CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Tại sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tại sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam I_icon_minitimeSat May 15, 2010 4:34 pm

cogiao285hp
Lịch sử

Thành viên mới gia nhập

cogiao285hp

Thành viên mới gia nhập

Họ & tên Họ & tên : Vũ Thị Vân
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên
Ngày tham gia Ngày tham gia : 15/05/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 3
Đến từ Đến từ : Hải Phòng
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Lịch sử
Điểm thành tích Điểm thành tích : 18
Được cám ơn Được cám ơn : 12

Bài gửiTiêu đề: Tại sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam

 
“Chiến tranh Việt Nam” đó là một cuộc chiến từng được cả thế giới biết đến, một chiến công oanh liệt của một dân tộc nhỏ bé anh hùng, một thất bại chiến lược thảm hại của đế quốc Mĩ.
Sau khi thực dân Pháp đã phải chấp nhận thất bại trên chiến trường Việt Nam thì Mỹ ngay lập tức nhảy vào thế chân Pháp nhằm thực hiện những mưu đồ về kinh tế, chính trị quân sự của mình. Vừa mới bước ra sau chiến tranh thế giới thứ hai với những ưu thế tuyệt đối về kinh tế, quân sự, trở thành cường quốc mạnh nhất trong thế giới tư bản chủ nghĩa. Mỹ nuôi hy vọng trở thành “chủ thế giới mới” và muốn áp đặt trật tự mới lên toàn thế giới. Quan điểm “chặn đứng chủ nghĩa cộng sản” là biểu hiện của những mong muốn đó. Và tiến hành chiến tranh tại Việt Nam Mỹ cũng không ngoài mục đích biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở khu vực Đông Nam Á mà Mỹ gọi là “đắp con đê ngăn làn sóng đỏ”.
Nhưng mục tiêu của Mỹ đã không đạt được dễ dàng, trái ngược với sự tự tin của một tên đế quốc đầu sỏ khi tiến hành chiến tranh tại một đất nước nhỏ bé và chưa phát triển, Mỹ đã phải chấp nhận một thất bại mà có thể nói với Mỹ đó là thất bại đau đớn nhất trong lịch sử của đế quốc Mỹ.
Một tên đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, có nền khoa học kỹ thuật phát triển nhất, có lực lượng vũ trang mạnh nhất trong phe đế quốc, đã đổ ra hàng trăm tỷ đô la chi phí cho cuộc chiến tranh này, Mỹ cũng đã dùng tới những đội quân tinh nhuệ nhất, những viên tướng chỉ huy tài giỏi nhất mà vẫn thua Việt Nam-một nước đất không rộng người không đông và kinh tế còn chưa phát triển. Thất bại đó quả thật rất nặng nề và cay đắng đối với đế quốc Mỹ.
Vì sao lại như vậy những nguyên nhân nào đưa đế quốc Mỹ xuống vực thẳm của thất bại ?
*Trước tiên phải thấy rằng đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược trong những điều kiện lịch sử bất lợi cho chúng, trong thời đại mà giai cấp công nhân trở thành nhân vật trung tâm đứng lên tiến hành cách mạng, thời đại thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đây cũng là thời đại mà chủ nghĩa tư bản thế giới đang bước vào khủng hoảng, suy sụp.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, sự suy yếu của chủ nghĩa tư bản thế giới và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới đã đưa đến bản cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ. Những ngọn cờ thực dân của các nước đế quốc lớn như Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha.. trước đây còn nghênh ngang trên khắp thế giới nay đã không còn được như xưa. Phong trào giải phóng dân tộc đang là ngọn cờ xung kích tấn công vào chủ nghĩa đế quốc thực dân. Đây là một trào lưu đang phát triển mạnh mẽ có sự thu hút rộng rãi, lại được tăng