1.Sự chuyển biến về kinh tế, chính trị-xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất
a- Sự chuyển biến về kinh tế:
- Nguồn gốc: Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp tuy là nước thắng trận nhưng bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ. Để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra, Pháp tiến hành “Chương trình khai thác thứ hai” ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam.
- Nội dung:
+ Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Từ 1924 đến 1929, tổng số vốn đầu tư vào Đông Dương tăng gấp 6 lần so với 20 năm trước chiến tranh.
+ Nông nghiệp: Pháp bỏ vốn nhiều nhất vào nông nghiệp, chủ yếu là đồn điền cao su. Năm 1927, số vốn đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp 10 lần trước chiến tranh. Diện tích trồng cao su tăng và nhiều công ti cao su lớn ra đời như công ti Đất đỏ, công ti Misơlanh, …
+ Công nghiệp: Pháp cũng bỏ vốn nhiều nhất vào khai mỏ, chủ yếu là mỏ than. Nhiều công ti than mới cũng ra đời như công ti than Hạ Long – Đồng Đăng, công ti than Đông Triều, … Ngoài ra, Pháp cũng chú ý đến công nghiệp chế biến (sợi, rượu, diêm, gạo, …)
+ Thương nghiệp: Pháp đánh thuế nặng vào hàng ngoại nhập, nhờ vậy hàng hóa Pháp nhập vào Đông Dương tăng lên rất nhanh.
+ Giao thông vận tải cũng được mở mang để phục vụ cho công cuộc khai thác.
+ Ngân hàng Đông Dương đại diện cho tư bản tài chính Pháp đã nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế Đông Dương.
- Tác động: Nền kinh tế Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất tuy có bước phát triển mới nhưng bị kìm hãm, lệ thuộc chặt chẽ vào kinh tế Pháp.
b- Sự chuyển biến về chính trị:
- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chính sách cai trị thuộc địa của Pháp ở Đông Dương vẫn không thay đổi.
- Nội dung:
+ Pháp thi hành chính sách chuyên chế triệt để, mọi quyền hành trong nước đều nằm trong tay người Pháp.
+ Pháp thi hành chính sách “chia để trị”: chia nước ta thành 3 kì với 3 chế độ khác nhau, đồng thời còn chia rẽ đồng bào ta giữa dân tộc đa số và thiểu số, giữa lương và giáo.
+ Pháp còn thi hành chính sách “dùng người Việt trị người Việt” như lập Hội đồng quản hạt Nam Kì, Viện dân biểu Bắc Kì và Trung Kì để cho một số địa chủ và tư sản người Việt tham gia, bảo vệ sự thống trị của Pháp.
- Như vậy, Việt Nam vẫn chịu sự cai trị của Pháp, nhân dân ta không được hưởng một chút quyền tự do dân chủ nào, mọi hành động yêu nước đều bị chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố.
c- Sự chuyển biến về xã hội:
- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dưới tác động của “Chương trình khai thác thứ hai” của Pháp, xã hội Việt Nam có sự biến đổi sâu sắc. Mỗi giai cấp, tầng lớp có địa vị và quyền lợi khác nhau nên thái độ chính trị và khả năng cách mạng cũng khác nhau.
- Giai cấp địa chủ phong kiến:
+ Là chỗ dựa chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc, câu kết chặt chẽ với Pháp ra sức bóc lột nông dân.
+ Tuy nhiên, một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ vẫn có tinh thần yêu nước, tham gia chống Pháp khi có điều kiện.
- Giai cấp tư sản:
+ Ra đời sau chiến tranh, bị tư bản Pháp chèn ép, kìm hãm nên số lượng ít, thế lực kinh tế yếu.
+ Giai cấp tư sản phân hóa thành hai bộ phận: tầng lớp tư sản mại bản có quyền lợi gắn liền với đế quốc nên câu kết chặt chẽ về chính trị với chúng; tầng lớp tư sản dân tộc có tinh thần dân tộc dân chủ chống đế quốc và phong kiến, nhưng thái độ không kiên định, dễ thỏa hiệp khi đế quốc mạnh.
- Giai cấp tiểu tư sản:
+ Ra đời sau chiến tranh, bị Pháp chèn ép, bạc đãi, khinh rẻ nên đời sống bấp bênh, dễ bị phá sản, thất nghiệp.
+ Bộ phận trí thức, học sinh sinh viên có tinh thần hăng hái cách mạng, là lực lượng quan trọng của cách mạng nước ta.
- Giai cấp nông dân:
+ Chiếm trên 90% dân số, bị hai tầng áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến nên bị bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn.
+ Là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng.
- Giai cấp công nhân:
+ Ra đời trước chiến tranh, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Năm 1929, tổng số công nhân tăng hơn gấp đôi so với trước chiến tranh.
+ Ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế (lực lượng sản xuất tiến bộ, điều kiện lao động và sinh sống tập trung, …), giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng: bị 3 tầng áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến, tư sản mại bản; có quan hệ tự nhiên gắn bó với giai cấp nông dân; kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng và bất khuất của dân tộc. Đặc biệt, giai cấp công nhân Việt Nam sớm tiếp thu ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới, nhất là ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga và của chủ nghĩa Mác – Lênin.
=> Hoàn cảnh và đặc điểm ra đời, phát triển dẫn đến giai cấp công nhân Việt Nam sớm trở thành một lực lượng chính trị độc lập, thống nhất, tự giác trong cả nước, nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng nước ta.