Chernobyl và sự kỳ diệu của thiên nhiên
Loài ngựa Przewalski đang sinh trưởng tốt trong vùng nhiễm xạ (Sergey Gaschak)
Thảm hoạ hạt nhân 2 thập kỷ trước đã biến Chernobyl thành nơi ô nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất trên thế giới. Nhưng sự sống không hề bị huỷ diệt mà nơi đây lại trở thành nơi trú ẩn của đông đảo các loài động vật hoang, giống như một khu bảo tồn thiên nhiên vậy.
Khu vực cấm vào có đường kính 30 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đang hồi sinh với sức sống mãnh liệt. Nguyên nhân vì khi con người sơ tán sau vụ nổ, nhiều loài động vật đã đổ bộ vào và biến nơi bị ô nhiễm này thành thiên đường của chúng.
Những loài thú từng tồn tại và sinh trưởng như mèo rừng hay chim cú giống lớn bị biến mất suốt hàng thập kỷ, nay đang quay trở về khu vực Chernobyl. Thậm chí nơi đây còn xuất hiện dấu chân đầy bí hiểm của một con gấu, giống ác thú vốn không còn lảng vảng ở khu vực này của Ukraina mấy thế kỷ qua.
Nhà sinh thái học Sergey Gaschak cho rằng: "Các loài động vật dường như không có cảm giác gì về phóng xạ và chúng sẽ chiếm lĩnh khu vực này, bất chấp điều kiện phóng xạ tại đây. Rất nhiều chim chóc đang làm tổ ngay trên chiếc quách bê tông".
Cư dân của vùng cách ly Chernobyl
Loài tái xuất hiện: Mèo rừng, cú, diệc bạch, thiên nga và có thể cả một con gấu.
Loài được đưa vào: Bò rừng châu Âu, ngựa Przewalski.
Loài có vú tăng về số lượng: Lửng (badger), hải ly, lợn rừng, hươu, nai sừng tấm, cáo, thỏ rừng, rái cá, chó hoang, sói.
Loài chim tăng về số lượng: Chích bông, sẻ ngô (có chóp sẫm màu trên đầu), gà gô đen, cò đen, sếu, đại bàng đuôi trắng.
Ông ám chỉ một khối bê tông và thép khổng lồ được dựng lên để bao bọc lò phản ứng bị nổ năm 1986.
"Tôi nhìn thấy tổ của sáo đá, bồ câu, nhạn và loài chim đỏ đuôi và tìm ra cả những quả trứng của chúng", nhà khoa học cho biết thêm.
Có thể tồn tại plutonium trong khu vực đó, nhưng ở đây hoàn toàn không có chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu, hoạt động công nghiệp hay giao thông. Do đó chẳng có gì quấy rầy loài lợn rừng, vốn tăng gấp 8 lần về số lượng ở Chernobyl từ năm 1986 đến 1988, ngoại trừ một loài dã thú khác cũng đang hồi sinh là chó sói.
Sự nhiễm độc
Tuy nhiên, bức tranh cuộc sống thiên nhiên trong khu vực không tươi sáng như vậy trong những tháng đầu tiên sau thảm hoạ hạt nhân, vì lúc đó mức phóng xạ cao hơn gấp nhiều lần. Khoảng 4 km vuông rừng thông nằm sát lò phản ứng đã bị chuyển màu rồi chết, khiến chúng có tên gọi mới là khu Rừng Đỏ.
Một số loài động vật trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của thảm hoạ cũng chết hoặc ngừng sinh sôi. Những phôi thai của loài chuột bị tan rã, trong khi số ngựa bị bỏ lại trên một hòn đảo cách nhà máy điện khoảng 6 km cũng chết do tuyến giáp của chúng bị phân huỷ.
Một chú nai sừng tấm thấp thoáng trong rừng (BBC).
Gia súc trên hòn đảo nói trên cũng còi cọc dần do tuyến giáp bị công phá. Nhưng thế hệ tiếp theo của chúng lại khiến người ta kinh ngạc, vì bộ phận trên cơ thể chúng hoàn toàn bình thường.
Tuy vậy, đặc trưng hiện nay của các loài động vật sống trong vùng bị ô nhiễm vì thảm hoạ Chernobyl là chúng nhiễm phóng xạ ở mức không an toàn cho con người ăn thịt dù chúng vẫn khoẻ mạnh.
