Trong khi tổng thống sắp mãn nhiệm Lyndon B. Johnson muốn kết thúc chiến tranh VN thì Nixon tìm cách phá hoại cuộc hòa đàm ở Paris năm 1968. Đây là một hành động “phản quốc” của Nixon theo nguyên văn cuộc đàm thoại của Johnson trong cuộn băng ghi âm mới công bố ngày 4-12-2008.
Liên danh Nixon-Agnew thắng cử nhờ chơi trò “phản quốc" Những cuộn băng của Lyndon B. Johnson ghi lại tổng cộng 42 giờ những cuộc điện đàm của vị tổng thống (TT) thứ 36 thuộc Đảng Dân chủ này trong những ngày tháng cuối cùng ở Nhà Trắng năm 1968 trước khi bàn giao chính quyền cho TT đắc cử Richard Nixon thuộc Đảng Cộng hòa.
Đó là những cuộn băng ghi âm cuối cùng của L.B. Johnson được giải mật và do Thư viện L.B. Johnson ở thành phố Austin, bang Texas, công bố hồi tuần rồi. Trước đó, thư viện này đã công bố 16 đợt, mỗi đợt vài cuộn băng cối, kể từ năm 1993 đến nay.
Những cuộn băng mới công bố được bí mật ghi âm từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1969. Chuyên viên lưu trữ văn thư Regina Greenwell tại Thư viện L.B. Johnson mô tả nhiệm kỳ của TT Johnson là “một trong những thời kỳ hỗn độn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Lúc đó, chiến tranh VN diễn ra ác liệt với 500.000 lính Mỹ trong vùng chiến sự, thượng nghị sĩ Robert Kennedy (em trai của TT J.F. Kennedy) bị ám sát, cuộc tranh cử TT năm 1968 hết sức gay cấn giữa ứng cử viên Dân chủ Hubert Humphrey và ứng cử viên Cộng hòa Richard Nixon.
Không dám công khai vì sợ sốc
Những cuộn băng cho thấy phản ứng giận dữ của Johnson sau khi ông nghe tin đại diện của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Richard Nixon xúi giục chính quyền Sài Gòn tẩy chay hội nghị Paris. Các cơ quan tình báo Mỹ nghe trộm những cuộc điện đàm của Nixon và người đại diện này. Họ đã báo cáo lại cho Johnson biết đại diện đó là Anna Chennault, một phụ nữ Mỹ gốc Hoa (tên con gái là Trần Hương Mai). Johnson cũng biết nhà báo Saville Davis của nhật báo Christian Science Monitor đang viết bài điều tra hoạt động phá hoại hội nghị Paris của Nixon và người của ông ta.
Lúc đó bộ trưởng quốc phòng Clark Clifford và ngoại trưởng Dean Rusk không muốn làm lớn chuyện. Hai ông khuyên TT Johnson không bình luận gì về hành động “phản quốc” của ứng cử viên Nixon. Bởi không thể đem chuyện nghe lén điện thoại làm bằng chứng để tố cáo địch thủ. Johnson cuối cùng đã nghe theo lời khuyên này.
Trong một cuộc họp báo gần đây, cựu trợ lý của L.B. Johnson là Harry Middleton cho biết thêm sở dĩ TT Johnson và phó TT Humphrey, ứng cử viên TT Đảng Dân chủ, quyết định không tiết lộ các hoạt động “cửa sau” của Anna Chennault và những người ủng hộ Nixon là vì sợ nước Mỹ “khó sống sót nếu bị thêm một cú sốc”.
Không thể nói huỵch tẹt, Johnson mắng vốn với thượng nghị sĩ Everett Dirksen, lãnh tụ nhóm thiểu số Đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ. Ngày 2-11-1968, tức ba ngày trước bầu cử TT Mỹ, TT Lyndon B. Johnson gọi điện cho Everett Dirksen yêu cầu ông này ngăn chặn chiến dịch phá hoại hòa đàm Paris sau khi trưng ra một số bằng chứng.
Johnson (bìa phải) bàn giao sổ sách cho TT đắc cử Nixon cuối năm 1968
Johnson nhấn mạnh với Dirksen: “Họ (Nixon và người của ông này) không được làm chuyện ấy. Đó là phản quốc. Tôi nghĩ rằng nếu biết được một ứng cử viên quan trọng chơi cái trò (đâm sau lưng chiến sĩ) đó thì nước Mỹ sẽ bị sốc nặng. Tôi không muốn làm cái chuyện (công khai cho mọi người cùng biết) ấy. Họ phải biết rằng chúng tôi biết rõ họ đang làm gì. Tôi biết họ đang nói chuyện với ai. Tôi cũng biết họ nói gì”.
Johnson kết luận: “Nếu Nixon lôi kéo chính quyền Sài Gòn ra khỏi bàn hội nghị thì ông ta sẽ chịu trách nhiệm về chuyện ấy”. Nghe đến đây, Dirksen hứa: “Tôi nghĩ rằng tốt nhất là tôi sẽ gặp ông ấy”.
Nixon nói láo
Nắm được thông tin Johnson tỏ ý nghi ngờ, hôm sau, Nixon chủ động gọi Johnson. Ông ta chối phăng không dính líu và cũng không chấp nhận chuyện “một kẻ nào đó tìm cách lay chuyển lập trường của chính quyền Sài Gòn”.
Nixon nhấn mạnh: “Trời ạ, tôi không bao giờ làm chuyện gì khiến chính quyền Sài Gòn rút khỏi bàn hội nghị”. Nixon còn hứa “sẽ chỉ làm bất cứ điều gì mà ông và Rusk muốn tôi làm”.
Tài liệu mới công bố cho biết trước đó, Johnson từng nhiều lần gọi điện cảnh báo trực tiếp Nixon về việc “người của Nixon” đang âm mưu phá hoại kế hoạch của Johnson hòa đàm với phía VN. Mọi nỗ lực ngầm của Johnson đều không đạt kết quả. Đã có thêm 22.000 lính Mỹ bỏ mạng tại chiến trường VN sau khi Nixon trở thành ông chủ Nhà Trắng năm 1969.
Ngày công bố những cuộn băng ghi âm cuối cùng của TT Johnson, bà Luci Baines Johnson, con gái út của TT Johnson, bày tỏ cảm xúc của mình trong một cuộc họp báo ở Austin, bang Texas: “Tại thời điểm TT Bush mở toang những cánh cửa Nhà Trắng để đón mừng gia đình TT đắc cử Barack Obama này, việc công bố những cuộn băng cuối cùng của cha tôi làm cho tôi nhớ đến những kỷ niệm xa xưa”.
Bà Luci cho biết thêm bà rất vui với sự kiện này vì “bây giờ các nhà sử học và thế hệ trẻ có một cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về cha tôi. Họ cũng có thể đánh giá đúng những nỗ lực điên cuồng nhằm kết thúc một cuộc chiến mà cha tôi không phải là người khởi xướng”.
TT L.B. Johnson qua đời năm 1970. Trước khi mất, ông căn dặn một cựu trợ lý của ông rằng chỉ công bố những cuộn băng ghi âm của ông 50 năm sau khi ông chết. Tuy nhiên, năm 1993, Harry Midlleton, giám đốc Thư viện L.B. Johnson, quyết định công bố từng đợt những cuộn băng sau khi thuyết phục được bà vợ của Johnson.
Nguyễn Cao
Kỳ tới: "Liên lạc viên" Anna Chennault