Phía sau phụ nữ thành đạt là...
"Thành đạt” đang là một trong những tiêu chuẩn đánh giá con người hiện đại. Và khi số phụ nữ thành đạt nhiều lên, thì dường như sự thành đạt cũng mang tính nữ nhiều hơn.
Sự thành đạt, học vấn, khả năng làm chủ cuộc sống của mình… đang là những tiêu chí được người phụ nữ mơ ước và kiêu hãnh nếu đạt được bên cạnh những giá trị truyền thống như gia đình, chồng con. Thậm chí, với nhiều người, cái này đôi khi có thể đánh đổi ngang giá với cái kia mà không ngần ngại.
Đánh giá thấp, dè bỉu, chê bai năng lực của phụ nữ giờ đã là chuyện… “xưa rồi Diễm ơi”. Người phụ nữ đang chứng tỏ rằng, nếu họ có thể vượt qua những đau đớn, thử thách cùng cực với việc sinh nở và nuôi con, thì họ cũng có thể làm tốt những công việc thuộc phần còn lại của thế giới…
Thành đạt sớm
Thành đạt sớm là một thực tế không thể phủ nhận của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Đa phần những gương mặt thành đạt đều chưa đến tuổi 40. Sắc sảo, thông minh, họ vẫn đang phấn đấu không ngừng trong cuộc cạnh tranh quyết liệt, để nắm những vị trí chủ chốt trong các công ty, doanh nghiệp. Nếu không tự nói, ít người hình dung được họ đang mang trên vai gánh nặng làm vợ, làm mẹ.
Sự thành đạt, học vấn, khả năng làm chủ cuộc sống của mình… đang là những tiêu chí được người phụ nữ mơ ước và kiêu hãnh nếu đạt được bên cạnh những giá trị truyền thống như gia đình, chồng con
Một điều nữa khiến sự thành đạt có vẻ như ngày càng sớm hơn, đó là do người phụ nữ ngày nay giữ được vẻ trẻ trung lâu dài hơn. Họ biết cách phát huy sức mạnh của mình. Nhiều vị nam nhi đã ghen tỵ: “Phụ nữ một khi đã nổi là lên hẳn, lên rất nhanh, bởi họ vừa được ưu tiên vừa có thế mạng là …phụ nữ!”.
Hai vế song hành tạo nên sự thành đạt: nghề nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc, cũng là hai điều kiện của một người “phụ nữ hai giỏi”: Giỏi việc nước, đảm việc nhà. Nhưng không phải cứ hai giỏi là thành đạt. Đứng ở góc độ thành đạt, điều kiện về gia đình đang có vẻ như yếu thế dần. Nhiều cô gái đã đặt sự nghiệp là ưu tiên số một, trước khi nghĩ đến gia đình.
Một thực tế khác: khoảng cách giữa những người phụ nữ thành đạt và bộ phận còn lại của giới nữ ngày một xa hơn. Sự phân hóa diễn ra mạnh hơn khi người phụ nữ bước ra khỏi cánh cổng khép kín của gia đình, để thử sức trong những hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, bên cạnh những người thành đạt, tự chủ, vẫn còn những người phụ nữ “sống chung” với cảnh bạo hành, bị ngược đãi.
Thực tế này phần nào tạo nên sự ngại ngần của một bộ phận nữ giới, khiến cái nhìn về hôn nhân gia đình nhuốm chút màu sắc bi quan. Những người phụ nữ vượt qua được con đường phấn đấu khó khăn để thành đạt lên tiếng khẩn thiết đòi quyền sống, quyền bình đẳng. Một bộ phận nữ giới khác cảm thấy mình thua thiệt và cam chịu, thậm chí chấp nhận dùng những đường tắt tủi nhục để… đổi đời.
Băn khoăn tìm kiếm chính mình
Sự phân tuyến khá rõ, đôi khi là trái ngược, giữa môi trường công việc và môi trường gia đình là một thử thách đối với nhiều phụ nữ. Rời cơ quan, người đàn ông có thể thoải mái ngả mình đọc báo hay lai rai với bạn bè. Người phụ nữ thì không. Sau những vật lộn căng thẳng trong công việc, trở về với gia đình là trở về với nhiệm vụ chính, vai trò chính, không thể buông lỏng, lơ là.
Ai trong hai con người đó- con người công việc hay con người gia đình, là con người bản chất của mình? Thương trường, chính trường… tất cả đều là những nơi phải học mới có thể sống phù hợp. Ở vị trí nào thì phải hành xử theo quy tắc ở vị trí đó. Đôi khi phải chấp nhận sống khác mình một chút, về nhà, người ta mong muốn được sống thật, được thoải mái buông bỏ cái mặt nạ phải mang suốt cả ngày.
Nhưng mọi việc không đơn giản. Không gian gia đình có những tiêu chí khắt khe của nó. Nhiều khi người ta- nhất là người phụ nữ- phải nén mình lại để gia đình êm ấm, thuận hòa.