thêm sức mạnh vì có chỗ dựa vững chắc là hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Nhìn chung đây là thời đại mà các dòng thác cách mạng đang tiến công dồn dập vào chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc thực dân làm cho thành trì của chúng đang sụp đổ từng mảng. Đó là thời đại mà chủ nghĩa tư bản Mỹ và chủ nghĩa tư bản thế giới đã lao sâu vào cuộc tổng khủng hoảng, nền kinh tế của nó đang ở trong một trạng thái hết sức không ổn định. Như vậy đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong những điều kiện lịch sử bất lợi đối với chúng.
- Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân ở Việt Nam đi ngược lại trào lưu của thời đại. Nó không những bị nhân dân Việt Nam kịch liệt chống lại mà còn bị chính những người dân tiến bộ Mỹ phản đối và nhân dân thế giới tiến bộ yêu chuộng hòa bình lên án mạnh mẽ.
Có được sự ủng hộ đó trước hết xuất phát từ nhận thức cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là chính nghĩa, hoàn toàn đối lập với cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra.
Nguyên nhân thứ hai đó là do cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là đỉnh cao trong toàn bộ cuộc đấu tranh của các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình và chủ nghĩa xã hội chống đế quốc đứng đầu là Mỹ, nó là cuộc đấu tranh gắn liền với mục tiêu cơ bản nhất của cả loài người trong thời đại lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của đường lối đối ngoại đứng đắn của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi ra đời Mặt trận đã rất chú trọng đến công tác đối ngoại coi đó là một hoạt động quan trọng, đồng thời đề ra chủ trương đường lối đứng đắn thu hút được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới.
Mặt trận nhân dân thế giới chống Mỹ ủng hộ Việt Nam phát triển tới quy mô toàn thế giới. Hầu như không một chính phủ tiến bộ nào là không lên án Mỹ, không một ngày nào là không có tin ở nước này hay nước khác có mít tinh biểu tình ủng hộ Việt Nam. Ngay tại cuộc mít tinh biểu tình ở Philadenphi đầu tháng 7/1966 nhân dân Mỹ đã so sánh một cách rất đúng rằng: “Việt Cộng đang chiến đấu cho độc lập dân tộc chống lại sự kiểm soát của người nước ngoài như những người yêu nước của chúng ta đã làm năm 1976”[2;17].
Hay báo Ấn Độ The National Sentinel ngày 7-7-1962 có viết : “Nhân dân miền Nam Việt Nam đã chọn một con đường hết sức đứng đắn mà tất cả các dân tộc bị áp bức đều phải đi để tự giải phóng cho mình” [2;18]
Phong trào quyên tiền góp máu ủng hộ nhân dân Việt Nam phát triển mạnh ở cả những nước tư bản như: Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức…
Đồng thời chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác là sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần có tác dụng ngăn chặn hành động xâm lược của Mỹ. Tình hình này làm cho sức mạnh vật chất tinh thần của Mỹ thêm bất lợi và yếu kém. Ngược lại nó cũng làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam càng thêm sức mạnh, tăng thêm khả năng đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Như vậy có thể thấy đế quốc Mỹ bị cả loài người tiến bộ lên án, dư luận chính nghĩa của thế giới liên tục tấn công và bao vây. Trong lịch sử các cuộc chiến tranh xâm lược không có cuộc chiến tranh xâm lược nào lại bị lên án nguyền rủa như cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới mà đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Đó là những điều kiện lịch sử thế giới không có lợi cho bọn đế quốc gây chiến, một trong những nguyên nhân thất bại của đế quốc Mỹ.
