Lan man phương ngữ Nam bộ
- Sao lâu nay ông lặn mất tiêu vậy? Đi đâu?
- Quanh quẩn Sài Gòn thôi. Lóng rày tụi cò ke lục chốt nó quậy quá, làm ăn ẩu xị nhưng nhanh hơn mình nên mình thua . Nhiều khi giận nứt bong bóng nhưng không làm gì được.
- Cỡ như ông nai rịa rí rang vậy mà ngán tụi nó hả?
- Mình là dân tư chanh, tụi nó cũng đâu vừa. Nhưng thôi, chấp nó làm gì. Làm ăn kiểu xập xí xập ngầu như đám xây lố cố đó cũng có ngày dảnh sủi. Anh đừng để ý, tụi mình vô đây uống miếng nước.
- Tui một ly xây chừng
- Ê bồi, một xây chừng với một xây cá nại…
Các đại nhân quen dùng ngôn ngữ @ ngày nay chắc tròn mắt khi nghe màn đối thoại trên đây. Đừng tưởng đây là kiểu đối thoại xưa lắc , từ thời Gia Định Báo. Người ta vẫn nghe những từ trên trong một quán cà phê đâu đó ở Sài Gòn, ở chợ Cầu Ông Lãnh giữa những người xa quê đã lâu về nước chơi. Hoặc từ ngừơi miệt vườn, hoặc ở Bạc Liêu Rạch Giá, lên Cần Thơ mua máy bơm nước, ngồi quán uống cà phê sữa, ăn hủ tíu bánh mì xíu mại . Những phương ngữ tưởng đã chết đi từ lâu, bừng bừng sống lại gợi nhớ thời khẩn hoang, thời Bình Xuyên quậy tưng bừng ở sòng bạc Đại Thế Giới, thời dưới sông Cá Chốt trên bờ Triều Châu ở Bạc Liêu , sống chung, ăn tết chung với người Tiều, Quảng Đông, Khờ me, Chà và ma ní… Cách nói không bao giờ các học giả coi là chính thống, nhưng lần hồi thành ngôn ngữ văn chương, được đưa vào tự điển và là một thứ sinh ngữ đầy sức sống. Nhiều từ xuất phát từ ngôn ngữ nước ngoài, do cộng đồng nguời thiểu số sống chung với người Việt, buôn bán qua lại, lấy vợ gả chồng qua lại, tìm một cách nói dễ hiểu với nhau mà thành
Trở lại màn đối thoại trên, có thể có người hiểu được nhưng dù sao cũng phải cắt nghĩa đoạn thăm hỏi giữa hai anh chàng Nam bộ này. Trong đó, lóng rày, nghĩa là dạo này. Cò ke lục chốt, còn gọi Chà ke lục chốt chỉ người hèn hạ, mạt rệp, bọn nhóc, lính lác. Ẩu xị có khi là ba xí ba tú, chỉ làm ăn huỵch hoạch không đâu ra đâu. Giận nứt bong bóng đơn giản là giận muốn bể… bàng quang, cơn giận căng như bàng quan đầy cứng đến nỗi muốn bục ra. Còn Nai Rịa Rí Rang là một từ thú vi, trong đó, mỗi từ nói lên một địa danh ở Nam bộ. Nai là Đồng Nai, Rịa là Bà Rịa, Rí là Phan Rí(thuộc Bình Thuận), Rang là Phan Rang (thuộc Ninh Thuận). Đây là thành ngữ khá xưa , hiếm người dùng còn chăng là ông già bà cả, chỉ người lịch duyệt, từng trải, đã từng đến Đồng Nai, Bà Rịa ăn gạo ngon, từng đến Phan Rí, Phan Rang ăn cá tươi. Trường hợp dân tư chanh mới thú vị, thật ra đó là từ dân tứ chiếng, nhưng khi ông Aubaret, một ông Tây viết báo cáo về dân giang hồ tứ chiếng, do viết theo cách đọc của mình nên thành Dân tư chanh. Từ này lọt ra ngoài và dân chúng xài luôn, xem như một ẩn ngữ nói về dân giang hồ (trường hợp này giống từ Đa Kao là một vùng đất thuộc quận I. Hồi xưa, dân gọi đây là Đất Hộ nhưng khi người Pháp viết lên trên bản đồ, viết theo cách đọc lơ lớ của mình là Đa Kao, nay chết tên luôn). Xấm xi xấm xải là làm ăn sớn xác không xem trước xem sau. Xây lố cố là biến âm của cụm từ xây lũ cố từ tiếng Hán là Tiểu lão ca có nghĩa là lũ trẻ nhỏ, con nít. Dảnh sủi có nghĩa là chết , có thể cũng từ tiếng Quảng Đông hay Triều Châu. Xây chừng là cà phê không sữa. Trong khi đó, xây cá nại là tách cà phê sữa nhỏ.
