Theo các nhà nghiên cứu, thời tiết thế giới đang tiệm cận với La Nina. Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện ở Thái Bình Dương và trong hai tháng nữa sẽ ảnh hưởng đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu về khí hậu Việt Nam nhận định năm 2006 có thể sẽ là năm lặp lại chu kỳ thời tiết năm 1999, nghĩa là lũ lụt và hạn hán sẽ nối tiếp xảy ra, nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Năm 1999, La Nina đã xuất hiện, kéo theo hàng loạt trận lũ, đặc biệt lớn là ở khu vực miền Trung và Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Tuy nhiên, trước thời điểm này là sự hoành hành của El Nino với hạn hán xảy ra gần như trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, El Nino (1997-1998) đã làm nền nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục và hạn hán lan rộng trên nhiều vùng, nhiều sông ngòi ở khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên hầu như cạn kiệt.
Theo quy luật, khi La Nina xuất hiện, hoạt động bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và biển Đông sẽ gia tăng, dẫn tới số cơn bão xuất hiện ở Việt Nam cũng tăng tương ứng, kéo theo mưa trên diện rộng.
Theo nhận định của tiến sỹ Hoàng Đức Cường, trưởng phòng khí hậu thuộc Viện Khí tượng Thuỷ văn, có thể nói, năm 2006 có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành các trận lũ và úng ngập kéo dài ở những khu vực thấp.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, hạn hán đang diễn ra tại miền Bắc, do thiếu mưa và ảnh hưởng cuả thời tiết tiệm cận El Nino từ vài năm trước, khiến mực nước các sông ở khu vực này xuống thấp. Ông Cường dự đoán, tình trạng hạn hán còn có thể kéo dài trong hai tháng tới.
Theo các nhà khoa học, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tình trạng khô hạn sẽ vẫn tiếp tục xảy ra do nhu cầu sử dụng nước tại đây nhiều và do bản chất khí hậu khu vực này ít mưa. Các tỉnh Nam Bộ, chưa thấy dấu hiệu khô hạn sẽ tiếp tục xảy ra, mặc dù cuối năm ngoái mưa đến muộn đã làm khu vực này rơi vào tình trạng khô hạn.
Nhằm đối phó với những bất thường của tình hình thời tiết, năm nay, Chính phủ đã quyết định dành 280 tỷ đồng từ ngân sách để khôi phục và nâng cấp hệ thống đê biển, kéo dài từ tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Nam.
Đối với khu vực miền núi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai Chương trình quy hoạch phòng tránh lũ quét tại 33 tỉnh miền núi trên toàn quốc, với kinh phí lên tới 1,5 tỷ đồng.
Song song với những nỗ lực trên, Bộ còn chỉ đạo ngành lâm nghiệp khẩn trương nâng độ che phủ rừng cả nước lên 43% trong bốn năm tới so với 36,7% như hiện nay và yêu cầu trồng rừng phòng hộ ven biển bằng các loài cây phi lao, bạch đàn, keo, tre, bần đước để vừa hình thành những đai rừng giảm thiểu tác hại của gió, bão, lũ vừa cải thiện môi trường sinh thái.
Năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chi 160 tỷ đồng tu bổ đê điều, đồng thời bổ sung 100 tỷ đồng cho 9 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Dự án xử lý cấp bách công trình đê điều.