Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Uỷ viên danh dự Ban Điều hành Câu lạc bộ
Huy chương Cống hiến :
Huy chương thành tích :
Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi : 138
Đến từ : Bình Dương
Điểm thành tích : 330
Được cám ơn : 20
Tiêu đề: Triều Lý (1009-1225)
Triều Lý (1009-1225)
* Định đô Thăng Long
Lý Công Uẩn người châu Cổ Pháp (huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh), mẹ họ Phạm, thuở nhỏ theo học ở chùa Lục Tổ, làm con nuôi cho nhà sư Lý Khánh Văn; lớn lên chuyển qua nghề võ, sau giữ đến chức Điện tiền chỉ huy sứ. chỉ huy cấm quân ở kinh đô Hoa Lư, có uy tín trong triều đình.
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra nhà Lý. Năm 1010, ông đặt niên hiệu Thuận Thiên. Quyết định quan trọng đầu tiên của ông là dời kinh đô từ vùng núi Hoa Lư chật hẹp về Thăng Long (tên gọi mới của thành Tống Bình - Đại La thời Bắc thuộc) ở vùng đồng bằng thoáng rộng, địa thế thuận lợi, giữ vị trí trung tâm chính trị - kinh tế. Nhân dịp này, nhà vua soạn Chiếu dời đô trong đó có đoạn viết :"[Thăng long] được cái thế rồng cuộn hổ ngồi... tiện hướng nhìn sông tựa núi. Địa thê rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng... Xem khắp đất Việt ta chỉ thấy nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời." Việc dời đô về Thăng Long của Lý Công Uẩn đã chứng tỏ mọt tầm nhìn chiến lược sâu rộng của ông trong việc xây dựng một sự nghiệp lâu dài, phản ánh thế đi lên của vương triều và đất nước (với biểu tượng Rồng bay).
Dưới thời Lý, kinh thành Thăng Long đã được xây dựng và phát triển trở thành một đô thị phồn thịnh và tiêu biểu của Đại Việt, gồm 2 khu vực chính trị quan liêu (đô) và kinh tế dân gian (thị).
Thành Thăng Long đời Lý có vòng lũy đất La Thành bao bọc, nương vào thế tự nhiên (hệ thống sông Tô Lịch). Thành mở ra 4 cửa : Tường Phù (Đông), Quảng Phúc (Tây), Đại Hưng (Nam) và Diệu Đức (Bắc), có hào bao quanh. Bên trong có hệ thống cung điện như các điện Càn Nguyên, Tập Hiền, Giảng Võ, Long Trì (có đặt lầu chuông ở thềm điện này, để xét xử các nỗi oan ức của dân), cùng các cung Thuý Hoa, Long Thuỵ... Một số hoàng tử có cung điện ở ngoài hoàng thành. Sát với hoàng thành về phía đông, là khu chợ phố dân gian, gồm 61 phường, quang cảnh nhộn nhịp ngày đêm, với hệ thống sông kênh (Nhị Hà - Tô Lịch) giao thương thuận tiện. * Xây dụng bộ máy chính quyền quân chủ tập trung
Để khẳng định vương quyền và đề cao lòng tự tôn dân tộc (tinh thần Vô tốn Hoa hạ), các vua Lý đã tiến hành xay dựng một bộ máy chính quyền tập trung theo đúng như mô hình nhà Tống bên Trung Quốc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là trên danh nghĩa, còn trên thực tế, chức năng của nó đơn giản hơn nhiều.
Trong triều, các vua Lý tự xưng là Thiên tử, lập các ngôi Hoàng hậu và Thái tử, phong tước cho các quý tộc, định hội thề Đồng Cổ hàng năm ở Kinh đô để bảo đảm lòng trung thành. Triều đình đặt hệ thống quan chức theo 9 phẩm, lúc đầu lựa chọn chủ yếu bằng hình thức nhiệm tử (con cháu được tập ấm) và tuyển cử (giới thiệu, bảo lãnh). Đứng đầu có các chức kinh hàm Tam thái và Tam thiếu (sư, phó, bảo). Chức Thái uý có vai trò như Tể tướng (Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành đã giữ chức này), Thiếu uý coi Cấm binh. Giúp việc Tể tướng có các chức Hành khiển.
