Hơi nước làm khí hậu ở châu Âu nóng lên
Hơi nước chứ không phải khí CO2 trong bầu khí quyển là nguyên nhân chính lý giải tại sao khí hậu ở châu Âu ngày càng ấm lên - theo nghiên cứu của Trung tâm Bức xạ thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) vừa đăng trên tạp chí Địa Vật lý.
Một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Rolf Philipona dẫn đầu sử dụng các mạng lưới nghiên cứu và trạm khí tượng khắp châu Âu để đo nhiệt độ, độ ẩm và bức xạ sóng dài - đóng vai trò chính trong hiệu ứng nhà kính. Kết quả quan sát từ năm 1995 đến 2002 cho thấy lượng bức xạ sóng dài hướng về Trái đất ở châu Âu tăng lên đáng kể trong khi bức xạ mặt trời thì không. Bức xạ sóng dài bắt nguồn từ các phân tử khí như CO2, methane và hơi nước (hấp thu bức xạ mặt trời sau khi bức xạ tiếp xúc với bề mặt Trái đất và phản xạ ngược trở lại bầu khí quyển). Các nhà nghiên cứu qua tính toán nhận thấy lượng bức xạ sóng dài gia tăng một phần là do nồng độ cao các chất khí như CO2 - được xem là nguyên nhân gây “hiệu ứng nhà kính do con người gây ra”. Nhưng, lượng hơi nước tăng dường như có ảnh hưởng lớn hơn, chiếm khoảng 70% mức tăng nhiệt độ mà nghiên cứu ghi nhận.
Không phải tất cả các khu vực ở châu Âu đều bị tác động như nhau. Các nước Đông Âu trở nên ấm hơn với mức tăng tương đương 2 độ C mỗi thập niên - nhiều hơn đáng kể so với các nước Tây Âu. Theo nghiên cứu mới, đó có thể là do sự khác biệt về độ ẩm. Độ ẩm đã tăng nhanh ở phía Đông nhưng không phải ở phía Tây, nơi tình trạng khô hạn trên bán đảo Iberia có lẽ đã hạn chế sự bốc hơi nước.
Theo báo khoa học