Khả năng thích nghi
Có một sự khác biệt đã hình thành giữa những loài động vật chỉ sinh sống trong một vùng hẹp như các con chuột chẳng hạn với các loài động vật lớn hơn như nai sừng tấm, vốn có thói quen di chuyển liên tục trong một phạm vi rộng nên không ở cố định trong vùng bị ô nhiễm.
Những loài động vật hay lang thang trong khu vực rộng có lượng nhiễm phóng xạ thấp hơn so với các loài động vật mắc kẹt trong điểm nóng về ô nhiễm. Tuy vậy, có những dấu hiệu cho thấy, những loài kém may mắn này có thể tự thích nghi được với hoàn cảnh sống của chúng.
Nhà sinh thái học Sergey Gaschak đã làm nhiều thí nghiệm trên những con chuột bắt được ở khu Rừng Đỏ. Kết quả cho thấy, chúng đang từ từ sinh trưởng trở lại, cho dù cây cối trong vùng vẫn còi cọc và có hình dạng không bình thường.
Chuột đang trong quá trình thí nghiệm (BBC).
"Chúng tôi đã đánh dấu những con chuột ở vùng ô nhiễm rồi thả và bắt lại chúng một thời gian dài sau. Chúng tôi phát hiện rằng, chúng sống lâu tương đương những con ở các khu vực tương đối sạch khác", Sergey cho biết.
Bước tiếp theo của nghiên cứu là đưa những con chuột ở những nơi ít bị ô nhiễm vào khu Rừng Đỏ. "Chúng cảm thấy không được khoẻ lắm. Do vậy sự khác biệt giữa những con chuột sống quen ở đây với những con mới đến là rất rõ ràng", Sergey kết luận.
Sự đột biến
Trong tất cả các nghiên cứu của mình, Sergey chỉ tìm thấy một con chuột có triệu trứng giống như bệnh ung thư. Ông phát hiện rất nhiều bằng chứng về sự đột biến ADN, nhưng chúng không ảnh hưởng gì đến chức năng sinh lý cũng như khả năng sinh sản của các loài động vật.
Mary Mycio, tác giả cuốn sách Wormwood Forest nghiên cứu về vạn vật học trong khu vực Chernobyl chỉ ra rằng, một con vật bị đột biến gien trong đời sống hoang dã thông thường sẽ chết hoặc bị ăn thịt, trước khi các nhà khoa học có thể quan sát được nó.
Hơn nữa như bà nhấn mạnh rằng, các nhà khoa học nhìn chung chỉ nghiên cứu toàn bộ số lượng của một loài chứ không quan tâm đến những gì xảy ra đối với một cá thể nào đó.
Nơi cất giữ hạt nhân
Khu vực bị cách ly nằm cả trên đất Ukraina và Belarus (BBC).
Mary Mycio còn đánh giá, những lợi ích mà thiên nhiên hoang dã được hưởng trong việc con người bị sơ tán khỏi khu vực nói trên có nhiều tác động hơn so với bất cứ tác hại nào của tia phóng xạ mà chúng gánh chịu.
Trong cuốn sách của mình, bà dẫn lời nhà môi trường học người Anh James Lovelock nói về ý tưởng bảo quản chất thải hạt nhân từ hoạt động sản xuất điện trong những cánh rừng nhiệt đới, hay trong các môi trường sống khác mà theo ông "đang cần chống lại sự huỷ hoại của các nhà hoạch định phát triển tham lam".
Một vùng rộng lớn bị cách ly sau thảm hoạ Chernobyl nằm trong lãnh thổ Belarus đã chính thức được chuyển thành khu bảo tồn thiên nhiên. Nhà sinh thái Sergey Gaschak mong muốn Ukraina cũng theo mô hình này, biến 2.500 km vuông bị cách ly của họ thành một khu bảo tồn hoặc công viên quốc gia.
Khác với Đảng Xanh Ukraina, khoa học gia Sergey không hề lo lắng hay phản đối nếu chính phủ thực hiện kế hoạch cho xây dựng một kho chứa sâu trong khu vực, để làm nơi cất giữ chất thải hạt nhân từ khắp cả nước.
Theo báo khoa học