Cây đuốc sống Lê Văn Tám:
Trong bài “Một tháng đứng đầu sóng ngọn gió không thể nào quên” đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 23-9-2008, có viết:
“Đêm 17-10, thiếu niên Lê Văn Tám được anh Lê Văn Châu tổ chức, đã tình nguyện bí mật đột nhập vào bên trong, mang theo diêm và xăng, đã đốt được kho đạn rất lớn của Pháp, gần cầu Thị Nghè. Khi rút lui bị dính xăng, bén lửa, đã cháy thành một cây đuốc sống, nêu tấm gương sáng ngời của thiếu niên Việt Nam xả thân vì nước”.
Đọc bài báo đó, có người gọi điện thoại cho tôi biết rằng, họ đã đọc một số sách, được xuất bản trong dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ có ghi một trận đánh vào kho đạn Thị Nghè vào ngày 8-4-1946. Trong trận này không thấy nêu “Cây đuốc Lê Văn Tám”. Có người đã gửi cho tôi một tài liệu được lấy trên mạng thông tin điện tử, trong đó giáo sư Phan Huy Lê đã tiết lộ: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”.
Giáo sư Phan Huy Lê còn cho biết, tiết lộ ra chuyện này là để trả món nợ với ông Trần Huy Liệu. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, ông Trần Huy Liệu đã tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè. Ông Liệu đã nói với ông Lê rằng: “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”. Những năm sau năm 1945, ông Liệu đã giữ chức Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và đã mất năm 1969. Giáo sư Lê cũng đề cập đến chi tiết phi lý trong chuyện này là: “Cậu bé Lê Văn Tám, sau khi tẩm xăng vào người và tự châm lửa đốt, vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với quãng đường 50 mét. Tôi đã hỏi một số bác sĩ và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy”.
Về phần tôi, khi viết về sự kiện “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”, tôi đã tìm hiểu từ cuốn “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975) của Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1994. Chỉ đạo nội dung cuốn sách này là Ban tổng kết chiến tranh của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Chủ biên là đồng chí Trần Hải Phụng (nhiều năm làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) và đồng chí Lưu Phương Thanh (phụ trách nghiên cứu lịch sử Đảng). Theo sách này thì đánh kho đạn Thị Nghè có hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 17-10-1945 và lần thứ hai vào ngày 8-4-1946.
Về trận thứ nhất, ở trang 63 của sách này có ghi:
“Ngày 17-10-1945, tại mặt trận phía Bắc, quân ta phục kích ở cầu Tham Lương đánh lui đoàn xe của địch gồm 8 chiếc chở lính có xe thiết giáp yểm trợ, hành quân lên Hóc Môn, ta phá hủy 5 xe và diệt một số tên. 10 giờ, kho đạn Thị Nghè nổ dữ dội. Đây là kho chứa bom đạn từ bến tàu bốc lên, đặt tại khu đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) cạnh vườn thú, được bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt, xung quanh kho có hào sâu, tường cao 2 mét, chăng kẽm gai và hệ thống tháp canh, có đèn quét ban đêm. Một đại đội Âu Phi thường xuyên tuần tra canh gác.
Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới 13 tuổi, được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát. Đêm 17-10 (1945) Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm. Buổi sáng, chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống, đã hy sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh phía bên kia đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt.
Gương hy sinh của em bé “đuốc sống” trở thành một hình tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của thiếu niên nhi đồng trong những ngày đầu chống Pháp”. Ngày 19-10-1945, Báo Cứu Quốc có bình luận: “Trận Thị Nghè ghi vào chiến sử Việt Nam”. Theo sách “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975)”, ở trang 108, thì kho đạn này còn bị đánh lần 2 vào ngày 8-4-1946 và báo Tin Điễn ra ngày 9-4-1946 đưa tin: “Một tai nạn dữ dội... Kho đạn Sài Gòn (đường Docteur Angier, tả ngạn kênh Avalanche) phát nổ. Tai nạn có thể kéo dài đến nhiều ngày”.
Sự kiện trận đánh ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” còn được nêu cụ thể hơn trong tập II bộ sách “Mùa thu rồi ngày hăm ba” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 1996, ở trang 67:
“Đêm ngày 17-10-1945, đội viên cảm tử Lê Văn Tám dũng cảm đốt kho đạn Thị Nghè (người tổ chức cho Lê Văn Tám thực hiện chiến công này là anh Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị). Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn.
Đài phát thanh bên kia đường bị sập một phần lớn, đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt… (viết theo tư liệu của Ban Tuyên huấn Quận ủy Bình Thạnh)”.
Với các tư liệu như đã nêu trên thì có thể khẳng định: Đánh kho đạn Thị Nghè có 2 lần vào ngày 17-10-1945 và ngày 8-4-1946; trận ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” là có thực; Lê Văn Tám đã đốt kho đạn, không phải kho xăng; Lê Văn Tám không phải “tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng” mà “đã lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa thành “cây đuốc sống”; người tổ chức, bày kế hoạch cho Lê Văn Tám làm là anh Lê Văn Châu, đã hy sinh trong trận đánh giặc Pháp ở Ngã ba Cây Thị năm 1946.
Việc xác định rõ như trên, có ý nghĩa quan trọng vì ở nhiều nơi đã có công viên, trường học, tượng đài, đường phố mang tên Lê Văn Tám. Tại Đền tưởng niệm liệt sĩ ở Bến Dược, Củ Chi, “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” đã được trân trọng tôn vinh.
Với sự kiện “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”, ngày 17-10 hàng năm đáng là ngày cho nhân dân ta, đặc biệt là cho tuổi trẻ nước ta tưởng niệm.