Bình luận câu nói của Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt Sử kí toàn thư về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng: “Trưng Trắc, Trưng Nhị hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành trì ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng.”?
Hai Bà Trưng là cái tên mà người Việt Nam qua nhiều thế hệ gọi tên hai người phụ nữ vốn là hai chị em ruột với niềm tự hào sâu sắc. Đó là Trưng Trắc và Trưng Nhị, những người phụ nữ “rất anh dũng”, “có đảm lược”, đã quả cảm phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước ta, vùng lên đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán và lập nên nền độc lập, tự chủ trong vòng gần ba năm sau hơn 200 năm chìm đắm dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.
Theo sử cũ chép lại, Trưng Trắc và Trưng Nhị là 2 chị em con Lạc tướng Mê Linh thuộc dòng họ Hùng, có ý thức bất khuất và tự chủ, ý thức dân tộc sâu sắc. Chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai một Lạc tướng huyện Chu Diễn bị giặc ngoại xâm giết hại. Trước cảnh nước mất nhà tan Trưng Trắc cùng em Trưng Nhị quyết tâm tiến hành khởi nghĩa "Đền nợ nước, trả thù nhà".
Về diễn biến của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà có thể chia thành hai giai đoạn chính : Giai đoạn một, từ năm 40 đến năm 42 là thời kì Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Giai đoạn hai, từ hè năm 42 – 43 là thời kì Hai Bà Trưng tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Hán.
Vào giai đoạn thứ nhất, Mùa xuân năm 40 (tháng 3 dương lịch), cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Hát Môn (Mê Linh, Vĩnh Phúc). Một điều quan trọng cần phải nhắc đến đó là lực lượng tham gia cuộc khởi nghĩa đông đảo nhất là phụ nữ. Đánh giá về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, trong Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Sĩ Liên có viết : “Trưng Trắc, Trưng Nhị hô một tiếng mà các quận Cửu Châu, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành trì đều hưởng ứng”. Trong câu nói của Ngô Sĩ Liên có một một cụm từ “Hô một tiếng mà các nơi hưởng ứng”, điều này chứng tỏ nhân dân ta khắp nơi đã nghe theo tiếng gọi, lệnh khởi nghĩa của Hai bà Trưng và vùng dậy chống nhà Hán. Khởi nghĩa Hát Môn lập tức được sự hưởng ứng của các lạc tướng lạc dân không chỉ ở Mê Linh, Chu Diên mà còn ở địa phương khác. Hậu Hán thư có nêu :
Những người Man, người Lý ở 4 quận giao Chỉ, Cửu Chân Nhật Nam, Hợp Phố đều nhất tề nổi dậy hưởng ứng. Phong trào này đã nhanh chóng trở thành một cuộc nổi dậy của toàn dân, vừa mang tính chất toả rộng. Cuộc nổi dậy và hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của các địa phương chứng tỏ rằng tinh thần dân tộc Việt, ý thức độc lập đã thức tỉnh song hành với nó là sự đoàn kết đấu tranh của dân tộc ta. Bên cạnh đó, phản ánh sâu sắc tinh thần dân tộc khá rõ rệt của các lạc tướng, lạc dân trong các bộ lạc hợp thành nước Âu Lạc cũ. Đạo lí này được thể hiện qua câu ca dao :
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương;
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Từ Mê Linh, nghĩa quân đánh chiếm thành Cổ Loa và Luy Lâu buộc Thái thú Tô Định phải trốn về nước. Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc được suy tôn làm vua (sử cũ gọi là Trưng Vương), đóng đô ở Mê Linh (Vĩnh Phúc), tổ chức và xây dựng chính quyền độc lập tự chủ. Về sự kiện này trong Đại Nam quốc sử diễn ca có viết :
“Đô Kì đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.”
Giai đoạn hai, bắt đầu từ mùa hè năm 42, nhà Đông Hán sai tướng Mã Viện đem 2 vạn quân chủ lực, 2 nghìn xe thuyền sang xâm lược. Trong cuộc chiến đấu chống giặc ở Lãng Bạc, quân của Hai Bà bị thiệt hại nặng, phải lui về Cổ Loa, rồi Cấm Khê (chân núi Ba Vì - Hà Tây) lập căn cứ chống giữ. Sau một năm chiến đấu quyết liệt, Hai Bà đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn để giữ tròn khí tiết vào mùa hè năm 43 :
“Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo
Chị em thất thế cũng liều với sông”
Xuyên suốt lịch sử, vǎn hoá dân tộc Việt Nam, Hai Bà Trưng đã được truyền thuyết dân gian tiếp nối qua nhiều đời và là một chân lý chói ngời trong đời sống tâm linh người Việt. Khi nói đến phụ nữ Việt Nam nêu gương sáng và là niềm tự hào của đất nước, người Việt Nam không quên nhắc đến Hai Bà Trưng. Tuy thất bại song qua cuộc khởi nghĩa chúng ta đã thấy được những biểu hiện về sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, khí thế của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng hơn thế nữa là tấm gươngoanh liệt ngàn thu của Hai Bà. Xin dùng những hình ảnh thơ trong “Đại Nam Quốc sử diễn ca” để làm rõ thêm câu nói của Ngô Sĩ liên và thay cho phần kết :
“Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống phần Long Biên.”
Thủ Đức, 21/05/2008
Châu Tiến Lộc