Âu Dã Tử và vợ đang rèn kiếm.
Kiếm, một loại vũ khí thô sơ khi ra đời đã đánh dấu thời kỳ văn minh về kỹ thuật rèn đúc kim loại. Trong lịch sử thế giới, kiếm đã có mặt khắp nơi. Mỗi quốc gia và khu vực tuy nghệ thuật rèn đúc khác nhau, nhưng hầu hết các sử gia vẫn phải công nhận lịch sử rèn đúc kiếm tại Trung Quốc có từ rất sớm, trình độ kỹ thuật của các nghệ nhân rèn kiếm Trung Hoa đạt tới tuyệt đỉnh.
Vào thời kỳ Trung Quốc cổ đại, kiếm là binh khí quan trọng. Nó ra đời vào thời kỳ nhà Thương cách đây hơn 3000 năm. Khi đó kiếm đồng xuất hiện vào đời Chu, nhưng phải tận tới cuối đời Xuân Thu kiếm sắt mới bắt đầu xuất hiện trong các trận chiến, đánh dấu bước đại nhảy vọt trong kỹ thuật rèn và tôi sắt. Cho tới đời Hán, cùng với sự xuất hiện của nhiều loại binh khí khác, kiếm bắt đầu rút dần khỏi các chiến trường, trở thành loại vũ khí đeo bên người để phòng thân.
Trong suốt mấy nghìn năm qua, kiếm luôn thể hiện cho quyền lực, thân phận của người dùng. Người có thanh bảo kiếm được thể hiện cho quyền lực tối cao, không một sức mạnh gì có thể ngăn cản. Vua có các thanh bảo kiếm, đại diện cho sự tôn nghiêm và quyền uy. Quan viên đeo kiếm thể hiện cho quyền lực, dòng dõi vương gia đeo kiếm thể hiện cho địa vị, võ sĩ đeo kiếm để hành hiệp trượng nghĩa. Với tác dụng và ý nghĩa của kiếm như vậy cho nên trong 18 ban binh khí của Trung Hoa thì kiếm được xem như tính mạng và linh hồn. Với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm nay, các lò rèn kiếm Trung Quốc đã rèn không biết bao thanh kiếm, nhưng trong tất cả những thanh kiếm đó thì 3 thanh bảo kiếm được mọi thời đại công nhận đều có gốc tích từ Long Tuyền.
Thị trấn cổ Long Tuyền nằm trong một quần thể các dãy núi ở phía Tây Nam của Chiết Giang. Hơn 2600 năm trước, tương truyền vào thời Xuân Thu-Chiến Quốc, khi đó, Việt Vương Câu Tiễn với chí lớn đã mật lệnh cho các đại thần của mình bàn định kế hoạch phục quốc báo thù. Muốn làm được việc đó phải có một đội quân đủ mạnh, binh khí sắc bén mới có thể giành chiến thắng. Chính vì vậy phải rèn được những thanh kiếm cực sắc.
Việt Vương Câu Tiễn bí mật ra lệnh cận thần của mình là Âu Dã Tử đi tìm mỏ quặng và nơi bí mật có thể rèn được kiếm quý mà không để cho quân Ngô biết. Vâng mật lệnh này, Âu Dã Tử đã bí mật đi tìm mảnh đất thắng địa có thể rèn kiếm. Trải qua biết bao nắng mưa, gian khổ, dấu chân ông đặt đến không biết bao nhiêu nơi cuối cùng đã tìm ra Long Tuyền. Mảnh đất Long Tuyền trùng trùng điệp điệp, cây cối xanh tốt thế đất hùng vĩ, có suối, bên cạnh lại có hồ nước rộng vài chục mẫu, quả thật là vùng đất vô cùng thích hợp cho việc rèn kiếm. Ngay khi tìm ra Long Tuyền, ông tổ nghề rèn kiếm Âu Dã Tử đã biết Long Tuyền có lượng Thiết Sa (quặng sắt) rất phong phú, đây là loại nguyên liệu rất tốt để rèn kiếm. Thứ hai, nguồn nước ở Long Tuyền rất trong lành, khi tôi kiếm khiến kiếm vô cùng sắc bén. Ngoài ra việc rèn kiếm còn cần phải có nguồn nhiên liệu đốt, ở Long Tuyền có nguồn nhiên liệu từ rừng rậm vô cùng phong phú, các loại than củi dùng không bao giờ cạn. Thấy Long Tuyền được thiên nhiên ưu đãi các điều kiện thuận lợi như vậy, Âu Dã Tử đã quyết định lựa chọn nơi này để lập nên làng rèn kiếm nổi tiếng.
Âu Dã Tử sinh khoảng năm 514 trước Công nguyên, là người nước Việt. Thuở thiếu thời đã theo người cậu học kỹ thuật trị kim (tương đương với rèn và luyện thép như bây giờ), sau đó ông bắt đầu rèn và đúc kiếm bằng đồng xanh, cùng với cậu sản xuất các loại nông cụ bằng sắt. Là người sáng dạ và chịu khó cho nên trong thời gian ngắn Âu Dã Tử đã tiếp thu hết các tinh hoa của nghề rèn. Trong quá trình làm nghề ông đã phát hiện ra nhiều tính năng khác biệt giữa đồng xanh và sắt, mở ra kỷ nguyên mới cho kỹ thuật rèn và tôi thép. Dựa vào những bí quyết này, Âu Dã Tử đã cho ra đời thanh kiếm đầu tiên, cũng là các thanh bảo kiếm nổi tiếng thiên hạ như Ngư Trường, Trạm Lư, Long Uyên, Thái A, Công Bố... Những thanh bảo kiếm của Âu Dã Tử đã mở ra kỷ nguyên về binh khí lạnh của Trung Quốc.
Trong khi đang rèn bảo kiếm, theo mật lệnh Âu Dã Tử đã nhận một đệ tử để truyền nghề. Người đệ tử có tên là Can Tương. Chuyện về việc Can Tương bái sư học nghề cũng có thể được coi là một câu chuyện huyền thoại. Ban đầu Âu Dã Tử do nhận mật lệnh của Việt Vương Câu Tiễn, vì vậy ông không thể truyền các bí mật trong nghề rèn kiếm của mình cho người ngoài vì lo sợ đó có thể là kế của nước Ngô cài gián điệp và để đánh cắp bí quyết. Nhưng sau này, bằng tình cảm chân thật, Can Tương đã cho thấy mình xứng đáng là đệ tử chân truyền của Âu Dã Tử. Kể từ đó hai người ngày đêm nghiên cứu cách luyện quặng, đúc phôi và rèn những thanh bảo kiếm. Sau khi thanh Long Uyên bảo kiếm ra đời, hai thầy trò lại tiếp tục rèn thêm hai thanh bảo kiếm là Thái A và Công Bố để trao cho Việt Vương Câu Tiễn diệt Ngô. Cả ba thanh bảo kiếm này sở dĩ trở nên vang danh thiên hạ là vì thân kiếm tuyệt đẹp, sống kiếm chắc chắn, lưỡi kiếm vô cùng sắc bén, có thể chém sắt, chặt đá, đâm trâu đâm bò nhẹ như đâm xuống nước, khi múa kiếm khí tỏa ra khiến cho đối thủ hoa mắt chóng mặt, nhưng ngược lại vầng kiếm khí làm tăng uy lực của người sử dụng kiếm. Điểm đặc biệt của những thanh kiếm mà Âu Dã Tử và Can Tương đúc nên là nó được pha trộn một tỷ lệ các kim loại màu thích hợp và tinh vi, cho nên những thanh bảo kiếm này có màu sắc hết sức đặc biệt, về độ bền và độ sắc của kiếm thì cho đến nay có dùng tới kỹ thuật hiện đại phân tích người ta cũng không thể giải thích nổi. Còn về kỹ thuật tôi kiếm, do đây là bí truyền của Âu Dã Tử và làng nghề Long Tuyền, cho nên từ hàng nghìn năm nay, người học rèn kiếm thì có vô số, nhưng nếu không phải chân truyền gia tộc trong làng nghề Long Tuyền thì cũng không được truyền bí quyết tôi kiếm. Tôi kiếm chính là lúc thổi hồn vào cho thanh kiếm. Thanh kiếm không có hồn thì nó chẳng có tác dụng gì cả, cũng giống như con người không có linh hồn vậy! Quá trình tôi kiếm hiện vẫn là những bí quyết cổ truyền không được truyền thụ ra ngoài, nhưng theo ước tính từ khi chuẩn bị tôi tới khi hoàn thành phải trải qua không dưới 30 bước công việc. Ngày nay nhiều bí quyết không còn giữ được sự nguyên thủy nữa. Ví như trong truyền thuyết thì công việc quạt gió cho lò để có thể đúc phôi và bước rèn kiếm nhất định phải là các đồng nam và đồng nữ. Những người không sạch sẽ sẽ không được phép tới gần lò lửa. Còn thợ học việc cũng chia ra nhiều đẳng cấp khác nhau, tuy nhiên theo số ít các chủ lò rèn kiếm hiện nay còn sót lại tại Long Tuyền cho biết thì một người sáng dạ muốn rèn được kiếm cũng phải mất từ 6 đến 10 năm. Còn muốn rèn được bảo kiếm thì số thời gian đó phải là gấp đôi hoặc gấp ba lần. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể có cơ duyên.
Trở lại với những thanh bảo kiếm của Âu Dã Tử, sở dĩ chúng vang danh thiên hạ không chỉ vì sự quý giá về giá trị sử dụng mà đẳng cấp của nó luôn gắn với những nhân vật lừng danh trong lịch sử Trung Hoa.
Thanh Trạm Lư là thanh bảo kiếm nổi danh trong cuộc tranh hùng Ngô - Việt. Khi đó Việt Vương Câu Tiễn thất bại đã dâng thanh Trạm Lư cho Ngô Vương Phù Sai. Ngô Vương Phù Sai coi đó là báu vật bảo quốc ngày đêm đeo bên mình. Người chủ tiếp theo của Trạm Lư là Sở Chiêu Vương của nước Sở, sau này sau một quá trình thất lạc đến thời Tống nó lại nằm trong tay danh tướng Nhạc Phi, chỉ đến khi Nhạc Phi chịu oan Tần Cối và chết thì không còn tung tích của Trạm Lư bảo kiếm. Chính vì phải dâng thanh Trạm Lư mà Câu Tiễn mới tiếp tục sai Âu Dã Tử rèn lên 3 thanh Thái A, Long Uyên và Công Bố. Sau nhờ ba thanh bảo kiếm đó, Câu Tiễn đã trả thù Phù Sai, tiêu diệt nước Ngô.
Thanh bảo kiếm Thuần Quân cũng không hề kém cạnh với người anh em của nó khi người chủ là danh tướng Ngũ Tử Tư. Nó đã cùng với Ngũ Tử Tư giành rất nhiều thắng lợi trên sa trường. Tuy nhiên số phận của bảo kiếm Thuần Quân lại quá ngắn ngủi. Trước khi người chủ của nó không can ngăn được Ngô Vương Phù Sai đắm chìm trong mỹ nhân và rượu thịt để đến nỗi mất nước vào tay Việt Vương Câu Tiễn, Ngũ Tử Tư đã quẳng Thuần Quân xuống dòng Tiền Đường.
Nhưng nổi tiếng nhất, được nhắc đến nhiều nhất và vang danh nhất trong thiên hạ chính là những thanh kiếm đã thống nhất thiên hạ là Long Uyên, Thái A và Công Bố. Chính nhờ 3 thanh bảo kiếm mà đích thân Âu Dã Tử rèn nên mà Việt Vương Câu Tiễn đã chiến thắng quân đội của Ngô Vương Phù Sai. Tuy nhiên tới năm 235 trước Công nguyên, nước Việt bị nước Sở tiêu diệt, đến năm 222 trước Công nguyên Sở lại bị Tần thôn tính, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên, hai thanh Long Uyên và Công Bố mà Sở vương đeo bên mình bị Tần Thủy Hoàng tước đoạt. Từ đó lịch sử của hai thanh bảo kiếm này đã gắn chặt với sự nghiệp thống nhất Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng, chính vì vậy có thể nói đây chính là hai thanh bảo kiếm vẻ vang nhất trong số những thanh bảo kiếm của Âu Dã Tử rèn nên.
Về hai thanh Can Tương và Mạc Gia, đây là cặp bảo kiếm mang đầy tính huyền thoại truyền thuyết. Năm 492 trước Công nguyên, sau khi Âu Dã Tử rèn xong kiếm cho Việt Vương Câu Tiễn, Việt Vương Câu Tiễn đã xuất sư phạt Ngô. Trong lần xuất sư đó, nước Việt phải liên kết với nước Sở. Sở Vương từ lâu đã nghe danh những thanh bảo kiếm của nước Việt, vì vậy đưa ra điều kiện phải có được những thanh bảo kiếm thì mới xuất quân. Ban đầu Câu Tiễn ngần ngại mãi chưa quyết, sau nghĩ đến đại cục, không có cách nào khác bèn vời đến sự giúp đỡ của Âu Dã Tử và vợ chồng Can Tương. Theo sách “Ngô Việt Xuân Thu”, khi Can Tương tìm được quặng sắt vô cùng quý giá và cho dựng lò luyện kiếm. Luyện trăm ngày mà quặng sắt chẳng chịu chảy ra, vợ ông là Mạc Gia thấy thế hỏi, Can Tương trả lời: “Kim loại này phải có nhân khí mới tan được”. Nghe vậy, Mạc Gia tắm gội sạch sẽ, rồi nhảy vào lò luyện kiếm, kim loại tan ra và Can Tương rèn được hai thanh bảo kiếm mang tên mình và người vợ yêu quý!
Ngày nay, không biết thanh kiếm nào còn, thanh kiếm nào mất, nhưng có một điều, với sự lao động miệt mài và những bí kíp chân truyền của mình, làng nghề Long Tuyền đã trở thành vùng đất linh thiêng, ông tổ nghề rèn kiếm Âu Dã Tử đã trở thành huyền thoại mãi tồn tại ở Trung Quốc.
(Tinh hoa võ học Trung Hoa)
Nguyễn Hoà
Theo QDNDVN