*Nguyên nhân thứ hai cũng rất quan trọng đó là bản thân ngay từ chính bên trong của chủ nghĩa đế quốc đã tồn tại những mâu thuẫn, dẫn tới những hạn chế và suy yếu về tiềm lực kinh tế và quân sự khiến Mỹ không thể dốc toàn lực cho cuộc chiến?
Khi nói đế quốc Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ điều đó có nghĩa một mặt Mỹ là lực lượng mạnh nhất trong phe đế quốc mặt khác chính Mỹ là tiêu biểu cho những khủng hoảng mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa.Ở Mỹ, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước phát triển cao và đang đi theo khuynh hướng của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước quân phiệt, bọn trùm công nghiệp chiến tranh và bọn quân phiệt cấu kết với nhau ngày càng chặt và đóng vai trò chi phối chính sách của nước Mỹ, điều này là cơ sở kinh tế và xã hội của sự tăng cường tính chất hiếu chiến và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhưng điều này cũng nói lên mâu thuẫn cơ bản giữa tính chất xã hội của sản xuất với sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trở nên cực kỳ sâu sắc ở nước Mỹ. Từ đó làm làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn trong xã hội Mỹ, đặc biệt là mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp thống trị Mỹ với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì thế tuy rất đồ sộ nhưng kinh tế Mỹ vần là một nền kinh tế không ổn định với đầy đủ đặc điểm của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ tổng khủng hoảng. Chính cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng tác động mạnh mẽ đến những mâu thuẫn vốn có trong nền kinh tế Mỹ, làm cho những ung nhọt vốn có của nó phát triển đến độ nguy kịch. Trong việc huy động kinh tế Mỹ để phục vụ chiến tranh xâm lược Việt Nam, nổi bật lên những mâu thuẫn làm hạn chế rất nhiều khả năng của Mỹ: mâu thuẫn giữa việc duy trì kinh tế thời bình với và việc chuyển một phần quan trọng nền kinh tế sang thời chiến, mâu thuẫn giữa yêu cầu cung cấp vật chất ngày càng lớn cho chiến tranh và việc chi tiêu trong nước, yêu cầu dốc cố gắng vào chiến tranh Việt Nam và chính sách bành trướng kinh tế của Mỹ ra nước ngoài.
Để chi tiêu cho chiến tranh Việt Nam, Mỹ phải tăng thuế, cắt xén chương trình “xã hội vĩ đại” giảm bớt chi phí quân sự ở nước ngoài, cắt xén chương trình vũ trụ thay đổi chính sách quốc phòng, giảm bớt xuất khẩu tư bản. Sự phản kháng của nhân dân Mỹ đã không cho phép bọn cầm quyền phản động hiếu chiến mặc sức, vét người vét của ở nước Mỹ để ném vào chiến tranh Việt Nam.
Chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ trên thế giới vốn là sản phẩm của thế yếu, thế bị động trước cao trào tiến công của các lực lượng cách mạng thế giới. Mỹ đóng vai trò tên sen đầm quốc tế, đẩy mạnh chính sách bành trướng kinh tế ra nước ngoài nên phải rải lực lượng cả kinh tế và quân sự ra khắp thế giới. Dù đế quốc Mỹ có tập trung cố gắng trong chiến tranh Việt Nam, coi đây là trọng tâm trước mắt của nó đi nữa thì cũng không thể quên được Tây Âu và nhiều nơi khác nữa. Bên cạnh đó Mỹ còn phải lo đối phó với những ông bạn đồng minh trước đây như Pháp, Nhật, Anh…đang thừa cơ Mỹ “mắc trong cái bẫy Việt Nam” để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ. Do phải tung tiền của và đóng quân trên khắp thế giới để làm vai trò tên sen đầm quốc tế như vậy, Mỹ không thể dốc toàn bộ lực lượng kinh tế cũng như quân sự của nó vào vùng Đông Nam Á cũng như vào Việt Nam.
