Ngày Nhớ ơn Thầy Cô, nhìn lại học đường
Trong bậc thang “Quân – Sư – Phụ” của xã hội cổ Việt Nam, nhà giáo được xếp hạng sau vua, nhưng đứng trên cha mẹ.
"Thầy Cô dìu dắt, nâng bước cho Học Trò", hình ảnh thường thấy trong xã hội giàu truyền thống hiếu học của Việt Nam.
Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam, Hà Giang tìm hiểu tinh thần tôn sư trọng đạo trong xã hội Việt Nam bây giờ so với ngày xưa.
Truyền thống Tôn sư Trọng đạo
Thời nay, tuy những giá trị thời phong kiến này không còn tồn tại, nhưng dân tộc ta vẫn cố gắng giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” qua ngày lễ hiến chương nhà giáo Việt Nam, còn gọi là ngày Nhớ Ơn Thầy Cô, được tổ chức hàng năm vào ngày 20/11.
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Câu ca dao này nói lên được tầm quan trọng của ngành sư phạm, địa vị của người thầy trong xã hội, và lòng yêu quý của phụ huynh học sinh dành cho các bậc dậy dỗ con em mình.
Trải qua nhiều thời đại, nền giáo dục Việt Nam cũng đã có những thăng trầm theo với vận mệnh của đất nước. Những trao đổi với các phụ huynh và nhà giáo ngày nay cho ta thấy không thiếu những thầy cô thanh bạch, tuy nghèo khổ vẫn xem việc dậy học là một thiên chức, sống hết mình với lương tâm nghề nghiệp, và tìm đủ mọi cách để dậy dỗ, giúp đỡ học trò.
Tuy nhiên số thầy cô tận tụy với nghề ngày càng ít đi, bởi đời sống kinh tế khó khăn thúc bách sau lưng họ từng ngày, khiến cho họ dù có tận lực đến đâu cũng không sao thoát ra khỏi được vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống.
Dư luận quan ngại rằng xã hội ngày nay không còn coi trọng sự học như ngày xưa. Học sinh đến trường nhiều khi không phải để học, mà chỉ để mong đạt lấy mảnh bằng, mà mảnh bằng thì cũng lắm khi vô nghĩa.
Hệ thống giáo dục bất cập đã thúc đẩy các nhà giáo phải tranh đua nhau tìm đủ mọi cách kiếm tiền để bù vào cho chỗ trống của ngân khoản gia đình, do đồng lương ít ỏi mà họ nhận được từ nhà nước.
Việc dậy học thêm của họ đã ít nhiều làm hao mòn lòng kính trọng của học sinh dành cho thầy cô khả kính. Vì thế, hình ảnh cao quý của bậc thầy ngày xưa, nay đã có phần mai một.
Đa số học sinh và phụ huynh giờ đã nhìn nhà giáo với một cái nhìn khác. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị tổn thương, và ngày nhớ ơn thầy cô, đối với nhiều người, đã không còn giữ được nguyên vẹn ý nghĩa như trước.
Biến đổi và Tổn thương
Theo thông lệ, mỗi năm trong dịp lễ nhà giáo, mọi học sinh đều phải tặng quà cho thầy cô để tỏ lòng kính trọng và tri ân của mình. Việc làm này qua nhiều năm đã trở thành hủ tục, khiến nhiều học sinh đã nhận xét là có những bậc thầy cố tình bắt học sinh phải học những lớp dậy kèm của mình, nếu không thì khó được lên lớp.
Ngày nhà giáo là một điều trăn trở cho phụ huynh, nhất là nếu có nhiều con em đang tuổi đi học.
Một phụ huynh
Đây là hình ảnh của một người thầy theo lời kể của một em học sinh trung học: “Vô học thì ổng dậy theo cái kiểu rất là khó hiểu, học hoài không hiểu, dù thông minh tới mấy cũng không hiểu nổi. Còn đi học thêm thì dù quậy phá, nhưng chỉ cần đóng tiền học thôi, là bảo đảm vô lớp làm bài được 100% điểm.”
Theo một số em khác thì ngày nhớ ơn thầy cô là một ngày học sinh rất sợ, vì rất tốn kém. Trong lớp có mười hai thầy cô, kể cả thầy cô chủ nhiệm, thì các em có khi chỉ thực sự quý một hai vị, nhưng phải lo tặng quà cho tất cả mọi người, vì sợ nếu không thì bị điểm thấp hoặc không đươc lên lớp:
“Nếu mà nói về cái ngày đó thì chỉ có một chữ để hình dung, đó là tốn, ai cũng sợ cái ngày này hết. Thích là được nghỉ, được đi chơi, chứ còn tốn, hao tốn.”
TeacherStudent150.jpg
Đối với các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh các gia đình đông con thì ngày nhớ ơn thầy cô là một ngày phải chạy tiền vất vả, vì hình như tặng hoa, biếu quà cho thầy cô mà không kèm theo “phong bì” thì không đủ phần trịnh trọng.
Một phụ huynh chia xẻ: “Ngày nhà giáo là một điều trăn trở cho phụ huynh, nhất là nếu có nhiều con em đang tuổi đi học.”
Vẫn còn nhiều hình ảnh đẹp
Không phải mọi học sinh đều có những cái nhìn hoài nghi về thầy cô của mình. Cũng có những học sinh may mắn gặp được thầy cô tận tụy với nghề nghiệp, và hết lòng hỗ trợ khi các em gặp phải khó khăn.
Một học sinh nói về cô giáo của mình: “Cô đã trực tiếp đến gặp em để bảo là không có sách thì đến đây để cô cho mượn về học, bỏi vì cô thấy em là người rất có khả năng. Cô cho em mượn rất nhiều sách…”
Học đường không chỉ là nơi dạy cho các em học chữ, học đường phải là nơi các em học đạo đức, là nơi dạy cho các em thành người…
Một Cô giáo
Tuy ít nhưng xã hội vẫn không thiếu những thầy cô tự trọng, cảm thấy việc đưa phong bì của các em xúc phạm đến phẩm giá của mình. Một cô giáo ước mong sẽ có ngày không còn phải nhìn thấy một chiếc phong bì nào nữa trên tay người của học trò đến thăm mình:
“Điều làm cho tôi đau lòng, là các em tới thăm thầy cô phải mang theo phong bì. Có nhiều em nói với tôi thôi cô nhận dùm em cho ba má em yên tâm. Học đường không chỉ là nơi dạy cho các em học chữ, học đường phải là nơi các em học đạo đức, là nơi dạy cho các em thành người…”
Có lẽ chúng ta có quyền mơ rằng truyền thống tôn sư trong đạo của nước nhà sẽ vẫn còn được nuôi dưỡng và không phải miếng cơm manh áo luôn là quan tâm hàng đầu của mọi thầy cô.
Mong muốn tha thiết nhất của những nhà giáo chân chính là được xã hội trả lại môi trường trong sáng, vô tư cho học đường, cho thầy cô và mong ước này phải được toàn xã hội chia sẻ.