BÁC HỒ:TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI
VỀ Ý CHÍ,NGHỊ LỰC,SỰ KIÊN TRÌ VÀ LÒNG QUYẾT TÂM
Tính đến nay,đã gần bốn thập niên kể từ khi Bác Hồ kính yêu của chúng ta giã từ dân tộc “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” .Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng người đã để lại cho chúng ta một kho báu, một di sản vô giá mà không phải một dân tộc nào cũng có hạnh phúc được sở hữu.Đó chính là tư tưởng của Người-tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về đạo đức.Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng không phải là những gì cao xa,trừu tượng, không phải chỉ là những câu văn, lời nói mang tính lí luận chung chung mà đó là những gì rất gần gũi, chân thực, sống động, được cụ thể hoá,thực tiễn hoá bằng chính cuộc đời của Người.Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như Mặt trời chói lọi chiếu rọi tâm trí của tất cả mọi người.Và mỗi người trong chúng ta sẽ hấp thụ được những luồng ánh sáng đạo đức khác nhau từ Mặt trời vĩ đại đó, tức là ai ai cũng có những cảm nhận của riêng mình về tấm gương đạo đức của Bác.Với tôi,điều mà tôi tâm đắc ở Bác chính là ý chí và nghị lực phi thường,sự kiên trì và lòng quyết tâm sắt đá để đạt được mục đích.
Người sinh ra và lớn lên trong cảnh nước nhà bị đô hộ, nhân dân bần hàn,cực khổ, lầm than dưới những chính sách cai trị tàn khốc của bọn Thực dân Pháp và bọn vua quan phong kiến tay sai.Chứng kiến biết bao cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân ta bị dìm trong biển máu,ngay từ thời trai trẻ, Người đã “sớm có chí đuổi Thực dân Pháp,giải phóng đồng bào” .Đó chính là mục đích của Người:đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.Lúc sinh thời, Người đã từng nói:”Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.Người còn nói:”Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc cho quốc dân”.Mục đích của Người cũng là niềm ao ước của toàn thể dân tộc Việt Nam, là nhiệm vụ của Cách mạng Việt Nam.Vì thế, ý chí, nghị lực, sự kiên trì và lòng quyết tâm của Người cũng được thể hiện qua từng giai đoạn Cách mạng Việt Nam.Tất nhiên, đó sẽ là những chặng đường cực kỳ gian khổ.Để vượt qua những chông gai đó, đòi hỏi rất cao ý chí và nghị lực của con người.Bác Hồ kính yêu của chúng ta với bản lĩnh phi thường đã đáp ứng được những yêu cầu đó.Người đã vượt qua biết bao sóng gió để đưa con thuyền Cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang.
Để thực hiện mục đích của mình, để biết “nước Pháp và các nước khác làm thế nào để trở về giúp đồng bào mình”, để biết những gì ẩn dấu đằng sau những từ “văn minh, bình đẳng, bác ái”, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911.Trên bước đường gian truân ấy, Người đã trải qua biết bao nhọc nhằn, vất vả.Người đặt chân lên tàu Latouché Trévillé để sang Pháp chỉ với đôi bàn tay trắng.Người đã phải làm một anh phụ bếp, làm việc một ngày mười mấy tiếng đồng hồ, từ bốn giờ sáng đến chín giờ tối.Người làm đủ mọi thứ việc trên tàu:đốt lửa lò, khuân than, lấy rau, thịt, cá, nước đá, v.v…Suốt ngày, người Bác đẫm mồ hôi, mình đầy bụi than.Nhọc nhằn đó, vất vả đó nhưng người không chút than phiền,chán nản.Bằng nghị lực của mình, người quyết chấp nhận gian khổ và vượt qua gian khổ để đi đến nước Pháp ,đến các nước khác.Cuối cùng, Người cũng vượt qua được gian khổ đầu tiên.Chiếc tàu cập cảng Mác-xây, đưa Người đến khung cảnh của nước Pháp.