muốn đi tìm nguyên nhân cơ bản của sự vận động và phát triển xã hội phải đi tìm nó trong lòng xã hội.
C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ rằng, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là động lực chủ yếu của sự phát triển xã hội loài người. Khi quan hệ sản xuất không còn phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, đòi hỏi phải phá vỡ quan hệ sản xuất hiện tại và xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp hơn. Sự phá vỡ này đã dẫn tới sự thay đổi từ hình thái kinh tế- xã hội này sang hình thái kinh tế- xã hội khác phù hợp và tiến bộ hơn.
Hai ông đồng thời cũng chỉ rõ: mâu thuẫn cơ bản trong xã hội có giai cấp là mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển. Trong chủ nghĩa tư bản, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân gay gắt tất yếu sẽ dẫn tới cuộc đấu tranh giai cấp và giai cấp nào đại diện cho phương thức sản xuất mới sẽ đóng vai trò thống trị trong xã hội. Đó chính là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
 Học thuyết giá trị thặng dư:
Vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm duy vật về lịch sử vào việc phân tích nền sản xuất tư bản chủ nghĩa C. Mác và Ph. Ăngghen đã đi đến kết luận: việc giai cấp tư sản chiếm đoạt phần lao động không được trả công của người vô sản làm thuê là hình thưc cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự bóc lột công nhân do phương thức sản xuất ấy đẻ ra. Dù cho nhà tư bản có mua sức lao động của công nhân đúng với giá trị của nó chăng nữa thì trên thực tế, nhà tư bản vẫn thu được nhiều giá trị hơn so với số tiền mà họ đã bỏ ra để mua sưc lao động của công nhân. Tổng số tiền này rút cuộc biến thành tư bản ngày càng lớn lên và thuộc quyền sở hữu của nhà tư bản.
Nhờ những phát kiến khoa học trọng đại này C. Mác và Ph. Ăngghen có căn cứ vững chắc để khẳng định rằng: mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển được biểu hiện trong đời sống xã hội thành mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Mâu thuẫn này nhất định sẽ dẫn đến kết cục là lực lượng sản xuất do giai cấp công nhân là đại biểu phải phá vỡ quan hệ sản xuất do giai cấp tư sản bảo vệ. Giai cấp công nhân là lực lượng cách mạng được lịch sử giao phó sứ mệnh là thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là phát hiện lớn thứ ba của C. Mác và Ph. Ăngghen.
Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học được C. Mác và Ph. Ăngghen trải nghiệm qua quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn, được phản ánh qua hàng loạt các tác phẩm của hai ông từ 1843 đến 1848 ( Phê phán triết học pháp quyền Hêghen – Lời nói đầu; Hệ tư tưởng Đức; Luận cương về Phoi- ơ- bắc, Những nguyên lý cộng sản…) và được đánh dấu bằng tác phẩm “ tuyên ngôn của Đảng cộng sản” tháng 2 năm 1848.
3.4. Những giai đoạn phát triển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Chủ nghĩa xã hội khoa học phát triển qua các giai đoạn chủ yếu sau đây:
 Giai đoạn Mác- Ăngghen ( từ giữa những năm 40 đến 1894 ):
Tuyên ngôn Đảng Cộng sản ra đời ( tháng Hai năm 1848 ) đánh dấu sự xác lập chủ nghĩa xã hội khoa học như một hệ thống lý luận của giai ccấp công nhân quốc tế bằng những nguyên lý cơ bản phản ánh bản chất cách mạng và khoa học của một học thuyết, đồng thời là cương lĩnh chính trị đầu tiên của giai cấp công nhân thế giới. Từ thực tiễn vận động của phong trào cách mạng đặt ra yêu cầu phải phát triển lý luận trong thời kỳ mới. C. Mác và Ph. Ăngghen – những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học – lại tiếp tục cống hiến to lớn cho sự phát triển lý luận đó. Kể từ năm 1848 đến cuối đời mình hai ông đã đóng góp xuất sắc và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng. Việc phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời kỳ khá dài này được phân chia thành hai thời đoạn ngắn: từ cách mạng 1848 – 1849 đến công xã Pari ( 1871 ) và từ 1871 đến năm 1895.
Từ năm 1848 – 1849 đến Công xã Pari ( 1871 ): Tổng kết kinh nghiệm cách mạng và tiếp tục phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học. Mặc dù phong trào cách mạng ở các nước châu Âu bùng nổ trong những năm 1848 – 1849 thất bại nhưng đã cho những kinh nghiệm, những bài học lịch sử quý báu đối với phong trào cách mạng thế giới nói chung và với lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng. Theo dõi, nghiên cứu diễn biến của các cuộc cách mạng 1848 -1849, Mác và Ăngghen đã kịp thời tổng kết những kinh nghiệm của cuộc cách mạng này nhằm phát triển lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, định hướng cho phong trào cách mạng giai đoạn tiếp theo. Các ông đã viết nhiều bài báo, nhiều tác phẩm lý luận mà nổi bật nhất là Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850, Ngày mười tám tháng Sương mù của Lui Bônapáctơ của C. Mác; Chiến tranh nông dân ở Đức, Cách mạng và phản cách mạng ở Đức của Ph. Ăngghen nhằm đúc rút, tổng kết những kinh nghiệm lịch sử của cách mạng và nêu lên nhiều quan điểm mới đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Đó là quan điểm về tiến hành cách mạng không ngừng làm cơ sở định hướng cho cuộc cách mạng giai đoạn tới: Cuộc cách mạng của giai cấp vô sản phải tiến hành qua nhiều giai đoạn và với những nhiệm vụ cụ thể tiếp nối nhau. Đây cũng là tư tưởng bổ sung làm sáng tỏ vấn đề chiến lược, sách lược của chính đảng của giai cấp vô sản. Vấn đề chính quyền nhà nước được C. Mác và Ph. Ăngghen đề cao trong lý luận về cách mạng không ngừng. C. Mác nêu tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học là “ Lời tuyên bố cách mạng không ngừng, là sự chuyên chính của giai cấp vô sản trong giai đoạn quá độ đi đến xóa bỏ những khác biệt về giai cấp nói chung”.
Ngay sau khi tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời – phong trào cách mạng ở Pháp 1848 – 1850 đã cung cấp những cứ liệu thực tiễn để C. Mác và Ph. Ăngghen luận chứng, làm sáng tỏ những khác biệt về bản chất của cuộc cách mạng vô sản với cách mạng tư sản. Trong tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 -1850, C. Mác đã chỉ rõ: Khẩu hiệu của cách mạng vô sản là: “ Lật đổ giai cấp tư sản! chuyên chính của giai cấp công nhân”. Cũng từ đó, khái niệm chuyên chính vô sản được C. Mác và Ph. Ăngghen xem xét trên nhiều khía cạnh từ kinh nghiệm thất bại của cuộc cách mạng 1848 – 1849. Vấn đề quan trọng trước hết là phải đập tan nhà nước tư sản xây dựng nhà nước của giai cấp vô sản. Tư tưởng về chuyên chính vô sản được C. Mác thể hiện cụ thể trong thư gửi Vâyđơmaiơ ngày 5 tháng 3 năm 1852: 1/ Sự tồn tại của các giai cấp gắn liền với những giai đoạn của lịch sử; 2/ Đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản; 3/ bản thân sự chuyên chính này là bước quá độ đi đến xóa bỏ mọi giai cấp và đi đến một xã hội không có giai cấp.
Chính những luận điểm trên của C. Mác đã trở thành nội dung căn bản của học thuyết Mác về nhà nước và về chuyên chính vô sản.
