Ải Chi Lăng là một ải thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn trên quốc lộ 1A từ Hà Nội đi Lạng Sơn theo hướng Đông Bắc từ Trung châu Bắc Bộ.
1.Toàn cảnh:
Ải Chi Lăng cấu thành từ một thung lũng hẹp ép giữa hai dãy núi, phía Đông là dãy núi đất Bảo Đài-Thái Họa và phía Tây là núi đá Kai Kinh (Cai Kinh) dựng đứng. Con sông Thương ngoằn nghoèo chảy dọc theo thung lũng, bên con đường quốc lộ số 1A mà trước kia là đường cái quan lên biên giới, xuôi về kinh đô. Con đường sắt xuyên Việt với ga trung tâm là ga Trăm Năm (cách Hà Nội 105 km), được xây dựng từ thời Pháp thuộc tạo thuận lợi cho thông thương lên vùng Đông Bắc Việt Nam và ít nhiều làm giảm tính chất hiểm địa của cửa ải.
Những ngọn núi thấp rải rác dọc thung lũng và trấn ven đường cái quan như núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên. Đóng khóa hai đầu của thung lũng, nơi hai vòng cung núi đất phía Đông và núi đá phía Tây khép lại, là lũy Ải Quỷ phía Bắc và núi Ngõ Thề phía Nam, khoanh kín trong lòng một ải quan dài 5km, rộng khoảng 3km.
Tại Ải Chi Lăng còn có Thành Chi Lăng ở vào cây số 109 tính từ Hà Nội và tới cây số thứ 154 thì tới tỉnh lỵ Lạng Sơn[1], theo Đi thăm đất nước của Hoàng Đạo Thúy. Theo Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, Thành cổ tại Ải Chi Lăng do quân Minh đắp trong thời gian xâm lược Việt nam có chu vi 154 trượng và cao 5 thước, nay chỉ còn nền cũ. Ở gần cửa Nam của thành còn phiến đá khắc 5 chữ Hoàng tráng nhị thập đội (nơi trú đóng của đội quân Hoàng tráng thứ 20). Phía nam Ải Chi Lăng có hai khối đá lớn, một khối có hình dáng giống như thanh kiếm khổng lồ gọi là Lê Tổ Kiếm (thanh kiếm của vua Lê Thái Tổ) và một tượng đá có hình dáng như một người quỳ gối và bị cụt đầu gọi là Liễu Thăng Thạch (tức đá Liễu Thăng, ám chỉ tướng Liễu Thăng bị Lê Sát chém cụt đầu tại ải).
2. Quỷ Môn Quan:
Xã Chi Lăng có Ải Chi Lăng và Quỷ Môn Quan. Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn dẫn sách Hoàn Vũ Ký của Trung Quốc cho biết Quỷ Môn Quan nằm ở phía Nam huyện Bắc Lưu (Bắc Lưu thuộc châu Uất Lâm tỉnh Quảng Tây Trung Quốc)[2], cách huyện lỵ Bắc Lưu khoảng 30 dặm. Tại cửa quan này có hai khối núi đối nhau và ở giữa có độ rộng 30 bước, tục gọi Quỷ Môn Quan. Mã Viện đánh Việt Nam qua đấy dựng bia và tạc rùa đá. Đời nhà Tấn (265-420) binh lính Trung Hoa qua đó bị giết nhiều nên có câu Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn. Theo Phương Đình dư địa chí, xã Chi Lăng có quan lộ hẹp, núi đá hiểm trở, sông sâu nước độc được gọi là Quỷ Môn Quan.
Thời Lê Trung Hưng sứ Trung Hoa sang Việt Nam sách phong, ghét tên Quỷ Môn Quan nên đổi gọi bằng tên Úy Thiên Quan. Theo Việt Hoa thông sứ sử lược của Bế Lãng Ngoạn và Lê Văn Hòe [3], sứ bộ Việt Nam trên bước đường thiên lý sang Trung Hoa đều dừng tại Quỷ Môn Quan trước khi tiến đến Ải Nam Quan. Như vậy, Quỷ Môn Quan chính là một phần không thể tách rời của Ải Chi Lăng.
