Hệ thống Tư pháp VN xếp gần cuối bảng ở Châu Á
Bản thăm dò của Tổ Chức Tư Vấn Các Rủi Ro Kinh Tế và Chính Trị, gọi tắt là PERC, xếp Việt Nam đứng kế cuối trong bảng xếp hạng các thể chế tư pháp khu vực Châu Á.
Vụ Thứ trường Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam vì tham nhũng, sau đó lại được trắng án, được phục hồi sinh hoạt đảng, rồi lại bị cách chức... cho thấy sự yếu kém của ngành tư pháp Việt Nam.
Bộ Trưởng Tư Pháp Anh Quốc, Jack Straw thăm Việt Nam, đọc diễn văn tại Đại Học Luật Hà Nội, nói rằng “Luật pháp có thể giúp người dân làm chủ cuộc sống trong sự nhận thức toàn diện về quyền và nghĩa vụ.”
Trong khi đó, thì một thăm dò tại Hồng Kông xếp Việt Nam đứng kế cuối trong bảng xếp hạng các môi trường pháp lý Châu Á. Biên tập viên Thiện Giao có thêm chi tiết sau đây.
Trong cùng một thời điểm, có 2 sự kiện liên quan đến nhận thức và đánh giá về hệ thống tư pháp Việt Nam. Sự kiện thứ nhất là bài diễn văn của Bộ Trưởng Tư Pháp Vương Quốc Anh, Jack Straw, tại Đại Học Luật Hà Nội. Sự kiện thứ hai là bản thăm dò về các hệ thống tư pháp tại Châu Á do tổ chức PERC thực hiện tại Hồng Kông.
Hy vọng là trong vòng bốn mươi năm nữa, Việt Nam có thể khẳng định vị trí trên trường quốc tế, trong vai trò một lực đẩy tiến bộ mang lại sự thay đổi xã hội cũng như phát triển kinh tế, dựa trên nền tảng luật pháp và tôn trọng nhân quyền.
Bộ Trưởng Jack Straw
Bài diễn văn ngày 11 tháng chín của Bộ Trưởng Jack Straw, trong khi đề cập đến khái niệm “dân chủ,” “nhân quyền” và “quyền tự do công dân,” thì ông Bộ Trưởng nói rằng ông “hy vọng là trong vòng bốn mươi năm nữa, Việt Nam có thể khẳng định vị trí trên trường quốc tế, trong vai trò một lực đẩy tiến bộ mang lại sự thay đổi xã hội cũng như phát triển kinh tế, dựa trên nền tảng luật pháp và tôn trọng nhân quyền.”
Trong khi đó, bản thăm dò của Tổ Chức Tư Vấn Các Rủi Ro Kinh Tế và Chính Trị, gọi tắt là PERC, xếp Việt Nam đứng kế cuối trong bảng xếp hạng các thể chế tư pháp khu vực Châu Á.
Nguyên do?
Theo tạp chí The Economic Times, thì Tổ Chức PERC nói rằng đối với trường hợp Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ 2 quốc gia này thiếu tự do chính trị; cụ thể là Đảng Cộng Sản ở cả 2 quốc gia này “nằm trên luật pháp.”
Cách đây không lâu, Toà Án Việt Nam tiến hành xét xử một nhân vật khiến giới bất đồng chính kiến bất mãn. Đó là vụ bắt giam blogger Điếu Cày, và xét xử ông về tội “trốn thuế” trong khi trên thực tế người ta biết ông là người biểu tình chống Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.
Sau khi Thử trưởng Nguyễn Việt Tiến được tuyên bố trắng án hôm 28-3-2008, nhiều nhà báo phanh phui vụ tham nhũng PMU18 lại bị bắt giam, khởi tố.
Trong cuộc phỏng vấn chỉ một ngày trước phiên xử, luật sư của Điếu Cày, là ông Lê Công Định nói rằng “có thể toà đã có kết luận của họ.”
“Về mặt hồ sơ chứng cứ thì chúng tôi rất tự tin. Nhưng những vụ như thế này, trước đây đã từng xảy ra, nên kết quả thì tôi không thể biết trước. Có thể Toà đã có kết luận của họ rồi. Việc ra toà hôm nay chỉ theo đúng trình tự pháp luật mà làm. Còn có bản án công bằng cho ông Nguyễn Văn Hải [Điếu Cày] hay không thì phải đợi đến phiên xử mới có câu trả lời.”
Trong khi bài diễn văn của Bộ Trưởng Straw đề cập đến Nghị Quyết số 48 của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam với những chủ trương mà ông cho là “tốt,” ông cũng nhấn mạnh, rằng người Anh có câu tục ngữ “phải ăn mới biết bánh ngon,” và rằng “chính cách thực thi luật pháp, chính kinh nghiệm của mỗi công dân đối với sự thực thi luật pháp, mới xác định được sự thành bại của một chủ trương. Và chính mỗi người Việt Nam, cũng như chính phủ và những nhà đầu tư nước ngoài, cần phải nếm thử hương vị của sự phát triển mà Việt Nam đang đạt được.”
Tôi làm việc tại Việt Nam năm 1997-1998, theo tôi được biết từ đó đến nay cũng không có thay đổi nhiều. Tôi nhận thấy chính phủ ban hành rất nhiều luật, nhưng vấn đề là họ không theo luật. Có luật mà không theo luật thì cũng như là không có luật.
Luật Sư Nhân Vũ
Tình trạng hối lộ, tham nhũng
Cách đây không lâu, vụ 4 viên chức công ty PCI của Nhật Bản hối lộ cho một quan chức Việt Nam cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi về Luật và khả năng thực thi Luật tại Việt Nam.
Vụ hối lộ này được phía Nhật Bản điều tra, bắt nguồn từ những nghi vấn xung quanh việc vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.
Một luật sư hành nghề tại Việt Nam, là ông Nguyễn Vân Nam, nói rằng luật Việt Nam bất khả ứng dụng trong trường hợp này.
“Đạo luật thực sự có hiệu quả nhất để trị những hành vi này là luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Thế nhưng, luật Việt Nam, trong phần chống cạnh tranh không lành mạnh, lại không hề nêu hành động hối lộ hay tham nhũng như thế này như là hành động cạnh tranh không lành mạnh.”
Mặt khác, theo một luật sư đang hành nghề tại California, Hoa Kỳ, và cũng từng là giáo sư Luật tại Đại Học Chapman tại California, là ông Nhân Vũ, thì Việt Nam có luật nhưng không áp dụng luật.
“Tôi làm việc tại Việt Nam năm 1997-1998, theo tôi được biết từ đó đến nay cũng không có thay đổi nhiều. Tôi nhận thấy chính phủ ban hành rất nhiều luật, nhưng vấn đề là họ không theo luật. Có luật mà không theo luật thì cũng như là không có luật.”
Trở lại với bản thăm dò của PERC. Thăm dò này đưa đến kết quả: Hồng Kông được xếp hạng cao nhất, tiếp theo là Singapore, sau đó là hệ thống tư pháp của các quốc gia Nhật, Nam Hàn, Đài Loan và Philippines. Những nước đứng cuối bảng gồm có Malaysia hạng bảy, sau đó là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia.
PERC đưa vào trong thăm dò của mình các yếu tố, như quyền sở hữu trí tuệ, tình trạng tham nhũng, tính minh bạch, cơ quan thi hành công vụ, tự do chính trị, kinh nghiệm và các tiêu chuẩn giáo dục của giới luật sư và thẩm phán.
Cũng theo The Economic Times, đại diện PERC nói rằng, hệ thống tư pháp càng tốt, thì tham nhũng càng thấp, quyền sở hữu trí tuệ càng được bảo đảm, và nền kinh tế càng thịnh vượng.
Có lẽ kết luận này có sự tương đồng với phát biểu của Bộ Trưởng Jack Straw, đó là “Bằng chứng rõ ràng nhất về giá trị của luật pháp được thể hiện qua thực tế, rằng những quốc gia gặt hái được sự ổn định chính trị, xã hội, và kinh tế chính là những quốc gia duy trì được tinh thần của luật pháp.”
Một điều hiển nhiên, là tinh thần tôn trọng luật pháp đặt nền tảng cho thịnh vượng của quốc gia cũng như khẳng định tư thế của quốc gia ấy trên trường quốc tế.
Có lẽ, quan trọng hơn nữa, chính là tư thế của mỗi con người được nâng cao hơn trong môi trường tôn trọng pháp quyền. Bộ Trưởng Jack Straw nói, là “… Luật pháp có thể giúp người dân làm chủ cuộc sống trong sự nhận thức toàn diện về quyền và nghĩa vụ.”