Cũng từ kinh nghiệm tổng kết qu cách mạng 1848 – 1849, C. Mác nêu lên tầm quan trọng của vấn đề liên minh công nông trong cách mạng vô sản. Cuộc cách mạng 1848 – 1850 đã giúp C. Mác rút ra kết luận về liên minh công nông – lực lượng quyết định của cách mạng: “ Chúng ta đã thấy rằng nông dân, những người tiểu tư sản, các tầng lớp trung đẳng, nói chung đều dần dần đứng về phía giai cấp vô sản…tập hợp xung quanh giai cấp vô sản để làm thành lực lượng quyết định của cách mạng”. Trong tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù của Lui Bônapáctơ, C. Mác đã nêu vấn đề liên minh công nông bằng một hình tượng sinh động: Khi giai cấp nông dân trở thành đồng minh của của giai cấp vô sản thì cách mạng vô sản mới thực hiện được “ bài đồng ca” mà nếu không thực hiện được “ bài đồng ca” này thì trong tất cả các nước nông dân, bài “ đơn ca” của giai cấp vô sản sẽ thành bài ai điếu.
Không chỉ nêu tầm quan trọng liên minh công nông trong cách mạng vô sản, C. Mác và Ph. Ăngghen còn nêu rõ vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với khối liên minh này. Đây cũng là những phát triển mới, đóng góp xuất sắc của C. Mác và Ph. Ăngghen.
Bài học lịch sử của cách mạng 1848 – 1849, sự thất bại của nó đã giúp C. Mác và Ph. Ăngghen có thêm cứ liệu để phát triển quan điểm về chính đảng của giai cấp vô sản ở từng nước. Do nhiều lý do khách quan và chủ quan, “ Liên đoàn những người cộng sản” chưa thể thực hiện được sứ mệnh là đội tiên phong của giai cấp vô sản. Bởi vậy, theo hai ông, những người vô sản phải xây dựng những tổ chức bí mật và công khai, hình thành các đảng công nhân ở các nước riêng biệt, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của giai cấp tư sản đối với phong trào công nhân. Năm 1850, trong Thư ciủa Ban Chấp hành trung ương gửi Đồng minh những người cộng sản, C. Mác đã chỉ rõ: “ Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chỉ có thật sự là cuộc đấu tranh giai cấp khi nào khi nào thành lập chính đảng của mình đối lập với tất cả chính đảng của giai cấp hữu sản khác”. Tư tưởng trên của C. Mác và Ph. Ăngghen đã dẫn đến sự ra đời của Đảng dân chủ - xã hội Đức sau đó không lâu.
Như vậy là, từ kinh nghiệm và bài học rút ra qua cuộc cách mạng 1848 – 1849, C. Mác và Ph. Ăngghen đã phát triển thêm nhiều quan điểm lý luận về cách mạng không ngừng, về nhà nước, về chuyên chính vô sản và về chính đảng của giai cấp vô sản, về liên minh giữa giai cấp công nhân với đông đảo quần chúng lao động mà chủ yếu là giai cấp nông dân.
Từ sau công xã Pari: Qua những diễn biến thăng trầm, cách mạng thế giới lại được đánh dấu bằng một sự kiện lớn – Công xã Pari được thành lập. Cuộc đấu tranh của công nhân Pari dẫn đến thành lập Ủy ban Công xã đã là thể hiện sinh động tính tất yếu của việc xóa bỏ chính quyền của giai cấp tư sản thiết lập chính quyền mới của giai cấp vô sản. kinh nghiệm và bài học từ Công xã Pari lại tạo điều kiện thực tiễn để C. Mác phát triển những nội dung mới của vấn đề chuyên chính vô sản và nhà nước của giai cấp vô sản. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học đã coi Công xã Pari là hình thức chuyên chính vô sản “ mà rút cục giai cấp vô sản đã tìm ra”. Việc xóa bỏ bộ máy nhà nước quan liêu, cảnh sát, chế độ đẳng cấp, v.v…và thay thế bởi một hình thức nhà nước kiểu mới có những chức năng nhiệm vụ và phương thức hoạt động cụ thể phù hợp với nguyên tắc dân chủ.
Nghiên cứu những bài học – cả thành tựu và thất bại – của Công xã Pari, C. Mác đã phân tích sâu sắc thêm mối quan hệ giữa cách mạng bạo lực với thiết lập chuyên chính vô sản. Đó là phải đập tan bộ máy nhà nước tư sản như là điều kiện để thiết lập chuyên chính vô sản nhằm “ hủy bỏ được hình thức quân chủ của sự thống trị giai cấp”, thay thế bằng “ một hình thức chính trị” thể hiện việc giải phóng giai cấp công nhân về mặt kinh tế, một hình thức tổ chức đảm bảo sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với giai cấp nông dân, C. Mác viết: “ Chế độ Công xã hình như đã đặt được những người sản xuất ở nông thôn dưới sự lãnh đạo tinh thần của những thành thị chủ yếu trong mỗi địa khu và bảo đảm cho họ có thể coi công nhân các thành thị là người đại biểu tự nhiên cho lợi ích của họ”.
Một khía cạnh lý luận mới là vấn đề hình thái lkinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa và các giai đoạn phát treiển của nó cũng được C. Mác bvà Ph. Ăngghen luận chứng sau Công xã Pari. Tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta của C. Mác đã nêu lên hàng loạt quan điểm về hình thái kinh tế - xã hội
Cộng sản chủ nghĩa, các giai đoạn phát triển từ thấp đến cao của nó, làm cơ sở cho việc phân kỳ các giai đoạn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.
Để làm rõ hơn tính khoa học, thực tiễn của chủ nghĩa xã hội khoa học, bằng tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph. Ăngghen một mặt đánh giá cao vai trò tiền đề lý luận của chủ nghĩa xã hội không tưởng với đóng góp của ba nhà không tưởng đầu thế kỷ XIX, đồng thời phân biệt sự khác nhau giữa chủ nghĩa xa hội khoa học với chủ nghĩa xã hội không tưởng.
Với tác phẩm Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học Ph. Ăngghen đã phân tích một cách sâu sắc những điều kiện kinh tế - xã hội cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học, với tư cách là một khoa học, là kết quả tất yếu cảu cuộc đấu tranh giai cấp. Ông chỉ rõ: “ Ngày nay chủ nghĩa xã hội không còn được xem là sự phát hiện ngẫu nhiên của một khối óc thiên tài nào đó mà là kết quả tất nhiên của cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp phát sinh trong quá trình lịch sử - giai cấp vô sản và giai cấp tư sản” và “ …chủ nghĩa xã hội đã trở thành một khoa học mà ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”.
Các vấn đề lý luận khác như: sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vấn đề giai cấp, nhà nước, gia đình, sách lược cách mạng…cũng được thể hiện sinh động trong Chống Đuyrinh, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Vấn đề nnông dân ở Pháp và Đức…
Như vậy từ sau Công xã Pari đến cuối cuộc đời mình, C. Mác và Ph. Ăngghen đã tiếp tục cống hiến một cách xuất sắc vào phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng nhờ phân tích và tổng kết kinh nghiệm của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên này.
 V.I. Lênin đấu tranh bảo vệ và phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, V.I. Lênin – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng thế giới – đã cống hiến rất xuất sắc vào việc bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học.
Với thái độ khoa học, Người khẳng định rằng: “ Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt”. Nhờ đó hàng loạt vấn đề lý luận đã được V.I. Lênin luận chứng, làm sáng tỏ. Tiêu biểu nhất là các vấn đề sau:
Về tổ chức Đảng của giai cấp công nhân.
Tư tưởng về việc thành lập các chính đảng công nhân riêng biệt ở các nước do C. Mác và Ph. Ăngghen khởi xướng, đã được V.I. Lênin kế thừa và xây dựng thành lý luận về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Ngay từ năm 1894, trong tác phẩm Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao ?, V.I. Lênin đã đề ra nhiệm vụ trực tiếp cho mnhững người dân chủ - xã hội Nga là phải “ tổ chức một đảng công nhân xã hội chủ nghĩa”. Từ đó, Người đã cống hiến vô cùng to lớn trong lý luận và thực tiễn để xây dựng đảng macxít chân chính. Với bộ ba tác phẩm lý luận Làm gì?, Một bước tiến hai bước lùi, Hai sách lược của Đảng dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ, được xuất bản vào những năm đầu thế kỷ XX, V.I. Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng chống các trào lưu cơ hội, xét lại, qua đó bổ sung phong phú lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học mà trước hết là vai trò của lý luận cách mạng, của các đảng xã hội chủ nghĩa. Trong bài báo Cương lĩnh của chúng ta, V.I. Lênin từng khẳng định: “ không thể có một đảng xã hội chủ nghĩa vững mạnh, nếu không có lý luận cách mạng để đoàn kết tất cả những người xã hội chủ nghĩa lại, để họ rút ra từ trong lý luận đó tất cả những tín điều của họ và đem áp dụng lý luận đó vào những phương pháp đấu tranh và phương sách hành động của họ”. Người còn nêu những luận điểm khái quát nổi tiếng trong tác phẩm Làm gì ?: “ Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, “ Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”.
