- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc dấu tranh đòi độc lập của nhân dân Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc đại bùng lên mạnh mẽ. Tiêu biểu là ngày 19-12-1946, hai vạn thuỷ binh trên 20 chiến hạm ở Bombay biểu tình chống đế quốc Anh, đòi độc lập dân tộc.
- Ngày 22-2, ở Bombay cuộc bãi công, tuần hành và mit tinh của quần chúng thu hút 20 vạn công nhân, học sinh, sinh viên tham gia... Nhiều cuộc xung đột vũ trang của nông dân với địa chủ và cảnh sát nổ ra ở các tỉnh.
- Đầu năm 1947, cao trào bãi công của công nhân đã nổ ra ở nhiều thành phố lớn như cuộc bãi công của hơn 40 vạn công nhân ở thành phố Cancútta (tháng 2-1947).
- Đứng trước quy mô rộng lớn và khí thế của phong trào đấu tranh đã làm cho thực dân Anh không thể tiếp tục thống trị Ấn Độ theo hình thức thực dân cũ được nữa nên phải nhượng bộ, hứa sẽ sẽ trao quyền tự trị cho Ấn Độ và người Anh sẽ rời khỏi Ấn Độ trước tháng 7–1948.
- Maobattơn – Phó vương – đã thương lượng với Đảng Quốc đại và Liên đoàn Hồi giáo Ấn Độ, đề ra phương án trao trả độc lập cho Ấn Độ (phương án Maobattơn). Theo đó, Ấn Độ sẽ bị chia thành hai quốc gia tự trị dựa trên cơ sở tôn giáo: Ấn Độ của những người theo Ấn Độ giáo và Pakixtan của những người Hồi giáo. Ngày 15-8-1947, Ấn Độ đã tách thành hai quốc gia như đã nói ở trên.
- Không thoả mãn với quy chế tự trị, trong những năm 1948-1950, Đảng Quốc đại đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập hoàn toàn. Trước sức ép của phong trào đấu tranh, thực dân Anh buộc phải công nhận độc lập hoàn toàn của Ấn Độ. Ngày 26-1-1950, Ấn Độ tuyên bố độc lập và nước cộng hoà Ấn Độ chính thức được thành lập.