Chấp hành Nghị quyết 14 của Trung ương Đảng ngày 25.10.1967, Trung ương cục miền Nam ra Nghị quyết về tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Nghị quyết này còn được gọi là Nghị quyết Quang Trung.
Chiến dịch Xuân Mậu Thân ở Sài Gòn - Gia Định kéo dài gần 5 tháng gồm 2 đợt tiến công: đợt 1 từ 31.1.1968 đến 28.2.1968, đợt 2 từ 5.5.1968 đến 18.6.1968.
Trong chiến dịch này, riêng ở khu vực nội thành, ta đã sử dụng từ 15 đến 22 tiểu đoàn bộ binh cùng các đơn vị đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang địa phương gồm quận huyện, ban ngành, đoàn thể, kết hợp với các lực lượng chính trị và binh vận.
Vào đợt 1, giờ G, ngày N trên toàn miền được quy định là 00 giờ đến 2 giờ sáng mùng 2 Tết theo lịch cũ. Các tư lệnh quân khu, các chỉ huy, các cụm biệt động đã được phổ biến 48 giờ trước giờ G. Một việc đáng tiếc là do đổi lịch nên ở miền Bắc, Khu 5 và Tây Nguyên nổ súng trước, theo lịch cũ, B2 (tức miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định) nhận được lệnh hoãn, nổ súng đúng lịch mới.
Kế hoạch của ta là: biệt động bất ngờ đánh chiếm mục tiêu và giữ trong khoảng 1 giờ chờ các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng thanh niên xung kích hoặc lực lượng địch binh biến đến hỗ trợ tăng cường và giữ mục tiêu luôn. Theo hợp đồng, "giờ G" được báo hiệu bằng những loạt pháo ĐKB bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và bộ Chỉ huy MACV, vị trí của tướng Óet-mo-len (Westmoreland), nhưng đã không thực hiện được.
Chờ mãi không thấy, 2 giờ sáng ngày 31.1.1968, bộ phận phối thuộc cho tiểu đoàn 268 phân khu 2 ở phía tây Tân Sơn Nhất bắn 8 quả 82 ly vào sân bay. Cả thành phố coi đó là hiệu lệnh tấn công. Đội biệt động nổ súng đúng giờ vào các mục tiêu dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất. Riêng mục tiêu Tổng nha Cảnh sát, kho xăng Nhà Bè, Bộ tư lệnh hải quân thì không thực hiện được. Lực lượng ta chiếm một nửa sân bay Tân Sơn Nhất. Các tiểu đoàn do Bộ tư lệnh tiền phương Nam phụ trách cùng với các lực lượng bán vũ trang gồm cán bộ, công nhân viên, các cơ quan khu ủy, trung ương cục lọt sâu vào nội thành, kết hợp với lực lượng quần chúng, làm chủ một vùng rộng đến tận khu Ngã Sáu Chợ Lớn, Cầu Muối, Chợ Thiếc. Nhưng lượng chính qui không vào được thành phố nên cuối cùng phải rút lui.
Ý nghĩa lớn lao nhất của đợt 1 Tết Mậu Thân chính là đòn đánh "trúng sọ não" và sự bất ngờ về mọi mặt đối với địch. Việc quân dân ta đồng loạt tấn công vào hậu phương, sào huyệt của địch, "đưa chiến tranh vào đô thị" chính là điều choáng váng nhất đối với đế quốc Mỹ trong quá trình xâm lược Đông Dương. Ngày 31.1.1968 tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ tới, chấp nhận chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, đồng ý thương lượng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu từ ngày 3.5.1968 tại thủ đô Paris.
Đợt 2 được bắt đầu lúc 0 giờ 30 phút ngày 5.5.1968, các loạt hỏa tiễn M.12, ĐKB bắn vào các mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, Sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập, Tân cảng Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân, Tổng nha cảnh sát.
Trong đợt này trung đoàn 1, sư đoàn 9, tiểu đoàn 6 Bình Tân, trung đoàn bộ binh 2 phân khu 2, các lực lượng vũ trang các ngành, giới, các quận đã mở diện tấn công rộng rãi và mạnh mẽ ở các khu phố quan trọng trong khắp nội thành diệt nhiều cảnh sát, mật vụ ác ôn. Tại cửa ngõ tây nam quân ta thọc sâu vào tận đường Tổng đốc Phương.
So với đợt 1, đợt 2 quân chủ lực tiến sâu hơn: chiếm ngã tư Hàng Xanh, phía bắc đường Chi Lăng, giữa thị xã Gia Định. Vào đợt 2, mặc dầu yếu tố bất ngờ về chiến lược không còn, nhưng ta tiếp tục "đưa chiến tranh vào thủ đô địch", riêng trong thành phố ta diệt nhiều sinh lực địch hơn đợt 1.
Với hai đợt tấn công Tết Mậu Thân 1968, ta đã chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một giai đoạn mới giành thắng lợi quyết định.
Sau cuộc tổng công kích và nổi dậy tết Mậu Thân ở Sài Gòn - Óet-mo-len đã viết về Mậu Thân và các báo chí cũng ghi lại cuộc tiến công mùa Xuân năm 1968.
Theo "Hỏi và đáp 300 năm Sài Gòn - TP. HCM"