Chính những mâu thuẫn trên đây đã phản ánh sự khủng hoảng mâu thuẫn và suy yếu từ bên trong của đế quốc Mỹ, và một khi bản thân nó đã suy yếu thì thất bại là điều khó tránh khỏi.
*Nguyên nhân trên đã dẫn tới một hệ quả đó là chỗ yếu toàn diện về chính trị dẫn tới sự suy yếu không phát huy được sức mạnh quân sự.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê Nin cho rằng quân sự phục tùng chính trị, chính trị là nền tảng của quân sự. Sức mạnh quân sự nói chung của một quốc gia, sức mạnh chiến đấu của một quân đội bắt nguồn từ sức mạnh chính trị, sức mạnh của chế độ xã hội. Cho nên ta thấy bộ máy chiến tranh của Mỹ đồ sộ và hiện đại thật nhưng toàn bộ cái đó lại đặt trên nền móng một chế độ xã hội rất khủng hoảng ngày càng đi sâu vào khuynh hướng phát xít, vốn mang trong lòng nó những chỗ yếu rất cơ bản như đã nói ở trên.
Mặt khác nữa là Mỹ lại tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa dã man tàn bạo nhất ở Việt Nam bị cả nhân loại lên án. Một cuộc chiến tranh không hề có liên quan trực tiếp đến an ninh nước Mỹ, không hề có gì khêu gợi, cổ vũ được tình cảm yêu nước và ý thức về nghĩa vụ đối với Tổ quốc của người dân Mỹ. Đông đảo người dân Mỹ đã nhận ra họ đã bị phung phí quá nhiều xương máu, tinh thần và tiền của vào một cuộc chiến phi nghĩa chỉ có hại cho bản thân những người dân Mỹ, khi số tiền thuế họ phải nộp tăng lên và người thân của họ đổ máu vô nghĩa trên chiến trường. Trong khi đó thì chỗ dựa chính trị và xã hội của Mỹ là ngụy quyền Sài Gòn cũng rất mỏng manh, gồm toàn những tên việt gian nhẵn mặt, nội bộ không thống nhất và luôn trong tình trạng bất ổn định.
Điều này đã dẫn đến một nguyên nhân thất bại của Mỹ đó là tình trạng tinh thần thấp kém của quân đội viễn chinh Mỹ công cụ chủ yếu và trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược này.
Các tướng Mỹ không phải là không nhắc tới tầm quan trọng của yếu tố tinh thần, xong về thực chất thì quan điểm của họ vẫn là quan điểm coi vũ khí là nhân tố quyết định, còn người lính thì chẳng qua chỉ là một thứ công cụ, một cái máy bắn, không có ý thức tự giác. Như vậy người lính Mỹ khó mà có tinh thần dũng cảm, vì họ chiến đấu không có mục đích, bản thân họ và gia đình họ cũng lại bị bóc lột, chèn ép. Không có lý do thuyết phục nào kích thích được tinh thần tự giác chiến đấu và hy sinh của họ, điều này hoàn toàn đối lập với sức chiến đấu của một dân tộc anh hùng và căm thù giặc sâu sắc. Quan điểm của Lê Nin về vấn đề này đó là: “Trong một cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tâm trạng của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường..Việc quần chúng nhận thức được mục đích và nguyên nhân của chiến tranh có một tầm quan trọng to lớn: đó là sự bảo đảm thắng lợi” [6;165].
Chính vì thiếu một chỗ dựa về tinh thần như vậy mà tinh thần của quân đội Mỹ càng thêm yếu kém, suy sụp. Hiện tượng chống chiến tranh của binh lính Mỹ đã phát triển nhanh chưa từng thấy trong lịch sử quân đội Mỹ. Hàng chục tổ chức binh lính, hàng trăm tờ báo của binh lính chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã ra đời. Ngay ở Việt Nam cũng có những binh lính Mỹ tham gia và đi đầu trong cuộc biểu tình đòi chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh, đòi về nước. Ngoài những hành động chống lệnh, đảo ngũ..có nơi lính Mỹ còn dùng cả bạo lực để chống lại các sỹ quan bắt họ đi chiến đấu.