Thời trước, sách báo cũng không nhiều bằng bây giờ và người bình dân làm ăn củi lục chắc cũng khó mà coi sách nên ý kiến các học giả bảo vệ trong sáng tiếng Việt chắc khó mà tới họ. Và thế là ngôn ngữ tiếp tục phát triển. Bây giờ, vào một quán cà phê thuộc loại thời thượng nhất ở Sài Gòn với các bạn trẻ 8X, một tiếng gọi Pạc xỉu là có ngay một ly sữa nóng có pha chút cà phê. Và trong một quán nhậu bình dân, gọi tẩy là có ngay một ly bỏ đá lạnh, chỉ đợi rót bia vào.
Ở miền Nam, thật thú vị khi có tên hai cô nghệ sĩ cải lương trở thành thành ngữ dùng trong cuộc sống hàng ngày. Mói đây, một bài báo khi nói về chuyện VFF phân trần lỗi của ai sau vụ đội tuyển bóng đá VN thua Indonesia vừa rồi, tác giả bài báo viết: “Còn thanh minh thanh nga gì nữa…”.Thanh minh thi ai cũng biết là giải thích cho rõ điều bị hiểu sai, hiểu lầm. Nhưng Thanh minh - Thanh nga chính là tên một đoàn cải lương nổi tiếng ở miền Nam những năm 60 , trong đó, nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai chính. Và qua thời gian, cụm từ này mang dùm ý nghĩa của từ thanh minh, làm đậm đà câu thoại và đã vào văn …viết. Còn từ mút mùa lệ thuỷ thì không ai xa lạ. Lúc đầu, người ta dùng mút mùa để chí điều gì đến cùng, không bỏ dở. Từ khi đào Lệ Thuỷ nổi danh ở Sài Gòn với làn hơi vọng cổ dài và da diết, người ta cảm thấy không có từ nào xứng đáng để nhấn cho ý mút mùa bằng tên của nghệ sĩ này . Đến bây giờ, tôi tin chắc người ta vẫn dùng thành ngữ này rất phổ biến, ít ra là ở Nam bộ.
Có một từ lóng đơn giản nhưng thật thú vị là từ chỉ chiếc xe đạp: xế điếc. Nó chỉ có sau khi người ta dùng từ xế nổ để chỉ xe gắn máy và đương nhiên xe không nổ thì thành …điếc. Thông minh và ý nhị !
Một trường hợp thú vị khác. Khi xem kịch do người Việt ở xa đất nước diễn, có màn đối thoại sau:
- Ông có thấy tui giống tiên nữ không?
- Cái gì, bà mà giống tiên nữ.Bà ném về quỷ sứ thì có !
Và trong một đoạn văn miêu tả: "Nhà tôi ở bên cầu Mỹ Thuận , ném về phía Vĩnh Long, ném về miệt vườn…”
Đương nhiên ai cũng nhận ra ném về không có nghĩa là quăng về hay vứt, chọi về phía nào đó mà có nghĩa là thiên về. Một từ cổ mà những người Việt xa xứ đã lâu còn giữ và dùng.
Anh bạn ở Hà Nội bảo rằng khi phim Mùa len trâu nổi lên, nhiều người ngoài đó không hiểu từ này.Và có nhiều phương ngữ Nam bộ quả là khó hiểu dù dần dà thành phổ biến ngoài đó. Có anh bạn nói về chuyện “quan hệ” với người nước ngoài bằng từ trả thù dân tộc. Nhưng chắc anh và nhiều người dùng từ này không biết đó chính là câu cung khai của một tướng cướp tên là Điền Khắc Kim ở Sài gòn với cảnh sát về tội làm bậy phụ nữ ngoại quốc.
Có lẽ các Nhà ngôn ngữ đã giải thích nhiều rồi. Chắc chắn nhiều người lớn nghe chói tai khi đám trẻ nói khác đi ngôn ngữ chính thống, chỉn chu. Trước đây, khi đề cập đến, tôi gọi nó là một hành lang ngôn ngữ chạy dọc theo dòng này. Và nó có sức sống của nó, khi nào người ta còn cảm thấy nó cần thiết như thứ ẩn ngữ, để không phải nói trực tiếp, động chạm thẳng đến đối tượng và tạo một cảm giác, một ấn tượng thú vị, khôi hài, đậm đà, làm duyên dáng thêm câu chuyện. Và tất nhiên, qua thời gian , những thứ kệch cỡm, lố lăng, học đòi cũng sẽ bị đào thải trong dòng cuộc sống cuồn cuộn chảy. ...
Phạm Công Luận
(Báo Sinh Viên - Xuân 20