Chẳng thể là cái máy để bấm nút chuyển từ “chế độ làm sếp” sang “chế độ làm vợ”, “chế độ làm dâu”… Vì thế, đôi khi nhầm lẫn giữa các vai trò cũng là chuyện bình thường. Cái tôi chìm khuất sau nhiều vai trò và lâu ngày nhiều khi giật mình tự hỏi: Mình là ai trong những con người ấy, nghĩa vụ ấy? Hay chỉ có mình mới biết mình mà thôi?
Cô đơn hay độc lập cá nhân
Sự thành đạt với sự độc lập như bóng với hình: Độc lập trong suy nghĩ, tự chủ quyết đoán trong quyết định, độc lập trong tài chính… Nghịch lý nằm ở chỗ: Sự độc lập này tương đối nhạy cảm, xét về khía cạnh nào đó, nó gần như không được phép thể hiện, nếu không muốn làm mất đi sự êm ấm của gia đình. Sau sự tươi tắn hào nhoáng bên ngoài, sau những bộ áo váy văn phòng sang trọng và lịch lãm, người phụ nữ được trông đợi phải hoàn thành tốt công việc gia đình, nhu mì, dịu dàng và đáng yêu.
Simone de Beauvoir, nhà nữ quyền học người Pháp, từng có một phát biểu nổi tiếng: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ”. Việc “trở thành phụ nữ” mà bà nói đến ở đây, chính là cái khuôn thước của xã hội dùng để “đo” người phụ nữ. Chậm thay đổi và đầy định kiến, cái khuôn ấy ngày càng chật hẹp và không dễ gì một sớm một chiều mà chuyển được.
Đương đầu với những câu hỏi trực diện như: “Đối với phụ nữ, như thế nào là thành đạt?” Nhiều người vẫn e ngại, vẫn phải viện dẫn một kiểu như “công dung ngôn hạnh” để làm nơi bấu víu. Họ hiểu mỗi người đều phải đương đầu với một thử thách riêng, sự độc lập cá nhân vẫn phải tìm một điểm tựa, kể cả việc phải nương nhờ những vỏ bọc an toàn, cũ kỹ.
Chia sẻ sự độc lập cá nhân đôi khi là một cái giá không dễ trả. Nhưng giữ lấy sự độc lập cá nhân cũng là đồng nghĩa với chấp nhận nỗi cô đơn. Khi được hỏi về điều này, Quỳnh An, một sales manager nổi tiếng bản lĩnh, đang hưởng một mức lương cao ngất với cuộc sống độc thân trong một căn hộ đắt tiền tại TP. HCM đã trả lời thẳng thắn: “Không cần khiêm tốn, tôi tự xếp mình là người thành đạt. Nhưng cũng có khi mệt mỏi trở về nhà sau một cuộc tranh đua quyết liệt, tôi vẫn ước mong mình có một bờ vai để dựa, để có thể quên mình đi và trở lại làm một người đàn bà yếu đuối…”.
Phải chăng phía sau hay phía trước người phụ nữ thành đạt đều là nỗi cô đơn? Như một hình tam giác, càng ở những vị trí cao, càng có ít bạn đồng hành, ít người san sẻ. Sự khắc nghiệt trong chọn lựa “sự nghiệp hay gia đình” dù có được che phủ bởi bao nhiêu mỹ từ, vẫn phảng phất một “nỗi buồn thời đại”.
Nhiều người đã chấp nhận một sự thỏa hiệp cần thiết trong cuộc sống: Sử dụng “kỹ năng mềm mỏng”, “kỹ năng nhường nhịn” là thứ trời ban cho phụ nữ, nén lại những mệt mỏi, mài giũa bớt sự sắc sảo lý trí, nhõng nhẹo một chút, mềm yếu một chút, bớt thông minh đi một chút… Gọi là “diễn” cũng được. Màn “diễn” này chỉ có một diễn viên, không có đạo diễn, sân khấu là cuộc đời. Nhiều người cho rằng, sống như thế là giả tạo, không thật. Nhưng sự chân thực không phải là sự thật thà. Trong trường hợp này, chân thực được hiểu như là “chân thực với chính mình”, chân thực với nguyên tắc cao nhất: yêu quý gia đình mình. Khi yêu quý gia đình mình, tất cả những việc đó không phải là “diễn”.
Tự ý thức về giá trị cá nhân, xây dựng và bảo vệ niềm tin của mình cũng như giữ gìn sự độc lập cá nhân, giữ gìn hình ảnh bản thân, người phụ nữ thành đạt trong xã hội hiện đại đang phải gánh những gánh nặng thực sự. Vẫn biết khả năng che chắn gần như là một với khả năng chịu đựng, vẫn biết bản chất tình yêu là sự hy sinh, nhưng có phải là buồn quanh quẩn không, khi phải đi đến một kết luận rằng đầu tiên người phụ nữ hãy biết hy sinh sự độc lập của bản thân mình?
Nguồn: Phụ nữ
Sun Mar 07, 2010 8:43 am by tyt_nnl_3994