V.I. Lênin đã bổ sung nhiều luận điểm về tổ chức Đảng của giai cấp công nhân, đặc biệt là luận điểm về mối quan hệ giữa chính trị, tư tưởng và tổ chức trong xây dựng đảng kiểu mới. Những vấn đề về đấu ranh lý luận, đấu tranh tư tưởng cũng được V.I. Lênin phân tích, luận giải trong nhiều tác phẩm. Người đã vạch rõ cuộc đấu tranh tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên của một đảng macxít chân chính, để khẳng định hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân. Bởi vì “ vấn đề đặt ra chỉ là như thế này: hệ tư tưởng tư sản hoặc hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có hệ tư tưởng trung gian…Vì vậy, mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”. Quan hệ giữa Đảng và giai cấp trước đây được C. Mác và Ph. Ăngghen nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được V.I. Lênin phát triển cụ thể khi luận bàn về bản chất giai cấp công nhân của các đảng vô sản, các đảng dân chủ - xã hội, đặc biệt là đảng dân chủ xã hội Nga.
Về cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa
Sự phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội của V.I. Lênin còn là ở việc kế thừa tư tưởng cách mạng không ngừng của C. Mác và Ph. Ăngghen, đi đến cụ thể hóa đặc điểm của cách mạng dân chủ tư sản và quá trình dẫn đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.
V.I. Lênin là người macxít đầu tiên nuê quan điểm về giai cấp công nhân không chỉ lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa mà còn lãnh đạo cách mạng dân chủ tư sản, làm vai trò tiên phong trong đấu tranh cho dân chủ, đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Cách mạng dân chủ tư sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân chính là tiền đề, điều kiện để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cũng từ quan điểm sáng tạo nêu trên, V.I. Lênin đã nêu lên những luận điểm về tính chất nhân dân trong cách mạng dân chủ tư sản ( mà cụ thể là ở nước Nga đương thời ), hình thức, phương pháp đấu tranh dẫn tới giành chính quyền về tay giai cấp vô sản, cơ sở đảm bảo thắng lợi cho cách mạng dân chủ tư sản ( kiểu mới ) là liên minh công nông. Nghiên cứu diễn biến của cách mạng 1905 ở Nga, V.I. Lênin chỉ rõ “ giai cấp vô sản phải tiến hành cách mạng dân chủ tới cùng, bằng cách lôi kéo đông đảo quần chúng nông dân theo mình, để bằng sức mạnh mà đè bẹp sự phản kháng của chế độ chuyên chế và làm tê liệt tính không kiên định của giai cấp tư sản. Giai cấp vô sản phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng cách lôi kéo đông đảo những phần tử nửa vô sản trong nông dân theo mình, để bằng sức mạnh mà đập tan sự phản kháng của giai cấp tư sản và làm tê liệt tính không kiên định của giai cấp nông dân và của giai cấp tiểu tư sản”.
Lý luận về cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới ( Cuộc cách mạng tư sản do giai cấp công nhân lãnh đạo ) là tiền đề, cơ sở để dẫn đến cách mạng xã hội chủ nghĩa là một đóng góp, bổ sung, phát triển lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác.
V.I. Lênin viết: “ Từ cách mạng dân chủ chúng ta sẽ bắt đầu chuyển ngay và chính là tùy theo lực lượng của chúng ta, lực lượng cảu giai cấp vô sản giác ngộ và có tố chức mà chuyển ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chủ trương làm cách mạng không ngừng. Chúng ta quyết không dừng lại nửa chừng”.
