--------------------------------------------------------------------------------
Họ sinh ra là để làm ông vua, bà hoàng của một quốc gia với biết bao quyền uy và bổng lộc. Họ sống trong các tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ, di chuyển bằng chuyên cơ, du thuyền hay xe hơi lộng lẫy. Hình ảnh của họ luôn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Thế nhưng, nghề nào cũng có mặt trái của nó. Các ông vua, bà hoàng phải có thần kinh thép, sự kiên trì để có thể chịu đựng sự "quan tâm" của mọi người, của các phương tiện truyền thông, tham gia hàng loạt buổi tiếp kiến, các chuyến công du, công cán. Đó là chưa kể họ còn là mục tiêu tấn công của những phần tử quá khích, các tổ chức khủng bố hay trở thành nạn nhân của một âm mưu chính trị.
Đã ngoài tuổi 80 nhưng Nữ hoàng Anh Elisabeth II vẫn chưa tính chuyện rời bỏ ngai vàng. Lịch làm việc của bà dày đặc với 426 cuộc tiếp đón, tiếp xúc theo nghi lễ quốc gia và hoàng gia chỉ từ tháng 1/2006 đến tháng 1/2007.
Cũng trong thời gian này, bà còn phải thực hiện 4 chuyến công du ra nước ngoài và 15 chuyến công cán trong nước.
Riêng Thái tử Charles, cũng trong thời gian này, đã phải thực hiện 642 cuộc tiếp đón, tiếp xúc. Ông cũng thực thi tất cả 6 chuyến công du ra nước ngoài và 46 chuyến công cán trong nước.
Trong khi đó, Hoàng tế Philips, phu quân của Nữ hoàng, cũng phải thực hiện 406 cuộc tiếp xúc, làm việc. Công nương Camilla, vợ Thái tử Charles, cũng phải thực hiện 230 cuộc tiếp xúc, làm việc theo nghi thức quốc gia và hoàng gia.
Công việc hoàng gia và quốc gia cũng “tràn ngập” đối với Hoàng gia Tây Ban Nha với tất cả 906 buổi tiếp đón, tiếp xúc, làm việc theo nghi thức quốc gia và hoàng gia.
Đã 69 tuổi, nhưng năm 2006, Vua Juan Carlos đã phải thực hiện 452 buổi tiếp xúc, tiếp đón, làm việc, đọc tất cả 93 diễn văn, công du ra nước ngoài 6 lần. Bình quân mỗi ngày nhà vua phải thực hiện 2 buổi tiếp đón, tiếp xúc theo nghi lễ quốc gia hay hoàng gia.
Riêng Hoàng hậu Sophie cũng phải tham gia đến 193 hoạt động. Thái tử Felipe cũng phải thực hiện 269 hoạt động các loại, trong đó phải đọc 26 diễn văn, tham dự 19 dạ tiệc, thực hiện 12 chuyến công du ra nước ngoài và 113 chuyến công cán trong nước.
Tại Thụy Điển, trong năm 2005, Vua Carl Gustaf đã thực hiện 205 buổi tiếp xúc, tiếp đón và công cán trong nước, đó là chưa kể 15 chuyến công du ra nước ngoài. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2006, Hoàng gia Thụy Điển đã phải thực hiện 338 buổi tiếp đón, làm việc theo nghi thức quốc gia và hoàng gia.
Còn tại Na Uy, Vua Harald đã tham dự 185 buổi tiếp xúc, tiếp đón trong năm 2006. Riêng Thái tử Haakon thực hiện tất cả 80 hoạt động và là thành viên hoàng gia thực hiện các chuyến công du ra nước ngoài nhiều nhất.
Tại một công quốc nhỏ như Monaco, chỉ từ tháng 9/2005 đến tháng 9/2006, ông hoàng Albert II đã thực hiện 17 chuyến công du ra nước ngoài, tham dự 48 buổi lễ, 18 buổi tiếp đón.
Là vua chúa một quốc gia thì đừng tính đến chuyện nghỉ hưu hay từ nhiệm. Tại Anh, Hiến pháp không cho phép Nữ hoàng Elisabeth II từ chức hay thoái vị. Vì vậy, bà buộc phải trị vì trên ngai vàng cho đến khi qua đời.
Trong khi Hiến pháp của Công quốc Monaco quy định tuổi nghỉ hưu của công dân là 56 thì ông hoàng Rainier phải trị vì đất nước nhỏ bé của mình cho đến khi qua đời vào năm 2005 ở tuổi 82.
Mặc dầu đang mắc bệnh nan y, nhưng Vua Harald của Nauy cũng không có quyền rời bỏ ngai vàng.
Ngay cả khi bị thương tật ở chân trong một tai nạn vào tháng 5/2006, Nữ hoàng Margrethe của Đan Mạch cũng phải sử dụng nạng để tham dự các hoạt động triều chính, thực hiện các buổi tiếp kiến, tiếp đón theo nghi thức hoàng gia và quốc gia.
Không những phải làm việc cật lực, không ngơi nghỉ cho dù có bị bệnh tật nhưng các ông vua, bà hoàng cũng phải cảnh giác cao độ với các vụ tấn công, khủng bố. Và Hoàng gia Anh là đối tượng bị tấn công, khủng bố nhiều nhất.
Tháng 4/1974, một gã thất nghiệp đã nã nhiều phát đạn về hướng Công chúa Anne (con gái của Nữ hoàng Elisabeth II) và chồng là sĩ quan kị binh Mark Philips khi cả hai đang tham dự một buổi lễ tại thủ đô London.
Năm 1981, đến lượt Nữ hoàng Elisabeth II trở thành đối tượng nhắm bắn của một kẻ tâm thần khi bà chủ trì lễ diễu hành thường niên của các đội kị binh hoàng gia bên ngoài cung điện Windsor.
Năm 1994, trong chuyến công du đến Australia, Thái tử Charles cũng bị một kẻ lạ mặt bắn liền 2 phát đạn về hướng ông đang đọc diễn văn tại thành phố Sydney.
Thế nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến các hành động khủng bố. Năm 1979, Hoàng thân Mounbatten, cậu ruột của Hoàng tế Philips, phu quân của Nữ hoàng, bị giết hại bởi một vụ tấn công bằng bom của tổ chức vũ trang Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA).
Còn tại Tây Ban Nha, hoàng gia cũng nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công, khủng bố của tổ chức vũ trang đòi tự trị cho xứ Basques ETA.
Năm 1978, ETA tổ chức bắt cóc Vua Juan Carlos nhưng không thành.
Đến ngày 9/8/1995, nhờ sự nhanh mắt và phản ứng kịp thời của các nhân viên bảo vệ mà Vua Juan Carlos đã thoát khỏi một vụ ám sát bằng súng bắn t** khi ông đang nghỉ hè tại lâu đài Palma de Majorque.
Năm 1996, đến lượt Công chúa Elena, con gái Vua Juan Carlos cũng thoát khỏi một vụ bắt cóc trong gang tấc.
Ngày 26/9/2000, lực lượng an ninh Tây Ban Nha đã kịp thời phá vỡ một cuộc tấn công bằng 8 khẩu súng phóng lựu của ETA nhắm vào Vua Carlos và Hoàng hậu Sophie khi hai người tham dự lễ khánh thành Viện Bảo tàng quốc gia Chillida Leku ở thành phố Barcelone.
Vào tháng 10/2002, Javier Perez Aldate, thành viên ETA, bị kết án 35 năm tù giam về tội âm mưu giết hại Vua Juan Carlos.
Tại quốc gia Bắc Âu Nauy, vào tháng 9/2002, Thái tử Haakon suýt trở thành nạn nhân của vụ bắt cóc do một tổ chức tội phạm quốc tế thực hiện để đánh đổi việc trả tự do cho một đồng bọn bị giam giữ ở nước này.
theo An Ninh Thế Giới - theo Point de Vue