Ở cấp địa phương, nhà Lý chia nước thành 24 lộ - phủ, đặt các chức tri phủ, tri châu. Dưới phủ là huyện và hương. Khi đi xa, vua Lý thường chọn một hoàng tử, thân vương ở lại trấn giữ, trông nom kinh thành, gọi là Lưu thủ kinh sư.
Chính quyền nhà nước thời Lý là một chính quyền sùng Phật và thân dân. Nhiều nhà vua và quý tộc đã theo đạo Phật, đề cao tư tưởng từ bi, bác ái. Trong triều, có hệ thống tăng quan, một số được phong là Quốc sư. Vua quan có những mối quan hệ gần gũi với dân chúng, thường tiếp cận dân thường trong các dịp lễ hội. Khi khẩn thiết, người dân có mối oan ức có thể trực tiếp đến thềm điện Long Trì đánh chuông, xin được trực tiếp gặp vua. Lý Thánh Tông tuyên bố "yêu dân như yêu con", thường thi hành chính sách khoan dung khi xử kiện.
* Quân đội và luật pháp
Nhà Lý có nhiều loại quân. Ở kinh thành có Cấm quân (Thiên tử quân) bảo vệ Triều đình. Ở địa phương có lộ quân hay sương quân, lấy từ các hoàng nam (đinh nam ở làng xã từ 18 tuổi trở lên) ở các lộ phủ. Trong làng xã còn có dân binh, hương binh. Quân đội nhà Lý có quân bộ và quân thủy, kỷ luật nghiêm minh, huấn luyện chu đáo. Khu Giảng Võ phía tây kinh thành Thăng Long là nơi giảng dạy luyện tập cho các tướng sĩ và binh lính. Từ thời Lý, đã thi hành chính sách "ngụ binh ư nông", cho quân sỹ luân phiên về cày ruộng theo tinh thần "tĩnh vi nông, động vi binh ". Chính sách đó vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo động viên quân đội khi cần thiết. Nhà Lý là vương triều Việt Nam đầu tiên ban hành luật thành văn. Năm 1042, Lý Thái Tông sai quan san định luật lệ, biên thành điều khoản, soạn ra Hình thư gồm 3 quyển (sau đó đã thất truyền), xuống chiếu ban hành trong dân gian. Qua các pháp lệnh, ta được biết pháp luật nhà Lý đã mang tính chất đẳng cấp phong kiến, bảo vệ hoàng cung, trừng trị nặng tội mưu phản, cho tầng lớp quý tộc được chuộc tội bằng tiền. Mặt khác, pháp luật đời Lý cũng bảo vệ trật tự xã hội. chống hà lạm thuế má, giải quyết các vấn đề tranh chấp, cầm chuộc, múa bán ruộng đất, đảm bảo sức kéo bằng cách trừng phạt nặng tội trộm trâu. giết trâu. Ở các làng xã, hình thức luật tục (tập quán pháp) vẫn duy trì và được mọi người tuân theo. * Xác lập chủ quyền quốc gia dân tộc
Có thể nói rằng đến thời Lý, Việt Nam đã là một quốc gia dân tộc, dựa trên một ý thức cộng đồng chung về nguồn gốc, dòng giống, lịch sử và văn hóa. Năm 1054, vua Lý Thánh Tông đặt quốc hiệu là Đại Việt - quốc hiệu này sẽ tồn tại mãi cho đến đầu thế kỷ XIX. Năm 1175, Nhà Tống chính thức công nhận chủ quyền quốc gia của Đại Việt khi đổi danh hiệu sắc phong từ Giao Chỉ quận vương thành An Nam quốc vương.
Quốc gia Đại Việt đã được bảo vệ củng cố qua cuộc kháng chiến chống Tống (1075 - 1077) và mở rộng lãnh thổ về phía nam qua cuộc chiến tranh với Champa (1069), sát nhập các châu Địa Lý, Ma Linh, BỐ Chính (vùng Quảng Bình và Bắc Quảng Trị ngày nay). Các vua Lý đã thực hiện chính sách kimi, đưa nhiều công chúa gả cho các thổ tù miền núi để vừa ràng buộc họ vừa tạo sự ủng hộ hậu thuẫn (sự ủng hộ của các tù trưởng dân tộc ít người đối với triều đình Lý đã thể hiện rõ rệt trong việc phối hợp chiến đấu chống lại quân Tống). Ý thức quốc gia dân tộc ở mặt lãnh thổ - vương triều đã bộc lộ ra trong bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt. Ý thức tìm về cội nguồn dân tộc cũng bước đầu biểu hiện qua các truyền thuyết lịch sử - văn hóa trong tác phẩm Việt điện y linh của Lý Tế Xuyên.
Sat Jun 21, 2008 10:31 pm
CỐ VẤN CHUYÊN MÔN
Khai Tam hungson
Họ & tên : Nguyễn Hùng Sơn
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Uỷ viên danh dự Ban Điều hành Câu lạc bộ
Huy chương Cống hiến :
Huy chương thành tích :
Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi : 138
Đến từ : Bình Dương
Điểm thành tích : 330
Được cám ơn : 20
Tiêu đề: Trang 2
* Ruộng đất và nông nghiệp
Dưới vương triều quân chủ tập trung nhà Lý, trên danh nghĩa, toàn bộ đất đai thuộc về nhà vua. Trên thực tế, triều đình trực tiếp quản lý một bộ phận ruộng đất, nhà vua ban cấp đất cho một số quý tộc quan lại, đại bộ phận còn lại là ruộng đất các làng xã.
Trong bộ phận ruộng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, tịch điền (có từ thời Tiền Lê) là ruộng do các quan lại triều đình trực tiếp canh tác, bản thân vua Lý hàng năm cũng xuống ruộng cày 3 đường, để "lấy xôi cúng và cho thiên hạ noi theo". Tịch điền thời Lý có ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình), Ứng Phong (Nam Định) và Lý Nhân (Hà Nam). Ngoài tịch điền, các vua Lý còn có ruộng sơn lăng ở quê hương thuộc châu Cổ Pháp (Đình Bảng, Bắc Ninh) để dùng vào việc thờ cúng tổ tiên.
Ruộng quốc khố và đồn điền là những ruộng do Nhà nước huy động các tù khổ sai, nô tì (gọi là cao điền nhi, cảo điền hoành) và các tù binh (chủ yếu là tù binh Chăm) cày cấy, hoa lợi sung vào kho Nhà nước. Đồn điền nhà Lý có ở Cảo Xã, phía bắc kinh thành Thăng Long (nay là vùng Xuân Đỉnh, Nhật Tân).
Các vua Lý đã phong cấp, ban thưởng nhiều loại ruộng đất cho tầng lớp quý tộc quan liêu. Ruộng thác đao lần đầu tiên ban cho Lê Phụng Hiểu ở Băng Sơn (Thanh Hoá), để thưởng công cho ông trong việc theo vua đi đánh Champa. Các quan lại cao cấp đời Lý còn được các loại thực ấp (trên danh nghĩa có kèm theo các hộ nông dân) và thật phong (được quyền hưởng tô thuế của nông dân trên diện tích đó). Lý Bất Nhiễm tước Hầu được ban thực ấp 7500 hộ và thật phong 1500 hộ, Lý Thường Kiệt tước Công, được ban thực ấp 10.000 hộ và thật phong 4000 hộ. Tô Hiến Thành, Lưu Khánh Đàm cũng được ban cấp các loại ruộng đó.
Các loại ruộng vua Lý ban cấp cho quý tộc quan liêu không phải là ruộng tư, họ chỉ có quyền sử dụng, hưởng hoa lợi mà không có quyền sở hữu. Khi họ chết hoặc bị tội, triều đình có thể lấy lại số ruộng đó, hoàn toàn không giống như các thái ấp lãnh địa của các lãnh chúa phong kiến ở Tây âu thời trung đại.
Một loại ruộng khá quan trọng thời Lý là ruộng nhà chùa. Nhà sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Phật Tích cũng như vị sư trụ trì chùa Báo Ân (Vĩnh Phúc) đã có đến trên dưới trăm mẫu ruộng chùa.
Trong các làng xã, có ruộng công và ruộng tư. Người cày ruộng công phải nộp tô cho Nhà nước. Sử cũ ghi lại trong những năm 1135,1143 và 1145, nhà vua đã xuống chiếu nói về việc giải quyết các tranh chấp trong mua bán ruộng đất.
Triều đình Lý đã thi hành nhiều chính sách trọng nông, khuyến nông. Vua cày ruộng “tịch điền", thăm gặt hái, thi hành chính sách ngụ binh ư nông, cấm trộm trâu giết trâu để bảo vệ sức kéo: Nhà nước cũng cho đắp đê Cơ Xá ở đoạn sông Nhị Hà chảy qua kinh thành Thăng Long (1108), khơi vét sông Tô Lịch. Sản xuất nông nghiệp được ổn định và phát triển, nhiều năm mùa màng bội thu.
* Thủ công nghiệp và thương nghiệp
Thời Lý, có hai bộ phận thủ công nghiệp Nhà nước và thủ công nghiệp dân gian. Năm 1040, vua Lý "đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc” dùng thay cho gấm Tống. Triều đình đã trưng tập các thợ khéo về lam trong các quan xưởng, gọi là thợ bách tác, sản xuất phục vụ riêng nhu cầu Nhà nước như đúc tiền, chế tạo vũ khí, làm các phẩm phục triều nghi, họ không được tự tiện bán hàng hóa trong dân gian. Triều đình còn đứng ra phát tiền nguyên vật liệu, thuê thợ trong các việc tô tượng, đúc chuông, xây dựng nhiều chùa chiền.
Thợ thủ công dân gian sản xuất và buôn bán trong các phường phố ở kinh thành và các làng xã thôn quê. Họ thường là những người nông dân kiêm thợ thủ công, thợ thủ công kiêm thương nhân.
Dệt là nghề thủ công truyền thống phổ biến. Ở kinh thành, nghề dệt có ở các phường Nhược Công (Thành Công, với sự tích nàng La), thôn Nghi Tàm (sự tích công chúa Từ Hoa), thôn Trích Sài (sự tích nàng Phan Thị Ngọc Đô). Nghề đúc đồng nổi tiếng với những tác phẩm lớn mang tính chất Phật giáo (An Nam tứ khí), tương truyền có vị tổ nghề được tôn vinh là nhà sư Nguyễn Minh Không. Gốm là ngành nghề thủ công rất phổ biến, với nhiều loại hạng như đất nung, đàn, sành, sứ, có loại men ngọc nổi tiếng màu xanh nhạt mát và bóng. Ngày nay, khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm của kinh thành Thăng Long thời Lý. Do xây dựng nhiều chùa chiền, các nghề mộc, nề, khắc chạm, sơn thếp cũng được đẩy mạnh.
Nội thương và ngoại thương thời Lý khá phát triển. Nhà nước chưa có những chính sách "ức thương", "bế quan toả cảng" ngặt nghèo, thái độ khá thoáng mở với nền kinh tế hàng hoá. Các vua Lý đều cho đúc tiền đồng để lưu thông 'rộng rãi, có dùng thêm cả tiền đồng Trung Quốc thời Đường- Tống.
Mạng lưới chợ có mặt ở cả làng xã và phố phường. Ở kinh thành Thăng Long, có các chợ nổi tiếng như chợ Hoàng Hoa (phố Ngọc Hà), chợ Bạch Mã (phố Hàng Buồm ngày nay) bên bờ sông Tô Lịch. Các địa phương trong nước, kể cả các vùng biên giới, cũng có trao đổi hàng hóa với nhau.
Ngoại thương thời Lý khá phồn thịnh và tự do. Đại Việt buôn bán với Champa, mua đặc sản trầm hương. Các chợ biên giới Việt-Trung nhộn nhịp qua các ' bạc dịch trường" Hoành Sơn và Vĩnh Bình. Đặc biệt, buôn bán đường biển với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á (ngay nay là Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia) rất tấp nập ở đảo Vân Đồn (vùng đảo Vân Hải ngoài vịnh Bắc Bộ, lúc đó gọi là trang Vân Đồn) và vùng bờ biển Diễn Châu (Nghệ An).
* Nhà Lý suy vong
Khoảng từ giữa thế kỷ XII, triều chính nhà Lý bắt đầu suy đồi. Các nhà vua khi lên ngôi còn quá non trẻ, lớn lên lại hay ham chơi. Cao Tông mải mê xây cung điện, nghe đàn hát, cả ngày cùng cung nữ dạo chơi. Huệ Tông nhu nhược, không có con trai, lại mắc bệnh cuồng.
Trong triều, các gian thần, nịnh thần như Đỗ Anh Vũ, Đỗ An Di, lộng hành nhiễu loạn.
Ngoài xã hội, nhiều năm mất mùa đói kém, loạn lạc nổi dậy khắp nơi. Thân Lợi nổi lên ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng (1140-1141), có lần kéo về tiến đánh kinh thành. Nhân dân Đại Hoàng (Ninh Bình 1198-1225) bị bắt đi phu xây thành, do Phí Lãng cầm đầu, đánh chiếm nhiều làng mạc, hành cung. Những cuộc nổi dậy này biểu hiện sự trỗi dậy của những yếu tố cát cứ, làm suy yếu chính quyền trung ương.
Đầu thế kỷ XIII, lại xảy ra nạn hỗn chiến giữa các phe phái phong kiến. Các hào trưởng địa phương, các tướng lĩnh triều đình đem quân đánh lẫn nhau, uy hiếp triều đình Lý trong một tình hình hết sức rối ren, phức tạp. Thái tử Sảm con vua Cao Tông phải rời bỏ kinh thành, chạy về vùng biển Thái Bình nương náu và lấy con gái của một hào trưởng họ Trần.
Năm 1210, Thái tử Sảm trở về kinh đô, lên nối ngôi sau khi vua cha chết, tức Huệ Tông. Chính quyền trung ương ngày càng suy yếu, cả nước hình thành 3 thế lực cát cứ lớn : Đoàn Thượng (Hải Dương, Hải Phòng), Nguyễn Nộn (Sơn Tây và Trần Tự Khánh (anh vợ Huệ Tông, vùng Thái Bình,Nam Định là thế lực mạnh hơn cả). Trần Tự Khánh đem quân về chiếm được Thăng Long, vừa phò tá vừa hiếp đáp vua Lý. Anh em con cháu họ Trần lần lượt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều. Trần Tự Khánh chết, quyền hành tập trung trong tay Trần Thủ Độ là người nhiều mưu lược, giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ. Năm 1225, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới lên 7 tuổi. Trần Thủ Độ bố trí cho cháu mình là Trần Cảnh (8 tuổi) vào cung vui chơi cùng Lý Chiêu Hoàng. Đầu năm 1226, Trần Thủ Độ đạo diễn một cuộc đảo chính cung đình, tuyên bố Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng. Nhà Lý đổ, nhà Trần lập.
Nguồn: Tiến trình Lịch Sử Việt Nam – Nhà Xuất Bản Giáo Dục – Chủ biên PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc. Tr 70 đến 76