Những quan điểm trên của V.I. Lênin có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn trong quá trình phát triển của cách mạng thế giới. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga đã chứng minh tính đúng đắn quan điểm của V.I. Lênin, từ đó ảnh hưởng lớn, thúc đẩy các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa
Do những điều kiện lịch sử chưa chín muồi, thực tế phong trào cộng sản và công nhân quốc tế còn chưa bộc lộ đầy đủ quá trình phát triển của nó, thời kỳ C. Mác và Ph. Ăngghen, lý luận về cách mạng vô sản chủ yếu bàn về hình thức giành chính quyền, thành lập chuyên chính vô sản, còn các bước tiếp theo thì chưa có điều kiện để hai ông bàn kĩ. Trong điều kiện mới, V.I. Lênin xây dựng thành lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Theo V.I. Lênin: “ Sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa, tách riêng ra mà nói. Đây là một bước phát triển mới trong lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Vấn đề nhà nước dân chủ kiểu mới – thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa – càng được V.I. Lênin làm sáng tỏ qua các tác phẩm Nhà nước và cách mạng và Bản chất về chuyên chính vô sản. Quan điểm của V.I. Lênin là: chuyên chính vô sản là sự tiếp tục cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản dưới những hình thức mới và nhiệm vụ mới. Đó là trấn áp sự kháng cự của bọn bóc lột; nội chiến; trung lập hóa giai cấp tiểu tư sản, đặc biệt là nông dân; bồi dưỡng tinh thần kỷ luật mới. V.I. Lênin cũng đã phê phán gay gắt những luận điểm cho rằng: chuyên chính vô sản là bạo lực. Ông viết: “ chuyên chính vô sản…không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột, và cũng bảo đảm sức sống và thắng lợi của nó chính là việc giai cấp vô sản đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Đấy là thực chất của vấn đề. Đấy là nguồn gốc sức mạnh, là điều bảo đảm cho thắng lợi hoàn toàn và tất nhiên của chủ nghĩa cộng sản”.
Sau khi cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công, hàng loạt các vấn đề mới mẻ về xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được V.I. Lênin vạch ra về mặt lý luận. Đây chính là sự phát triển hoàn toàn mới của chủ nghĩa xã hội khoa học. Các vấn đề cụ thể như: xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội mà trọng tâm là công nghiệp hóa, điện khí hóa, tiến hành hợp tác hóa, đưa nông dân vào làm ăn tập thể và các loại hình hợp tác xã khác; về chính sách kinh tế mới, thực hiện kinh tế nhiều thành phần, sử dụng chuyên gia tư sản; về nhà nước Xô Viết, chính quyền Xô Viết; về cách mạng tư tưởng và văn hóa; chính sách dân tộc và chính sách đối ngoại. Tiêu biểu nhất trong những đóng góp của V.I. Lênin sau khi cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công là thực hiện “ chính sách kinh tế mới”. V.I. Lênin đã luận giải bằng những căn cứ lý luận, thực tiễn trên các vấn đề về chế độ sở hữu trong điều kiện xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội; quan hệ giữa công nghiệp nông nghiệp – cơ sở kinh tế - xã hội cho việc tạo lập liên minh công nông trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và nhất là trong đổi mới cơ chế chính sách đối với nông nghiệp nhằm phát huy mọi tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế hàng hóa, đa dạng hóa các loại hình hợp tác xã trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… góp phần đắc lực vào công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Với những cống hiến lý luận và bằng hoạt động thực tiễn của mình, V.I. Lênin đã kế tục và bổ sung phát triển lên tầm cao mới lý luận macxít, trong đó có hàng loạt các vấn đề mới mẻ của chủ nghĩa xã hội khoa học.
 Chủ nghĩa xã hội khoa học thời kỳ sau khi V.I. Lênin từ trần.