Tinh thần binh lính có liên quan trực tiếp đến chiến thuật và chiến đấu. Trong những hoàn cảnh phức tạp khó khăn, trong những tình huống khẩn trương chuyển biến đột ngột thì tinh thần lại càng có ý nghĩa quyết định. Tinh thần đã thấp kém thì không thể tích cực chủ động sáng tạo trong chiến đấu. Đó là một trong những lý do làm cho chiến thuật của quân đội Mỹ yếu kém điều này rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược và toàn cuộc chiến.
* Nguyên nhân thứ ba dẫn tới sự thất bại của Mỹ đó là sự thất bại trong việc sử dụng chính quyền tay sai.
Một trong những đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa thực dân mới là ở chỗ nó được thực hiện không phải bằng hệ thống cai trị trực tiếp của bọn đế quốc mà thông qua một chính quyền tay sai. Chính vì vậy ngay từ sớm Mỹ đã quan tâm đến việc xây dựng chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Quá trình xây dựng bộ máy tay sai ở miền Nam Việt Nam là quá trình đế quốc Mỹ cố tạo cho chính quyền ấy bộ mặt “độc lập” “giả hiệu” với hy vọng lừa bịp nhân dân miền Nam, che đậy bộ mặt xâm lược của chúng. Và việc xây dựng chính quyền tay sai đủ sức chống đỡ và đàn áp phong trào cách mạng miền Nam từ lâu là một trong những mục tiêu của Mỹ.
Nhưng thực tế không như chúng muốn, Mỹ phải đối mặt với một dân tộc đã từng được hưởng những quyền độc lập tự do thực sự, nên không dễ dàng bị lừa bịp. Mặt khác phải đối mặt với sức tiến công mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã phải quân phiệt hóa bộ máy chính quyền tay sai, biến các chính quyền đó thành bộ máy nhà nước quân phiệt độc tài cảnh sát. Quá trình quân phiệt hóa, phát xít hóa của ngụy quyền tay sai Mỹ từ Diệm đến Thiệu là bằng chứng của hiện tượng có tính chất quy luật này. Phải “quân sự hóa” và “phát xít hóa” bộ máy ngụy quyền tay sai, bản thân nó đã biểu hiện sự thất bại của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Ở miền Nam Việt Nam, chủ nghĩa thực dân mới đã phá sản ngay từ khi giặc Mỹ và tay sai dùng những thủ đoạn phát xít trắng trợn để đánh vào dân và đánh vào lực lượng mà chúng cần phải tranh thủ lừa mị” [4;9].
Mặt khác ngay trong nội bộ Mỹ với chính quyền tay sai cũng có những mâu thuẫn dẫn tới việc Mỹ buộc phải “thay ngựa giữa dòng” lật đổ Diệm và từ sau khi Diệm đổ đến Thiệu lên nắm quyền là một thời kỳ khủng hoảng triền miên, thất bại liên tiếp của chính sách dùng tay sai của Mỹ. Không những vậy nội bộ bọn tay sai cũng đấm đá lẫn nhau, ngay cả những người cầm đầu Nhà Trắng cũng lục đục mâu thuẫn gay gắt. Mỹ đã phải nhiều lần thay đổi tay sai và trong khoảng thời gian khó khăn đối với Mỹ và bọn tay sai thì cách mạng miền Nam có thêm điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển, lực lượng.
Chính những nguyên nhân trên khiến Mỹ không sao thực hiện được ý đồ xây dựng một chính quyền tay sai mạnh, ổn định. Các chính quyền tay sai này đã tỏ ra bất lực, suy yếu, khủng hoảng ngay từ đầu và không khi nào ổn định. Một nguyên nhân quan trọng là nhân tố quyết định nhất làm cho chính quyền tay sai của Mỹ không bao giờ ổn định và cuối cùng đi tới sụp đổ hoàn toàn là do cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính cuộc đấu tranh này đã làm sâu sắc thêm tất cả những mâu thuẫn của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ trong việc sử dụng chính quyền tay sai và cuối cùng đẩy nó đến thất bại hoàn toàn.