Ở đó, cũng có người bóc lột người, cũng có những người cần được khai hóa…Không dừng lại ở đó, cuộc hành trình của Người còn kéo dài thêm mấy năm trời ròng rã, trải qua khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mĩ. Với một ý chí không sờn là tìm cho kì được con đường cứu nước và với đôi bàn tay đầy nghị lực, Người đã vượt qua muôn trùng ngọn sóng của đại dương để đến những nơi mà mình muốn đến.Đến đâu Người làm việc đến đó để có thể “nuôi sống” cuộc hành trình.Những công việc mà Người đã làm, tất nhiên, không nhẹ nhàng một chút nào.Khi ở Anh, Người đã phải xin cào tuyết trong một trường học,”mình mẩy đẫm mồ hôi mà chân tay rét cóng” .Sau đó, Người đi đốt lò “trong cảnh tranh tối, tranh sáng”,”trong hầm thì nóng, ngoài trời thì rét” đã khiến Người bị cảm.Hết cảm, Người xin đi rửa bát…Có thể nói, trừ những lúc bị bệnh ra, không một lúc nào Người được nghỉ ngơi.Năm 1917, Người từ Anh trở về Pháp. Những tháng ngày cực khổ lại tiếp tục.Người làm nghề rửa ảnh, phóng đại ảnh,v.v…Để vượt qua mùa đông băng giá ở Pari, mỗi sáng trước khi đi làm, Người để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn, chiều về lấy viên gạch ra để dưới nệm nằm cho đỡ rét.Thật thương cho Bác quá! “Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá” .Dường như vô vàn vất vả, khó khăn đang nắm tay nhau kéo đến để thử thách ý chí của một con người!Cuối cùng, Bác Hồ của chúng ta đã chiến thắng.Qua những tháng ngày gian khổ đó, Người đã rèn luyện để trở thành một người vô sản thực thụ,hiểu được tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của mọi kiếp người lao động và thêm thấu hiểm tâm địa xấu xa, độc ác của bọn đế quốc, Thực dân.Với lòng kiên trì và nghị lực phi thường, Người đã vượt lên trên tất cả để đến với ánh sáng chân lý của thời đại.Ngày 6/7/1920,Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên tờ “Nhân đạo” của Đảng Xã Hội Pháp.Sự kiện này đánh dấu một sự chuyển biến vô cùng lớn trên con đường Cách mạng gian khổ mà Người đang kiên trì theo đuổi.Từ đây, Người đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc.Đó là con đường cách mạng Tháng Mười,con đường cách mạng vô sản.
Sau khi tìm được con đường cứu nước, điều tiếp theo mà Người phải làm là chỉ cho dân tộc ta thấy con đường tươi sáng đó,để hướng nhân dân đấu tranh theo đường lối đúng đắn, đấu tranh theo ánh sáng của cách mạng Tháng Mười, để đạt được mục đích sau cùng là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.Lúc bấy giờ, từ nước ngoài, bất chấp mọi khó khăn,gian khổ, Người tích cực, bền bỉ, kiên trì truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước để thức tỉnh mọi người.Dù rất khó khăn về vật chất nhưng Người vẫn cố gắng viết báo, để những tờ báo ấy đươc bí mật gửi về trong nước.Người còn thành lập các tổ chức chính trị khác nhau để tuyên truyền cách mạng,tiêu biểu là hội Việt Nam cách mạng thanh niên…Nhờ vậy, cách mạng Việt Nam nhanh chóng phát triển, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam -bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
…Mùa thu năm 1942, Người lên đường sang Trung Quốc nhưng bị bọn Tưởng Giới Thạch tình nghi là gián điệp và bị bắt giam.Trong suốt “mười bốn trăng tê tái gông cùm” , Người đã phải gánh chịu biết bao gian nan, vất vả, chịu biết bao đọa đày của một kiếp tù nhân.Trong những ngày ở tù, Bác mang gông ở cổ, chân bị cùm, bị giải gần như từ nhà lao này đến nhà lao khác.Khi đi, bị trói “giật cánh khuỷu”,cổ mang vòng xích, có lính mang súng áp tải đi cùng.Ở trong tù, ăn uống thiếu thốn, không khí ngột ngạt, chật ních, có khi phải “ngồi trên hố xí đợi ban mai” , muỗi,rận thì nhiều vô kể…Bác gọi khoảng thời gian này là “sống khác loài người” .Chế độ nhà tù tàn ác của quân Tưởng đã làm cho thân xác Bác có phần tiều tụy, làm cho Bác rụng mất một cái răng, mình đầy ghẻ lở “như hoa gấm”, làm cho Bác “chân yếu, mắt mờ, tóc bạc” …Cực khổ đến dường ấy,gian nan đến như vậy vẫn không thể nào khuất phục được bản lĩnh của một con người tràn đầy ý chí và nghị lực như Bác.Trong tù, nhưng Bác vẫn làm thơ:”Ngày dài ngâm ngợi cho khuây-Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” .Ý chí, nghị lực, kiên trì là ở chỗ đó.Chế độ nhà tù chỉ giam cầm thân xác của Bác, còn tinh thần của Bác vẫn “ở ngoài lao”,vẫn tự do: “Thân thể ở trong lao- Tinh thần ở ngoài lao”.Đó chính là ý chí sắt thép của Bác.Không khó khăn, gian khổ nào có thể là trở ngại đối với Bác, không gian nan, vất vả nào có thể ngăn được bước tiến của Hồ Chí Minh trên con đường cách mạng.Thậm chí, khó khăn còn giúp ích cho Người,giúp người rèn luyện ý chí, nghị lực, tinh thần:”Ví không có cảnh đông tàn-Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân-Nghĩ mình trong bước gian truân-Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng” .Người cũng từng tự khuyên mình:”Gian nan rèn luyện mới thành công”.Sự uy vũ, bất khuất, ý chí và nghị lực của Người đã làm cho bọn gian ác phải cuối đầu.Bọn Quốc Dân Đảng cuối cùng cũng phải trả lại cho Người sự tự do về thân xác, vì chúng chỉ giam cầm thân xác của Bác.Sau khi ra tù, mắt Bác kém đi, chân yếu không bước nổi, có nguy cơ bị liệt.Bác đặt quyết tâm phải rèn luyện đôi chân, Bác tập đi dần dần, từng ngày, dù rất đau đớn nhưng Bác vẫn gắng sức và không bao giờ nản chí.Một lần nữa nghị lực, quyết tâm lại giúp Bác vượt qua khó khăn.Bác đã trở về với dân tộc bằng chính đôi chân khỏe mạnh của mình.Bác vẫn là chỗ dựa vững chắc của toàn dân tộc, và cùng với dân tộc làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám 1945.
Ngay sau đó, dân tộc ta, với sự lãnh đạo của Bác, tiếp tục tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh kế tiếp nhau chống lại hai tên đế quốc đầu sỏ là Pháp và Mĩ.Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết nghe và tin theo sự lãnh đạo của Người.Quyết tâm của Người, ý chí của Người cũng là quyết tâm chung, ý chí chung của toàn dân tộc.Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Người kêu gọi:”Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chị làm nô lệ” .Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, Người ra hịch kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.Sự quyết tâm cao độ của Bác Hồ, của toàn dân đã làm nên sức cố kết vĩ đại làm nên thắng lợi thần kì của cách mạng Việt Nam:là một nước nhỏ nhưng đã có vinh dự đánh bại hai tên đế quốc lớn.