Những vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được khái quát tổng kết kinh nghiệm ( dẫu chưa hoàn toàn đầy đủ ) trong các Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế với một số nội dung cụ thể:
• Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực chính trị - xã hội với việc thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa, do giai cấp công nhân thông qua đảng macxít – lêninnít lãnh đạo; thực hiện liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, thủ tiêu giai cấp bóc lột, xóa bỏ áp bức dân tộc, xây dựng lực lượng cách mạng bảo vệ thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
• Trên lĩnh vực kinh tế: phải xóa bỏ chế đọ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển các ngành kinh tế, phát triển kinh tế có kế hoạch, xây dựng lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới.
• Tiến hành cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, phát triển nền giáo dục nhân dân, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng đội ngũ trí thức mới, xác lập hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng thế giới quan của chủ nghĩa Mác – Lênin, đấu tranh chống tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, tư tưởng xét lại và các trào lưu tư tưởng cơ hội phản macxít…
Tuy vậy đã có sự trì trệ trong lý luận và những sai lầm do chủ quan, nóng vội, duy ý chí, thậm chí trên nhiều khía cạnh đã xa rời những nguyên lý macxít – lêninnít. Những sai lầm, khuyết điểm tích tụ lâu ngày, không được sửa chữa là nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực bên cạnh những nguyên nhân khách quan. Cuối những năm 80 đầu 90, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Song từ sự sụp đổ đó, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã tiến hành đổi mới, cải cách và thành công, góp phần củng cố niềm tin vào sự phát triển và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội khoa học thời gian sau khi V.I. Lênin mất đã đặt ra trong những điều kiện hết sức mới mẻ và phức tạp trên phạm vi toàn thế giới cũng như trong từng quốc gia dân tộc.
 Chủ nghĩa xã hội khoa học giai đoạn hiện nay và triển vọng của nó.
Từ khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào tình trạng thoái trào. Thừa cơ hội đó, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội cho rằng lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học đang sụp đổ, chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời và hết vai trò lịch sử. Thực tế những diễn biến phức tạp của đời sống chính trị - xã hội trên thế giới đang đặt ra những thách thức gay go trước những người cộng sản, các Đảng Cộng sản và công nhân. Thoái trào của chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời. Vấn đề là ở chỗ việc nghiên cứu và phát triển mới những nội dung của các phạm trù lý luận trong điều kiện tình hình mới không được coi trọng, thậm chí xa rời nguyên tắc, tính đảng, tính khoa học trong vận dụng các phạm trù nguyên lý ở nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây. Hàng loạt vấn đề cơ bản bcủa chủ nghĩa xã hội khoa học như về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, quan hệ giai cấp và đảng; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; liên minh giai cấp giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức; vấn đề dân tộc và giải quyết các quan hệ dân tộc,… trong thời đại ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học đang được thể hiện khi một số Đảng Cộng sản tiến hành thực hiện nghiêm túc công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Mặt khác, sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời đại ngày nay còn đòi hỏi ở thái độ nghiêm túc trong sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm đã vấp phải trong thời gian qua. Đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy đến đổi mới lý luận và vận dụng lý luận đang là đòi hỏi lớn đặt ra trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng.
Những sự kiện gần đây trong đời sống chính trị - xã hội, những sung đột sắc tộc, tôn giáo, những thủ đoạn của “ diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lại càng khẳng định thêm tính đúng đắn trong lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, dẫu rằng tương quan lực lượng, các quan hệ giao lưu quốc tế đang ngày càng đa dạng và phức tạp. Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học đang được phát triển, bổ sung sáng tạo. Hàng loạt các vấn đề về lý luận như: các loại hình sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; đổi mới chính sách xã hội, thực hiện phương trâm tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội; về quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, làm rõ chức năng về quan hệ giữa các bộ phận hợp thành trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa; về chiến lược phát triển văn hóa trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, quan hệ dân tộc và quốc tế trong điều kiện mở rộng giao lưu, hợp tác…đặc biệt là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội…
Chữ ký của phangxehana




 

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: TRI THỨC PHỔ THÔNG :: Lịch sử-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất