--------------------------------------------------------------------------------
Năm 2008, Thành ủy Hà Nội đã thi hành kỷ luật 913 đảng viên (0,295%). Trong đó, xử lý hình sự 77 đảng viên, 31 đảng viên phải xử lý hành chính, khiển trách 287, cách chức 53 và khai trừ 107 người, còn lại bị cảnh cáo. Thông tin do Bí thư Phạm Quang Nghị. Ảnh: Phạm HảiPhó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cho hay tại Hội nghị lần thứ 14 của Thành ủy Hà Nội hôm nay (7/1).
Kỷ luật 5 người đứng đầu
Ông Dực cho hay, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Thành ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp cũng đã tiến hành kiểm tra 449 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, qua đó phát hiện 342 trường hợp vi phạm (chiếm 76,2%).
Ban Thường vụ Thành ủy kỷ luật 4 đảng viên, UBKT Thành ủy kỷ luật 17 đảng viên, trong đó 5 người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị của thành phố.
Các sai phạm chủ yếu là thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm đạo đức, lối sống, mất đoàn kết nội bộ và cố ý làm trái.
Trong đó, riêng UBKT Thành ủy đã tiến hành kiểm tra 16 đảng viên, như Tổng GĐ Tổng Công ty Đầu tư và xây dựng thương mại VN, 1 chỉ huy trưởng quân sự quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Phó GĐ Sở Tư pháp, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn...
Vi phạm chủ yếu là thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm đạo đức, lối sống, mất đoàn kết nội bộ và cố ý làm trái. Một bộ phận đảng viên vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống, trong đó nổi lên là tình trạng quan liêu, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu khi thực thi công vụ.
Việc kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng vi phạm được Thành ủy Hà Nội chọn là khâu đột phá của 2008. Vì vậy, các cuộc kiểm tra đều có kết luận rõ ràng, nêu rõ khuyết điểm sai phạm.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban kiểm tra cũng thừa nhận, việc kiểm tra còn chưa tập trung vào các vấn đề dư luận bức xúc như công tác cán bộ, quản lý đất đai, tài chính, dự án đầu tư...
Theo ông Trần Trọng Dực, vấn đề đặt ra là một số vụ việc vi phạm chậm được phát hiện để ngăn chặn, xử lý từ khi manh nha. Nguyên nhân chính là do việc quản lý cán bộ, đảng viên còn chưa tốt, có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn kiểm tra và xử lý khi có dấu hiệu sai phạm.
Đơn tố cáo chạy chức, chạy quyền
Cũng trong năm qua, Thành ủy đã nhận được 529 đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh, với 98 đơn nặc danh. Nội dung đơn thư chủ yếu tập trung vào việc chạy chức, chạy quyền, sử dụng bằng giả, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tham ô, tham nhũng, vi phạm phẩm chất đạo đức, dung túng bao che cho cán bộ cấp dưới và xử lý cán bộ không nghiêm...
Thành ủy Hà Nội đã xác minh và kết luận có 4 đơn tố cáo đúng, liên quan đến Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng và 3 lãnh đạo của TP Sơn Tây do chuyện cấp đất sai mục đích: phó Bí thư thành ủy Sơn Tây, phó Chủ tịch UBND TP, Chánh Thanh tra TP.
Theo ông Dực, tình hình đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến cán bộ chủ chốt vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, một số nơi chuẩn bị đề bạt, bổ nhiệm nhân sự.
Năm 2009, Thành ủy Hà Nội chọn 2 khâu đột phá là công tác tổ chức cán bộ và cải cách hành chính. Thành phố tiếp tục giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, tài chính, bố trí cán bộ sau hợp nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu, năm nay cần đánh giá sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của các cấp ủy và hiệu quả hoạt động của ủy ban kiểm tra.
"Nhiệm vụ đặt ra với năm 2009 rất nặng nề, khối lượng công việc lớn, vì vậy phải xác định tinh thần quyết tâm cao độ, luôn chủ động với bất kỳ tình huống nào xảy ra", ông Nghị nói.
Lê Nhung
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/01/822602/