--------------------------------------------------------------------------------
NHỮNG CÂU CHUYỆN CHƯA BIẾT VỀ MỘT NHÀ LAO
THIẾU NHI
Đằng sau cái tên mang nhiều tính chất giáo dục: Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, thực chất là một Nhà lao thiếu nhi giam giữ những chiến sỹ cách mạng tuổi vị thành niên. Những câu chuyện đấu tranh giữa một bên là những chiến sỹ tuổi 15, 16 với một bộ máy cai ngục chuyên nghiệp, thực sự là những câu chuyện ấn tượng chỉ có thể có được trong một giai đoạn lịch sử dân tộc đầy cam go, nhưng cũng rất tự hào...
Vào những năm 1971-1973, tại TP.Đà Lạt có một nơi mà rất ít người biết đến, đó là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn. Qua ký ức của những người từng sống và chiến đấu tại đây, những câu chuyện bên trong Trung tâm này mới được bộc lộ.
Những bức ảnh lưu giữ được về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt hiện còn không nhiều, đa số các tù thiếu nhi còn rất nhỏ, có chiến sỹ chỉ mới 11 tuổi, nhưng cách thức đấu tranh của họ không thua gì các chú, các anh ở các nhà lao khác, thậm chí còn có sự sáng tạo riêng.
Các tù nhân thiếu nhi Nhà lao Đà Lạt ngày ấy
Ông Mai Thanh Minh (Mai Bốn), Cựu tù thiếu nhi Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là 3 trong số 5 người đã tham gia phong trào "Tự mổ bụng" để phản đối 1 đại đội cảnh sát dã chiến đến đàn áp tù thiếu nhi đã tham gia chống chào cờ. Mặc dù rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có tới 7 người xung phong được mổ bụng. Và để lựa chọn lấy 5 người, tổ chức phải đưa ra bốc thăm, ai trúng mới được mổ bụng mình.
Ông Minh cho biết: "Khi anh Nguyễn Thu tuyên bố, nếu nhà cầm quyền Sài Gòn không ngưng cuộc đàn áp đẫm máu này, thì tù nhân thiếu nhi sẽ mổ bụng để phản đối. Cuộc tấn công của địch bắt đầu và chúng tôi cũng đồng loạt mổ bụng và hô những khẩu hiệu Cách mạng lâm thời Cộng hòa Việt Nam muôn năm; Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, đồng thời hô vang: "Đả đảo đàn áp, đả đảo đàn áp".
Theo những cứ liệu lịch sử được giữ lại, năm 1971, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được hình thành. Đợt đầu tiên, địch đưa 126 tù thiếu nhi từ Nhà lao Kho đạn Đà Nẵng về đây giam giữ. Đến tháng 11/1971, chúng tập hợp tất cả các chiến sỹ nhỏ tuổi bị giam giữ tại các Nhà lao Côn Đảo, Chí Hòa và các tỉnh miền Nam, với con số tù nhân cao nhất lên tới 600 người. Để đánh lừa dư luận, Nhà lao này được mang tên Trung tâm Giáo huấn Đà Lạt. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến sau này có sự hiểu lầm và ít người biết đến.
Ông Ngô Tùng Chinh (Ngô Văn Kỳ), Cựu tù thiếu nhi Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt nói: "Ý đồ của địch là tách tù nhân lớn và nhỏ tuổi. Vì tù nhỏ tuổi là lực lượng xung kích đấu tranh, nhưng nếu tách ra được thì địch sẽ có lợi, tức là người lớn sẽ mất đi sức mạnh, người nhỏ sẽ không có đường hướng lãnh đạo, thành ra mình sẽ yếu đi. Đó là âm mưu thâm độc".
Tại cuộc hội thảo: Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt lần đầu tiên được tổ chức, các nhà khoa học, các nhân chứng đã chứng minh sự xác thực của những câu chuyện lịch sử, tinh thần đấu tranh của hơn 600 thiếu nhi. Và sự kiện này sẽ bổ sung thêm vào lịch sử cách mạng những câu chuyện rất đáng tự hào của thiếu nhi Việt Nam.
Ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử VN cho rằng: "Cái nguyên lý tuổi nhỏ chí lớn trong lịch sử dân tộc, trong thực tiễn cách mạng đã thể hiện hết sức thuyết phục rằng, ở bất kỳ môi trường nào, tinh thần yêu nước ấy, tác động cách mạng ấy cũng góp phần đào luyện nên một thế hệ".
Theo ông Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Chúng tôi làm bước tiếp theo là đề xuất với Nhà nước công nhận Di tích lịch sử Quốc gia; thứ hai là, khi đã trở thành Di tích Quốc gia, chúng ta sẽ có biện pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy trước hết phục vụ giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh kiên cường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước".
Sau 33 năm, mặc dù hơi muộn để biết đến một câu chuyện lịch sử, nhưng điều đó cũng phản ánh sự phong phú của lịch sử đấu tranh cách mạng mà cần phải có thời gian, các nhà chuyên môn mới khám phá hết. Mong muốn của các Cựu tù thiếu nhi là, Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt cần được bảo tồn như các Nhà lao khác. Bởi đó sẽ là câu chuyện về tinh thần bất khuất của thiếu nhi Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một thời kỳ "Căm hờn luyện một con tim, lửa nung luyện thép, xà lim luyện người".