Ý chí, nghị lực của Người không chỉ thể hiện qua những giai đoạn cách mạng, những sự kiện cách mạng vĩ đại ấy mà còn thể hiện qua những việc làm, những câu chuyện,dù rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn lao.Chẳng hạn như việc “Tự học ngoại ngữ”.Khi làm việc trên tàu Latouché Trévillé, nhọc nhằn đến như vậy nhưng mỗi tối Bác đều giành hai tiếng đồng hồ để học tiếng Pháp.Bác còn nghĩ ra cách học sáng tạo, viết mười từ vào mỗi cánh tay để vừa làm việc vừa nhẩm học.Thời kỳ quét tuyết ở Luân Đôn, vào buổi sáng sớm và buổi chiều mỗi ngày, Bác mang sách bút ra vườn hoa Hyde để tự học tiếng Anh.Với ý chí tự học như vậy, đến nước nào, Bác tranh thủ tự học ngay tiếng nước ấy.Nhờ thế, Bác biết thông thạo nhiều ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc,v.v…
”Tập viết báo” cũng là một câu chuyện thể hiện sâu sắc lòng kiên trì của Bác.Khi ở Pari, Người đã đến tòa soạn “Đời sống thợ thuyền” để xin được viết báo.Ông chủ bút tốt bụng đã chỉ Bác viết, giúp đỡ Bác rất nhiều.Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm, không bao giờ chán nản với công việc, Người đã kiên trì tập viết:viết ngắn rồi lại viết dài,rồi từ viết dài rút lại sao cho ngắn…Cứ thế, Bác đã viết được báo.Tôi cho rằng, nhờ có sự cố gắng tập viết báo như thế này,nhờ có sự kiên trì và nỗ lực như thế này mới có tờ báo “Người cùng khổ” về sau mà Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm kiêm chủ bút.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết một trong hai khuyết điểm của Bác mà Người căn dặn chúng ta không được làm theo là không hút thuốc lá.Từ 1966, Bác đã 76 tuổi,sức khỏe ngày càng yếu đi.Bác sĩ khuyên Bác nên bỏ thuốc lá để giữ gìn sức khỏe.Bác đã đặt ra quyết tâm cho mình và cố gắng bỏ thuốc lá.Bác cũng đã nhờ chú giúp việc nhắc nhở Bác để giúp Bác sửa tật này.Mỗi lần thèm thuốc, Bác chỉ hút đến n ửa điếu rồi dụi đi.Cứ thế, Bác hút thuốc ít dần và bỏ hẳn.
Bác có một thói quen rất quý là mỗi khi Tết đến xuân về, Bác đều đọc thơ chúc Tết cho đồng bào nghe.Năm 1969, sức khỏe Bác ngày càng yếu đi,giọng nói nghe không còn rõ nữa.Vì thế Bác đã phải “tập phát âm”.Bác tự rèn luyện, tự chữa để phục hồi các âm tiết trong Tiếng Việt.Khi Bác phát âm, Bác nhờ các cô chú phục vụ đứng đằng xa nghe tiếng nói của Bác có rõ và chuẩn không,nếu chưa thì Bác tập lại.Thấy Bác tuổi đã cao, sợ Bác vất vả nên mọi người nói là Bác phát âm đã tốt nhưng Bác tự biết và gắng tập phát âm cho kì rõ và chuẩn mới thôi.Sự luyện tập gian khổ với quyết tâm cao độ như vậy đã giúp Bác chiến thắng bệnh tật và đã mang lại kết quả tốt đẹp.Đêm 30 Tết Nguyên Đán năm Kỷ Dậu 1969, dưới làn sóng điện của đài tiếng nói Việt Nam vẫn vang lên giọng thơ chúc Tết mạch lạc, đầm ấm, tin tưởng của Bác.
Còn rất nhiều những câu chuyện nho nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao như vậy.Những câu chuyện đó thể hiện sâu sắc ý chí, nghị lực, sự kiên trì và lòng quyết tâm của Bác.
Các đức tính tốt đẹp đó của Bác Hồ không chỉ làm cho nhân dân Việt Nam cảm phục mà nhân dân toàn thế giới cũng kính trọng. Kí giả Lacouture viết: “Thời nay có nhà cách mạng nào đủ gan lớn mật để chống đối trật tự của các liệt cường với một quyết tâm bền bỉ đến thế?”.Báo Ấn Độ quốc gia cũng có viết: “Đằng sau cái cốt cách dịu dàng của cụ Hồ là một ý chí sắt thép.Dưới cái bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi anh hùng không gì uy hiếp nổi”.Thế đó! Bác Hồ của chúng ta là như thế! Ý chí, nghị lực, kiên trì quyết tâm là như thế!
