Chuyện tạc hình nhân, đắp mộ gió là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của cư dân đảo Lý Sơn... Dưới sâu ba tấc đất là những hình nhân nằm thay người mất mạng trên biển để mong rằng linh hồn họ sẽ thanh thản và người ở lại cũng bớt ưu phiền.
Từ nhiều thế kỷ trước, không ít chiến binh ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) “lĩnh chiếu vua ban” ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa làm nhiệm vụ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vì đắm thuyền. Để vong linh họ yên lòng nơi xa khuất, người dân xứ đảo đã tạc những hình nhân đem chôn trong các ngôi mộ gió. Rồi như một tục lệ truyền đời, tạc hình nhân trở thành nghiệp của nhiều thế hệ...
Lai lịch một nghề
Đêm, hòn đảo nhỏ Lý Sơn chìm vào giấc ngủ say trong âm thanh ầm ào của sóng biển. Trong ngôi nhà nằm bên đường liên xã thuộc thôn Đông, xã An Vĩnh, ông Võ Toại (dân đảo kính trọng gọi là thầy Toại), chậm rãi kể câu chuyện về lai lịch nghề tạc hình nhân: “Hồi nhỏ, tôi nghe cha mình kể thời các chiến binh đi bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng thuyền buồm, gặp sóng to gió lớn bị mất mạng trên biển thì việc tạc hình nhân, đắp mộ gió có rất nhiều. Việc này có lẽ ban đầu không là cái nghiệp của ai. Nhưng rồi người khéo tay thì được bà con tín nhiệm và cứ thế truyền đời bên cạnh những tục tế lễ khác”...
Bản thân ông Toại được học chữ Nho, chữ quốc ngữ và cũng vì khéo tay nên thường giúp cha mình tạc hình nhân. Rồi như một định mệnh, ông lại tiếp nối cái nghiệp của cha và không còn nhớ chính xác bao nhiêu hình nhân đã ra đời từ đôi tay mình.
Biển khơi ẩn chứa nhiều bí ẩn, không chỉ những người lính đội Hoàng Sa, Bắc Hải ra khơi đi làm nhiệm vụ bảo vệ hai hòn đảo thiêng liêng của tổ quốc mới bỏ thân giữa biển, hằng năm những con sóng cuồng nộ còn cướp đi sinh mạng của biết bao dân chài. Người dân đất đảo không bao giờ quên được cơn bão năm Mậu Thân 1968 đã cướp đi của họ những người thân yêu nhất. Họ đã ngóng chờ trong vô vọng, mãi chẳng thấy người thân trở về.
Ông Toại sau những ngày hãi hùng đó lại mang sọt lên khu vực núi Giếng Tiền chọn chỗ đất sét pha cát đào lấy mang về. Ông trộn đất với bông gòn rồi bỏ vào cối đá giã nhuyễn. Sau đó, ông lại vào núi hoặc nhờ người trong đất liền gửi ra những cây dâu tằm, bóc vỏ lấy cành làm xương sườn, xương sống rồi lại lấy chỉ kén tằm làm gân cốt, thân cây thầu đâu làm lục phủ ngũ tạng. Tiếp đó, ông đắp đất sét và lấy nước đất sét thoa bên ngoài cho giống da người. Cuối cùng, ông lấy giấy điều làm áo cho hình nhân.
Có hình nhân thầy phù thủy mới có thể làm lễ triệu vớt linh hồn từ biển khơi, cúng cô hồn trên biển, cúng ngũ linh rồi tổ chức lễ nhập cốt...
Nghiệp của đời người
Biết bao người đã dừng chân trước nhà ông Toại. Những gia đình có cuộc sống khá giả thì ông lấy tiền công. Còn với những hộ có người thân đi bạn quanh năm mà cái ăn còn chưa đủ thì ông vén tay làm phúc bởi với ông, nỗi đau, sự mất mát nào cũng thật xót xa.
“Cái nghiệp tạc hình nhân này không hề dễ dàng. Bà con tin rằng khi có người thân bị mất mạng trên biển, nếu người thân tạc hình nhân đem chôn trong mộ gió thì không chỉ yên lòng người đã khuất mà người còn sống cũng thanh thản. Song có những trường hợp sau khi tạc hình nhân, đắp mộ gió nhưng vì nhiều lẽ, việc làm ăn không như ý, dù người nhờ tạc hình nhân không một lời trách móc, tôi vẫn thấy lòng nằng nặng như người có lỗi” - ông Toại nói.
Cũng vì thế, chẳng phải đến đời ông Toại mà sáu đời trước, tổ tiên ông đều muốn bỏ cái nghiệp này. Nhưng rồi trên đảo lại có người mất mạng ngoài biển, người ta lại tới nhà ông để nhờ nên muốn dứt bỏ cũng không đành. Vì lẽ đó, ông tâm niệm rằng đã mang lấy nghiệp thì cố gắng giúp bà con, phải giữ cho lòng thanh thản. Về người con trai tên Võ Nhẫn, ông nói: “Có lẽ rồi nó cũng sẽ nối nghiệp giúp bà con như cha ông nó bao đời nay”.
Ngày hôm sau, tôi theo ông ra biển. Ông đưa tôi đến mộ cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh đều tử nạn trên biển và được dân làng nhớ thương làm hình nhân, đắp mộ gió. Mới đây, hai ông vừa được gắn bia mộ tưởng nhớ công trạng. Rồi chúng tôi lại theo ông băng qua những ruộng tỏi, ruộng hành và bên những khu dân cư có nhiều ngôi mộ gió đắp bằng đất sét. Ông trầm ngâm: “Dưới sâu ba tấc đất là những hình nhân nằm thay người mất mạng trên biển. Mong rằng linh hồn họ sẽ thanh thản và người ở lại cũng bớt ưu phiền”.
Những con sóng vẫn réo gào và xa xa là những con tàu như chiếc lá trên đại dương. Thân phận con người khi ấy mới nhỏ nhoi làm sao! Có lẽ vì thế nên khi xảy ra những tai nạn trên biển, họ cần lắm một niềm tin. Chuyện tạc hình nhân, đắp mộ gió cũng vì vậy mà mãi còn và trở thành một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của cư dân đảo Lý Sơn...