Đánh bại “Chiến tranh đặc biệt”, làm phá sản kế hoạch bình định, gom dân
Thắng lợi trong cao trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam làm cho âm mưu áp đặt chế độ thực dân mới của Mỹ đứng trước nguy cơ bị sụp đổ. Để cứu nguy, chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” nhằm đánh bật LLVT và cơ sở cách mạng của ta ra khỏi nhân dân, giành lại nông thôn.
Chiến lược này được tiến hành chủ yếu bằng quân đội tay sai tại chỗ với phương tiện vũ khí và sự yểm trợ của không quân, hải quân Mỹ. Mỹ có thể trực tiếp tham gia bằng "lực lượng đặc biệt", với binh khí kỹ thuật ở mức hạn chế.
Cuối năm 1961, chúng đề ra kế hoạch Staley – Taylor với ba biện pháp chiến lược. Một là, tăng cường quân ngụy, dùng quân ngụy do cố vấn Mỹ chỉ huy và sử dụng nhiều máy bay trực thăng, xe thiết giáp để nhanh chóng tiêu diệt các LLVT cách mạng. Hai là, giữ vững thành thị, xây dựng ngụy quyền đủ sức ngăn chặn các cuộc đấu tranh chính trị ở thành thị, đồng thời dập tắt phong trào cách mạng ở nông thôn bằng "bình định" và "ấp chiến lược". Ba là, ra sức ngăn chặn ở vĩ tuyến 17, kiểm soát ven biển, cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc, cô lập cách mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ hy vọng sẽ “bình định” xong miền Nam trong vòng 18 tháng. Ngày 18-10-1961, Ngô Đình Diệm ban bố "tình trạng khẩn cấp" trên toàn miền Nam. Ngày 8-2-1962, Mỹ thành lập tại Sài Gòn "Bộ chỉ huy quân sự đặc biệt” (MACV) do đại tướng Paul Harkins cầm đầu.
Để đưa phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển lên một bước, ngay từ đầu năm 1961, BTC đã đề ra nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng miền Nam là phải "đấu tranh chính trị và quân sự, tiến lên làm chủ núi rừng, giành lại toàn bộ đồng bằng, ra sức xây dựng và đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị, tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi để đánh đổ chính quyền Mỹ, Diệm, giải phóng miền Nam".
Ở Bến Tre, sau cao trào Đồng khởi – 1960, ngụy quân ngụy quyền trong tỉnh lâm vào tình trạng suy sụp, bộ máy kìm kẹp ở xã ấp rệu rã, tinh thần binh sĩ ngụy hoang mang, sa sút.
Tháng 1-1961, Tỉnh ủy quyết định tổ chức tiếp một cuộc tấn công thị xã vào đầu tháng 4-1961, cuộc tấn công không thực hiện được vì kế hoạch bị lộ, địch tập trung quân đối phó, lực lượng ta phải rút khỏi thị xã.
Tháng 6-1961, Tỉnh ủy quyết định tổ chức tiếp một cuộc tấn công thị xã vào đầu tháng 4-1961, cuộc tấn công không thực hiện được vì kế hoạch bị lộ, địch tập trung quân đối phó, lực lượng ta phải rút khỏi thị xã.
Tháng 6-1961, Tỉnh ủy họp rút kinh nghiệm, uốn nắn ngay lệch lạc chủ quan, nóng vội và đề ra phương châm đấu tranh là vừa đẩy mạnh tấn công địch, vừa củng cố phát triển thực lực cách mạng, bảo đảm chiến đấu lâu dài.
Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị, phong trào nhân dân du kích chiến tranh được hình thành và phát triển mạnh. Hàng nghìn thanh niên tình nguyện gia nhập LLVT, vào các đội du kích. Năm 1961, LLVT tỉnh có 2 đại đội, mỗi huyện có một trung đội, mỗi xã có từ nửa tiểu đội đến một tiểu đội du kích. Một phong trào toàn quân, toàn dân đấu tranh chống địch càn quét, lấn chiếm, chống do thám, chống bắt lính đôn quân, vơ vét cướp bóc được phát động. Bộ đội tỉnh, huyện cùng nhân dân và du kích giữ vững thế chiến công, liên tục tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, làm đòn bẫy cho mũi đấu tranh chính trị phát triển.
Từ trong thực tiễn đấu tranh với kẻ thù, đội quân chính trị của quần chúng, mà nòng cốt là "Đội quân tóc dài" hình thành từng bước, được tổ chức chặt chẽ, đấu tranh có bài bản, có chỉ huy trong từng trận chiến đấu cụ thể. Ở mỗi cấp (tỉnh, huyện, xã) đều có thành lập ban đấu tranh chính trị do một đồng chí trong cấp ủy phụ trách. Trong mỗi cuộc đấu tranh đều có tổ chức 4 lực lượng. Ban chỉ huy công khai, lực lượng đấu tranh trực diện với địch, lực lượng hậu cần và lực lượng trinh sát, liên lạc. Kế hoạch đấu tranh được chuẩn bị tỉ mỉ, có dự kiến những tình huống bất ngờ. Trước khi ra trận, quần chúng được bồi dưỡng lý lẽ đấu tranh và được tập dượt thuần thục.
Ngày 31-1-1961 gần 10.000 quần chúng các xã kéo về thị trấn Giồng trôm, đưa kiến nghị đòi địch ngưng càn quét, bắn phá, cướp bóc. Địch xả súng bắn vào đoàn biểu tình. Quần chúng kiêng xác nạn nhân lên quận, tố cáo tội ác giết người và đòi phải bồi thường nhân mạng. Trước khí thế đấu tranh quyết liệt của quần chúng, địch phải chấp nhận yêu sách, chịu bồi thường 100.000 đồng và phương tiện chôn cất nạn nhân.
Tháng 10-1961, hơn 20.000 chị em phụ nữ lại kéo vào thị xã đấu tranh, phản đối địch càn quét khủng bố, cào nhà, cướp đất, bắt lính. Địch dùng lựu đạn cay ném vào đoàn biểu tình, lấy sơn viết khẩu hiệu phản động lên áo, lên nón, cắt tóc chị em, nhưng không sao áp đảo được tinh thần đấu tranh của họ. Cuộc đấu tranh kéo dài 3 ngày, ngụy quyền tỉnh cuối cùng phải chấp nhận yêu sách của quần chúng.
Giữa năm 1961, chấp hành sự chỉ đạo của TƯCMN, Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã cử một đoàn cán bộ của tỉnh, dùng thuyền đánh cá vượt biển ra miền Bắc (1) để báo cáo tình hình Đồng khởi với BCHTƯĐCS và Bác Hồ, để Trung ương có đủ cơ sở thực tiễn đúc kết kinh nghiệm, chỉ đạo phong trào Đồng khởi, nắm tình hình, chuẩn bị mở con đường vận tải trên biển, chi viện cho cách mạng miền Nam.
Tháng 7-1961, đoàn xuất phát từ cồn Lợi, huyện Thạnh Phú, vượt biển ra Bắc. Nhờ kinh nghiệm của chuyến đi lần thứ nhất (3-1946), các đồng chí trong đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Qua 7 ngày đêm chống chọi với sóng to gió lớn, vượt qua màng lưới kiểm soát của địch, đoàn đã tới Hà Nội. Tại đây, đồng chí Đặng Bá Tiên thay mặt cho tỉnh ủy, đã báo cáo tình hình và kinh nghiệm của Bến Tre, được ban bí thư TƯĐCS đánh giá cao.
Từ cuộc vượt biển mở đường lần thứ hai này của Bến Tre, Trung ương đã quyết định mở con đường tiếp tế Bắc – Nam trên biển. Hàng ngàn tấn hàng hóa, vũ khí của miền Bắc chi viện được gởi tới căn cứ Thạnh Phong, Giao Thạnh (Thạnh Phú) và một số căn cứ thuộc tỉnh bạn như Trà Vinh, Cà Mau, phục vụ cho cuộc chiến đấu ở miền Nam. Sự chi viện này đã góp phần tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần cho phong trào cách mạng của nhân dân Bến Tre và nhân dân miền Nam nói chung.
Đứng trước sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, Mỹ, ngụy vội vàng đối phó bằng cách đưa nhiều cố vấn, phương tiện chiến tranh và đưa nhiều tiểu đoàn chủ lực đến Bến Tre, phối hợp với quân ở địa phương, triển khai kế hoạch phản kích lại. Chiến trường Nam Bộ được chia thành 3 vùng chiến thuật và 9 khu chiến thuật. Bến Tre nằm trong khu chiến thuật Tiền Giang (khu 32). Chúng lập thêm quận Hương Mỹ ở cù lao Minh, xây dựng các yếu khu, chi khu, tăng cường củng cố hệ thống đồn bót, tăng cường bắt lính, đôn quân, phát triển các sắc lính bảo an, dân vệ.
Từ năm 1962, chúng triển khai các cuộc càn quét, gom dân, lập ấp chiến lược, tăng cường củng cố hệ thống đồn bót. Đầu tiên chúng chọn xã Bình Nguyên) ở thị xã và xã Đại Điền (ở huyện Thạnh Phú) làm thí điểm. Sau đó, chúng chọn mỗi huyện một xã, mỗi xã một ấp làm thí điểm, rút kinh nghiệm và tiến hành rộng khắp trong tỉnh. Chúng dùng những thủ đoạn tàn bạo, dã man, bắt ép quần chúng phải rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa, vào ở trong các khu gom dân. Ở Thạnh Phú, địch đưa các tiểu đoàn bảo an đến càn quét, khủng bố, bắt dân dỡ nhà, dời vào các khu đồn. Chúng đốt phá, cào sập hàng trăm ngôi nhà trên một tuyến dài dọc sông Hàm Luông từ Trảng Cát tới giồng Bà Thiệm, buộc họ phải vào sống trong ấp chiến lược.
Ở Bình Đại, lính bảo an chi khu đốt phá, khủng bố, cưỡng bức 356 gia đình ở các kênh số 1, ven rừng Rạch Mây, ven sông Ba Lai vào các khu gom dân. Sự phản kích quyết liệt của địch diễn ra giữa lúc LLVT cách mạng, nhất là bộ đội tập trung, còn non yếu, nên chúng đã lấn chiếm được nhiều nơi. Trong năm 1962, địch đóng thêm 70 đồn, lập thêm 194 ấp chiến lược trong toàn tỉnh.
Tháng 12-1962, đồng chí Võ Chí Công, Phó bí thư Trung ương Cục, khi về kiểm tra tình hình tỉnh Bến Tre đã xác định: Trong cuộc chiến tranh cách mạng toàn dân, toàn diện của ta, lực lượng chính trị quần chúng và LLVT nhân dân đều là lực lượng cơ bản quyết định, nhưng khi đã đi vào chiến tranh thì LLVT có vai trò trực tiếp quyết định.
Đầu năm 1963, Tỉnh ủy họp, xác định công tác chống phá ấp chiến lược là nhiệm vụ trung tâm, hàng đầu của toàn Đảng, quân dân Bến Tre.
Giữa lúc phong trào chiến tranh du kích Bến Tre đang diễn ra trong thế giằng co, thì ngày 22-1-1963, quân dân Mỹ Tho giành thắng lợi lớn trong trận Ấp Bắc. Thắng lợi này cung cấp những kinh nghiệm có giá trị về cách đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, của Mỹ, ngụy. Một phong trào "thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công" lan rộng khắp miền Nam.
Tại Bến Tre, Tỉnh ủy kịp thời phát động phong trào thi đua học tập Ấp Bắc, đồng thời triển khai nghị quyết xây dựng LLVT. Cuối năm 1963, mỗi huyện có từ 3 đến 5 trung đội, tỉnh có 3 đại đội. Các đội du kích được củng cố và phát triển mạnh, toàn tỉnh có 17.241 đội viên. Quân và dân Bến Tre đã loại khỏi vòng chiến đấu 8.786 tên địch, diệt 50 đồn bót, giải phóng hoàn toàn 27 xã. Quần chúng đấu tranh quyết liệt không cho địch dỡ nhà, cào nhà, dồn quân với khẩu hiệu "một tấc không đi, một li không rời”. Trong các ấp chiến lược, nhân dân đấu tranh đòi trở về ruộng vườn, chống mọi hình thức kìm kẹp của địch. Gần 100 trong số 194 ấp chiến lược đã bị quần chúng phá đi, phá lại nhiều lần.
Tháng 1-1963, hơn 30.000 người từ các huyện đã kéo về thị xã đấu tranh đòi địch chấm dứt rải chất độc hóa học, đòi bồi thường cho những nạn nhân bị nhiễm độc. Đây là cuộc đấu tranh có qui mô lớn nhất và có ảnh hưởng rộng trong nhân dân vùng địch kiểm soát và cả trong hàng ngũ địch.
Có thể nói phong trào đấu tranh chống địch rải chất độc hóa học đã kích thích mạnh mẽ tinh thần dân tộc của nhiều tầng lớp trí thức, nhân sĩ, nhà tu hành, binh lính, sĩ quan ngụy quyền. Có cuộc, hàng trăm ghe xuồng tập trung biểu tình trên sông Bến Tre, kéo dài cả cây số với băng cờ khẩu hiệu phản đối.
Trước những thắng lợi dồn dập của quân và dân miền Nam trên mặt trận quân sự và chống phá ấp chiến lược, kế hoạch Staley – Taylor của Mỹ lâm vào thế nguy cơ phá sản. Phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố lại dâng lên mạnh mẽ, mà nổi bật là phong trào đấu tranh của giới Phật giáo. Ngày 1-11-1963, đế quốc Mỹ buộc phải bật đèn xanh cho một số tướng lĩnh làm đảo chính, lật đổ Ngô Đình Diệm, đưa Dương Văn Minh lên thay, nhằm xoa dịu làn sóng đấu tranh của nhân dân, đồng thời trấn an bọn tay chân. Thế nhưng, sau cuộc đảo chính, ngụy quyền tay sai càng khủng hoảng, các phe phái tranh chấp, xâu xé lẫn nhau.
Nắm vững thời cơ có lợi, nhân dân Bến Tre cùng với quân và dân toàn miền Nam đẩy mạnh tiến công bằng ba mũi giáp công, tiêu diệt lực lượng chiếm đóng, phá từng mảng ấp chiến lược của địch.
Để cứu vãn tình hình nguy ngập của chúng, tháng 3-1964, Mỹ bèn đưa ra kế hoạch mới, kế hoạch Johnson-Mc Namara, nhằm bình định miền Nam trong vòng hai năm (1964-1965). Chúng lập ra Bộ chỉ huy liên hợp Việt - Mỹ. Cùng một lúc, chúng tăng thêm 6.000 cố vấn và lính chiến đấu Mỹ, đưa số quân Mỹ ở miền Nam lên trên hai vạn rưỡi tên vào cuối năm 1964.
Tại Bến Tre, chúng chọn huyện Thạnh Phú, một huyện thuộc vùng biển, làm trọng điểm bình định. Đầu năm 1964, chúng mở cuộc hành quân "Phượng hoàng TG.1", tập trung 6.000 quân, có không quân yểm trợ, đánh vào 2 xã Thạnh Phong và Giao Thạnh nhằm phá hủy căn cứ tiếp vận, cắt đứt sự chi viện Bắc – Nam.
Quân và dân Thạnh Phú đã chặn đánh địch nhiều trận ở Hồ Cỏ, Cái Cát, Khâu Băng... diệt và làm bị thương 1.240 tên, trong đó, có tên Lye, đại tá không quân Hoàng gia Anh ở Viễn Đông, bắn rơi và bắn hỏng 47 máy bay, thu trên 200 súng. Căn cứ Thạnh Phú được giữ vững, âm mưu triệt phá đầu cầu tiếp vận của Mỹ, ngụy bị bẻ gãy.
Ở Thạnh Phong, chị em phụ nữ đấu tranh trực diện với cố vấn Mỹ, phản đối việc bắn pháo vào rừng và khu dân cư, đòi chạy chữa những người bị thương. Cuộc đấu tranh thắng lợi đã góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng đồng bào và chiến sĩ ở vùng căn cứ.
Tháng 2-1964, Tỉnh ủy họp, chủ trương “đẩy mạnh hoạt động du kích chiến tranh đều khắp 3 vùng trong tỉnh", chống càn quét, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, gỡ đồn bót, phá dứt điểm ấp chiến lược, làm thất bại âm mưu bình định của địch.
Mở đầu chiến dịch, ta diệt gọn một loạt đồn ở Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn, Tân Xuân (Ba Tri). Các đồn bót còn lại ở các xã Bảo Thạnh, Tân Thủy, Phú Ngãi, Phú Lễ, Phước Tuy được gom về đồn Xã Diệu ở An Hòa Tây. Nhờ nội ứng, ta tiêu diệt luôn đồn này, thu trên 150 súng. Những đồn còn lại cuốn chạy về thị trấn.
Địch điều sư đoàn 7 chủ lực đến Ba Tri. Một cuộc biểu tình lớn phản đối cuộc càn quét, đánh phá của địch đông trên 25.000 người (trong đó có 2.000 người nhà binh sĩ) kéo vào thị xã, làm cho tên tỉnh trưởng bất ngờ, lúng túng phải ra lệnh rút quân chủ lực về để bảo vệ thị xã, chỉ để lại một tiểu đoàn “Ó đỏ”.
Trong lúc ta tấn công mạnh ở Ba Tri, quân và dân Bình Đại nổi lên tiêu diệt, bức hàng và bức rút cả chục đồn bót. Sau thắng lợi ở Ba Tri, Bình Đại, chiến dịch phát triển sang cù lao Minh. LLVT của ta đánh thiệt hại nặng đồn Cây Điệp (chợ Thom, xã An Thạnh). Khu trù mật Thành Thới, chi khu Đôn Nhơn (Ba Vát) và nhiều đồn bót khác không chịu nổi sức tấn công của quân dân ta, phải rút chạy.
Tháng 7-1964, quân dân Bến Tre lại mở tiếp đợt tấn công mới nhằm phá đứt điểm những ấp chiến lược còn lại. Tiểu đoàn 516 bộ đội tỉnh cùng dân quân du kích tiến công tiêu diệt đồn Cây Điệp (Giồng Trôm) và đồn Phú Túc (Châu Thành). Địch đưa tiểu đoàn 32 biệt động quân cùng lực lượng bảo an ninh tỉnh đến giải tỏa, bị LLVT ta phục kích tại Lộ Thơ, xã Thành Triệu, tiêu diệt gần hết. Ta thu trên 200 súng. Thừa thắng, quân dân ta tiếp tục bức rút nhiều đồn, phá dứt điểm các ấp chiến lược ở các xã Tường Đa, Thành Triệu, An Khánh, Tam Phước, Phú An Hòa (Châu Thành).
Tính đến đầu năm 1965, quân dân Bến Tre đã giải phóng 72 xã, với 550.000 dân, vùng giải phóng chiếm 3/4 đất đai và đã hình thành thế liên hoàn giữa các huyện. Những chiến thắng của quân dân ta trên chiến trường Bến Tre cũng như trên chiến trường toàn miền Nam đã bẻ gãy chiến lược "chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.