Lê Quí Đôn ( Bính Ngọ 1726 – Giáp Thìn 1784)
Nhà văn hoá, sử gia lớn Việt Nam thời Hậu Lê. Thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, sau đổi là Quý Đôn. Quê làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, nay là Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, có trí nhớ phi thường nên được mọi người gọi là thần đồng.
Năm Qúi Hợi 1743 đỗ giải nguyên năm 17 tuổi, hội nguyên năm 26 tuổi và thi đình đỗ bảng nhãn. Năm 1752 đỗ nhất giáp tiến sĩ (Bảng nhãn). Giữ chức thị giảng Viện hàn lâm và Viện quốc sử (1757), lãnh chức phó sứ sang triều nhà Thanh (Trung Quốc) (1760).
Học vấn uyên bác và tài ứng đối của ông đã làm cho các triều thần nhà Thanh và sứ thần Triều Tiên kính trọng. Sau khi về nước, ông làm đốc đồng Kinh Bắc, tham chính Hải Dương, tư nghiệp Quốc Tử Giám, kiêm trông coi việc biên soạn quốc sử (1767) và được thăng chức bồi tụng ở Phủ chúa; hiệp trấn Thuận Hoá và tham tụng Thăng Long (1776); hiệp trấn Nghệ An (1783).
Khi mất, được truy tặng hàm thượng thư Bộ Công. Lê Quý Đôn đọc rộng, biết nhiều, trước tác bao gồm nhiều lĩnh vực. Là người Việt Nam đầu tiên biết đến lí thuyết quả đất tròn gồm bốn châu (Á, Âu, Phi, Mĩ), người sớm nhất lưu ý đến một số vấn đề khoa học tự nhiên. Về vũ trụ học, đề xuất thuyết "lí khí"; về trị nước, chủ trương "đức trị" đi đôi với "pháp trị", trọng dụng nhân tài. Có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, sáng tác.
Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng các tác phẩm gồm khoảng 40 bộ (nay còn lại gần một nửa). Đáng chú ý nhất là các tác phẩm về triết học: "Thánh mô hiền phạm lục", "Quần thư khảo biên", " Dịch kinh phu thuyết"; về lịch sử: "Đại Việt thông sử", "Quốc sử tục biên"; về khảo cứu: "Phủ biên tạp lục", "Kiến văn tiểu lục", "Vân đài loại ngữ"; về sáng tác: "Bắc sứ thông lục", "Quế Đường thi tập"; về sưu tập: "Toàn Việt thi lục".