3. Lịch sử:
Từ thời sơ sử, cổ sử Việt Nam, con người đã để lại ở Chi Lăng vết tích của nền văn hóa Bắc Sơn-Mai Pha, với những hang động đẹp và những mảnh rìu đá, mảnh gốm.
Những năm trước và sau công nguyên, lịch sử đã chọn lựa Ải Chi Lăng như một địa danh đặc biệt gắn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh chống các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược của dân tộc Việt Nam. Ải Chi Lăng đã gắn liền với những hoạt động của các nhà quân sự tài năng như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và những thủ lĩnh của xứ Lạng như Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề[4].
4. Hiểm địa với ngoại xâm:
Trong suốt lịch sử xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, từ nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh đến nhà Thanh, Lạng Sơn luôn được coi là vị trí chiến lược chủ yếu và là hướng tấn công chính, lý do là vì ở đó là đồng bằng và chiếm được Lạng Sơn là chiếm được cửa ngõ châu thổ sông Hồng và chỉ còn 150km dọc đường cái quan (nay là quốc lộ 1A) là có thể tiến chiếm kinh đô Đại Việt. Tuy nhiên, với giặc ngoại xâm, Ải Chi Lăng trên con đường bách lý xuôi từ biên giới với Ải Nam Quan, qua Lạng Sơn về Thăng Long - Hà Nội, lại là một tử địa vì quy mô hoành tráng, đồ sộ, địa thế hiểm yếu thập nhân khứ, nhất nhân hoàn (10 kẻ đi chỉ 1 kẻ quay về được) của nó. Suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, với chiến lũy hình thang tại Ải Chi Lăng cùng hệ thống đầm lầy, sông suối, núi non hiểm trở của nó, luôn là bức tường thành từ xa của kinh đô Thăng Long ngăn bước viễn chinh quân xâm lược phương Bắc.
Năm 1077, phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt thân hành về Chi Lăng gặp phò mã Thân Cảnh Phúc bàn bạc việc binh. Với chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu (dựng tại Chi Lăng), Thân Cảnh Phúc và quân dân xứ Lạng đã góp sức đánh tan quân xâm lược Tống lần thứ hai.
Năm 1285, quân Nguyên qua Ải Chi Lăng đã bị quân nhà Trần chặn đánh kịch liệt và tướng Nguyên là Nghê Nhuận bị giết chết tại chỗ. Chính Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã thể hiện thiên tài quân sự của ông ở đây: bằng hố bẫy ngựa, phục binh của ta từ dưới hố dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, tách bọn Nguyên Mông thiện chiến ra khỏi ngựa mà tiêu diệt.
Cuối năm 1427, Ải Chi Lăng trở thành nơi ghi công một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Đạo quân chủ lực của nhà Minh do An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy gồm gần 10 vạn người kéo sáng để dẹp khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Lê Lợi đã phái Lê Sát dẫn các tướng lên đón đường, đặt quân mai phục. Tướng Trần Lựu giả cách thua vài trận để dụ Liễu Thăng lọt vào ổ phục kích tại núi Mã Yên. Quân Lam Sơn đổ ra chém chết Liễu Thăng khiến đạo quân cứu viện hùng hậu bị hoang mang, suy sụp, mất sức chiến đấu và tới đầu tháng 11 năm 1427 thì bị vây đánh, tiêu diệt bắt sống toàn bộ ở Xương Giang.
5. Khu di tích lịch sử Chi Lăng:
Khu di tích lịch sử Chi Lăng nằm trong vùng Ải Chi Lăng, bao gồm 52 điểm kéo dài gần 20km[5], phần lớn thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang, và chủ yếu liên quan đến trận đánh ngày 10 tháng 10 năm 1427 giết chết Liễu Thăng, chủ tướng quân xâm lược nhà Minh. Khu di tích lịch sử Chi Lăng được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1962.
Bia chiến thắng và Bảo tàng Chi Lăng được xây dựng tại khu di tích này vào năm 1982, nhân kỷ niệm 555 năm chiến thắng Chi Lăng 1427. Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng cũng được xây dựng vào những năm sau đó.