Tấm gương đạo đức của Bác thật sáng, thật vĩ đại! Nhưng tấm gương sáng ngời ấy không phải chỉ để soi cho thấy,để nhìn cho biết mà còn phải học tập và làm theo nữa,nhất là đối với thanh niên, sinh viên.Nói đến điều này, nói chung chúng ta đều tốt,đại đa số đều nghiên cứu, học tập tấm gương đạo đức của Bác.Nhưng để làm theo như Bác thì còn là cả một quá trình mà chúng ta phải phấn đấu.Tất nhiên,”người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”(GS.Trần Văn Giàu).Đó là phần đông chúng ta.
Tôi thấy thật đáng buồn cho một phần nhỏ sinh viên!Sinh viên là những người được trang bị tri thức khá nhiều,tất nhiên đã là sinh viên thì ai cũng có ước mơ nghề nghiệp,đều đã có mục đích cả rồi.Buồn cho họ là ở chỗ họ không học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác,hoặc có học tập,có biết nhưng không làm theo,họ không có đủ ý chí, nghị lực, kiên trì, quyết tâm để đạt được mục đích, để biến ước mơ thành hiện thực.Từ đó, họ nảy sinh ra bi quan, chán nản,buông lỏng cuộc sống của chính mình.Vì vậy, dễ đánh mất mình, sa ngã vào những con đường đen tối để lại hối tiếc cho biết bao nhiêu người!
Càng đáng buồn hơn cho một phần rất nhỏ thanh niên.Mục đích còn không có huống chi là nói đến ý chí và nghị lực để đạt được mục đích! Đối với họ, nếu có mục đích đi nữa thì cũng “không giống ai”, không chính đáng.Chẳng hạn như họ muốn làm “đàn anh”, “đàn chị”, muốn làm “vua xa lộ”, muốn “nổi tiếng chốn võ lâm”…Họ đâu biết rằng chính họ đang tự tay chôn vùi cuộc sống tương lai, chôn vùi cuộc đời của họ.Giáo dục tư tưởng cho những con người này, làm cho họ biết, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh càng trở nên hết sức cần thiết.
Đối với tôi, trước hết tôi sẽ tránh vết đổ của một phần rất nhỏ những thanh niên cũng như một phần nhỏ những sinh viên nói trên.Tôi sẽ cố gắng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.Tôi sẽ nhớ mãi lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó-Chỉ sợ lòng không bền-Đào núi và lấp bể-Quyết chí ắt làm nên” .Tôi sẽ vận dụng tư tưởng của Bác, vận dụng tấm gương kiên trì, nghị lực của Bác vào công việc đầu tiên và quan trọng nhất của tôi là học tập.Trong tương lai,dù tôilàm một gì đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.Tôi tin rằng,lòng kiên trì, nhẫn nại,sự bền bỉ và quyết tâm mà tôi được học tập từ tấm gương đạo đức của Bác sẽ giúp tôi vượt qua được áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống sau này Đó sẽ là nhân tố quan trọng giúp tôi đi đến thành công.
Thời gian sẽ trôi qua, thế giới sẽ đổi thay nhưng “tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi” ! Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bất diệt và mãi mãi soi sáng sự nghiệp của chúng ta! Chúng ta may mắn và có vinh dự là con cháu của Bác Hồ và mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.Vì vậy, tất cả chúng ta hãy học tập không ngừng và hãy làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngay từ bây giờ.Hãy “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để có thể “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”!
__________________________________________________________
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:
1.Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Nxb Trẻ,2004
2.Bác hồ của chúng em (truyện kể về đạo đức),NXBGD,1994.
3.Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng,Vĩ đại một con người,Nxb Trẻ, 2007
4.Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh,Nxb Trẻ, 2007
5.Lời non nước,danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2007