6 năm làm nhiệm vụ gùi thồ hàng vượt Trường Sơn, Đại tá Nguyễn Viết Sinh đã đi được một quãng đường tương đương một vòng trái đất. Với thành tích đó, ông đã trở thành người anh hùng đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn, cũng là anh hùng đầu tiên thời chống Mỹ.
Bằng lòng với cuộc sống êm ả bên vợ con trong ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh) nhưng Đại tá Nguyễn Viết Sinh vẫn nhớ về những năm tháng không thể nào quên trên đỉnh Trường Sơn với không ít tự hào và cả những tiếc nuối.
6 năm gùi hàng trên đỉnh Trường Sơn
Anh hùng Nguyễn Viết Sinh sinh năm 1940 tại xã Nam Yên (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Năm 1961, nghe có đoàn cán bộ về xã tuyển quân vào một đơn vị đặc biệt, ông đã lập tức đăng ký tòng quân.
Nhớ lại kỉ niệm đó, ông cười: "Lúc đó tôi chẳng hề biết đơn vị đặc biệt là gì, chỉ nghĩ đến việc được làm anh bộ đội Cụ Hồ, mặc áo lính, tay khoác súng là đã thích. Đến lúc tuyên thệ, nghe cán bộ phổ biến là: phải cơm nắm, mang vác nặng, leo đèo lội suối, không được viết thư và báo tin cho gia đình, tôi mới lờ mờ nhận thức được nhiệm vụ mà tôi sắp nhận không đơn thuần chút nào".
Cùng được chọn vào đơn vị đặc biệt với ông Sinh năm đó còn 600 thanh niên người Nghệ An - Hà Tĩnh. Tiêu chí lựa chọn bắt buộc phải là thanh niên nghèo miền Trung đã quen với công việc nặng nhọc để có thể chịu đựng được những năm tháng khắc nghiệt gùi hàng trên đỉnh Trường Sơn.
Ngày lên đường, mỗi người được phát cho một nắm cơm nắm rồi ngồi trong thùng xe kín, tiến về Trường Sơn. Suốt quãng đường từ Nghệ An vào Lệ Thủy (Quảng Bình), ngoài lần nghỉ chân ăn cơm trên Đèo Ngang, tất cả được lệnh giữ yên lặng tuyệt đối để đảm bảo bí mật. Đại tá Nguyễn Viết Sinh nhớ lại: "Chúng tôi được phân vào Tiểu đoàn 301, được chia thành 3 đại đội: Đại đội 2, Đại đội 3 và Đại đội 4 đóng quân ở khu vực Làng Ho, miền Tây Quảng Bình, với nhiệm vụ gùi thồ hàng tiếp tế cho bờ Nam Bến Hải trở vào trong. Là "binh chủng gùi thồ", chúng tôi chỉ được đi vác hàng hóa, chứ không được mang vũ khí".
Đại đội 3 của Nguyễn Viết Sinh khi đó đóng quân ở phía Nam đèo 800 (gần thượng nguồn sông Bến Hải), có nhiệm vụ vượt đèo 800 sang đỉnh 1001 nhận hàng của Đại đội 2 rồi gùi về chuyển cho Đại đội 4 mang qua giới tuyến quân sự. Ông Sinh kể rằng, mỗi ngày, các chiến sĩ trong đại đội phải dậy từ lúc 5h sáng, cơm đùm cơm nắm vượt qua hai con đèo vừa dài vừa dốc đến điểm hẹn: "Đỉnh 1001 là một trong những đỉnh núi cao nhất trong khu vực Quảng Bình. Bất kể mùa đông hay mùa hè, dù dưới thung lũng trời nắng đến cháy da cháy thịt, thì trên đỉnh đèo này vẫn chỉ có mưa và mây mù. Anh em chúng tôi đi từ mờ sáng mà đến tận quá trưa mới đến điểm tập kết hàng. Nắm cơm mang theo không bị ướt vì nước mưa thì cũng sũng mồ hôi. Nhiều người kiệt sức, chỉ trệu trạo được vài miếng lấy lệ".
Liên tục suốt 5 năm trời, ngày này qua ngày khác, các chiến sĩ trong tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vận chuyển được hàng trăm nghìn tấn lương thực, hàng hoá vào chi viện cho miền Nam. Trung bình, mỗi chuyến đi gùi hàng, một người lính sức khỏe tốt chỉ gùi được 30 - 35kg, nhưng Nguyễn Viết Sinh có thể gùi được 45 - 50kg. Có thời điểm sức khỏe tốt nhất, ông có thể gùi tới 75kg trong mỗi chuyến đi - điều tưởng như không thể với một người dáng vóc bình thường như ông hồi đó.
Nhưng Nguyễn Viết Sinh nói rằng, đó là điều hết sức bình thường đối với một thế hệ như ông: "Việc gùi hàng khi đó vô cùng vất vả, có khi còn phải bám vào dây cáp đi men theo vách núi. Nhiều khi sơ ý, chân người này còn giẫm lên đầu người kia. Nhưng chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ với một tinh thần vừa thanh thản vừa quyết liệt. Những lúc gùi hàng, anh em trong đơn vị chỉ nghĩ đến một khẩu hiệu: "Mỗi kilôgam hàng là một đồng bào miền Nam đỡ đổ máu, mỗi viên đạn là một kẻ thù. Để thêm phần quyết tâm, chúng tôi còn dùng than củi viết khẩu hiệu đó lên áo, lên mũ. Nhưng chỉ sau một ngày làm việc, nó lại mờ đi vì mồ hôi, chúng tôi lại cặm cụi viết khẩu hiệu mới".
Những năm làm nhiệm vụ gùi thồ, mỗi ngày phải leo 40km đường núi trong tình trạng mang vác nặng, nhưng Nguyễn Viết Sinh chưa bao giờ nghỉ lấy một ngày, bất kể nắng hay mưa. Ông bảo: "Dù có ốm tôi cũng không dám nghỉ. Nghĩ đồng đội làm việc vất vả, lại phải gánh thêm cả phần mình, tôi chẳng đành lòng".
Hai điều ân hận nhất của người anh hùng
Với những thành tích trong việc gùi thồ hàng ở Trường Sơn, ông nhanh chóng trở thành kiện tướng gùi hàng ở chiến trường Trường Sơn ngày ấy. Chỉ tính sơ qua thì trong những năm đó, ông đã đi bộ được một quãng đường tương đương một vòng trái đất.
Kiện tướng gùi hàng, Tiểu đội trưởng - Trung sĩ Nguyễn Viết Sinh đã vinh dự trở thành một trong 3 người lính Trường Sơn được Bác Hồ ký quyết định công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND vào ngày 1-1-1967. Đó cũng là những người đầu tiên được phong anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với Anh hùng Nguyễn Viết Sinh, đó là những tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời mình, khi được nhận danh hiệu Anh hùng do đích thân Bác Hồ phong tặng. Nhớ về kỉ niệm này, ánh mắt ông ngập tràn tiếc nuối: "Khi đó đơn vị tôi đang ở bên Lào thì nhận được lệnh của cấp trên lên đường ra Hà Nội dự lễ tuyên dương anh hùng. Hồi đó, được gặp Bác là ước mơ của tất cả những người lính Trường Sơn. Anh em trong đơn vị ai cũng dặn tôi phải nhìn thật kĩ gương mặt Bác rồi về kể cho mọi người nghe. Tôi đã háo hức đến nỗi đã đi bộ gần như không ăn không nghỉ, hi vọng kịp ra dự đại hội. Ròng rã 2 tuần, tôi mới đến được cổng trời, điểm tiếp giáp biên giới Việt - Lào ở đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình). Đêm đó, nằm trong trạm giao liên, nghe đài phát thanh tường thuật lễ tuyên dương anh hùng ở Hà Nội mà tôi không cầm được nước mắt vì tiếc nuối. Khi cô phát thanh viên đọc tên mình, tôi chỉ nghĩ được duy nhất một điều, thế là đã mất cơ hội được gặp Bác".
Khi đó, nếu không nhận lệnh của chỉ huy phải quay về đơn vị, Anh hùng Nguyễn Viết Sinh có lẽ đã ra Hà Nội để xin gặp Bác bằng được - cho thỏa ước mơ của người lính Trường Sơn. Hai năm sau, khi ông được cấp trên cử ra Hà Nội học thì cũng là lúc ông nhận được tin Bác mất. Ước mơ được gặp Bác một lần của người anh hùng Trường Sơn mãi mãi không thể thực hiện được.
Với Anh hùng Nguyễn Viết Sinh, hai điều tiếc nuối nhất trong đời ông là không gặp được Bác Hồ, và không có mặt ở chiến trường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975. Năm 1974 - 1975, khi mà cả Trường Sơn đang dốc toàn lực để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giành độc lập thì ông được cấp trên cử ra Hà Nội học.
Ông nhớ lại: "Ngồi yên ấm ở Hà Nội, nghe báo đài đưa tin về không khí sôi nổi ở ngoài mặt trận, ruột gan tôi cứ sôi sùng sục. Cuộc chiến đấu gian khổ và hi sinh của chúng tôi trong suốt mười mấy năm trời chỉ để chờ đợi có giây phút này thôi. Tôi cứ ân hận mãi vì mình không được tham gia vào thời khắc lịch sử đó, đành ngồi ở Hà Nội mà tưởng tượng mình đang trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Nếu được tham gia cuộc tổng tiến công cuối cùng, có phải hi sinh như những đồng đội khác, tôi cũng không cảm thấy luyến tiếc".
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Anh hùng Nguyễn Viết Sinh nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Trở về cuộc sống đời thường, người anh hùng thời chiến trở thành người anh hùng về kinh tế. Là một người lính, ông không giỏi toan tính cũng chẳng ưa lừa lọc như một số người vẫn làm trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng ông có sự bền bỉ được rèn luyện trong những năm tháng ở chiến trường.
Tự mày mò, học hỏi, cuối cùng ông đã trở thành một trong những người kinh doanh cây cảnh có thương hiệu ở TP Vinh và tạo dựng được một cơ ngơi kha khá để vui vẻ lúc tuổi già. Người anh hùng ấy tâm sự: "Với tôi bây giờ, chỉ cần được ngồi bên cạnh đứa cháu nội và kể cho nó nghe về những câu chuyện Trường Sơn năm xưa cũng đã là một điều quá đỗi hạnh phúc"