*Bên cạnh đó phải nói đến những nguyên nhân trực tiếp về mặt quân sự của Mỹ, có thể nêu lên những vấn đề lớn như: thế chiến lược bất lợi của Mỹ, những cái yếu của lực lượng quân sự Mỹ-Ngụy, chiến thuật khủng hoảng bế tắc, sự chỉ đạo chiến tranh chủ quan sai lầm.
Ở miền Nam Việt Nam ta, ngay từ đầu thế chiến lược của Mỹ-Ngụy là thế yếu, thế bị động, là cái thế bị lọt vào trận đồ bát quái lợi hại của thế trận chiến tranh nhân dân. Chúng mất hết quyền tự do hành động. Chìm sâu vào thế chiến lược ngày càng bất lợi cho chúng.
Mỹ thua là vì chiến lược, chiến thuật quân sự của Mỹ không phù hợp và khủng hoảng. Đối mặt với cuộc chiến tranh nhân dân phát triển với trình độ cao thì chiến lược, chiến thuật của Mỹ tỏ ra bất lực. Từ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh Mỹ buộc phải chuyển sang đánh lâu dài từ đó chúng đã bị tiêu diệt từng bộ phận và bị tiêu hao rất nặng nề. Cuối cùng bị thất bại một cách cay đắng. Bên cạnh đó phương thức tác chiến của Mỹ tỏ ra không phù hợp trước cuộc chiến tranh nhân dân của ta, Mặc dù quân số đông cơ sở vật chất dồi dào song các tướng tá Mỹ luôn luôn thấy thiếu đòi tăng viện. Đó là vì quân đội Mỹ đã bị phân tán ở khắp nơi, trên khắp chiến trường, cả rừng núi, nông thôn lẫn đô thị đâu đâu chúng cũng vướng phải thế trận “thiên la địa võng của quân ta”, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán ngày càng sâu sắc, lực lượng của chúng tuy nhiều mà hóa ít, muốn tiến công nhưng lại phải đánh kéo dài và bị sa lầy trong một cuộc chiến tranh không lối thoát.
Mỹ thua về quân sự vì lực lượng quân sự của Mỹ, cả quân Mỹ và quân ngụy tay sai không phát huy được hiệu lực chiến đấu như chúng muốn. Số lượng chúng đông nhưng chất lượng thấp, sức chiến đấu ngày càng giảm sút, không thể phát huy được hiệu lực chiến đấu như chúng muốn.
Còn về mặt chiến thuật lại tỏ ra yếu kém hơn cả. Tư tưởng quân sự thống trị của Mỹ là lấy hỏa lực để quyết định chiến đấu, vũ khí và kỹ thuật là chủ yếu, con người và tinh thần là phụ thuộc. Đó chính là chỗ yếu kém của quân đội Mỹ trong chiến thuật, chiến đấu. Vì hỏa lực chỉ là một thành phần chiến đấu, riêng mình hỏa lực không phải là sức đột kích quyết định. Cuối cùng không phải là quả đạn mà chính những người chiến sỹ phải phóng lưỡi lê vào tim quân thù, giẫm chân lên xác quân thù ở ngay trong trận địa, chiến hào, sở chỉ huy của chúng mới kết thúc hoàn toàn được cuộc chiến.
Mỹ thua về quân sự còn là vì sự chỉ đạo chủ quan, sai lầm của chúng chi phối. Vừa điên cuồng lại vừa mù quáng kiêu ngạo, Mỹ thường không biết người không biết mình, tự đáng giá mình quá ca, đáng giá thấp đối phương. Về điểm này, tạp chí Thời Đại của Mỹ ngày 14-6-1971 thừa nhận: “Đã từng biết bao nhiêu lần chúng ta (tức Mỹ) đánh giá sai lầm về việc đối phương có thể làm và sẽ làm. Chúng ta luôn đánh giá thấp khả năng quân sự của họ. Chúng ta đã không biết bao nhiêu lần bị đối phương đánh cho những đòn hết sức bất ngờ” [8;79].
Trên đây là những nhân tố dẫn đến những thất bại của Mỹ, nhưng những tố này không tự nó đưa Mỹ đến thất bại. Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ với một đội quân khổng lồ được trang bị dồi dào và hiện đại mặc dầu phi nghĩa vẫn có thể giành thắng lợi trước đối tượng bị xâm lược nào đó, với một mức độ nào đó ngay cả trong trường hợp chúng không dùng tới lực lượng to lớn như ở miền Nam nhưng Mỹ đã thua một cách hoàn toàn trong cuộc chiến tại Việt Nam? Vậy nguyên nhân quan trọng, quyết định nhất làm nên thất bại đó là gì?
*Nguyên nhân đó chính là Mỹ đã vấp phải cuộc kháng chiến thần thánh của một dân tộc anh hùng, một tập thể với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, và được đặt dưới sự lãnh đạo của một chính đảng Cộng sản với những chủ trương chỉ đạo kháng chiến hết sức đứng đắn, chủ động và sáng tạo.
Nhân dân ta có thể tạo ra sức mạnh lớn để thắng Mỹ là do ta có đường lối độc lập tự chủ đứng đắn và sáng tạo của Đảng. Đây là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi của chúng ta. Đường lối đó là sự vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê Nin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Đường lối đó là ngọn cờ soi sáng cho chúng ta đi tới thắng lợi. Với đường lối đứng đắn nhân dân ta đã kiên quyết chiến đấu tới cùng để giải phóng miền Nam bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước. Đường lối chống Mỹ cứu nước của ta đã đoàn kết được toàn dân động viên được cả nước đứng lên quyết đánh thắng đế quốc Mỹ.
Chúng ta có sự chỉ đạo chiến tranh hết sức vững vàng và sắc sảo, sáng suốt và tài tình. Chúng ta đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, ta đặc biệt đánh giá đúng đắn và sâu sắc đế quốc Mỹ xác định được quyết tâm chiến lược chính xác, nhất là trong tình huống phức tạp gay go như khi Mỹ ồ ạt đưa quân Mỹ vào miền Nam, hay khi chúng liều lĩnh tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc..Nhờ đó nhân dân ta đã vượt qua thử thách gian lao và đánh thắng địch trong bất kể tình huống nào.
Trên cơ sở quyết tâm cách mạng cao và đường lối đứng đắn nhân dân ta còn có phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Đảng ta đã xây dựng nên phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, đề ra được các chủ trương đứng đắn đối với toàn bộ quá trình, cũng như đối với từng giai đoạn của chiến tranh. Chúng ta đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến, liên tục phát huy thế tiến công, triệt để phân tán lực lượng của chúng, tích cực tiêu hao, tiêu diệt và làm tan rã địch, làm cho lực lượng của chúng ngày càng thiệt hại nặng nề đến nỗi chúng không thể bổ sung và bù đắp kịp. Chúng ta đã chủ động đánh theo cách đánh của ta, buộc Mỹ đánh theo sự lựa chọn của ta và làm chúng không thể phát huy ưu thế về binh lực và hỏa lực, và càng ngoan cố kéo dài chiến tranh chúng càng chuốc lấy những thất bại nặng nề.
Làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ không thể không kể đến sức mạnh tinh thần to lớn của một dân tộc anh hùng, đó là truyền thống yêu nước ý thức độc lập tự chủ. Chính tướng Robert.S.Mc Namara trong cuốn “Nhìn lại quá khứ tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam” đã thừa nhận rằng: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó...những đánh giá sai lầm của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự thiêú hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa và chính trị của nhân dân trong vùng..”
Hơn nữa nhân dân ta đánh giặc đánh giặc ngay trên đất nước mình có đủ điều kiện thuận lợi về hậu phương, có hậu phương vững mạnh là miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nối liền với hậu phương mênh mông cả phe xã hội chủ nghĩa hùng cường, điều đó tạo nên một tiềm lực vĩ đại mà kẻ địch không bao giờ lường nổi.
Như vậy có đường lối cách mạng độc lập tự chủ đứng đắn sáng tạo,có sự chỉ đạo chiến tranh tài giỏi, có nghệ thuật tiến công tài tình độc đáo, có ý chí quyết chiến quyết thắng chúng ta đã phát huy tới mức cao nhất sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của sự ủng hộ quốc tế, hạn chế tới mức thấp nhất những chỗ mạnh của địch, khoét sâu và tận dụng những mâu thuẫn khó khăn của chúng để đánh thắng chúng từng bước, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Rõ ràng nguyên nhân Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì có nhiều những trong những nguyên nhân đã nêu nguyên nhân chủ yếu, có tính chất quyết định đẩy đế quốc Mỹ xuống vực thẳm của thất bại là do chúng vấp phải một đối thủ vô cùng lợi hại: nhân dân Việt Nam anh hùng, bất khuất, với sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[3;270]
Thất bại của Mỹ ở Việt Nam đánh dấu thất bại của một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ. Thất bại nặng nề và đau đớn trong chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà chúng đã dốc mọi cố gắng tới đỉnh cao, đã làm tiêu tan câu chuyện hoang đường về tiềm lực kinh tế và quân sự “vô tận” của Mỹ.









TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Minh Cao, Việt Nam – thất bại chiến lược của đế quốc Mỹ, tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 6, năm 1985, tr3-5.
2. Quỳnh Cư, Mấy nét về mặt trận nhân dân thế giới chống Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam, tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 99, năm 1967,tr 10-22.
3. Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, NXB Giáo dục, năm 2007.
4. Cao Văn Lượng, Nhìn lại thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ trong chính sách sử dụng chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam, tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 6, năm 1977,tr 1-14.
5. Hoàng Minh, Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1975.
6. V.I. Lê Nin, Toàn tập, tập 31, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1969.
7. Quyết Thắng, Chiến tranh Việt Nam và bước đường suy sụp của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1971.
8. Thất bại quân sự của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1972
Chữ ký của cogiao285hp





Số lần được cảm ơn : Message reputation : 100% (2 votes)


Tại sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam I_icon_minitimeSun May 16, 2010 11:11 am

avatar

Khách viếng thăm

clinton

Bài gửiTiêu đề: Re: Tại sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam

 
Tại sao có cuộc chiến tranh Việt Nam?

Trong cuộc chiến Việt Nam , Mỹ là người chiến thắng .

Vì mục đích của việc Mỹ đổ quân vào Việt Nam là nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện chủ nghĩa Đại Hán, chiếm Đông Nam Á sáp nhập vào Trung Quốc ,đưa Trung Quốc thành quốc qia đứng nhất thế giới , Trung Quốc sẽ dành chức Đế Quốc của Mỹ .

Sau khi Mỹ âm thầm giao Việt Nam cho Liên Xô (Việt Nam muốn đánh với Mỹ phải cần vũ khí Liên Xô ,nên Việt Nam sẽ dựa hẳn vào Liên Xô ) . Mỹ an tâm là Trung Quốc không thể chiếm Đông Nam Á sáp nhập vào Trung Quốc . Trung Quốc muốn chiếm Đông Nam Á thì phải chiếm Việt Nam trước đã ,phải đánh nhau với Liên Xô ( Trung Quốc đánh với Liên Xô trên chiến trường Việt Nam năm 1979).

Liên Xô đóng quân ở Cam Ranh-Việt Nam cùng với Mỹ đóng quân ở căn cứ SUBIC-Philippines ngăn cản Trung Quốc chiếm Đông Nam Á , thực hiện chủ nghĩa Đại Hán.

Mục đích của Mỹ đã đạt nên Mỹ rút đi năm 1973 . chức Đế Quốc của Mỹ đứng nhất thế giới vẫn còn giữ được cho đến ngày nay .

CLINTON DO - 25 February 2010
Chữ ký của clinton




 

Tại sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: VIỆT SỬ :: Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại :: Giai đoạn 1954 – 1975-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất