Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ. Nổi lên những phong trào yêu nước của các nhà Nho, lớp tiểu tư sản trí thức mà tiêu biểu là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Đông kinh nghĩa thục của Phan Chu Trinh, các phong trào của Việt Nam nghĩa đoàn, Hội Hưng Nam, Đảng Thanh niên… các phong trào đã tạo nên những tiếng vang trong xã hội nhưng đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp hoặc bế tắc về đường lối.
Được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm nhận thấy những hạn chế trong con đường cứu nước của các sĩ phu và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản, rút kinh nghiệm của các bậc tiền bối, Người quyết định sang phương Tây tìm con đường cứu nước cho dân tộc.
Ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước với tên gọi là Văn Ba đã nhận làm phụ bếp cho tàu Pháp Latusơ Tơrêvin – mang trong mình một hoài bão lớn lao là tìm cho được con đường cứu nước, con đường giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột của thực dân Pháp và bọn tay sai.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã có những câu thơ thật hay trong bài “Người đi tìm hình của Nước” thể hiện tâm trạng của chàng trai trẻ đã phải rời xa quê hương, xứ sở thân yêu của mình vì nghiệp lớn:
“Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương.”
Tàu đến Mác-Xây ngày 06 tháng 7 năm 1911, dọc đường đi Người có đi qua cảng Côlômbô (Xâylan nay là Xrilanca), cảng Poxait (Ai Cập). Từ Pháp, Người tiếp tục đi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tuy-ni-đi, An-giê-ri, Ghi nê xích đạo… trong cuộc hành trình của mình, làm thuê trên chiếc tàu vòng quanh Châu Phi, Người đã tận mắt trông thấy những cảnh khổ cực, lầm than của người da đen dưới roi vọt của bọn thực dân.
Giữa tháng 12 năm 1912, Nguyễn Tất Thành tới nước Mỹ, cùng với việc lao động kiếm sống, Người còn phần lớn thời gian dành cho học tập, nghiên cứu cách mạng Tư sản Mỹ năm 1776. Khi thăm pho tượng Nữ thần Tự do, Nguyễn Tất Thành không để y đến vầng hào quang trên đầu tượng mà xúc động trước cảnh nô lệ dưới chân tượng.
Đến cuối năm 1913, Người từ Mỹ trở về Anh, rồi về Pháp. Sau những năm bôn ba, làm đủ nghề để kiếm sống, hòa mình trong phong trào quần chúng, người lao động ở các nước đế quốc tư bản, Người đã nhận rõ ở đâu cũng có hai loại người: người giàu và người nghèo, người áp bức và người bị áp bức.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là sự kiện có ảnh hưởng quyết định đến tư tưởng cứu nước và hoạt động yêu nước của Nguyễn Tất Thành. Người trở về Pháp, hòa mình trong phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi của nước Pháp và tham gia Đảng Xã hội Pháp.
Năm 1919 với danh nghĩa là người Việt Nam yêu nước, Người gửi đến hội nghị Vécxây bản yêu sách đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam. Dù không được hội nghị quan tâm nhưng đây là đòn trực diện đánh vào bọn thực dân, đế quốc.
Giữa lúc ấy vào tháng 7 năm 1920, sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đến với Người. Được sự giúp đỡ của nhiều đồng chí cách mạng Pháp, trong đó có Mácxen Casanh, Pôn Vayăng, Cutuyariê, Môngmútxô… Người càng thấy rõ hơn Quốc tế thứ ba và bản luận cương của Lê nin thật sự đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Người là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Từ bản luận cương của Lê nin, Người đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Sau này, Người đã nhắc lại cảm tưởng của mình khi được đọc luận cương của Lênin: Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin và Quốc tế thứ 3.
Tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua (12/1920), Người tán thành Quốc tế thứ 3, trở thành người Việt Nam tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Như vậy, đến năm 1920 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc ta, đó là: kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp tinh thần yêu nước với tinh thần Quốc tế vô sản. Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin.
Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Qua gần 4 năm tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, không ngừng rèn luyện và nâng cao trình độ lý luận, khả năng tuyên truyền, tổ chức, với cương vị là ủy viên Ban Đông Phương phụ trách cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu (Trung Quốc) với mục đích tạo ra một địa bàn hoạt động mới để gây dựng phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân ở Đông Nam Á theo đường lối của Quốc tế Cộng sản.
Đến tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc chính thức thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nồng cốt cho Hội, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.
Trước yêu cầu bức thiết của thực tiễn cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, ngày 03/02/1930, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (Hương Cảng). Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lượt vắn tắt.
Từ khi có đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng tại Việt Nam chuyển dần từ tự phát sang tự giác và giành được nhiều thắng lợi to lớn nâng dần chất và lượng.
Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chính sách căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam vượt qua muôn trùng thử thách, phá tan âm mưu của đế quốc, làm nên chiến thắng vĩ đại Điên Biên Phủ (1954) - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ngày 02/9/1969, Người đã vĩnh biệt đi vào cõi vĩnh hằng để lại sự kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn của cả dân tộc ta và những người cộng sản công nhân, lao động trên thế giới. Thực hiện lời dạy của Người, cùng với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân ta đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược cùng chính quyền tay sai giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước vào ngày 30/4/1975. Tiếp tục vững bước xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị anh hùng kiệt xuất, biểu tượng cho sự quyết tâm quyết tâm và ý chí giành lại độc lập, tự do của cả một dân tộc, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Người đã cùng toàn thể nhân dân Việt Nam làm nên một thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh.