Trần Khát Chân: vị tướng chỉ huy trận tập kích bằng pháo lần đầu tiên trong lịch sử quân sự nước ta. Đó là trận đánh trên cửa sông Hải Triều vào năm 1390 chống lại cuộc tấn công vào Đại Việt của vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga.
Nói về quan hệ Việt - Chiêm trong giai đoạn nhà Trần cầm quyền thì hai nước vẫn thường hay có chiến sự với nhau nhưng nhìn chung vẫn tốt đẹp, nhất là đời vua Nhân Tông (1279 – 1293). Việt Nam sử lược chép: “Nước Chiêm Thành đối với An Nam từ ngày nhà Trần lên là vua, hai nước không có điều gì lôi thôi.” Đặc biệt vào đời vua Anh Tông (1293 – 1314), nhà Trần đã gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân (năm 1306), Chế Mân cũng dùng hai châu Ô và Lí để làm hồi môn, xem ra quan hệ hai nước đến thời này rất tốt đẹp. Sau khi vua Chế Mân chết, nhà Trần tìm cách đưa công chúa trở về (vì theo lệ Chiêm Thành, vua chết thì các hậu phải hỏa táng theo). Chính sự việc này đã làm rạn nứt mối quan hệ hai nước. Về sau, các vua Chiêm thường dùng vũ lực để đòi lại các châu đã mất. Năm 1360, Chế Bồng Nga lên ngôi liền lập tức tổ chức quân đội, gây chiến với nhà Trần. Mà bấy giờ Đại Việt đang vào đời vua Dụ Tông.
Trải qua 12 năm (1371 – 1383) chiến tranh, Chế Bồng Nga đã bốn lần chiếm đóng Thăng Long, thế mạnh vô cùng. Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga lại tiếp tục đánh Đại Việt, lần này là đánh vào Thanh Hóa. Vua Thuận Tông nhà Trần sai Lê Quý Ly đem binh chống giặc tại làng Cổ Vô (nay thuộc huyện Thiệu Hóa – Thanh Hóa). Hai bên chống với nhau được 20 ngày.
Nơi Lê Quý Ly cự nhau với giặc: làng Cổ Vô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (ngày nay)
Lê Quý Ly mắc phải mưu của Chế, đại bại, làm cho hơn 70 quân tướng tử trận còn Lê Quý Ly thì trốn về Thăng Long. Thừa thắng, Chế Bồng Nga tiếp tục đưa quân tiến đánh Thăng Long.
Bấy giờ trong nước vốn đang có biến (cuộc khởi nghĩa nông dân của Phạm Sư Ôn ở quốc oai) mà nay lại có thêm nạn ngoại xâm này, thực là vận nước như “treo đầu sợi chỉ”.
Giữa lúc nguy cấp ấy, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông liền cử quan Đô tướng Trần Khát Chân đem quân chống giăc.
Trần Khát Chân (1370 – 1399), là người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Theo sử cũ thì Khát Chân vốn là hậu duệ của vua Lê Đại Hành, dòng dõi của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Vốn nguyên gốc là Khát Chân mang họ Lê, nhưng cha của Trần Bình Trọng là Lê Phụ Trần có công trong cuộc chiến kháng Mông (1258) được vua ban quốc tính họ Trần. Sử liệu về Trần Khát Chân còn hạn chế, không nói rõ về tiểu sử của ông mà chủ yếu chép về ông trong cuộc chiến này.
Khi được cử đi đánh quân Chiêm, sử chép: “Khát Chân vâng mệnh, khảng khái rỏ nước mắt lạy tạ ra đi. Thượng hoàng cũng khóc, lấy nước mắt tiễn đưa.”, xem thế thì vua tôi nhà Trần bấy giờ lấy quân Chiêm Thành làm khiếp sợ lắm. Thượng hoàng Nghệ Tông đặt niềm tin vào viên tướng 19 tuổi này âu cũng có lí do riêng, có thể Thượng hoàng cũng biết cái tài dùng binh của Khát Chân nên tin dùng không câu nệ chức tước, tuổi tác (vì chức Đô tướng chỉ là chức quan võ hạng thấp và thời Trần).
Khát Chân lĩnh quân ra sông Hoàng chống giặc (nay là khúc sông chảy qua xã Hòa Hậu, Lí Nhân, Hà Nam). Ông xem tại khúc sông này khó lòng mà đánh được giặc nên phải lui quân về cửa sông Hải Triều (nay là ngã ba Luộc, Thanh Hóa).
Nơi đặt phục binh của Trần Khát Chân: Ngã ba Luộc - Thanh Hóa (ngày nay)
Ngày 23 tháng 1 năm 1390, Chế Bồng Nga cậy thắng không phòng bị, tự mình lĩnh hơm trăm chiếc thuyền nhẹ đi xem hình thế quân của Khát Chân. Tức thì, các khẩu pháo của quân ta do Khát Chân chỉ huy đã nhất tề bắn vào đoàn thuyền giặc, thuyền của quân Chiêm bị đạn xuyên thủng rất nhiều. Chế Bồng Nga cũng bị trúng đạn, chết ngay. Quân ta lập tức đổ ra đánh, quân Chiêm thua to phải rút về nước mà không dám gây sự nữa. Vốn dĩ Khát Chân đã cố ý đặt phục binh ở nơi ngã ba sông hiểm yếu này, nhưng lại bắn trung ngay thuyền của Chế Bồng Nga thì do một tên tướng bị tội của quân Chiêm sợ bị giết nên đã đầu quân sang Khát Chân, chỉ rõ thuyền nào có Chế Bồng Nga cho Khát Chân. Nhờ vậy mà kế phục binh của Khát Chân thêm phần thành công.
Đại thắng, Khát Chân đem thủ cấp của Chế Bồng Nga về Bình Than, nơi triều đình đang lánh nạn. Khi ấy đang canh ba, Thượng Hoàng đang ngủ, nghe tin thì mừng lắm, liền cho gọi các quan đến xem thủ cấp và nói: “Ta với Bồng Nga cầm cự với nhau đã lâu, ngày nay mới được thấy mặt khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Võ. Thiên hạ yên rồi!”. Xem ra câu nói của Thượng hoàng cũng có ý khen Khát Chân chẳng thua gì Hàn Tín.
Sau chiến thắng này, Khát Chân được phong là Long Tiệp bổng thần Nội vệ Thượng tướng quân (một tước võ quan cao nhất của nội vệ quân) và được ban Thái ấp ở Kẻ Mơ, trở thành một trong những đại thần trụ cột của nhà Trần, khi ấy ông chỉ 20 tuổi.
Về sau, Hồ Quý Ly chuyên quyền, có mưu thoán đạt ngôi vua thì Thái bảo Trần Nguyên Hãng cùng Thượng tướng quân Trần Khát Chân lập mưu để trừ Quý Ly, việc bại lộ, Trần Nguyên Hãng, Trần Khát Chân cùng 370 người có liên quan bị giết cả, đấy là vào năm 1399.
Trần Khát Chân là vị tướng tài vào những năm cuối đời nhà Trần, giữa lúc nước nhà suy yếu thì ra tay cứu vãn, đánh tan Chế Bồng Nga hiếu chiến, giữ yên bờ cõi. Thấy có người mưu toan phản nghịch thì ra tay bài trừ. Thực là người trung nghĩa, hùng tài; thật đáng lưu danh vào sử sách nước ta.
Tài liệu tham khảo:
- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
- Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim
- Nhà Trần và Con người thời Trần – Viện sử học - Hội khoa học Lịch sử VN
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia