“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...”. Những nốt nhạc vang lên chậm rãi, thánh thót như những tiếng chuông chùa vang trên mặt nước bát ngát hồ Tây, tiếng chuông Trấn Vũ đã đi vào ca dao “tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” , tiếng chuông Trấn Quốc mang hoài niệm của Bà Huyện Thanh Quan “chuông hồi kim cổ lắng càng mau”. Thật lạ lùng khi trong “đêm ra đi đất trời như bốc lửa, cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng...” nhưng người thanh niên Nguyễn Đình Thi lại mở đầu bài hát “Người Hà Nội” với những nốt nhạc chậm rãi, khoan thai như vậy. Nhưng cũng thật hiển nhiên vì Nguyễn Đình Thi chính là một “Người Hà Nội”, mang phong cách hào hoa của Hà Nội đi vào kháng chiến.
Có phải là tình cờ không khi ba biểu trưng cuả Hà Nội được đưa ra đều là những sông, những hồ... để lắng đọng dưới tầng đáy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, để soi bóng trời mây trong xanh thanh bình hay cả những bão dông nắng gió? Phải chăng vì từ trong sâu thẳm tâm thức người Việt, cuộc sống của họ đã gắn liền với nước. Khái niệm Tổ quốc được gọi là đất nước, nước non, non sông hay đơn giản chỉ là Nước. Chữ Lạc trong Lạc Việt được phiên âm từ tiếng Nước, nền văn minh được gọi là văn minh lúa nước và vị tổ Lạc Long quân có nguồn gốc dưới nước còn vị tổ Âu cơ cũng có liên hệ sâu xa với sông nước.
Hà Nội mỗi địa danh đều mang trên mình ít nhiều cổ tích và huyền tích. Hồ Gươm xưa mang tên Lục Thuỷ, nơi các vua Trần từng luyện tập thuỷ quân. Truyền thuyết vua Lê trả gươm báu gắn liền với những cái tên Hoàn Kiếm, Tả vọng, Hữu vọng mà chúng ta đều biết. Nơi đây, bên bờ hồ là tháp Báo Thiên – một trong tứ đại khí của nước Việt – “bảo tháp tầng tầng quyện khói mây”, là phủ đệ chúa Trịnh Sâm cùng với Kiều nhạc hầu Nguyễn Khản đã để lại những giai thoại nổi tiếng và tai tiếng. Nơi đây cũng hiện diện đền (hay chùa) Ngọc Sơn với đài Nghiên, tháp Bút, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba... có công tôn tạo của nhà giáo, nhà văn hoá Phương Đình Nguyễn Siêu. Cuối thế kỷ 19, nơi đây còn xuất hiện tháp Rùa, chùa Báo Ân: những công trình từng tạo nên nhiều luồng dư luận khác nhau.
Nếu Hồ Gươm với tên gọi gợi nhớ một sự tích mang tính chất chính trị thì Hồ Tây lại gần gũi với các tao nhân mặc khách hơn. Thuở xưa Hồ Tây từng mang những cái tên đầm Xác Cáo, vực Trâu vàng với những huyền tích hư hư thực thực. Còn cái tên Dâm Đàm thì lại bắt nguồn từ một thực tế là mặt hồ thường kéo sương mù dày đặc, đến nỗi vua Lý một ngày nọ chơi thuyền trên hồ trong cơn hoang tưởng thấy thái sư Lê Văn Thịnh dường như hoá hổ muốn vồ mình. Vua tin nhảm hay cuộc đấu tranh quyền lực cung đình đã để lại nghi án ngàn năm cho thế gian. Nhưng điều chắc chắn là các bậc vua chúa đều tới đây thưởng ngoạn cảnh đẹp. Đã có không chỉ một hoàng tử Linh Lang sinh ra trên bờ Tây hồ để Bà Huyện Thanh Quan bâng khuâng nhớ tiếc “một toà sen rớt hơi hương ngự, năm thức mây phong nếp áo chầu”. Còn với các tao nhân mặc khách thì không phải nói, họ đã say mê Tây hồ như say mê người đẹp, như Cao Bá Quát từng thốt lên “Tây hồ chân cá thị Tây thi”. Tây hồ nơi tương truyền có cuộc đối đáp văn thơ giữa bà chúa Liễu với ông trạng họ Phùng và các bạn hữu mà nay lưu dấu tại phủ Tây hồ. Tây hồ nơi dựng Cổ nguyệt đường của nữ sĩ họ Hồ, nơi nàng đã bao lần “êm ái chiều xuân đến Khán đài, lâng lâng chẳng bợn chút trần ai”. Tây hồ nơi chàng trai trẻ sau này là thi hào Nguyễn Du đã chèo thuyền hái sen cùng người bạn gái mà đã mang một dự cảm mong manh về tác phẩm truyện Kiều đầy tính nhân văn của ngày mai. Và còn nhiều nữa, những cô Son với cuộc đời oan trái, những công chúa Từ Hoa, cung nữ Ngọc Đô... đã đi qua nơi đây rồi gửi thân nơi đây. Ngày nay, dạo bước bên Hồ Tây có khách du nào nhớ lời nhắn nhủ của nhà thơ dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn: "mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá, tuyền đài hữu hận thác khiên ty"
Thật ngẫu nhiên hồ Gươm, hồ Tây đều sinh ra từ một con sông, là di tích của cuộc đổi dòng mãnh liệt liên quan đến sự tích Lạc long quân dâng nước truy sát cáo trắng thành tinh xưa. Con sông ấy người Pháp gọi là Hồng hà dựa theo màu nước đỏ nặng phù sa, các nhà nho xưa thì gọi là Nhị hà hoặc Nhĩ hà dựa vào hình dáng khúc sông qua vùng này nhưng dân Việt thì gọi bằng cái tên dân dã, thân thương: sông Cái tức sông mẹ. Con sông đã bồi đắp nên vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ, cái nôi của người Lạc Việt cổ. Con sông mà dọc theo chiều dài của nó những kinh đô đầu tiên của người Việt cổ hình thành nên: từ Phong Châu đến Cổ Loa rồi Thăng Long. Trên con sông ấy, vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấy rồng bay lên để rồi đặt tên cho kinh đô mới. Trên con sông ấy, vua Trần đã có những chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử... vua Lê đã đứng trên chòi cao bến Bồ Đề chỉ huy quân đánh giặc. Và con sông ấy đã từng nghẹn xác quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu.
Hồ Gươm, hồ Tây, sông Hồng hôm nay trong nhịp sống gấp của thời đại đều có những nỗi niềm ưu tư không thể nói hết của riêng mình. Phải làm sao để Hồ Gươm, hồ Tây, sông Hồng mãi là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” chứ không phải lắng đọng những thứ rác rưởi khác và soi bóng những ngôi nhà chọc trời vô duyên như những cái cọc cừ đóng trên bờ ao. Để mỗi khi cất lên tiếng ca “Người Hà Nội “ chúng ta không thấy hổ thẹn với lòng mình và với bạn bè năm châu.