--------------------------------------------------------------------------------
Nhân 118 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại nhớ đến Bác, nhớ những lời dạy của Bác từ nửa thế kỷ trước về tệ quan liêu, tham nhũng: “Tham ô, lãng phí và tệ quan liêu là kẻ thù của nhân dân, nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta…”
Vào năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, vậy mà Bác vẫn phải vạch mặt một loại kẻ thù khá nguy hiểm “nằm trong các tổ chức của ta”, đây là một mặt trận không thể một phút buông lơi vũ khí. Khi cách mạng đã giành thắng lợi, vấn đề càng trở nên cấp thiết, đúng như Bác Hồ đã nói: “Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng; song, đến khi có ít nhiều quyền hạn ở trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu không tự giác, cho nên biến thành người có tội với cách mạng… Có những người miệng thì nói: phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng về vật chất, dễ dàng phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến tổ quốc, nhân dân…”
Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được, nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó. Bác Hồ đã thẳng thắn chỉ rõ một nguyên nhân dẫn đến tội tham ô, lãng phí chính là bệnh quan liêu; cũng có nghĩa là trách nhiệm thuộc về người lãnh đạo: “… Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng… chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn… thành thử có mặt mà không thông suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí…”
Nhưng biện pháp trừng trị với sự nghiêm minh của pháp luật chưa phải là cách chữa bệnh tận gốc. Hồ chủ tịch cũng đã chỉ rõ: “… Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công. Quần chúng tức là toàn thể các chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan, … rồi đến toàn thể nhân dân. Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc thành công…”
Không thể vì căm ghét cái xấu mà giả định mọi người đều có thể xấu. Và không thể muốn đẩy lùi cái xấu, mà vô tình hay hữu ý hạ thấp nhân phẩm của quần chúng. Đọc lại những lời Bác Hồ nói từ thế kỷ trước chúng ta bỗng giật mình nghĩ đến hiện tại. Giá như những cán bộ, lãnh đạo có liên quan đến các vụ án tham nhũng gần đây luôn nhớ lời dạy của Bác thì đất nước đã đỡ tổn thất hàng ngàn tỷ đồng, số tiền đủ để xây hàng ngàn trường học kiên cố khắp nơi tại các vùng sâu, vùng khó khăn của đất nước ta! Bệnh quan liêu đi cùng với nạn tham ô, lãng phí thật đáng là “kẻ thù không mang gươm, mang súng” mà nguy hại khôn lường. Chính vì thế mà Bác đã nói: “Tội lỗi ấy cũng nặng ngang tội lỗi Việt gian, mật thám”. Đối chiếu với những vụ tham ô vừa qua, chúng ta cần phải mạnh tay để tệ tham nhũng khỏi lan tràn.
Nguồn: Báo Du lịch
http://www.chungta.com/Desktop.aspx/...ng_tham_nhung